Đại Kỷ Nguyên

Giải mã bí quyết sống lâu 800 năm của lão Bành Tổ từ góc độ khoa học phương Đông

Trong sách “Tuyết tâm phú” có viết: “Cao nhất là cột chống trời, thọ nhất trên đời là ông Bành Tổ”. Mặc dù sử sách có ghi chép lại việc lão Bành Tổ sống đến 800 tuổi, nhưng người thời nay đa phần vẫn bán tín bán nghi, xem như chuyện thần tiên. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy ngẫm, thì đây lại không phải chuyện huyền hoặc, mà hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Sự tích về lão Bành Tổ

Theo truyền thuyết thì ngày xửa ngày xưa, ở bên Trung Quốc có nhà họ Bành sinh được một bé trai kháu khỉnh, mặt mũi sáng sủa, đặt tên là Bành Nhi. Có một vị thầy bói đi qua thấy chú bé liền thất kinh nói rằng: “Tội nghiệp, thằng bé đĩnh ngộ thế mà 10 tuổi đã phải chết!” Cha mẹ cậu bé hoảng hốt, xin thầy cứu giúp. Thầy liền bảo cha mẹ cậu bé phải làm theo đúng các bước ông chỉ dẫn.

“Ông Bành Tổ” trong tranh dân gian Trung Quốc

Sáng hôm sau, Bành Nhi bèn bưng một mâm đào vừa to vừa ngon lên núi, tới nơi thầy bói dặn, thì thấy ở nơi đó suối chảy, hạc bay, mây vờn tùng bách, trên một tảng đá phẳng có hai ông tiên đang ngồi đánh cờ tướng. Bành Nhi rón rén lại gần, nhẹ nhàng đặt mâm đào xuống rồi khoanh tay lễ phép ngồi đợi. Hai ông tiên mải đánh cờ, thấy có mâm đào ngon đặt kế bên thì cứ tiện tay cầm lên vừa đánh cờ vừa thưởng thức. Đánh xong ván cờ mới chợt nhớ ra thằng bé dâng đào thì hai vị thần tiên lấy làm thích thú, bèn hỏi chuyện. Bành Nhi kể hết mọi sự tình của mình cho hai vị thần tiên nghe. May mắn thay, hai vị thần tiên lại chính là Nam Tào và Bắc Đẩu, là Thần giữ sổ sinh tử trên Thiên đình. Giở sổ ra, hai tiên Ông thất kinh khi thấy Bành Nhi đoản mệnh – chỉ sống được có 10 năm. Ngắm Bành Nhi khôi ngô tuấn tú, hai vị tiên bàn nhau thêm một nét phẩy lên đầu chữ “thập” (10), biến chữ “thập” thành chữ “thiên” (là chữ nghìn). Thế là Bành Nhi được sống đến nghìn tuổi. Từ sự tích này mới có câu “Sống lâu như ông Bành Tổ”.

Tượng Ông Bành Tổ ở Trung Quốc

Theo “Thần tiên truyện” thì ông Bành Tổ là một người họ Tiên tên Khanh, là cháu xa đời vua Chuyên Húc. Vua Nghiêu phong cho ông đất Đại Thành (tức Bành Thành – Từ châu) vì thế nên gọi ông là Bành Tổ. Trải qua nhà Hạ đến cuối nhà Ân, ông đã 767 tuổi mà vẫn còn khoẻ, được mời ra giữ chức Đại phu. Thuở nhỏ, ông thích điềm tĩnh, không thiết gì công danh phú quý, chủ việc dưỡng sinh. Khi phải ra làm quan, ông thường cáo ốm ở nhà, không dự gì đến chính sự.

Ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) lại truyền rằng: Bành Tổ là cháu của Châu Húc, đến năm cuối nhà Ân ông đã ngoài 700 tuổi, mà thân thể vẫn cường tráng. Ông thích yên tĩnh, chuyên tâm tu đạo. Châu Mục Vương mến mộ cao danh của ông muốn mời ông nhận chức đại phu. Bành Tổ cáo bệnh khéo chối từ. Ông bản tánh không ưa làm chính trị, lại có thuật dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ, thường dùng thạch anh, bột mi ca, sừng nai chế thành đơn dược để bổ dưỡng; do đó dung nhan hồng nhuận như thanh niên. Bành Tổ thường truyền thụ tính dược cho Thái Nữ, Thái Nữ lại dạy cho Vương hầu đương thời.

Đời nhà Tống (Trung Quốc), ông Cát Hồng đã viết trong cuốn “Thần Tiên Truyện” đã tổng kết kinh nghiệm và đúc rút thành ra nguyên lý trường thọ của Bành Tổ, truyền lại cho thế nhân đời sau.

Lão Bành Tổ sống 800 năm là có thật?

