Đại Kỷ Nguyên

Ai sẽ được chọn làm Thần Thành hoàng?

Miếu Thành hoàng nơi thờ phụng Thành hoàng da (giữa). (Ảnh: Pixabay)

Mỗi thành phố, thị trấn và địa phương đều có một vị Thần thủ hộ, tiễn hung trừ ác, đó là Thành hoàng. Dân gian bách tính và quan lại đều rất tôn kính vị Thần thủ hộ địa phương này, tôn xưng là “Thành hoàng da” (城隍爺 – da là từ tôn xưng bậc bề trên, chủ tôn hoặc Thần minh). Thành hoàng da được tuyển chọn như thế nào?

Bạn đã từng nghe chuyện về “thi tuyển” Thành hoàng chưa? Ai có thể được làm Thành hoàng da?

Tống Đảo công tham gia “thi tuyển thành hoàng”

Bồ Tùng Linh trong cuốn sách “Liêu trai chí dị” đã kể câu chuyện về Tống Đảo công, ông nội của anh vợ Bồ Tùng Linh, đã “thi tuyển Thành hoàng” như thế nào.

Khi Tống Đảo còn sống, ông là Ấp Trung lẫm sinh (sinh viên đã qua khảo thí hợp các, nhập vào các phủ, châu, huyện khác nhau để học, nhận được trợ cấp hai lượng bạc và ngũ cốc từ quốc khố). Một ngày nọ, khi Tống Đảo đang ốm nằm trên giường, đột nhiên có một sai sứ đưa đến một phong thư công văn, đem theo một con ngựa trắng, và bảo ông đi thi. Tống Đảo nghi hoặc hỏi: “Hiện tại đề đốc học chính còn chưa đến, sao đột nhiên lại gọi ta đi thi?” Sai sứ không trả lời, mà chỉ thúc giục ông nhanh chóng rời đi. Tống Đảo phi ngựa nhanh nhất có thể đi theo viên sai sứ.

Trong cuộc hành trình, con đường dần biến trở nên vắng lặng, rồi họ đến một thành quách, trông giống như đô thành của bậc vương giả. Chẳng bao lâu sau, ông bước vào một tòa cung điện tráng lệ. Chỉ nhìn thấy đại điện đường hoành vĩ, có hơn mười vị quan ngồi trên, Tống Đảo chỉ nhận ra một người trong số họ, chính là Quan Đế quân (Quan Vũ). Trước điện đường bày hai cái bàn và một cái đôn, trên bàn có bút, mực đen và giấy. Khi đó, đã có một tú tài ngồi ở cuối, nên Tống Đảo ngồi kề anh ấy.

Một lúc sau, một tờ giấy bay xuống, trên đó viết câu hỏi thi: “Một người hai người, hữu tâm vô tâm”.

Tống Đảo và một vị tú tài khác đã hoàn thành bài thi và mang tác phẩm lên trình bày. Trong bài của Tống Đảo viết có hai câu: “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng; Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt”. Ý tứ là hành thiện xuất tự tâm hữu cầu, thì dù làm việc thiện cũng không được khen thưởng; Vô tâm vô ý mà làm việc ác, thì vẫn có thể được miễn phạt. Chư thần đọc bài thi của ông đều hết lời khen ngợi.

Sau đó, bọn họ mời Tống Đảo lên điện đường truyền dụ, nói: “Địa phương Hà Nam đang thiếu một vị thành hoàng, ngài có thể đảm nhận vị trí này”. Lúc này, Tống Đảo mới chợt ngộ ra, đây thực sự là một trường thi, vội vàng cúi đầu sát đất, rồi nói trong nước mắt: “Được ân sủng này, sao tôi dám từ chối, chỉ vì trong nhà mẹ tôi đã 70 tuổi rồi, không có ai phụng dưỡng, nên tôi thỉnh cầu ngài cho tôi phụng dưỡng bà an hưởng hết tuổi trời, sau đó tôi sẽ đến đảm nhận công việc này”.

