Đại Kỷ Nguyên

Cựu nhân viên bảo mật: Google đã sai khi chiều lòng Trung Quốc với dự án ‘Chuồn chuồn’

Cựu nhân viên bảo mật: Google đã sai khi chiều lòng Trung Quốc với dự án ‘Chuồn chuồn’

(Ảnh: BBC)

Với tin đồn hãng công nghệ khổng lồ Google sẽ bí mật tiếp tục triển khai dự án công cụ tìm kiếm có gắn kiểm duyệt cho Trung Quốc, nhiều người tỏ ra lo lắng cho tương lai của Internet tại nước này.

Brandon Downey, cựu thành viên nhóm bảo mật tại Google và là tác giả của cuốn Một phương thức cũ để tiếp cận Trung Quốc (An Old Approach to China), tin tưởng mạnh mẽ rằng công ty này không nên cúi đầu trước chính quyền Trung Quốc cho dù lợi ích có to lớn đến đâu.

Google muốn triển khai dự án Dragonfly (“Chuồn chuồn”), một công cụ tìm kiếm có kiếm duyệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Open MIC)

“Dự án chuồn chuồn sẽ không cất cánh”

Khi tin tức về dự án công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt Dragonfly (tạm dịch: chuồn chuồn) nổ ra vào năm ngoái, Brandon đã rất tỏ ra thất vọng với Google.

“Bạn sẽ không thể khiến thông tin tri thức được truy cập phổ biến và trở nên hữu ích trên toàn cầu bằng cách khấu đầu trước những kẻ độc tài; bạn sẽ góp phần vào vấn nạn đó nếu bạn làm thế. Chính Google đã từng làm điều này một lần, rồi sau đó bị đổ bể, nhưng cuối cùng công ty này đã làm điều đúng đắn. Vì thế tôi hy vọng câu chuyện này là sai”, anh viết trên trang Twitter cá nhân.

Google trước đó đã cố gắng thâm nhập lại thị trường Trung Quốc vào năm 2006 bằng cách cung cấp các công cụ tìm kiếm có gắn kiểm duyệt. Brandon là một phần của nhóm được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tại đây, điều mà anh luôn lấy làm tiếc. Google lập luận rằng ngay cả khi họ phải kiểm duyệt để có thể hoạt động được ở Trung Quốc, thì tốt hơn vẫn nên làm như vậy bởi vì “kiểm duyệt của chúng tôi chỉ ở mức tối thiểu”.

Công ty tin rằng bằng cách cung cấp một số thông tin cho công chúng, người Trung Quốc cuối cùng sẽ muốn biết thêm về thế giới bên ngoài nhiều hơn những gì chính phủ cho phép họ biết, từ đó mở đường cho Trung Quốc trở thành một nền dân chủ tự do giống như các quốc gia phương Tây.

Một làn sóng phản đối mới đã tấn công Google khi các báo cáo mới nhất cho thấy công ty này có thể vẫn đang tiến hành dự án Dragonfly. (Ảnh: Students for a Free Tibet)

Tuy nhiên, Google đã phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động Internet trên toàn thế giới. Thêm vào đó, các yêu cầu kiểm duyệt lố bịch từ chính quyền Trung Quốc và các cuộc tấn công mạng từ trong nội bộ Trung Quốc cuối cùng đã khiến Google nhận ra rằng màn kinh doanh mạo hiểm này không đáng để họ phải đau đầu. Do đó, Google đã rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010.

Vài năm sau, Google đã cố gắng quay trở lại Trung Quốc. Bởi đất nước với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với hàng tỷ người dân này là một thị trường rất hấp dẫn mà Google không thể bỏ qua lần nữa. Đây là lý do tại sao dự án Dragonfly được bắt đầu. Mặc dù các giám đốc điều hành của công ty khẳng định dự án này đã ngừng hoạt động do áp lực từ nhân viên và các nhà hoạt động nhân quyền, nhưng nhiều người vẫn tin rằng Google đang bí mật theo đuổi dự án và có thể họ đã đặt cho nó một mật danh khác. Brandon cảm thấy đây là một hành động vô trách nhiệm.

“Chúng tôi có trách nhiệm với thế giới ở lĩnh vực mà công nghệ của chúng tôi đang hoạt động và khởi tác dụng. Nếu chúng ta xây dựng một công cụ và giao nó cho những người mà sẽ sử dụng nó để làm tổn hại người khác, thì việc của chúng ta là phải cố gắng ngăn chặn điều này, hoặc ít nhất là, không trợ giúp việc đó. Tất nhiên, công nghệ có thể là một lực lượng phục vụ điều tốt, nhưng nó không phải là một viên đạn ma thuật – nó giống một tia laser hơn và nó phụ thuộc vào việc chúng ta dùng nó để làm gì. Điều chúng ta không thể làm là cứ thế cộng tác, rồi hy vọng rằng nó sẽ có một kết thúc có hậu”, anh đã nêu ý kiến như vậy trong một bài viết.

Kiểm soát VPN

Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát gắt gao đối với Internet. Năm 2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã thông qua luật cấm kinh doanh bất kỳ công cụ luồn lách mạng Internet nào (như VPN) mà không được sự chấp thuận của Bộ. Kết quả là, một cuộc đàn áp các dịch vụ và nhà cung cấp VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo, một công cụ đối phó kiểm duyệt) đã được triển khai ngay sau đó.

Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế sử dụng dịch vụ VPN. (Ảnh: pixabay)

“Vào tháng 7, Apple đã gỡ bỏ hàng chục VPN khỏi cửa hàng ứng dụng (App Store) của mình tại Trung Quốc, với lý do được viện dẫn là họ phải tuân theo các quy định của chính phủ. Vào tháng 8, Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu 5 trang web, bao gồm gã khổng lồ mua sắm Alibaba, loại bỏ các nhà cung cấp VPN. Vào tháng 9, cảnh sát đã bắt giữ Zhen Jianghua, nhà hoạt động và người sáng lập một trang web dạy mọi người cách vượt qua kiểm duyệt Internet”, theo tờ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

Với quyền truy cập VPN bị hạn chế nghiêm trọng, các công dân đã từng truy cập các trang web tin tức nước ngoài giờ đây đã bị bỏ mặc trong bóng tối khi không biết được những gì đang thực sự xảy ra ở Trung Quốc và trên thế giới. Hiện tại, nguồn tin tức duy nhất họ có thể truy cập là các kênh truyền thông được nhà nước phê duyệt.

Theo Vision Times
Linh Khánh biên dịch

Video: Trung Quốc Lên Sẵn Kế Hoạch Cho Mạng Internet của Bạn

Exit mobile version