Chữ “Nhân” (nhân từ, nhân ái) mà Khổng Tử đưa ra đã trở thành lý tưởng chính trị xã hội và cũng là một nguyên tắc luân lý đạo đức.
Nội hàm quan trọng nhất của “Nhân” là tình yêu thương đối với người khác. Xuất phát từ lý niệm của “nhân ái” mà đề xướng ra cách cư xử giữa người với người nên là đi theo “Trung Thứ” (tức là trung thực và tha thứ). Tư tưởng “Trung Thứ” của Khổng Tử đã giúp bồi dưỡng đạo đức tốt đẹp của con người là thành thật không lừa dối, khoan dung mà đối đãi người, giúp đỡ người khác… Tư tưởng này có ảnh hưởng sâu xa, cho đến nay nó vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Đối nhân xử thế dùng “Thành” làm gốc
Một lần, Khổng Tử cùng với mấy người đệ tử của ông đàm luận về cách đối nhân xử thế.
Tử Lộ nói: “Người khác dùng thiện ý để đối đãi với ta, ta sẽ dùng thiện ý để đối đãi với hắn. Người khác dùng không thiện ý đối đãi với ta, ta cũng dùng không thiện ý để đối đãi với hắn.“
Khổng Tử nghe xong, bình luận: “Đây là cách làm của những kẻ man rợ thấp kém không có đạo đức lễ nghĩa.”
Tử Cống nói: “Người khác dùng thiện ý để đối đãi với ta, ta cũng dùng thiện ý đối đãi với hắn. Người khác dùng không thiện ý đối đãi với ta, ta sẽ chỉ dẫn hắn hướng thiện.“
Khổng Tử bình luận: “Đây là cách làm giữa những người bạn.“
Nhan Tử nói: “Người khác dùng thiện ý để đối đãi với ta, ta cũng dùng thiện ý đối đãi với hắn. Người khác dùng không thiện ý đối đãi với ta, ta dùng thiện ý đối đãi với hắn và chỉ dẫn hắn hướng thiện.“
Không Tử nghe xong lại bình luận: “Đây là cách làm nên có giữa những người thân. Nếu như có thể đem cách này mở rộng ra, dùng thành tâm đối đãi với người trong thiên hạ thì mới thực sự là thiện chí giúp người.”
Tu thân dưỡng tính, nhân nghĩa đối xử với mọi người
Nhan Tử đến hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, con muốn dùng nhân từ để đối xử với mọi người nhưng như thế nào mới có thể làm được? Điều con hy vọng bản thân có thể làm được chính là: lúc nghèo hèn cũng giống như lúc giàu sang, có uy nghiêm mà không cần cố ý hiển thị mình dũng cảm như thế nào, kết giao với những người có chí hướng, cả đời không có hoạn nạn. Như vậy có thể không ạ?”
Khổng Tử nói: “Muốn làm được dùng nhân từ đối xử với mọi người trước hết phải thông qua tu thân, không ngừng đề cao tu dưỡng đạo đức bản thân và cảnh giới tư tưởng của mình mới có thể làm được. Điều con nói là vô cùng tốt, lúc nghèo khó cũng giống như lúc giàu sang thì con có thể biết đủ mà không bị dục vọng thao túng. Lúc thấp kém cũng như lúc cao quý thì con có thể thủy chung khiêm nhượng và lễ độ. Có uy nghiêm mà không cần cố ý hiển thị mình dũng cảm như thế nào thì con có thể cung kính đối xử với mọi người mà không có sai sót với họ. Kết giao với những người có chí hướng, cả đời không có hoạn nạn thì con có thể cẩn thận lựa chọn bạn, lựa chọn lời cần nói và việc cần làm. Đây là chí hướng vô cùng vĩ đại.”
Khổng Tử nói rằng, muốn đối xử tốt với mọi người phải bắt đầu từ việc tu thân. Đối xử với mọi người không phải là mục đích mà mục đích là đề cao cảnh giới của bản thân. Khổng Tử đem “nghĩa, lễ, tốn, tín” làm phẩm chất thiết yếu của người quân tử. Người quân tử có thể thông qua tự xét lại mình để nhận thức “nhân”, dùng “nhân” để “khiêm tốn”, dùng khoan dung mà đối đãi người khác, hành nhân nghĩa với người. Bất luận là ở tại thời điểm nào đều dùng tiêu chuẩn đạo đức cao thượng làm nguyên tắc đối nhân xử thế, thủ vững tâm linh sạch sẽ, thiện hóa người khác, trân quý sinh mệnh, tư tưởng không bị loạn bởi phú quý, phẩm đức không bị cải biến bởi nghèo hèn, ý chí không bị khuất phục bởi quyền thế. Đây là hành vi của bậc chính nhân quân tử.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: