Đại Kỷ Nguyên

Ảo thuật cổ đại xuất quỷ nhập Thần khiến người xem kinh ngạc, khoa học hiện đại không thể giải thích

Nếu ảo thuật là tiểu xảo, thì vì sao rất ít người có thể làm được? Bởi vì trong ảo thuật ngoài kỹ năng tiểu xảo thì còn có công năng và các loại pháp thuật… Thế nên, nếu chỉ đứng tại góc độ của khoa học hiện đại thì rất khó lý giải.

Đại đa số các nhà ảo thuật hiện nay dùng kỹ xảo để đánh lừa thị giác người xem. Nhưng khi có người chỉ ra các bước thực hiện để ai ai cũng có thể bắt chước làm theo, thì những màn ảo thuật này cũng trở nên kém hấp dẫn, bị cho là “chỉ lừa được con trẻ”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những màn trình diễn của các nhà ảo thuật đại tài mà người đời không thể lý giải được, ví dụ như làm biến mất đoàn tàu, biến mất tháp Eiffel, bước xuyên qua Vạn Lý Trường Thành… Cho đến nay những màn trình diễn ấy vẫn là bí ẩn mà khoa học chưa thể giải thích. Có người cho rằng đó là phép bịt mắt, cũng có người cho rằng đó là thần thông.

Nhưng nếu so sánh với ảo thuật thời cổ đại thì sẽ thấy tài năng của người xưa còn huyền ảo và kỳ diệu hơn rất nhiều. Dưới đây là bài viết của tác giả Huệ Minh kể về thần thông kỳ diệu của người xưa, được đăng tải trên trên trang mạng Sound Of Hope:

Chiếc bình chứa mãi không đầy

Trong “Hà Đông Tập” ghi chép rằng, vào những năm Trinh Nguyên đời Đường, trên phố Dương Châu xuất hiện một nữ nghệ nhân biểu diễn ảo thuật kiếm sống. Không ai biết cô từ nơi nào đến, chỉ biết rằng cô gái ấy họ Hồ, tên Mị Nhi. Những màn biểu diễn ảo thuật của Mị Nhi vô cùng quái dị, người đến xem càng ngày càng đông, ai ai cũng bội phục trước cô gái đại tài này.

Vào một buổi sáng, Mị Nhi lấy ra một chiếc bình thủy tinh trong suốt, bên trong trống rỗng không có gì. Cô đặt chiếc bình lên rồi nói với người qua đường: “Nếu các vị hảo tâm có thể bố thí cho đầy cái bình này, thì tôi xin ghi lòng tạc dạ”.

Chiếc bình nhỏ thế, miệng chỉ rộng bằng thân cây sậy, làm đầy bình thì có gì khó đâu? Có người lấy ra một trăm đồng bỏ vào bình, “keng” một cái, tiền đã lọt vào trong bình rồi. Nhưng kỳ lạ là từng đồng từng đồng chỉ nhỏ li ti như hạt gạo. Khán giả vây quanh đều tỏ ra kinh ngạc. Có người bỏ vào bình một ngàn đồng, rồi lại có người cho thêm một vạn đồng, nhưng kết quả vẫn giống như lúc trước, mãi chẳng thể đầy bình cho được. 

Một lát sau có vài người hiếu sự đến xem, kẻ thì lấy ra mười vạn đồng, kẻ lại bỏ ra hai mươi vạn đồng. Kết quả vẫn như cũ. Còn có người cưỡi lừa và ngựa chui vào trong bình, tất cả đều thu nhỏ lại như hạt đậu, cả người và ngựa ấy vẫn tiếp tục phi nước đại như bay.

Một lúc sau có hai vị quan từ Dương Tử Viện dẫn theo mười xe chở hàng hóa đi ngang qua đó, tất cả đều dừng lại để xem. Đoàn người tỏ ra hứng thú muốn thử vào trong bình, xem xem có thể mang tất cả xe cộ hàng hóa mà nhảy vào hay không.

Họ nói với Hồ Mị Nhi rằng: “Cô có thể làm cho những chiếc xe này chui vào trong bình không?”.