Ngày nay, nhắc đến người sống lâu nhất, người ta đều nói về lão Bành Tổ, cho rằng ông có bí thuật dưỡng sinh. Trong “Thần tiên truyện” của Cát Hồng (đời nhà Tống, Trung Quốc) đã tổng kết ra nguyên lý dưỡng sinh trường thọ của lão Bành. Cũng có nhiều sách dưỡng sinh cảm hứng từ phép dưỡng sinh của lão Bành Tổ mà viết thành: “Bành Tổ Dưỡng Tính Kinh”, “Bành Tổ Nhiếp Sinh Dưỡng Tính Luận”, “Bành Tổ Tính Bí Cấp Phương”,…

Các thánh nhân nổi tiếng trong lịch sử như Khổng Tử, Trang Tử, Tuân Tử,… cũng đều ngưỡng mộ Bành Tổ.

Khổng Phu Tử cũng hết sức ngưỡng mộ Bành Tổ. Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử có viết: “Tin và học với người xưa, bằng cách noi theo lão Bành (Bành Tổ), vị đại phu tài giỏi của triều đình nhà Thương ta” (Tín nhi háo cổ, thiết tỷ ư ngã lão Bành).

Thi hào Khuất Nguyên trong bài “Thiên Vấn” , tập Sở Từ cũng nói: “Tại sao mạng sống (của Bành Tổ) lại được kéo lâu dài đến như vậy được?” “Ông từ đích thân nấu canh gà để dâng lên cho vua Nghiêu dùng” (Thụ thọ vĩnh đa, phù hà cửu trường ố Bành; khanh châm trĩ đế hà xan). Những chứng liệu trên đây cho thấy Bành Tổ là người khéo nấu nướng, rất chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng.

Trang Tử trong chương “Khắc Ý” có đoạn nói: “Việc tập thở để đưa không khí cũ ra ngoài, tiếp nhận không khí mới vào cơ thể; việc co duỗi chân tay, chính là nhằm để kéo dài tuổi thọ. Việc tập luyện phép dưỡng sinh này đã từng được Bành Tổ là người có tuổi thọ rất cao, luôn luôn ưa thích”.

Trong “Tiêu Giao Du”, Trang Tử cũng có nói: “Thượng cổ có người tên gọi Ðại Xuân, lấy tám nghìn năm làm mùa xuân, lấy tám nghìn làm mùa thu; hiện nay, người sống lâu nhất được biết đến chính là Bành Tổ vậy”.

Tuân Tử cũng từng cổ vũ mọi người nên học môn “khí công” như Bành Tổ từng thực hành. Ông nói: “Dùng cách trị khí để dưỡng sinh, sau này đáng kể nhất là Bành Tổ”.

Người xưa rất coi trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thà chịu mất tính mạng chứ quyết không vì danh vì lợi hay điều này khác mà bóp méo sự thật hay sửa đổi sử sách. Các bậc thánh nhân như Khổng Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Cát Hồng, Khuất Nguyên,… hẳn cũng đều nghiên cữu kỹ lưỡng, bút sa gà chết, chứ không dễ dàng tốn thời gian bàn chuyện lá cải như vẫn gặp thời nay. Sử sách vẫn còn đó, núi Bành Tổ vẫn còn đó, tượng Bành Tổ vẫn còn đó, do vậy, từ góc độ lịch sử, có thể nói, tính xác thực trong câu chuyện sống lâu đời của Bành Tổ là có cơ sở.

Sinh lão, bệnh, tử… ai có thể vượt qua?

Nhìn từ góc độ khoa học dưỡng sinh cổ xưa, thì việc kéo dài sinh mệnh không phải là không thể, mà tùy vào quyết tâm của người thực hành.

Người xưa giảng sinh, lão, bệnh, tử…như một quy luật bình thường trong cuộc sống, nhưng cũng giảng cách ức chế phòng “bệnh” như thế nào, và làm sao có thể vượt qua chữ “tử”.

Vượt qua lão và bệnh như thế nào?

Thuật dưỡng sinh của người xưa gắn liền với khoa học về thân thể người thời đó, coi thân thể người như một phần của tự nhiên. Con người muốn sống mà không bệnh cần phải hòa hợp với tự nhiên, phải tu đức và dưỡng tính thiện.

Tôn Tư Mạc, người được tôn xưng là Dược Vương và Tôn Thiên Y, là một thầy thuốc danh tiếng lẫy lừng thời xưa giảng rằng:

“Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh… Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ các thứ “kim đan ngọc dịch”, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”.

