Đại Kỷ Nguyên

9 phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Trẻ em sinh ra đều thuần khiết như nhau, chỉ do tu dưỡng khác nhau mà phân biệt tiểu nhân – quân tử. Tiểu nhân – quân tử vốn không cố định, mỗi thời khắc buông thả bản thân đều có thể biến mình thành tiểu nhân, mỗi thời khắc tu chính bản thân đều có thể biến mình thành quân tử.

Theo Luận ngữ – Quý Thị, Khổng Tử nói: Quân tử có 9 điều cần nhớ. Đó là những điều nào?

1. Thị tư minh

Nghĩa là: Cân nhắc bản thân đã xem sự tình rõ ràng hết chưa.

Chúng ta đều cảm thấy những điều mắt nhìn thấy được mới là sự thật. Nhưng, quả thật đúng như vậy không?

Trên thực tế, chúng ta đều phải nhìn xuyên thấu qua “tâm” để xem xét vạn sự. Nhiều khi chúng ta không phân biệt rõ đúng sai là vì sao? Là do tâm của chúng ta có những lúc mất đi sự chuẩn tắc, bị thất tình lục dục dẫn động.

Quân tử có thể phân rõ thị phi, phân rõ thật giả, là vì nội tại của anh ta có một khoảng không gian vô cùng thanh tĩnh, khiến cho tinh thần của anh ta luôn duy trì ở trạng thái cao. Dùng trạng thái tĩnh tại quan sát mà thấu triệt việc đời, mọi chuyện đều nhìn sáng tỏ, hiểu rõ ngọn ngành.

2. Thính tư thông

Nghĩa là: Xem xét bản thân đã nghe rõ ràng, minh bạch chưa.

Vô luận là bất cứ sự tình nào, cách nghĩ và quan niệm nào tác động đến chúng ta; thì cũng chớ nên bảo sao nghe vậy, mà cần dựa vào trí huệ mà phán đoán, chọn lọc.

Có câu nói rằng: “Quần chúng đã mù quáng lại vô minh, sự hiểu biết của họ rất yếu kém”. Đó là những người thường giống như nước chảy bèo trôi, thiếu sự hiểu biết chính xác. Kẻ ác chính là lợi dụng sự thiếu sót này của nhân loại mà kích động, mê hoặc lòng người. Trùm phát xít Hitler chẳng phải cũng nói thẳng ra rằng, ông ta tới thế giới này chính là để lợi dụng yếu điểm của nhân loại hay sao?

Trùm phát xít Hitler, lợi dụng sự mù quáng của nhân loại mà tạo nên thảm kịch chưa từng có. (Ảnh: Bettmann)

3. Sắc tư ôn

Nghĩa là: Trong việc đối nhân xử thế của bản thân, cần xét xem sắc mặt có ôn hoà hay không, thái độ có cung kính hay không.

Mặc dù có câu rằng “Biết người biết mặt không biết tâm”, nhưng trên cơ bản chúng ta có thể từ mặt mũi diện mạo của một người mà nhìn ra thế giới nội tâm của anh ta. Suy cho cùng, những người vui buồn mà không thể hiện ra bên ngoài thì tương đối ít, tâm tình vui buồn đúng thực có thể thông qua bộ mặt mà thể hiện ra.

Người khiêm tốn, tự mình là tâm thái ôn hoà, tâm tư ổn định, thể hiện ra hành vi cũng là ôn văn nho nhã, tự nhiên thoải mái. Nếu là thái độ kịch liệt hoặc hành vi cực đoan thì sao là khí phách quân tử được.

4. Mạo tư cung

Nghĩa là: Lời lẽ, diện mạo có cung kính trang nghiêm hay không.

Mạo, chính là chỉ dáng dấp dung nhan của một người. Chúng ta rất dễ thay đổi tư thái trong các trường hợp khác nhau, nhưng một quân tử chân chính sẽ không thay đi đổi lại thái độ cùng diện mạo.

Quân tử đều biểu hiện khiêm tốn nhã nhặn, làm cho mọi người vì thế mà kính trọng anh ta. Thái độ của người quân tử không quá nghiêm khắc hay trịch thượng, mà mang đến cho người ta cảm giác thoải mái, không nhiệt tình thái quá, cũng không lạnh lùng đến mức làm người ta sợ.

Vui vẻ hòa nhã nhưng không kém phần cung kính. (Ảnh: Youtube)

5. Ngôn tư trung

Nghĩa là: Trung tín bất phân, tận tâm tận lực làm việc chính là trung, nói lời phải giữ lời chính là căn bản làm người.

Trung, cũng có ý là “Trung với chính mình”. Chúng ta không thể đi làm những sự tình trái với lương tâm đạo đức. Như vậy mới có thể làm được trung với người, trung với việc. “Thành tín” chính là cái gốc làm người.

