Đại Kỷ Nguyên

6 bí quyết dưỡng sinh mùa hạ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần an tĩnh

Dưỡng sinh Đông y nhấn mạnh vào: “thuận theo bốn mùa”. Căn cứ theo sự biến hoá khí hậu trước mắt mà điều hoà thân tâm, khiến cho nhân thể đạt đến âm dương cân bằng, sức khỏe dẻo dai.

Đối với dưỡng sinh mùa hạ, thuận theo sự hoạt động dồi dào của dương khí mùa hạ, cách nói “dưỡng dương mùa hạ” đã sinh ra đúng thời, dưỡng sinh mùa này trọng điểm là ở “dưỡng tâm, dưỡng thần, tránh nắng và tránh nóng”. Sau đây sẽ luận bàn một số vấn đề cần chú ý trong thực hành dưỡng sinh vào mùa này.

1. Những đồ ăn thức uống trong mùa hạ giúp dưỡng sinh

Về phương diện ẩm thực, mùa hạ nóng, nên ăn các loại đậu. Trong đó đậu xanh giúp thanh phế nhiệt, đậu đỏ giúp trừ thấp khí, đậu nành và đậu đen dưỡng mộc khí, mà can mộc sinh tâm hỏa do đó giúp bình can, sơ tiết khí và dưỡng tân dịch.

Các loại đậu rất có ích cho dưỡng sinh mùa hạ. (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Mùa hạ thuộc hoả, để tiêu trừ nắng nóng nên ăn các loại dưa, như mướp, dưa vàng Ha-Mi (loài dưa ngọt ở vùng Tân Cương, Trung Quốc), dưa hấu, dưa hồng, bầu và các loại dưa khác. Đặc biệt là dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt giải thử , trừ phiền chỉ khát, đối với viêm họng, loét miệng, đau răng do phong hoả, thử nhiệt, tiểu tiện không thông, chứng tâm hoả vượng… đều có hiệu quả trị liệu.

2. Ăn dưa mùa hè có thể tiêu trừ đi nắng nóng nhưng bạn nên biết một số lưu ý khi dùng

Dưa hấu không nên ăn buổi tối. (Ảnh: hatgiongf1.com)

Dưa hấu tính hàn, người già nên ăn vào buổi trưa. Trong dân gian Đài Loan có một câu ngạn ngữ: “sẩm tối ăn dưa hấu, đêm đến đau bụng hành”. Năng lượng thân thể trong mùa hạ là “dương khí tại ngoại, âm khí tại nội”, đến đêm âm khí trong cơ thể trở nên càng thịnh. Do đó ăn dưa hấu nhiều dễ tích hàn (hàn thuộc âm) trợ thấp, tổn thương dương khí của tỳ vị. Nếu như trong mùa hạ ăn dưa hấu vào buổi tối sẽ dễ dàng tăng thêm khí hàn thấp, nửa đêm dễ nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra không thể ăn quá nhiều các loại dưa bởi nó khiến bụng bị lạnh, dẫn đến các chứng bệnh đường ruột như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

3. Thời tiết nóng nực, quen ở phòng điều hoà sẽ mang đến tai hại gì?

Người hiện đại ở trong phòng điều hòa quá nhiều làm khí trong cơ thể không được lưu thông. (Ảnh: EcoExperiencias El Salvador)

 Nắng nóng sẽ ra nhiều mồ hôi, bởi mồ hôi là dịch của tâm (tâm dịch – tân dịch ở tâm), làm cho khí của tâm hoả trong thân thể trở nên ôn hoà. Cho nên nói, mùa hạ không thể “tỵ nhiệt xu lương”, tức tránh nóng tìm mát quá chừng. Người hiện đại, cả ngày ở phòng điều hoà làm khí trong cơ thể không được lưu thông, mồ hôi không thoát được ra mà dễ phát bệnh. Những ai không coi trọng điều này sẽ xuất hiện trạng thái toàn thân đau mỏi, không thoải mái. Những người này nên tắm nắng vùng lưng từ 6-7 giờ sáng khoảng 10 – 20 phút mỗi ngày.

Ngoài ra, lúc thời tiết nóng nực, chúng ta nếu thường xuyên ra vào phòng điều hoà, nên chú ý đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột mà cơ thể chưa thích ứng kịp, lúc nóng lúc lạnh sẽ làm co hẹp mạch máu của tim, người có bệnh mạch máu sẽ dễ ảnh hưởng đến lưu lượng máu, có thể khiến tắc nghẽn động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim cấp.

4. Làm tiêu tan nắng nóng nhanh bằng cách như dội tắm nước lạnh, lấy nước lạnh rửa chân… là cách làm sai lầm

Bạn nên tắm bằng nước ấm vừa phải thay vì tắm nước lạnh. (Ảnh: young.lv)

Lúc ra mồ hôi không nên tắm rửa, sẽ làm hàn khí nhập vào qua các lỗ chân lông. Như vậy dễ bị cảm hoặc mắc các chứng phong thấp. Sau khi ra mồ hôi nên lau khô, đợi nửa tiếng sau mới nên tắm rửa bằng nước ấm, như vậy sự mệt nhọc sẽ tiêu tan nhanh và trong người sẽ cảm thấy khoan khoái.

5. Mùa hạ rất dễ cảm thấy mệt mỏi, ngoài ngủ trưa còn có phương pháp nào khác?

Khí công là một phương pháp dưỡng sinh tuyệt vời. (Ảnh: sinhphu.com)

Dương khí mùa hạ vượng ở bên ngoài, khí của tâm dồi dào, cho nên Đông y cho rằng, phương pháp dưỡng sinh mùa hạ ở chỗ dưỡng tâm, “tâm an thì huyết sẽ thông suốt, huyết thông suốt thì tinh thần thanh tĩnh”, cho nên mùa hạ cần làm cho bản thân bảo trì trạng thái tĩnh tâm. Thiền định là phương pháp tốt nhất.

6. Phương pháp “Đông bệnh hạ trị”

“Đông bệnh” là những chứng bệnh phát tác vào mùa đông, “Hạ trị” là sớm tiến hành phòng bệnh và chữa trị ngay trong mùa hạ. Như vậy “đông bệnh hạ trị” nghĩa là tiến hành chữa trị các chứng bệnh mùa đông từ trong mùa hạ.

“Đông bệnh hạ trị” được coi là một phần trong dưỡng sinh mùa hạ. (Ảnh: soha.vn)

Đông y nhận ra rằng, một số chứng bệnh mạn tính như ho lâu ngày, viêm phế quản mãn tính ở người già, hen phế quản (thể hư hàn), tiêu chảy lúc sáng sớm (ngũ canh tả), viêm khớp (thẻ hàn tý), viêm mũi dị ứng (thể phong hàn)…thường hay tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn trong những ngày giá lạnh mùa đông.

Tuy nhiên, Đông y đã thực hiện theo phương pháp “cấp tắc trị tiêu, hoãn tắc trị bản” – bệnh cấp trị ngọn, bệnh hoãn trị gốc. Tức là trong thời gian bệnh phát tác, tập trung điều trị triệu chứng – chữa vào ‘ngọn’. Muốn chữa tận gốc cần tiến hành trị liệu các bệnh trên ngay từ mùa hạ, lúc mà bệnh tình đang tạm ổn định. Nếu làm được như vậy thì khi tới mùa đông bệnh sẽ đỡ tái phát, hoặc tái phát bệnh cũng biểu hiện nhẹ hơn. Nói chung chỉ cần bỏ chút ít thời gian điều dưỡng nhưng hiệu quả thu được lại rất khả quan.

Yến Dương

Exit mobile version