Trên điện đường, có một người đàn ông tướng mạo như đế vương, lập tức ra lệnh kiểm tra thọ mệnh của mẹ Tống Đảo. Một viên quan nhỏ có bộ râu dài lật qua một cuốn sổ và nói: “Dương thọ còn chín năm”. Chư vương trong điện đều do dự, lúc này, Quan Đế nói: “Chi bằng cho Trương Sinh làm thay trong chín năm, sau đó thì thay thế ông ấy!” Theo đó, Quan Đế nói với Tống Đảo: “Ngài lẽ ra phải lập tức nhậm chức để thực hiện nhiệm vụ của thành hoàng, nhưng vì có tâm nhân từ và hiếu thảo, ngài sẽ được ban cho chín năm nghỉ phép, hết hạn sẽ chiêu kiến”. Sau đó, Quan Đế lại dùng mấy câu động viên vị tú tài.

Hai người quỳ lạy rồi rời vương điện. Tú tài nắm tay Tống Đảo, đưa ông khỏi thành về nơi thôn dã. Tú tài nói với ông rằng mình là Trương Sinh, người Trường Sơn, rồi từ biệt ông bằng một bài thơ. Tống Đảo chỉ còn nhớ câu đối “Có hoa có rượu xuân thường tại; Không đuốc không đèn đêm tự minh”.

Tống Đảo lên ngựa rời đi. Khi đến làng, cảm thấy mình như chợt tỉnh dậy sau một giấc mơ. Lúc đó, đã ba ngày kể từ khi ông qua đời. Trong nhà, người mẹ già nghe thấy tiếng rên rỉ từ trong quan tài, vội đỡ con trai dậy, phải một lúc lâu Tống Đảo mới mở được miệng. Ông hỏi thăm về Trương Sinh ở Trường Sơn, và được xác nhận rằng có một tú tài ở Trường Sơn, tên Trương Sinh, đã chết vào ngày hôm đó.

Chín năm sau, mẹ của Tống Đảo quả nhiên qua đời. Sau khi lo tang sự cho mẹ xong, Tống Đào tắm rửa tẩy tục vào phòng ngủ, rồi qua đời.

Gia đình đàng vợ của của Tống Đảo sống ở cổng phía tây trong thành, sau này, người nhà vợ ông mới biết được rằng, vào thời khắc mà Tống Đảo qua đời, Tống Đảo đã đến nhà nhạc gia. Ông đầu trang sức gấm, thân treo những dải lụa đỏ, uy nghi đường đường, được bao quanh bởi rất nhiều người và xe ngựa. Tống Đảo lên thính đường nhà nhạc gia để bái một bái, rồi đột ngột rời đi. Người nhà nhạc gia rất ngạc nhiên, không biết rằng lúc đó Tống Đảo đã thành Thần.

Lễ rước Thành hoàng ở làng Bình Đà (Ảnh Wiki)

Làm Thành hoàng sau khi hoàn kết quả báo của ba kiếp luân hồi

Việc một người có phẩm hành được chọn làm Thành hoàng âm phủ không phải là chuyện hiếm thấy. Lý Trường Tùng cũng là một ví dụ, ông là chuyển sinh của Viên Mai, một danh nhân thời nhà Thanh. Trước khi Lý Trường Tùng đi nhậm chức, ông đã hiển linh trước mặt cha mình, giải quyết công việc bình sinh còn dang dở, tận hiếu với cha.