Để thực hành dưỡng đức, theo đại danh y Hoa Đà thời Tam Quốc:

“Người giỏi dưỡng đức, đầu tiên phải biết trừ “lục hại”, như vậy mới có thể bảo vệ được tính mệnh và sống tới trăm tuổi. Muốn trừ lục hại, một là phải coi nhẹ danh lợi, hai là không say mê thanh sắc, ba là không tham lam vật dụng hàng hóa, bốn là bớt của ngon vật lạ, năm là không xu nịnh, sáu là không ghen ghét. Trong 6 thứ có hại đó, trừ “của ngon vật lạ” ra, 5 thứ hại khác đều liên quan đến vấn đề tu dưỡng đạo đức.”

Ngoài việc tu dưỡng tâm tính, còn có các môn khí công và thiền định để giúp cho con người đề cao sức khỏe thân thể. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm dân gian đều đã xác nhận việc luyện tập khí công có thể chữa được nhiều loại bệnh, kể cả các chứng nan y như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Bằng các phương pháp phân tích trong y học hiện đại, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng khí công có tác dụng làm tăng cường miễn dịch cho cơ thể, trì hoãn quá trình lão hóa, giúp não bộ và các cơ quan phục hồi những thương tổn…

Trong ảnh là bài công pháp thiền định của Pháp Luân Công – một môn khí công thuộc trường phái Phật gia.

Khí công sẽ càng hiệu quả nếu người tập có thể tu dưỡng tâm tính song song với sự luyện tập. Điều này đã được báo cáo trong nghiên cứu quy mô lớn nhất về hiệu quả trị bệnh của môn khí công Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Khí công có thể giúp người tập thanh lọc cơ thể, đánh thông các kênh năng lượng bị tắc, bị yếu,… vốn là nguyên nhân gây bệnh nếu nhìn từ lý luận y học cổ truyền phương Đông.

Như vậy, nếu người tập kiên trì thực hành dưỡng sinh và khí công, chắc chắn sẽ ức chế được quá trình lão hóa, đồng thời có thể phòng chống được các bệnh tật.

Ức chế “tử” như thế nào?

Tại phương Đông, đỉnh cao của dưỡng sinh và khí công đều gắn liền với truyền thống tu luyện cổ xưa của người Trung Hoa. Những người tìm đến tu luyện đều là vì muốn thoát khỏi cuộc sống trần tục, tìm cách nhảy khỏi vòng kiềm tỏa của sinh lão bệnh tử. Do vậy mà không ít người rời bỏ thế tục đi vào núi sâu rừng già tu luyện. Có vị sau khi tu luyện đắc Đạo trở ra và truyền dạy Đạo, Pháp, như Tổ Bồ Đề Đạt Ma, hoặc như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,… nhưng cũng có rất nhiều vị lặng lẽ tiếp tục ẩn danh nên người đời không biết.

Hẳn nhiều người đã nghe nói đến việc nhục thân của một số thiền sư không bị phân hủy sau hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Khi hỏa thiệu nhục thân nhiều vị cao tăng cũng thu được các hạt xá lợi. Hạt xá lợi này không tan trong nước, không cháy trong lửa, và người thường không có.

Xá lợi Phật trưng bày bên trong các bát thủy tinh tại Hành trình Di sản Heart Shrine ở trung tâm Phật giáo Jamyang ở London, Anh vào ngày 4/9/2010. (Wikimedia Commons)

Cũng vậy, ngày nay khi nghiên cứu các khí công sư, các nhà khoa học thấy những người này phát ra được năng lượng là sóng hạ âm, siêu âm, các electron, neutron, tia phóng xạ gamma,… mà người thường không có hoặc cực kỳ ít. Những vị khí công sư càng dày công tu luyện thì các vật chất này phát ra càng nhiều. Như vậy, nếu họ tiếp tục tu, thì đến một lúc nào đó, thân thể sẽ tích trữ được rất nhiều các “siêu vật chất” này. Nó khác hẳn các vật chất thông thường, không bị phá hủy bằng các con đường thông thường như nước hay lửa. Vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc, các enzym đều không tấn công vào được. Quá trình lão hóa cũng có thể bị ức chế cho dừng lại. Như vậy những người tu luyện này đã ức chế cái “tử” thông thường. Đối với họ, chết chỉ giống như một sự rời đi, như một người đã xong sứ mệnh, và cần phải quay trở về nơi họ đã đến.

Cuộc sống ngày nay ai cũng đều gấp gáp vì nhu cầu này khác, khiến chúng ta chưa già đã bệnh. Thương trường như chiến trường khiến chúng ta chẳng kịp nghĩ nhiều đến những thứ không giúp sinh ra được lợi nhuận ngay trước mắt. Nhưng nếu một ngày kia, khi bạn mệt mỏi với chiến trường, có khi bạn sẽ tìm lại được mình trong những đạo lý cao thâm của người xưa. Có lẽ bạn cũng muốn nhảy khỏi vòng luẩn quẩn của sinh, lão, bệnh, tử…

Đình Vũ

Xem thêm:

Exit mobile version