Đại Kỷ Nguyên

10 câu danh ngôn của Gia Cát Lượng còn nguyên giá trị sau gần 2000 năm

Không chỉ là nhà quân sự đầy mưu lược, nhà tiên tri tài ba, Gia Cát Khổng Minh còn là một bậc danh sĩ thông kim bác cổ với những lời khuyên vẫn còn giá trị cho hậu thế nghìn năm. 

1. Học phải tĩnh tâm, thành tài phải học. Không học, tài chẳng rộng; không chí, học chẳng thành.

Nguyên văn: “Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học“. 

2. Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi

Nguyên văn: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ“. Câu này trích trong “Xuất sư biểu”, bản tấu mà Gia Cát Lượng dâng lên hậu chủ Lưu Thiện trước khi cất quân Bắc phạt Trung Nguyên, đánh Tào Ngụy. Ý rằng làm việc gì cũng phải tận tụy, chuyên cần, không từ gian khổ dẫu là cái chết. Đó cũng là câu nói thể hiện tất cả con người của Gia Cát Khổng Minh, 5 lần Bắc phạt, đến chết vẫn canh cánh trong lòng ước mong khôi phục Trung Nguyên, trùng hưng Hán thất.

Làm việc gì cũng phải tận tụy, chuyên cần, không từ gian khổ dẫu là cái chết. Ảnh dẫn theo youtube.com

3. Người biết lo xa thì bình an, kẻ không lo nghĩ thì nguy khốn

Nguyên văn: “Viễn lự giả an, vô lự giả nguy“.

4. Khi uống say có thể nhìn được tính cách 

Nguyên văn: “Túy chi tửu nhi quan kỳ tính“. Một người uống rượu say thì hành vi, tính cách thể hiện ra vô cùng chân thực, không có sự che giấu, ý tứ nào. Nhìn những biểu hiện ấy có thể đánh giá nhân cách của họ. Nếu trong cơn say vẫn có thể giữ được khí chất và sự chừng mực thì chứng tỏ là người nhân. Ngược lại, rượu vào lời ra, nói lời bất hảo, làm chuyện xằng bậy thì chính là kẻ tiểu nhân.

5. Lấy ngay chính đề phòng kẻ gian, lấy cần kiệm ngăn ngừa lãng phí 

Nguyên văn: “Phòng gian dĩ chính, khứ xa dĩ kiệm“.

Lấy ngay chính đề phòng kẻ gian, lấy cần kiệm ngăn ngừa lãng phí . Ảnh dẫn theo youtube.com

6. Gặp khó, hãy tự thân đi đầu. Có công, hãy tự thân lùi lại

Nguyên văn: “Hữu nan, tắc dĩ thân tiên chi; hữu công, tắc dĩ thân hậu chi“. Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ, chính là ý tứ này. Người quân tử thì xông pha gian khó, xung phong đi đầu, khi lập công cũng không mong ban thưởng, không cầu báo đáp.

7. Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông

Nguyên văn: “Vạn sự câu bị, chỉ khiếm Đông phong”. Là câu Gia Cát Lượng nói với Chu Du khi ở Giang Đông bàn định kế đánh Tào Tháo. Liên quân Tôn – Lưu đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, binh sĩ sẵn sàng, mưu lược cũng đủ cả chỉ còn thiếu gió Đông Nam nổi lên để đánh hỏa công, phóng hỏa vào trại Tào. Câu này ý nói mọi chuyện dù đã toàn vẹn, đủ đầy nhưng đôi khi vẫn có thể bế tắc vì thiếu yếu tố quyết định: Thiên thời, còn gọi là thời cơ.

8. Vì lợi kết giao, khó đi được xa 

Nguyên văn: “Thế lợi chi giao, nan dĩ kinh viễn“. Câu này ý nói rằng dùng lợi lộc, lời lẽ nịnh bợ mà kết giao với nhau thì chẳng thể cùng nhau làm việc lâu dài.

Dùng lợi lộc, lời lẽ nịnh bợ mà kết giao với nhau thì chẳng thể cùng nhau làm việc lâu dài. Ảnh dẫn theo youtube.com

9. Nết người quân tử, lấy tĩnh tu thân, lấy kiệm dưỡng đức. Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.

Nguyên văn: “Phù quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức, phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn“.

10. Đừng lấy thân quý mà hạ thấp người, đừng lấy ý riêng làm thành việc chung, đừng lấy năng lực gây điều thất tín

Nguyên văn: “Vật dĩ thân quý nhi tiện nhân, vật dĩ độc kiến nhi vi chúng, vật thị công năng nhi thất tín“. Cốt lõi của câu này dạy người ta phải có lòng vị tha, “tiên tha vị ngã” (nghĩ cho người trước, nghĩ đến mình sau). Nó cũng nhấn mạnh đến chữ “Tín” khi hành sự. Không thể vì cậy mình có công lao, năng lực mà làm chuyện mất hết tín nghĩa.

Văn Nhược

Exit mobile version