Nhiều người biết rằng vất vả truy cầu, tranh đấu vì tiền tài và lợi ích cá nhân khiến cả thân lẫn tâm mỏi mệt, thậm chí gia đình ly tán, bạn bè không nhìn mặt nhau. Tuy nhiên, khi tiền tài và lợi ích bày ra trước mắt thì lại khó lòng cưỡng được. Làm thế nào để có thể buông bỏ tài lộc và lợi ích cá nhân?
Sự tích Hoàng Hạc Lâu
Ngày xưa, có một người đàn ông tên Tâm là chủ một quán rượu nhỏ. Một ngày kia, một người đàn ông ăn mặc rách rưới đến và hỏi xin ông một bát rượu. Ông Tâm chẳng những không coi thường người ăn mày vì vẻ bề ngoài của ông ấy, mà còn cho ông ấy một bát rượu lớn mà không lấy tiền.
Sáu tháng tiếp đó, ngày nào người đàn ông cũng đến xin rượu. Và lần nào ông Tâm cũng cho rượu mà không hề khó chịu.
Một ngày nọ, người đàn ông nói với ông Tâm: “Tôi nợ ông rất nhiều tiền rượu, nhưng tôi không có tiền để trả ông”. Rồi ông lấy ra một miếng vỏ cam từ chiếc túi mang bên người, và vẽ lên tường một con hạc vàng bằng miếng vỏ cam.
“Chỉ cần vỗ tay khi có khách ở đây, con hạc sẽ nhảy múa”, người đàn ông nói. Rồi ông vỗ tay và hát để chứng minh điều mình vừa nói. Con hạc quả thực nhảy ra khỏi bức tường và nhảy múa theo điệu nhạc.
Dần dần, quán rượu của ông Tâm trở nên nổi tiếng vì con hạc biết nhảy múa. Nhiều vị khách tới để được tận mắt xem điều kỳ lạ. Thế là ông Tâm trở nên giàu có trong những năm sau đó.
Một ngày, người đàn ông trở lại, vẫn trong bộ quần áo rách rưới. Ông Tâm cảm ơn người đàn ông và muốn được chu cấp cho ông cho đến hết đời. Người đàn ông cười và đáp: “Đó không phải là lý do tôi tới đây”.
Rồi ông lấy ra một cây sáo và thổi vài điệu nhạc. Khi ông thổi sáo, những đám mây từ trên cao bỗng hạ xuống, và từ giữa những đám mây một con hạc bay về phía họ. Người đàn ông cưỡi trên lưng hạc và bay lên trời.
Ông Tâm tin rằng người đàn ông đó chính là một vị Đạo tiên. Để tỏ lòng cảm kích, ông Tâm đã xây một ngôi lầu tại nơi vị Đạo tiên cưỡi hạc bay lên trời. Nó được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu, có nghĩa là “Lầu Hạc Vàng”.
Trên đây là truyền thuyết về “Hoàng Hạc Lâu” lưu danh thiên cổ của Trung Hoa. Trong câu chuyện trên, ông chủ quán rượu nhờ buông bỏ tài lộc mà có được tài lộc lớn hơn. Quả như lời người xưa nói: “Xởi lởi Trời gởi của cho”.
Câu chuyện về Lã Động Tân
Lã Động Tân là một trong tám vị Tiên bất tử của Đạo gia. Trong quá trình tu luyện, ông đã vượt qua nhiều khảo nghiệm nghiêm khắc về danh lợi.
Một lần, Lã Động Tân đi lên thị trấn bán hàng. Sau khi đã thỏa thuận xong về giá cả, bên mua đột nhiên trở mặt và chỉ trả nửa giá tiền. Lã Động Tân không hề tranh cãi với người mua hàng, chỉ nhận tiền rồi rời đi.
Một lần khác, khi Lã Động Tân đang chuẩn bị rời khỏi nhà thì có một kẻ ăn mày dựa vào cửa nhà ông xin của bố thí. Lã Động Tân lập tức đưa cho ông ta một chút tiền. Tuy nhiên, người ăn mày vẫn tiếp tục đòi tiền và còn mắng chửi ông bằng những lời lẽ khó nghe. Lã Động Tân chỉ mỉm cười và cảm ơn người ăn mày.
