Đại Kỷ Nguyên

Sử dụng ‘phương pháp đặc biệt’, thầy giáo Việt giúp hàng trăm học sinh cá biệt Mỹ vào đại học

Thầy giáo vào lớp, nhìn đám học trò: Ở đó chỉ có những bờ vai thõng xuống, những ánh mắt vô hồn nhìn về phía trước. Không khí uể oải, thiếu sức sống bao lấy 30 thanh niên Mỹ đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Lặng lẽ, thầy giáo nhỏ người châu Á viết những phép tính đơn giản nhất lên bảng và chờ đợi…

Đó là khung cảnh buổi lên lớp đầu tiên của thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ tại trường trung học Sam Houston, ngôi trường bốn năm liên tiếp bị xếp hạng “Không thể chấp nhận” trên bảng xếp hạng của Ủy ban Giáo dục bang Texas (Hoa Kỳ). Vừa tốt nghiệp khoa toán của đại học danh tiếng Imperial College (Anh Quốc), thầy Vũ là một trong nhiều giáo viên mới được tuyển về để giúp Sam Houston có thể “tìm thấy tương lai khác”.

Quay trở lại với tiết học đầu tiên, sau khi viết lên bảng những phép cộng trừ, nhân, chia đơn giản nhất, thầy đặt câu hỏi: “Các em hãy thử làm những phép tính này”. Nhưng sau một hồi dùng cả hai bàn tay, thậm chí là hai bàn chân để tính toán, có những học sinh trong lớp học của thầy vẫn không thể đưa ra một câu trả lời chính xác. Năm học ấy, thầy Vỹ tiếp nhận 7 lớp với 200 em học sinh lớp 11 có trình độ của học sinh lớp 6-7 như thế.

Đối với những học sinh năm ấy, toán học thực sự là một “cơn ác mộng”, theo lời tâm sự của thầy Vỹ với phóng viên báo Vnexpress. Tuy nhiên, thầy giáo trẻ tuổi đến từ miền biển Nha Trang nhiều nắng gió và rất đam mê toán học biết phải làm gì để giúp đỡ những học sinh “cá biệt” này.

Chân dung thầy giáo trẻ Văn Tấn Hoàng Vỹ

Đã từng có kinh nghiệm dạy học cho những trẻ em ở một khu vực nghèo của Anh Quốc, từ khi còn là sinh viên, thầy Vũ đã nhận ra nguồn gốc của những nỗi sợ ở học trò mình. Các học sinh của thầy ở Sam Houston năm ấy đa phần đều đến từ những gia đình nghèo khó. Cha mẹ các em không có đủ thời giờ và sức lực để quan tâm đến những đứa trẻ của mình.

Việc học ở trường vì thế cũng trở thành mối quan tâm đứng sau nhiều nỗi lo lớn hơn “ngày mai ăn gì?” và “làm thế nào để được cha mẹ yêu thương?”. Một cách âm thầm, chúng đã khoét một hố sâu ngăn cách những đứa trẻ này với niềm vui của sự học hỏi và khám phá bản thân. Với các em, các công thức toán học trở nên xa lạ qua từng ngày. Đến một lúc, sự xa lạ đó khiến những đứa trẻ không còn động lực để tiếp tục tìm hiểu, tiếp tục duy trì nỗ lực của mình nữa.

Cùng với đó, thi trượt, điểm kém và những ánh nhìn trách móc cũng góp phần khiến các em thêm chán nản. Từ đó, suy nghĩ “buông xuôi” dần dần hình thành trong suy nghĩ của các em, để rồi “mặc kệ mọi thứ” trở thành lựa chọn dễ dàng nhất.

Năm học đó, sau khi nắm được những khó khăn thực chất của học trò, thầy Vỹ quyết định bỏ đi hết những giáo án soạn sẵn, những chương trình do nhà trường quy định, thầy chọn đi theo cách riêng để giúp học trò tìm lại được sự ham mê với toán học, và quan trọng hơn là tìm lại được động lực để khám phá năng lực của chính mình khi các em còn có cơ hội đến trường. Thầy Vỹ mong muốn nhìn thấy lại niềm vui và sự háo hức trong ánh mắt học trò trong mỗi giờ học.