Viên Mai (1716-1797 sau Công nguyên, tự Tử Tài, hiệu Giản Tề) là người đứng đầu Thi đàn Minh Chủ thời thịnh thế của nhà Thanh, ông mất vào năm Gia Khánh thứ hai, thọ 82 tuổi. Năm năm sau, ông chuyển sinh vào gia đình họ Lý ở Lô Giang, tỉnh An Huy, tên là Trường Tùng, tự Tử Hạc. Ông nội và cha của Lý Trường Tùng đều là xuất thân sĩ tộc, Lý Trường Tùng từ khi còn nhỏ đã có thể tự ước thúc bản thân chăm chỉ học tập, điều hiếm thấy hơn là cậu biết nỗ lực tu dưỡng bản thân, từ rất nhỏ đã biết sống đạm bạc, ít sở thích. Hiếu tâm của ông đối với cha, sự trung thành đối với bạn bè, thì đến chết cũng không quên. Ông đọc sách học tập, đối với các bậc tiên hiền rất tôn kính, duy chỉ có đối với Viên Giản Trai (tức Viên Mai) thì rất không ưa. Bất cứ khi nào nhìn thấy tác phẩm của Viên Giản Trai trong hiệu sách, ông nhất định sẽ mua chúng về nhà và đốt; và ngay khi nhìn thấy cái tên “Viên Giản Trai” trên trang sách, thì sẽ dùng ngón tay tẩy sạch nó rồi mới dừng lại. Có người hỏi nguyên nhân, nhưng ông thật sự không nói ra được tại sao, chỉ đáp: “Chỉ là tôi đặc biệt coi thường người này mà thôi!”

Vào năm Đạo Quang Tân Mão (1831 SCN), Lý Trường Tùng, 29 tuổi, là phó cử nhân trong kỳ thi hương tỉnh Giang Nam. Năm sau, ông tham gia kỳ thi hương ân khoa Nhâm Thìn, không ngờ trên đường bị nhiễm bệnh và qua đời tại một lữ điếm ở Kim Lăng (Nam Kinh) vào đêm ngày 7 tháng 8.

Một ngày trước khi chết, Lý Trường Tùng biết mình sắp chết, trong tâm vẫn còn một điều không thể buông bỏ, đó là chuyện gia đình của người bạn quá cố Tôn Quân. Tôn Quân qua đời ở tuổi trung niên, vợ kế Chu thị tuẫn tiết, nhà chỉ còn một người mẹ và một cô con gái, Lý Trường Tùng lo lắng quả phụ cô nhi, thường giúp đỡ họ trong cuộc sống. Trước khi chết, ông lo lắng cho tương lai của hai mẹ con họ Tôn, tha thiết phó thác người bạn Phương Lỗ Sinh thay mình chăm sóc họ. Ngày hôm sau, Lý Trường Tùng qua đời, Phương Lỗ Sinh đã chu toàn tang sự cho ông.

Đêm đó, khi cha Lý Trường Tùng chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng gõ cửa gấp gáp. Ông vội vàng đứng dậy mở cửa, nhìn thấy trước cửa có một ghế kiệu lớn, có một quan nhân choàng mãng bào ngồi bên trong, phía trước ghế kiệu sáng đèn, soi rõ đường hiệu “Nam Hải huyện chính đường” bằng chữ lớn màu đỏ. Theo đó, người cầm danh thiếp đi thẳng vào nhà ông, quan nhân ngồi trên kiệu tiến đến giường của Lý Ông hành lễ, rồi nói: “Phụ thân đại nhân, con là Trường Tùng, con trai của cha”.

Lý Ông vì phát sinh xung đột với dân làng mà phải rời xa quê hương, đồng thời từ đó ông cũng đoạn tuyệt tin tức với người nhà hơn mười năm. Con trai ông, Trường Tùng, vẫn còn ở tuổi thiếu niên khi cha rời nhà. Lý Ông ngạc nhiên hỏi: “Tiên sinh là đến từ đâu?”

Trường Tùng trả lời, bắt đầu từ kiếp trước (là Viên Mai) và kiếp trước đó nữa của mình:

“Con trai cha vào hai kiếp trước vốn là một đạo sĩ tu Đạo, vì hiểu sai lời người ta nói mà động phàm tâm, trong tích tắc đã trở thành Viên Giản Trai (Viên Mai), mất đi bản tính, làm ô uế thanh phong của Nho gia. Dù kiếp đó vừa có danh tiếng vừa trường thọ, kỳ thực tất cả là vì phúc khí đắc được từ kiếp trước đó. Vì kiếp trước đó con đã cả đời tu Đạo, đạo lực thâm sâu, nay nhờ vào sự an bài của Thiên Đế, chỉ trách phạt chút ít, rồi con lại được chuyển sinh vào nhà họ Lý làm con trai của cha”.

