Đại Kỷ Nguyên

Biết trước là khó thành nhưng vì sao Khổng Tử vẫn đi khuyên bảo tên cướp?

Bậc thánh hiền luôn có nguyên tắc, suy nghĩ và hành động khác với người thường. Câu chuyện về Khổng Tử đi khuyên bảo tên cướp là bài học sâu sắc cho người đời sau.

Khổng Tử và Liễu Hạ Quý là bạn tốt của nhau. Liễu Hạ Quý có một người em trai tên là Chích. Chích là người dẫn đầu một nhóm người, chuyên đi hoành hành thiên hạ, xâm phạm tất cả các nước chư hầu, giết người cướp của, không nể tình ân nghĩa. Dân chúng khắp nơi đều kêu khổ thấu trời, họ cũng gọi anh ta là “Đạo Chích” (Kẻ trộm cướp).

Khổng Tử nghe nói Đạo Chích là em trai của Liễu Hạ Quý, liền tìm gặp Liễu Hạ Quý và nói: “Làm cha mẹ, nhất định phải dạy bảo tốt con cái. Làm anh, cũng phải dạy bảo tốt em trai. Ngài hiện giờ rất có danh vọng, nhưng em trai ngài lại là cường đạo, trở thành tai họa của thiên hạ. Ngài không thể dạy bảo được em trai mình, ta thực cảm thấy thẹn thay ngài. Xin phép cho ta thay ngài đi thuyết phục anh ta.”

Liễu Hạ Quý trả lời: “Người làm cha phải dạy con, làm anh phải dạy bảo em trai, nhưng nếu như con không nghe cha, em trai không tiếp thu lời dạy bảo ấy thì phải làm sao đây? Huống chi, Chích lại là người khăng khăng ý mình, giỏi bao biện. Thuận theo ý của đệ ấy thì đệ ấy mới vui, không thuận theo ý là giận giữ thậm chí sát nhân. Cho nên, ta khuyên ngài không nên đến mà rước họa vào thân.”

Khổng Tử biết trước rằng khuyên bảo được Đạo Chích là việc khó thành, nhưng nếu không đi thì lương tâm sẽ không yên, có lỗi với lương tâm của chính mình. Vì vậy, Khổng Tử cho Nhan Hồi và Tử Cống đánh xe đưa ông đến gặp Đạo Chích. Lúc ấy Đạo Chích cùng quân đang nghỉ ngơi tại phía nam  của núi Thái. Anh ta nghe nói Khổng Tử đến gặp mình thì vô cùng tức giận, cự tuyệt không tiếp. Khổng Tử lại một lần nữa xin gặp. Ông cho đệ tử vào nói với Đạo Chích: “Ta may mắn được là bạn của Liễu Hạ Quý nên cũng muốn đến bái kiến ngài!”

Đạo Chích rất muốn đùa cợt Khổng Tử một phen nên đã nói với đệ tử: “Hãy để cho ông ta vào!”

Khổng Tử cúi đầu bước nhanh vào trong và không ngồi trên chiếu. Đạo Chích thấy Khổng Tử tiến đến liền trừng mắt, hai tay giữ chặt chuôi kiếm nói: “Khổng Khâu! Ông tiến lên đây! Ông muốn nói cái gì thì nói đi, nhưng có điểm này ta cần nói trước với ông. Nếu ông nói thuận với tâm ý của ta, ta sẽ cho ông được sống. Còn như nói không thuận ý ta, ta sẽ lấy mạng của ông đấy!”

Khổng Tử nghe xong nhưng không sợ hãi mà nói: “Ta nghe nói, người trong thiên hạ có 3 loại đức tính: Người có thân thể cao lớn, dung mạo xinh đẹp, bất kể là người già hay trẻ nhìn thấy anh ta đều yêu thích, thì đó là thượng đức. Người lấy trí hiểu được trời đất, phân biệt được rõ mọi vật thì ấy là đức trung đức. Dũng cảm, quả quyết, tập hợp được quần chúng đó là hạ đức. Bất cứ người nào chỉ cần có một trong ba loại đức ấy thì đều có thể quay mặt về Phương Nam mà xưng Vương với thiên hạ. Nay ngài đã có đủ ba đức nhưng lại bị xưng là cường đạo. Tôi thực cảm thấy hổ thẹn thay ngài. Nếu ngài chịu nghe lời ta, ta sẽ tình nguyện làm Sứ đi tới các nước khuyên bảo các nước chư hầu xây dựng cho ngài một tòa thành lớn, phong cho ngài mấy chục vạn nhà cửa đất đai, tôn ngài làm chư hầu. Từ đó, trả lại cuộc sống ấm no cho đời, bãi binh, để cho dân lành có một cuộc sống thái bình. Đây mới là hành vi của người có đạo đức. Đồng thời cũng là nguyện vọng của trăm dân.”

Đạo Chích nghe xong lời khuyên bảo của Khổng Tử liền nói rất nhiều lời khiếm nhã: “Khổng Khâu, ngươi ăn mặc y phục nhà Nho, lời nói ngon ngọt, hành động dối trá, so ra ngươi có kém gì đạo tặc? Người trong thiên hạ lẽ ra phải gọi ngươi là Đạo Khâu chứ. Ngươi tự cho mình là có tài năng, dùng lời lẽ để khuyên nhủ ta, ta đều phỉ nhổ vào. Ngươi mau trở về đi, nếu không đừng trách ta không khách khí!”

Khổng Tử nghe xong liền ra về. Vừa về đến cửa đông thì gặp Liễu Hạ Quý. Liễu Hạ Quý hỏi Khổng Tử: “Mấy ngay nay không gặp ngài, không biết ngài đã đi đâu? Hẳn là ngài đã đi gặp Đạo Chích sao?”

Khổng Tử ngửa mặt lên trời nói: “Đúng vậy!”

Liễu Hạ Quý liền hỏi: “Vậy ngài đã thuyết phục được hắn chưa?”

Khổng Tử trả lời: “Ta đúng là đã trêu chọc lão hổ rồi! Thiếu chút nữa bị lão hổ ăn tươi! Ta đã cố gắng thuyết phục, giáo huấn, dù không được kết quả như ý, nhưng ta đã không có lỗi với lương tâm của mình!”

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version