Nếm trải lại mùi vị ngọt ngào của thành công là điều mà thầy Vỹ muốn làm cho những đứa trẻ của mình. Vị ngọt ấy sẽ tiếp thêm động lực cho các em. Theo thời gian, niềm vui của những thành công nhỏ sẽ giúp các em xóa đi vết hằn “tôi không thể” vốn đã in đậm trong tâm trí. Bằng cách chẻ nhỏ những bài toán khó, thầy Vỹ muốn dạy cho học trò của mình cách tư duy, giải quyết vấn đề, cùng học trò kiên trì xây dựng lại kiến thức nền thật vững để đối mặt với những bài toán phức tạp hơn sau này.

Trong một giờ học toán (Ảnh dẫn qua: phapluat.news)

Toán học là một môn học về cuộc sống, chứ không đơn thuần là những con số. Đây là điều tiếp theo thầy giáo người Việt muốn các học sinh Mỹ của mình hiểu rõ. Để truyền tải được thông điệp này, thầy đã dùng tất cả sự sáng tạo để đưa bài giảng của mình đến với học trò theo con đường tự nhiên và thú vị nhất.

Khi dạy về vẽ đồ thị, thầy Vỹ giăng dây khắp phòng học để mô phỏng trục tọa độ. Sau đó, thầy yêu cầu học trò tìm vị trí ngồi theo tọa độ bí mật mà thầy đã phát cho các em. Khi dạy về Ma Trận, tất cả các học sinh đã được một phen cười sảng khoái khi thấy thầy giáo nhỏ thó của các em bước vào lớp trong hình tượng của nhân vật chính trong bộ phim Hollywod kinh điển – “Matrix” (Ma Trận). Không dừng lại ở điện ảnh, thầy còn mang cả âm nhạc vào lớp học, những công thức khô khan được thầy biên soạn thành những giai điệu vui vẻ và dễ nhớ. Môn toán và trường học đã dần trở nên có ý nghĩa với những học trò của thầy như thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những phương pháp sư phạm hay, với thầy Vỹ yêu thương học trò mới là cách hiệu quả nhất để giúp học trò tìm thấy khả năng thật sự của các em khi có cơ hội được đến trường. Ở Mỹ, khi cánh cửa trường cấp ba đóng lại trước mắt những thanh niên trẻ khi việc học vẫn còn dang dở, cũng đồng nghĩa với những cánh cửa đến với tội ác và tệ nạn sẽ mở ra. Những đứa trẻ thiếu tình thương và sự hiểu biết vì thế sẽ dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của nghiện ngập và bạo lực. Hiểu được thực tế tàn nhẫn này, thầy Vỹ không bỏ qua bất kể cơ hội nào để động viên học trò của mình nỗ lực.

Khi được tin một nữ sinh của mình xin nghỉ học vì thất bại trong một cuộc thi đánh giá năng lực của bang, thầy Vỹ đã gọi điện và thuyết phục học trò của mình. Thầy muốn cô gái trẻ hiểu rằng, thất bại ấy chỉ là một phần trong cuộc sống còn rất dài của em. Một lần thất bại không đồng nghĩa với cuộc đời thất bại. Nếu cô học trò nhỏ lựa chọn từ bỏ, đó mới là cách em đóng cửa tương lai của chính mình. Sau những động viên ấy, học sinh của thầy đã quay lại trường học, học cách vượt qua những đau khổ để tiếp tục trau dồi chính mình. Nữ sinh ấy giờ đã thành một y tá.

“Nếu thực sự em chán ghét những lúc ở nhà đến thế, hãy yêu những lúc học ở trường đi vậy. Hãy biến nó thành động lực để vươn lên. Học hành sẽ cho em lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại”. Đây là điều mà thầy Vỹ luôn muốn những cô cậu học trò của mình ghi nhớ, đặc biệt vào những lúc khó khăn nhất.

Thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ chụp cùng học trò tại trường Sam Houston, bang Texas, Mỹ vào ngày bế giảng năm học 2010. Trên tường viết câu khẩu hiệu: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”. (Ảnh dẫn qua: Phapluat.news)

Tất cả học sinh mà thầy Vỹ tiếp nhận vào năm 2008 đều đã vượt qua kỳ thi cuối cấp của các em. Sự tận tâm của thầy, sự nỗ lực của trò đã giúp các em chinh phục lại những kiến thức của 4 năm học chỉ trong một năm và trở thành top những học sinh đạt điểm toán cao nhất trường trong kỳ thi sát hạch cuối cùng. Cơ hội vào những trường đại học tốt cũng đã mở ra với rất nhiều học sinh của thầy, những thanh niên trẻ mà lần đầu tiên vào lớp, thầy không nhìn thấy một tia sáng hy vọng nào ánh lên trong đáy mắt các em.