Có thể nói tình huống Lã Động Tân gặp phải khó hơn bội lần tình huống của ông chủ quán rượu nói trên. Người chịu ơn của ông không những không cảm ơn, không báo đáp mà còn mắng chửi. Tuy nhiên, Lã Động Tân lại vui vẻ đón nhận với thái độ biết ơn. Ông đã một lúc buông bỏ cả tiền tài (lợi) và thể diện (danh).
Trong tất cả mười khảo nghiệm động chạm đến lợi ích cá nhân, Lã Động Tân đều có thể bất động tâm. Cuối cùng, Lã Động Tân đắc Đạo thành Tiên, vĩnh viễn thoát khỏi bể khổ luân hồi, tiêu diêu nơi Thiên giới. Đây có thể nói là “lợi ích cá nhân” lớn nhất mà người thường vất vả truy cầu nhưng vĩnh viễn không có được.
Làm thế nào để buông bỏ tài lộc và lợi ích cá nhân?
Nhiều người biết rằng vất vả truy cầu, tranh đấu vì tiền tài và lợi ích cá nhân khiến cả thân lẫn tâm mỏi mệt, thậm chí gia đình ly tán, bạn bè không nhìn mặt nhau. Tuy nhiên, khi tiền tài và lợi ích bày ra trước mắt thì lại khó lòng cưỡng được. Làm thế nào để có thể buông bỏ tài lộc và lợi ích cá nhân?
Tương truyền Lã Động Tân từng lên kinh thành ứng thí, có duyên may gặp Vân Phòng tiên sinh nhưng lại từ chối đi tu Đạo.
Tuy nhiên, Vân Phòng và Lã Động Tân ở cùng một phòng trọ với nhau. Khi Vân Phòng đang nấu cháo kê, Lã Động Tân đột nhiên ngủ mê mệt. Ông có một giấc mơ rằng ông đỗ làm Trạng Nguyên, nhậm một chức quan lớn ở triều đình, và cưới hai người con gái của một gia đình giàu có.
Trong giấc mơ ấy ông có nhiều thê thiếp, người hầu và con cháu. Khoảng 40 năm sau, ông trở thành Thừa Tướng, đảm nhiệm chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình tròn một thập niên. Tuy nhiên, ông đã vô ý phạm phải trọng tội, cuối cùng phải lìa vợ xa con, lưu lạc nơi núi rừng hoang dã, đơn độc một mình, khốn khổ tiều tụy. Khi đang cưỡi ngựa giữa cơn gió tuyết, ông thở dài cảm thán thì đã thấy mình thức dậy bên cạnh nồi cháo kê đang nấu.
Vân Phòng cười và tụng hai câu thơ:
“Hoàng lương do vị tục
Nhất mộng đáo hoa tư”
Nghĩa là:
“Nồi kê còn chưa chín
Giấc mộng đã mơ xong”
Lã Động Tân thất kinh, hỏi: “Tiên sinh có biết giấc mộng của tôi có nghĩa là gì không?”.
Vân Phòng đáp: “Giấc mộng vừa rồi của ngươi, thăng trầm muôn vẻ, vinh nhục đa đoan. Năm mươi năm không là gì hết, chỉ trong nháy mắt. Do vậy, được mất trong cuộc sống ngắn ngủi này không có nghĩa lý gì cả. Thế nhân phải kinh qua quá trình đại triệt đại ngộ, mới hiểu ra rằng nhân thế chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi”. Lã Động Tân cảm ngộ, nhận ra rằng giấc mộng trên là một điểm hóa, bèn nguyện ý theo Vân Phòng đi tu Đạo.
Thời gian đời người là hữu hạn, ai cũng không tự biết mà dành nó cho những mục tiêu mà mình cho là đáng giá nhất. Ai cho tiền tài là quý, nhất định sẽ không buông tiền tài. Ai cho ái tình là quý, ắt sẽ quỵ luỵ vì tình. Ai cho danh vọng là quý, ắt sẽ khổ sở bon chen vì danh vọng.
Ai thấu hiểu lẽ được – mất vốn chỉ là hoán chuyển, nhân quả báo ứng như bóng với hình, thì sẽ vui vẻ cho đi. Ai thức tỉnh giữa cõi phàm trần, mới biết nhân sinh như mộng. Con người ta chỉ có thể buông bỏ khi đã thấu hiểu rằng, thứ mình đang truy cầu vốn chỉ như trăng trong đáy nước, vốn chẳng có gì đáng giá.
Thanh Ngọc