Hồ Mị Nhi đáp lại: “Chỉ cần được các ngài cho phép là có thể làm được”.

Vị quan dẫn đầu nói: “Được, cô có thể thử nghiệm một chút”. 

Hồ Mị Nhi nghiêng chiếc bình và hét lớn một tiếng, những cỗ xe kia liền nối đuôi nhau tiến về phía trước, lần lượt tiến vào trong bình giống như một đàn kiến, một lát rồi biến mất. 

Lúc này Hồ Mị Nhi cũng nhún người nhảy vào trong bình. Vị quan kinh hãi liền vội vàng đập bể cái bình, nhưng không thể tìm được thứ gì trong đó.

Hơn một tháng sau, ở phía bắc huyện Thanh Hà có người nhìn thấy Hồ Mị Nhi dẫn đầu đoàn xe kia nhắm hướng huyện Đông Bình mà tiến. Câu chuyện này cũng trở thành huyền thoại và được lưu truyền trong dân gian.

(Ảnh minh họa: sohu.com)

Pháp thuật của Cát Huyền

Cát Huyền, tự Hiếu Tiên, là đạo sĩ nổi tiếng của nước Tôn Ngô thời Tam Quốc. Ông từng theo Tả Từ học “Cửu Đan Kim Dịch Tiên Kinh”. Một hôm, ông cùng ăn trưa với một vị khách, vị khách nói: “Đợi cơm nước xong xuôi, tiên sinh làm một chút biến hóa để mọi người thưởng thức nhé”.

Cát Huyền nói: “Vì sao không phải là ngay bây giờ?”. 

Nói rồi ông liền biến những hạt cơm trong miệng thành đàn ong bắp cày, tổng cộng có đến mấy trăm con, đồng loạt bay ra bám lên thân vị khách, nhưng không hề đốt ông ta.

Một lúc sau, Cát Huyền há miệng, đàn ong bắp cày lại bay vào trong và trở lại thành hạt cơm như cũ. Cát Huyền lại chỉ huy bầy chim sẻ và chim én tới nhảy múa, chúng cũng biết nhảy theo tiết tấu giống hệt như con người vậy.

Mùa đông, Cát Huyền biến ra các loại trái cây để mời khách thưởng thức. Mùa hè ông biến ra băng tuyết dâng lên cho khách dùng. Ông lại đưa mấy chục đồng tiền xu cho mọi người tùy ý ném vào trong giếng. Sau đó ông đứng trên giếng gọi một tiếng, những đồng tiền ấy lại lần lượt từ trong giếng bay lên.

Khi Cát Huyền bày tiệc rượu, những chiếc chén tự động bay đến trước mặt khách. Nếu khách uống chưa xong, những chiếc chén cũng sẽ ở lại đó không rời đi.

Có một lần, Cát Huyền và Tôn Quyền ngồi trên lầu, trông thấy mọi người đang làm tượng đất để cầu mưa. Tôn Quyền nói: “Dân chúng mong ngóng trời mưa, nhưng làm vài tượng đất này lẽ nào có thể có mưa được?”. 

Cát Huyền nói: “Muốn có mưa thì cũng dễ làm thôi”. Dứt lời ông liền viết lá bùa đặt vào miếu Thổ Địa. Trong chốc lát, trời đất tối sầm, mưa xối xả trút xuống, nước chảy lênh láng. Tôn Quyền nói: “Trong nước có cá không?”. 

Cát Huyền lại viết bùa ném vào trong nước, chỉ một lát sau mấy trăm con cá lớn bơi lội tung tăng. Tôn Quyền lại sai người bắt cá về làm tiệc chiêu đãi.

Nước sông chảy ngang

Ngô Mãnh là người huyện Bộc Dương, làm quan ở nước Ngô, từng đảm nhiệm chức huyện lệnh Tây An. Ông vô cùng hiếu thuận, từng có cơ hội được Thánh nhân Đinh Nghĩa truyền dạy Đạo Tiên. Thêm vào đó Ngô Mãnh còn có bí quyết bùa Thần, vì vậy pháp thuật của ông vô cùng lợi hại.