Tấm lòng vẫn luôn hướng về quê hương và những người thân thương cùng chung tiếng nói

Thẫy Vỹ nói lời tạm biệt với trường Sam Houston sau 4 năm gắn bó để tiếp tục chuyến hành trình mới của mình. Thầy ghi danh theo học tại Đại học Stanford, ngôi trường sẽ giúp thầy có thêm những kiến thức chuyên môn về triết lý giáo dục, cơ hội học chuyên sâu về phương pháp viết giáo án và cách truyền cảm hứng cho học sinh. Sau hai năm học tập, thầy tiếp tục trau dồi bản thân mình khi giảng dạy tại một trường tư thục do các cựu sinh viên của trường Stanford thành lập. Thầy muốn dùng những gì mình đã tích cóp được trong khoảng thời gian này để mở một ngôi trường cho con em người Việt trên đất Mỹ.

Thầy Vỹ nhận ra rằng, khoảng cách giữa các cha mẹ người Việt ở đây với con cái họ lớn hơn theo từng ngày. Rất nhiều phụ huynh người Việt không biết tiếng Anh, họ không nắm được thông tin về hệ thống giáo dục để tư vấn cho con mình. Thêm vào đó, có rất nhiều sự bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai thế hệ. Những khó khăn này khiến cha mẹ và con cái không có sự chia sẻ, vì thế cũng không có sự cảm thông, động viên và hỗ trợ. Mối liên hệ vì thế mà cứ dần mờ nhạt.

Tháng 01 năm 2016, thầy Vỹ đã thành lập thành công trường Van Houston, một ngôi trường mang tới sự trợ giúp cho các học sinh người Việt từ lớp 1 đến lớp 12. Trường hoạt động theo mô hình “after school” (trường học ngoại khóa), học sinh sẽ tiếp tục học ở trường Van Housston khi đã hoàn thành việc học chính khóa của mình. Trường sẽ dạy các em hầu hết các môn chính như toán, đọc, viết, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, SAT.

Thầy hiệu trưởng 32 tuổi và các giáo viên của trường Van Houston (Ảnh dẫn qua: Tuổi Trẻ)

Tự biên soạn chương trình học cho trường, thầy Vỹ và các thầy cô ở Van Houston không mong muốn biến những đứa trẻ của mình thành những người có thành tích cao nhất. Triết lý giáo dục của trường là khiến học sinh thực sự thích việc học và hiểu rằng học hỏi chính là con đường giúp các em sớm tìm ra những đam mê và tiềm năng của chính mình. Để hiện thực hóa triết lý ấy, học bằng trò chơi, các hoạt động ngoại khóa đầy thú vị là phương pháp sư phạm mà thầy Vỹ lựa chọn.

Khi được phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi về những dự án giáo dục tại chính quê hương Việt Nam, thầy Vỹ chân thành: Đó luôn là mơ ước và cũng là trăn trở bấy lâu của thầy. Nhưng trước mắt, thầy sẽ tập trung phát triển và hoàn thiện trường Van Houston. Khi mọi thứ đi vào quỹ đạo, thầy sẽ mang mô hình này về Việt Nam. Có lẽ điểm đến đầu tiên của thầy sẽ là Nha Trang và những vùng đất mà trẻ em còn khốn khó, cần nhiều sự giúp đỡ, quan tâm.

Thầy giáo không chỉ là người trao kiến thức mà còn là người trao cho học trò niềm tin vào chính mình trên con đường các em đang bước. (Ảnh minh họa: WordPress.com)

Tấm lòng của người thầy ấy vẫn luôn hướng về những tâm hồn thơ trẻ thiếu thốn sự dìu dắt, sẻ chia. Xin chúc cho đôi bước chân của thầy luôn vững vàng và trái tim thầy luôn đong đầy những ước mơ thiện lương như ngày hôm nay. Để qua mỗi bài giảng, thầy sẽ trao cho học trò niềm tin – học hỏi để khám phá và hoàn thiện chính mình là một phần trong những điều ý nghĩa nhất của sự sống.

Hải Lam

Exit mobile version