Thường có câu “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (Quân tử nói một lời, xe có 4 ngựa kéo cũng khó đuổi kịp). Quân tử tự nhiên là một người “Nhất ngôn cửu đỉnh”. Anh ta nếu mở miệng nói, hẳn là tuân theo tâm ý của chính mình, theo đó là chấp hành tất cả những lời mà mình đã nói ra. Vô luận là có người biết hay không, trên đầu ba thước có Thần linh, người quân tử tuyệt đối không thất hứa, bội tín.

6. Sự tư kính

Nghĩa là: làm việc có nghiêm túc cẩn thận hay không.

Có câu: “Nghề nghiệp bất phân sang hèn”. Lại có câu: “360 nghề, nghề nào cũng có chuyên gia”. Trọng điểm là bạn chọn cái gì, dùng phương thức và thái độ như thế nào để làm. Tôn trọng lựa chọn nghề nghiệp của bản thân mình, bạn mới có thể không mất thái độ tận tâm, làm hết trách nhiệm hoàn thành tốt mỗi sự việc mà bạn phải đối mặt. Cuối cùng bạn tự nhiên sẽ trở nên nổi bật vượt lên hẳn mọi người.

7. Nghi tư vấn

Nghĩa là: Khi tự mình gặp phải chuyện nghi vấn khó xử lý, thì không ngại học hỏi kẻ dưới.

Hàn Dũ, văn học gia đời Đường, trong tác phẩm “Thầy dạy” viết rằng: “Nhân phi sinh nhi tri chi giả, thục năng vô hoặc?” (Con người không thể sinh ra là đã biết tất cả, ai có thể hiểu biết mọi thứ không nghi vấn điều gì hết?).

Tri thức là quảng đại vô biên, ai dám nói tự mình thông hiểu tri thức cổ kim thì chắc chắn sẽ bị chê cười. Khi đi vào thế giới tri thức, tự nhiện sẽ gặp phải điều không hiểu, đó là điều bình thường.

Đạo lý “không ngại học hỏi kẻ dưới” ai ai cũng biết, nhưng thật sự làm được thì lại là việc khó trong những việc khó. Bởi vì mọi người thường vì bảo vệ cái tôi kiêu ngạo mà tự lừa dối chính mình, che đậy thiếu sót, giữ thể diện với kẻ dưới.

Cho nên, một khi xuất hiện vấn đề thì liền thừa nhận thiếu sót, suy xét và học hỏi người khác, đó là cái dũng của người quân tử.

Biết thấu hiểu lắng nghe cũng là đạo đức của người quân tử. (Ảnh: Youtube)

8. Phẫn tư nan

Nghĩa là: Trước khi bản thân phẫn nộ phát hỏa, phải cân nhắc hậu quả, phải hiểu được việc cần nhường nhịn và khắc chế tâm tình.

Người ta một khi gặp phải việc không thuận tâm, thường hay nóng giận, nhưng mà nếu sự cáu giận lập tức nổi lên, hậu quả thường khó lường. Thử nghĩ, ai muốn tiếp thu tâm tình tiêu cực của bạn? Nếu như một người cứng đầu đụng phải kẻ ngang ngạnh, mà gầm lên giận dữ làm người ta phát sợ thì đi đến đâu?

Cho nên, khi bạn nổi đóa, trước tiên tưởng tượng khi bạn nóng giận xong, sẽ sinh ra hậu quả gì? Khi bạn phát hiện nó có thể dẫn tới tai họa, tự nhiên sẽ muốn đè nén tính khí nóng nảy của bạn xuống.

Kìm nén cảm xúc đối với một người thường mà nói thì tương đối khó, nhưng đối với một quân tử mà nói, thì nhất định có thể học được bài học này trong đời. Anh ta khắc chế vững cảm xúc của bản thân, cũng hiểu được sự quý giá và trọng yếu của nhẫn nhịn.

Kỳ thực nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, người nhẫn nhịn sẽ không hề bị thiệt. Cổ nhân nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Và rằng: “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu”, nghĩa là: “Dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày”.

Gia Cát Khổng Minh nhờ có đức tính nhẫn nại mà làm nên sử sách. (Ảnh: Youtube)

9. Kiến đắc tư nghĩa

Nghĩa là: Khi nhìn thấy danh lợi, bản thân phải trước tiên suy xét sự việc này có hợp với đạo nghĩa hay không.

Thích tiền tài là đạo muốn chiếm hữu, chớ nên đem đạo “nghĩa” vứt ở hai bên, đem chữ “lợi” đặt ở giữa. Đạo lý thì ai ai cũng nói được, còn có thể nói rất nhiều. Nhưng, khi lợi ích trước mắt, rất ít người chú ý đến nó có phù hợp với chữ “nghĩa” hay không.

Người quân tử nói được làm được. Khi lợi ích trước mắt có thể đạt được “dễ như trở bàn tay” mê hoặc, người quân tử có thể kiềm chế vững, trước tiên xem xét kỹ việc này có chính đáng không, có phù hợp đạo nghĩa hay không.

Theo Secretchina
Tuệ Minh biên dịch

Exit mobile version