(Ảnh minh họa: lovepik.com)

Một lần gặp phải trận gió lớn, Ngô Mãnh viết lá bùa ném lên nóc nhà. Ngay sau đó có một con chim xanh ba chân ngậm lấy lá bùa và bay đi, gió lớn cũng lập tức dừng lại.

Có người hỏi nguyên nhân vì sao, ông nói: “Ở Nam Hồ có một chiếc thuyền bị gió lớn tấn công, trận gió lớn vừa qua là đạo sĩ trên thuyền đang cầu cứu đó”. 

Mọi người đi kiểm tra thì quả đúng là như vậy.

Một vị quan ở Tây An là Can Khánh đã qua đời được ba ngày, Ngô Mãnh nói: “Vận số của ông ấy còn chưa tới, nhất định phải khiếu nại với Trời”. 

Nói rồi Ngô Mãnh bèn nằm xuống bên cạnh thi thể, vài ngày sau, cả ông và Can Khánh cùng nhau ngồi dậy.

Sau này Ngô Mãnh dẫn đồ đệ quay về quận Dự Chương, thấy nước sông Trường Giang chảy xiết nên không thể qua sông được. Ngô Mãnh liền cầm chiếc quạt lông trắng trong tay hướng về phía mặt sông vạch một nét, lập tức nước sông liền chảy ngang, đồng thời xuất hiện một con đường. Nhóm người đi theo con đường ấy mà qua sông Trường Giang, xong xuôi đâu đấy nước sông lại trở lại như cũ, những người chứng kiến đều vô cùng kinh ngạc.

***

Nếu như các màn ảo thuật hiện đại là dùng kỹ xảo đánh lừa thị giác, thì cũng có một bộ phận ảo thuật là có thần thông trong đó. Nhưng vì người bình thường không lý giải được nên mới cho rằng đó là giả.

Lý giải theo giới tu luyện thì chiếc bình thần kỳ của cô Hồ Mị Nhi thực ra không có gì thần kỳ cả, chẳng qua là vì cô dùng công năng ban vận để dịch chuyển đồ vật từ không gian này sang không gian khác, gọi là “ban vận công”. Còn phép biến hóa của Cát Huyền thì chính là thuật “không trung sinh hữu”, biến ra vật hữu hình từ những thứ vô hình, hoặc từ vật này biến thành vật khác. Đây chính là công năng đặc dị, hoàn toàn khác với ảo thuật vốn dùng kỹ xảo để che giấu vật thể, đánh lừa thị giác khán giả. Còn chuyện rẽ sông thành đường cũng là một loại công năng. Trong Kinh Thánh cũng ghi chép một chuyện tương tự, kể rằng Moses từng rẽ nước đưa người Do Thái băng qua Biển Đỏ thoát nạn.

Người hiện đại không tin vào Thần tích, họ nói rằng chỉ khi Thần hiện ra làm các phép thần thông biến hoá, có nhìn thấy thì họ mới tin. Nhưng Thần Phật đâu phải là con người thế gian mà truy cầu danh tiếng, tranh thắng phân thua, thể hiện tài năng? Họ đâu vì câu nói của người phàm trần mà thi triển khả năng. 

Cũng có người nói, tại sao xưa có nhiều thần tích xuất hiện mà nay không có? Phải chăng là do cổ nhân hư cấu? Người xưa vô cùng coi trọng chữ Tín, lời nói ra ắt phải là chân thật, huống hồ là viết sử sách. Cổ nhân kính Trời lễ Phật, làm theo lời dạy của Thần, không ngừng tu dưỡng đạo đức, tiếp cận gần với cảnh giới Thần Phật thì Thần Phật mới triển hiện thần tích. Hiện nay thần tích không phải không còn mà là chỉ triển hiện cho những người tín Thần, nhất là người tu luyện ở núi sâu rừng già. Khi con người nâng cao đạo đức, nâng cao cảnh giới tinh thần thì thần tích mới lại triển hiện cho con người thế gian.

Exit mobile version