Đại Kỷ Nguyên

4 loại phúc đức cần nuôi dưỡng, 2 loại hung khí cần tránh xa

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Chúng ta sống ở thế gian này, dẫu cho nhân tình thế thái ra sao, cũng cần phải dưỡng thành những phẩm chất tốt đẹp, mới có thể giành được thiện cảm của mọi người. Nhân phẩm của bạn được đánh giá cao, người khác sẽ nguyện ý tiếp xúc với bạn nhiều hơn, các mối quan hệ cũng được cải thiện thăng hoa.

“Đoan chính đôn hậu là quý tướng.

Bao dung khiêm nhường là quý tướng.

Làm việc có đường lối là phú tướng.

Lòng giữ thiện niệm, từ bi hỉ xả là phú tướng”.

Đây là bốn câu được danh nhân, chiến lược gia Tăng Quốc Phiên ghi lại trong nhật ký của mình một ngày tháng 3 năm Hàm Phong thứ 8 (năm 1858). 

Thứ nhất, đoan chính bình hòa là hiệu quả của “hậu” (phúc hậu). Có thể nói, trọng tâm của bốn chữ này chính là phúc hậu. Làm được “phúc hậu”, mới có thể thật sự đoan chính hòa nhã, khiến không những phong thái trở nên thanh tao, cao quý, mà cũng tạo được thiện cảm và niềm tin ở người khác khi giao lưu cùng. 

Thứ hai, làm người khiêm nhường cẩn trọng, từ góc độ làm việc mà nói, người như vậy sẽ dễ dàng phối hợp trong công việc, cũng lại dễ dàng được trợ giúp khi cần hơn.

Thứ ba, làm việc trầm ổn có quy củ, cũng chính là làm việc một cách vững chắc thiết thực, có đầu có đuôi, kiên trì bền bỉ.

Thứ tư, làm người cần phải khoan dung độ lương, phải có lòng từ bi. Giúp đỡ người khác thật ra cũng là giúp đỡ chính mình. Người như vậy, dù cho không giàu có về mặt vật chất, nhưng lại giàu có về mặt tinh thần, sẵn sàng cho đi, bản thân điều này đã đủ chứng minh đây là người có phúc khí.

Chân dung Tăng Quốc Phiên (ảnh: Wikipedia).

Tăng Quốc Phiên cũng chỉ ra hai hung khí và nhược điểm lớn của người thường: Ngạo mạn và nói nhiều.

Ở một mức độ nào đó có thể nói rằng, nhiều sai lầm mà Tăng Quốc Phiên mắc phải thời trẻ đều bởi ông quá ngạo mạn và nói nhiều, nhưng sau sự việc ông đều có thể nghiêm túc tự xét lại mình, sửa sai một cách nghiêm túc, cuối cùng đã thành tưu được nhân cách của mình. Vậy nên hung khí đẩy người ta đến chỗ thất bại” mà Tăng Quốc Phiên nói đến đều là lời răn dạy quý báu được tổng kết ra từ trong kinh nghiệm đời người của ông.

Ví như thất bại của Quan Vũ trong Tam Quốc diễn nghĩa tất cả đều bởi thói ngạo mạn của ông mà ra. Quan Vũ là một mãnh tướng, có trí dũng có mưu lược, trảm Nhan Lương giết Văn Xú, rượu ấm trảm Hoa Hùng, một mình cầm đao sang Đông Ngô dự tiệc… đều đủ để chứng minh năng lực phi phàm của ông.

Nhưng cũng chính bởi quá cao ngạo mà Quan Vũ tự rước bại vong. Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu, dương dương tự đắc, không nghe lọt tai lời khuyên của bất cứ ai, cảm thấy bản thân mình rất lợi hại, lời của người khác chẳng có gì hay ho cả. Cuối cùng để mất Kinh Châu, đẩy bản thân vào tử địa.

Tăng Quốc Phiên đã từng tự xét lại mình: bản thân ngay đến cả đạo lý “không nói lời tổn thương người khác, thì những lời phẫn nộ sẽ không trở lại thân mình” được nói đến trong Lễ Ký, vốn là tiêu chuẩn của một trí thức Nho gia cũng không thực hành được, ngay cả phương diện lời nói cũng không làm được tốt, thế thì còn có thể thành được đại sự gì nữa đây?

“Giới cấm đa ngôn” của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ một sự việc nhỏ, khi ông mới bước vào hàn lâm viện chưa được bao lâu, đường làm quan rộng mở, vậy nên không khỏi có phần tự mãn trong tâm. Một lần nhân tổ chức buổi tiệc chúc thọ cha mình, Tăng Quốc Phiên lúc uống rượu trò chuyện với chúng bạn đến chơi đã không khỏi huyênh hoang khoác lác, thật đúng là đắc ý mà quên cả thân mình, kết quả khiến cho đám bạn phản cảm, giận dữ bỏ đi.

Sau sự việc này khiến Tăng Quốc Phiên hối hận vô cùng, trong nhật ký của mình, ông đã tự xét bản thân mình có ba lỗi lầm lớn. Một là lúc bình thường luôn tự cho mình là đúng; hai là nói năng không có chừng mực, nghĩ đâu nói đó; ba là rõ ràng là mình đã nói năng đắc tội với người ra, thế mà vẫn còn tranh cãi với người, thậm chí đến bước không hợp với đạo làm người nữa.

Về sau, Tăng Quốc Phiên đã đặt ra “giới cấm đa ngôn” này, và nó đã trở thành gia huấn quan trọng của gia tộc, ông luôn truyền thụ đạo lý này cho con em trong nhà. Bản chất của “giới cấm đa ngôn” là khi đứng trước người và sự việc, cần phải tự kiểm soát được mình, tránh họa từ miệng ra, nói năng tùy tiện. Về bản chất, đây là một hành động lý trí gặp việc không vướng bận, bớt lời tranh cãi vẫn là hơn.

Nếu dùng lời nói có thể áp chế được người ta, dù bạn thắng rồi, cũng không khiến người ra tâm phục khẩu phục. Vậy nên, trong đối nhân xử thế khiêm tốn một chút vẫn tốt hơn. Không cần phải khoe khoang ánh hào quang của mình khắp mọi nơi. Như vậy không những không soi sáng được người khác, ngược lại còn tổn thương nguyên khí của mình.

Vũ Dương
Theo Secretchina

Exit mobile version