Đại Kỷ Nguyên

Người vợ hiền thảo 52 năm đằng đẵng chờ chồng, đến cuối cùng vẫn chọn bao dung

Bà đã yêu ông bằng tất cả tình yêu đằm thắm, làm vợ ông bằng tất cả tấm chân tình. Đến ngày ông phải về quê hương xa xôi, bà vẫn một lòng một dạ đợi chờ. Vậy mà ông biền biệt gần nửa thế kỷ. Đến ngày được tin, bà biết ông đã có vợ con mới nơi quê nhà. Tan nát. Rồi hội ngộ. Rồi lại chia xa. Nhưng đến tận cuối cuộc đời, khi ôm trong vòng tay một bình tro lạnh, bà vẫn chọn yêu thương.

Bà tên là Nguyễn Thị Xuân, một người con gái sinh ra tại vùng quê Cổ Loa hiền hòa vào giữa thời loạn lạc chiến tranh. Nhưng như có lần bà dí dỏm bảo, nếu không có những ngày tháng gian khổ đó, cũng không có nhân duyên cho ông bà gặp nhau. Hồi ấy, bà đang làm phụ trong một quán hàng. Còn ông, vẫn trong quân đội Nhật, là người ở bên kia chiến tuyến.

Lời tỏ tình giản dị: “Vậy thì tôi yêu cô”

Sau lần đầu tiên tình cờ gặp gỡ, ông hỏi bà một câu giản dị nhưng thẳng thắn “Cô Xuân đã có người yêu chưa?”. Bà trả lời: “Tôi chưa”. “Vậy thì tôi yêu cô”. Lời ngỏ ấy có lẽ không thể giản đơn hơn, nhưng sự chân thành của ông khiến cho bà nhớ buổi đầu ấy như in cho tới tận bây giờ.

Hai ông bà thương nhau và nên duyên vợ chồng từ ấy. Không nhiều những lời lãng mạn, nhưng ông thương yêu bà bằng tất cả sự chân thành của một người Nhật. Đó là điều bà vẫn giữ trong trái tim suốt cả cuộc hành trình. Ông tên thật là Shimizu Yoshiharu, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Đức.

Ông bà nên duyên vợ chồng được 9 năm. Nhưng theo lời bà kể, trong 9 năm ấy, thời gian ông bà ở cạnh nhau chắc gói trọn được hai năm. Tuy chỉ có hai năm ngắn ngủi của đời người, những điều ông dành tặng cho bà đã tựa như một bức tranh được khắc lên vách đá. Dù năm tháng có qua đi cũng khó có thể bào mòn từng nét vẽ.

Gia đình hạnh phúc của bà Xuân trước ngày ông Đức lên đường về Nhật (Ảnh dẫn qua: newsdog.today)

“Chồng tôi hiền lắm”. Trong đoạn phỏng vấn do báo Tri Thức Trẻ thực hiện, bà Xuân đã kể về ông Đức, chồng bà với tất cả tình yêu thương. Qua những gì bà kể, người xem như được trở lại với thời xa xưa, ngày mà con người sống thật khốn khó, nhưng lại thật nghĩa tình. Do đặc thù công việc, ông Đức thường phải xa nhà. Nhưng cứ hễ có buổi chiều rảnh, dù làm việc ở tận Thái Nguyên ông vẫn thu xếp để có thể về Hà Nội cùng bà và các con. “Chiều thứ bảy về, chiều chủ nhật ông ấy lại đi”.

 Họ thương nhau và trân trọng từng phút giây cuộc sống được chia sẻ cùng nhau như thế.  

Rồi bà còn kể, bao năm chung sống, có với nhau đến bốn mặt con nhưng ông không một lần nặng lời, không một lần to tiếng với bà. Bà có chỗ nào thắc mắc, ông lại ân cần giải thích, để bà hiểu hơn về những điều ông cảm nhận. Người ta vẫn thường nói, càng hiểu nhau con người mới càng thương nhau. Bởi cái hiểu chính là cái gốc của sự bao dung.

Hạnh phúc đong đầy vẫn tới lúc chia xa

Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, ngày ông phải về Nhật đã tới.

