Cách đây không lâu, nhiều người trồng ớt, dưa hấu ở tỉnh Quảng Nam khóc ròng vì không có đầu ra. Bây giờ đến lượt hàng chục tấn bí đao thu hoạch xong chất đống trong nhà vì không có nơi tiêu thụ dù giá giảm xuống còn 1.000-1.500 đồng/kg.
Những ngày này, người dân ở xã Cẩm Kim, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang như ngồi trên đống lửa khi bí đao thu hoạch xong không có ai mua. Thậm chí, nhiều người dân đành bỏ bí ngoài bãi vì tiền thuê nhân công thu hái còn cao hơn cả tiền bán bí.
Chia sẻ trên VOV, ông Huỳnh Kim Quy, chủ một vườn bí đao ở bãi bồi Bà Mau (xã Cẩm Kim) than thở hiện thương lái không mặn mà thu mua nên người dân cũng không muốn thu hoạch bí. Đó là chưa kể tiền thuê nhân công thu hái còn đắt hơn cả tiến bán bí đao nên nhiều người bất lực, ngậm ngùi bỏ bí ngoài bãi.
Theo ông Quy, người dân Quảng Nam đang rất mong có cách gì giải cứu để bà con đỡ lỗ vốn.
Ông Huỳnh Tấn Sang, một chủ vườn bí đao ở bãi bồi Bà Mau, chia sẻ nếu tính tổng các chi phí trồng bí bao gồm chi phí thuê lao động cải tạo đất, vun luống, tỉa hạt, làm giàn, dọn cỏ, bón phân, bơm nước tưới thường xuyên và giờ cộng thêm chi phí thuê nhân công thu hoạch, chuyên chở thì người trồng bí đao lỗ nặng. Hiện tại, nhiều gia đình trồng bí đao thu hoạch về chất hàng tấn vì không bán được.
Theo lãnh đạo xã Cẩm Kim, toàn xã hiện có hơn 20 hộ trồng bí đao. Năm nay bí đao được mùa, mỗi nhà thu hoạch từ 3-5 tấn bí. Tuy nhiên, hiện giá bí rớt thảm hại xuống còn 1.000-1.500 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, rất nhiều mặt hàng nông sản rớt giá gấp 2-6 lần so với cùng kỳ khiến siêu thị, doanh nghiệp phải đứng ra thu mua để “giải cứu”. Đơn cử như trong tháng 5, từ Quảng Bình, Quảng Nam… cho đến Phú Yên dội lên thông tin dưa hấu được mùa rớt giá, nông dân “khóc ròng” ở các ruộng dưa và tiếp đến là những cuộc giải cứu tại những thành phố lớn tràn ngập trên mạng xã hội và các tờ báo.
Lâu nay, dưa hấu ở các tỉnh miền Trung chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nước này ngưng nhập khẩu vì cũng đang vào mùa thu hoạch dưa hấu thì tình trạng rớt giá thê thảm lại diễn ra trên diện rộng.
Cũng rơi vào tình trạng được mùa mất giá, trong tháng 5, bí đỏ tại tỉnh Đăk Lăk giá chỉ còn 800-1.200 đồng/kg. Nhiều hộ dân tại tỉnh này cho biết lượng bí trồng vụ này tăng trong khi đó nhu cầu của thị trường không nhiều. Tại tỉnh này, trong tháng 5 có hơn 100 tấn bí tồn đọng.
Anh Công Chính – chủ một đơn vị tổ chức thu mua bí đỏ cho hay, đã cố gắng thu gom số bí tồn đọng với giá 2.000 đồng/kg và về bán tại Tp.HCM với giá 5.000 đồng/kg, do cộng thêm công thu gom, vận chuyển và hao hụt.
Ngoài ra, hồi đầu năm 2018, nhiều người dân ở huyện Mê Linh (Hà Nội) phải nhổ bỏ củ cải trắng do không có nơi tiêu thụ. Nếu trước Tết giá củ cải khoảng 14.000 đồng/kg thì sau Tết giảm chỉ còn 500 đồng/kg.
Sau đó, các hệ thống siêu thị trong nước đã tìm đến thu mua và kêu gọi bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn. Giá thu mua 2.000-4.000 đồng/kg. Có lẽ, chưa có có nền nông nghiệp ở nước nào lại suốt ngày quanh quẩn với chuyện “giải cứu” như ở Việt Nam.
Chia sẻ trên TTXVN, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng nguyên nhân của tình trạng giải cứu nông sản hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất rồi mới đi tìm kiếm đầu ra. Người nông dân mặc sức trồng, mặc sức nuôi theo phong trào nhưng không quan tâm đến việc sau này bán cho ai.
Nhiều nông sản quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Người nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi phớt lờ sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Nguyễn Trang