Sau đó, Lý Trường Tùng nói rằng mình sẽ đảm nhiệm chức Thành hoàng ở địa phương:

“Trường Tùng tuy rằng đời này không làm được việc đại thiện, nhưng suốt 30 năm qua, con đã ngày đêm thận trọng, không dám làm điều gì sai trái. Thiên Đế thương xót vì con có thể cải tà quy chính, nên hôm nay đã cho con hoàn thành luân hồi quả báo, chết ở Kim Lăng, được bằng hữu chôn cất, tới đây sẽ làm Thành hoàng nơi này, vì thế mà đặc biệt đến đây thăm cha”.

Trước khi rời đi, Trường Tùng còn đặc biệt nhắn nhủ Lý Ông: “Những chuyện trước đây khiến cha phải viễn tẩu tha hương, giờ đã lắng xuống, cha nên về sớm. Sau khi về quê, cha nên ăn chay và đừng hỏi chuyện người ngoài, còn có hai đứa cháu phải chăm lo nuôi nấng. Dù cha thọ niên không vĩnh viễn, nhưng hai đứa cháu không thể không nuôi nấng!”

Lý Trường Tùng nhắc đi nhắc lại những lời dặn dò, sau đó chắp tay từ biệt, rồi lên kiệu hoa rời đi.

Sau khi Trường Tùng rời đi, Lý Ông cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ, không dám ngủ lại nữa. Lúc bình minh, ông bước vào thính đường, nhìn thấy trên bàn tấm danh thiếp ngày hôm qua vẫn còn đó, có ba chữ “Lý Trường Tùng” với nét bút quen thuộc, xác thực chính là do con trai Trường Tùng viết. Trong mộng, Trường Tùng đã kể cho cha nghe tất cả các chi tiết của kỳ thi hương, tất cả đều được chứng thực là không sai.

Ghi chú
Phương Lỗ Sinh có một bài thơ viết, đại ý: “Bạn tôi Lý Trường Tùng, tam kiếp lạ kỳ sao? Chết vì Nam Hải úy, sống hận Viên Giản Trai”. Ông sau khi Lý Trường Công chết vài năm, vẫn luôn nhớ đến ba lần chuyển sinh luân hồi kỳ lạ của Lý. Vào những năm Hàm Phong Bính Thìn, Đinh Tỵ (1856-1857), Phương Lỗ Sinh ở Quảng Gia Sơn, Tuyên Thành, An Huy mở một cửa hàng, làm quan hộ đê ở Tuyên Thành, mỗi tháng lại đến thăm bạn cũ Chu Lỗ Sầm tiên sinh trong hai hoặc ba ngày, nên không có gì không nói. Một ngày ông nói với học trò của Chu Lỗ Sầm là Tiêu Mục (Tiêu Kính Phu), về việc người bạn cũ Lý Trường Tùng của mình là chuyển sinh của Viên Mai. Khi đó Tiêu Mục 22 tuổi, đã nhớ rất kỹ chuyện này. Năm Kỉ Hợi (1899), hai đêm trước ngày đông chí, Tiêu Mục đang nhậm chức tại Thượng Hải, đã ghi lại giai thoại luân hồi này tại Quán phương ngữ Quảng Đông nơi ông làm việc. Sau đó, câu chuyện được đăng trong “Bán nguyệt san Phật học” và được lưu hành rộng rãi để khuyến thiện. (Theo ‘Luân hồi tập’ của Vô Mẫu cư sĩ).
Viên Mai nổi tiếng là “tài tử phong lưu”, nhưng cũng có tật xấu. Ông tử tế với bạn bè, nhưng lại túng tình nữ sắc, tự gọi mình là “sứ giả hộ hoa”. Ông rất tài giỏi, nhưng cuộc đời mê lạc, nổi tiếng “háo sắc”.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version