Trước khi đi, ông dặn dò bà cẩn thận. Ông dặn, nếu sau năm tháng không thấy ông quay về, bà Xuân hãy tìm cách lo cho mình và các con. Lúc bấy giờ, bà chỉ nghĩ đơn giản, ông chỉ đi công tác xa, rồi ông sẽ quay về. Khi ấy, con út của ông bà vẫn chưa chào đời.

Ông Đức đi rồi, bà Xuân ở lại Hà Nội gồng gánh nuôi con. Bà biết, dù thế nào mình cũng phải cố gắng để nuôi các con của ông bà thành người. Bởi trước khi đi, ông đã dặn bà “Xuân nhớ, đừng bao giờ để các con thất học”. Người vợ hiền thảo ấy đã một lòng một dạ tảo tần hôm sớm để chăm con, đợi chồng để giữ trọn lời hứa với ông.

Chân dung cụ Nguyễn Thị Xuân (Ảnh: Tri Thức Trẻ)

Nhưng thời gian cứ trôi, mà hình bóng thân quen vẫn không bao giờ xuất hiện. Bà kể, nhiều lần bà tưởng như mình sắp đánh mất sự tỉnh táo vì nghĩ đến việc mất chồng. Nhưng nghĩ tới các con, bà lại tự trấn an mình, nếu có chuyện gì với bà thì bốn đứa trẻ sẽ dựa vào ai. Vậy là, vật lộn với cuộc sống mưu sinh bên ngoài và những mất mát bên trong tâm hồn, bà Xuân đã không bao giờ bỏ cuộc.

Để giữ đúng đạo vợ chồng, bà lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ. Bao nhiêu năm trời không có một dòng tin, không có một dấu hiệu nào cho bà biết chồng mình còn sống. Nhưng bà vẫn khắc khoải hy vọng, ở nơi xa, ông vẫn bình an. Để rồi tới năm 2006, sau 52 năm xa cách, nhờ một chương trình tìm thân nhân Việt – Nhật,  bà hay tin: Ông Shimizu Yoshiharu vẫn còn sống. Nhưng sau khi quay lại Nhật, ông Đức của bà đã lập gia đình. Bây giờ ông đang sống cùng vợ mới và các con. “Tan nát”, có lẽ là tính từ miêu tả chân thực nhất cảm xúc lúc ấy của một người vợ đã dành nửa thế kỷ chờ chồng, để rồi khi về tận cuối đời, bà mới biết trong suốt những tháng năm qua ông đã có một hạnh phúc riêng.

“Trước sau vẫn là vợ chồng, còn con còn cái, vẫn còn ấm chân”

Bà Xuân khi ấy chỉ gửi cho ông Đức một bức thư với vỏn vẹn dòng chữ “Không ngờ, tôi lại mất anh”. Còn ông lẳng lặng gửi cho bà những kỷ vật với hàm ý “Trước sau vẫn là vợ chồng, còn con còn cái, vẫn còn ấm chân”. Hai bên vẫn dành cho nhau sự thẳng thắn như thủa đầu mới quen, thương và là gia đình của nhau.

Cụ Xuân vẫn bọc bộ quân phục của ông Đức trong tấm chăn và đặt cạnh mình, để có cảm giác rằng ông vẫn ở đây (Ảnh: REUTERS/Kham)

Có lẽ ai rơi vào tình cảnh của bà Xuân cũng sẽ mang nhiều lắm những sự oán trách. Nhưng, bà Xuân lại chọn một cách khác để đối diện với hoàn cảnh. “Ông ấy hỏi tôi có giận không. Giận thì tôi vẫn giận, mà thương thì tôi vẫn thương”. Đó chính là câu trả lời mà bà dành cho ông vào giây phút gặp lại, khi hai người có dịp ngồi cạnh nhau, sau hơn nửa thế kỷ xa cách, sau khi ông Đức vượt lên những bệnh tật và ngại ngùng, đi 4000 cây số về thăm lại bà cùng các con.

Bao giận hờn, tủi phận, bao xót xa và chờ ngóng, dường như đã được bà hòa tan vào những dòng nước mắt đã rơi suốt 52 năm qua. Để rồi, trong giây phút gặp lại này, khi ông hỏi, ông có thể làm gì để chuộc lỗi, để bù đắp, bà có thể nhẹ nhàng đáp rằng:

“Chỉ cần ông về thăm là đủ”.

Bởi vì bà không trách ông. Bà biết một người đàn ông luôn cần có một người phụ nữ chăm sóc và đỡ đần. Ông lấy vợ là điều nhất thiết cần làm, còn việc bà khổ là điều bà cần phải trải qua, là một phần số phận của bà nên bà chấp nhận.

Không oán trách, chỉ giữ lại những kỉ niệm yêu thương, là cách mà bà Xuân đã chọn để sống hết 52 năm vất vả và phần nào đó thật cô đơn. Và đáng quý hơn, đó là cách mà bà chọn để nuôi nấng tâm hồn của bốn người con của mình. Bà để các con lớn lên trong những hình ảnh chân thực về người cha hiền lành, luôn có ý chí vươn lên khỏi cái nghèo về hiểu biết và nhân cách, để họ được sống và biết rằng, chỉ vì hoàn cảnh nên cha của họ mới không thể làm tròn bổn phận.

Cuộc đoàn viên không thể nào quên 2006 (Ảnh dẫn qua: newsdog.today_

Trong trí nhớ của cô Nguyện Thị Phương, cha vẫn là nơi vững chãi nhất nâng đỡ tâm hồn thơ bé của cô thời thơ ấu. Cô kể, cô cũng giống như mẹ, còn giữ nguyên những hình ảnh của cha, lần đi theo cha qua con sông, cô đã khóc vì tưởng cha bỏ mình lại bên này, hay hình ảnh ông ân cần chăm sóc cô như bao nhiêu những người cha khác vẫn làm.

Chừng ấy năm xa cha, cô cùng các em cũng có chừng ấy năm mang trong mình niềm tủi phận và mong muốn một ngày được chạm vào cha, ở bên cha bằng xương bằng thịt để cảm nhận được tình yêu chân thật của ông, chứ không chỉ sống bằng ký ức, bằng lời mẹ kể. Tình thương, và sự bao dung của mẹ đã thấm đẫm vào tâm hồn của những đứa con. Bởi xa thế, mong ngóng thế, nhưng khi kể chuyện về cha, không ai trong bốn người con của hai ông bà than trách, oán hận.

Họ chỉ đau đáu … một nỗi nhớ, một niềm thương.

Cùng mẹ, bốn anh chị em của cô Phương đã được gặp lại cha lần đầu tiên sau 52 năm xa cách vào năm 2006. Các con của ông Đức bà Xuân biết rằng, ông không thể ở lại Việt Nam cùng họ, bởi nếu vậy sẽ có thêm một gia đình phải rơi vào cảnh phân ly. Vậy nên, cả bà Xuân và các con lại tiếp tục sống bằng những mẩu phim về ông Đức, những bức ảnh của ông. Chỉ khác có một điều, những hình ảnh đó mới hơn, giúp họ cảm thấy gần được người chồng, người cha thân yêu hơn một chút.

Bà Xuân đang xem lại những bức ảnh của người bạn đời mà nửa thế kỷ qua, chưa ngày nào bà hết thương, hết nhớ (Ảnh: Tri Thức Trẻ)
Những tấm ảnh giờ đã có màu, đã mới hơn lúc trước rất nhiều (Ảnh: Tri Thức Trẻ)

Chỉ đến tháng 10 vừa qua, khi nhà nước Nhật Bản có chương trình đưa con của các cựu chiến binh Nhật về thăm quê, cô Phương mới lại thấy một tia hy vọng – cô sẽ có thêm một cơ hội nữa để được ôm lấy người cha ruột thịt của mình, cho thỏa nỗi mong, thương.

Vậy mà, vào ngày trở về, cũng là một buổi chiều đông hanh hao, cô đứng bên phòng bệnh của mẹ, tâm trạng ngập ngừng, lo lắng. Để rồi, cô vẫn phải báo với mẹ cô – bà Xuân rằng:

“Mẹ ơi, bố con mất rồi”.

Khi sang thế giới bên kia, bà sẽ lại đi tìm ông (Ảnh: REUTERS/Kham)

Khi nhận tin, bà Xuân cũng như lần gặp lại cách đây 11 năm, bà không khóc bởi nước mắt cũng đã cạn rồi. Ôm hộp tro cốt của ông Đức trong tay, bà buồn nhưng bà cũng biết rằng cái chết bây giờ không còn đáng sợ nữa. Bởi khi sang thế giới bên kia, bà sẽ lại đi tìm ông.

Hy Văn

Exit mobile version