Đại Kỷ Nguyên

Giúp đỡ người khác khiến bạn khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn, khoa học đã chứng minh

Giúp đỡ người khác khiến bạn khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn, khoa học đã chứng minh

Ảnh: Priscilla Du Preez / Unsplash.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một điều thú vị rằng, giúp đỡ người khác sẽ mang lại cho bạn sự tĩnh tâm, sống lâu và thấy mình trở nên giá trị. 

Khi bạn bị căng thẳng (stress), bạn đã thử tất cả những cách này chưa: hít một hơi thật sâu, cố chợp mắt, hay giải tỏa cùng bạn bè…? Tuy nhiên, stress vẫn không chịu buông tha bạn.

Tại sao bạn không thử làm một chút việc tốt?

Stress dường như là một căn bệnh của thời hiện đại, khi cuộc sống trở nên gấp gáp với đầy rẫy những áp lực của cơm áo gạo tiền khiến chúng ta không có nổi giây phút tĩnh tâm. Và nếu chúng ta không cẩn thận, trạng thái stress của ngày hôm nay có thể trở thành những lo lắng, áp lực hoặc bất hạnh của ngày mai. Nhưng khi chúng ta loay hoay tìm kiếm phương cách để cải thiện tình trạng của bản thân, có lẽ, giải pháp thực tế lại nằm ở việc giúp đỡ người khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi chúng ta gạt những rắc rối của bản thân sang một bên và tập trung năng lượng vào việc giúp đỡ người khác, mức độ căng thẳng của chúng ta giảm đi. Lòng tốt và sự tử tế có tác động tích cực đến lượng hormon trong cơ thể, khiến cho cả tinh thần và thể chất của chúng ta được lợi ích.

Ví dụ, những người cố gắng làm điều tốt có lượng corticol (hormon gây stress) ít hơn 23% và trẻ lâu hơn so với mức trung bình. Lòng tốt cũng thúc đẩy quá trình sản xuất serotonin (hormon tạo cảm giác tích cực), giúp người ta bình tĩnh hơn và cân bằng cảm xúc.

Không chỉ làm giảm mức độ căng thẳng, làm việc tốt còn giúp giảm huyết áp và giảm đau. Nó sẽ kích thích giải phóng các chất hóa học trong thân thể, ví như endorphins và oxytocin. Oxytocin gây giãn mạch máu, nguyên nhân làm tăng huyết áp, trong khi endorphins hoạt động lúc cơ thể bạn đang phải chống chọi với những cơn đau ghê gớm.

Và nếu bạn vẫn còn một chút cảm giác lờ đờ uể oải, hãy cố gắng làm thêm nhiều việc tốt nữa để tăng cường năng lượng của thân thể. 

Một nghiên cứu cho thấy, một nửa số người tham gia nghiên cứu cảm thấy khỏe hơn và nhiều năng lượng hơn sau khi họ giúp đỡ người khác; nhiều người tham gia nói rằng họ cảm thấy tĩnh tâm hơn, ít áp lực hơn, hoặc cảm thấy bản thân mình giá trị hơn.

Nghiên cứu của Khoa tâm lý lâm sàng, Đại học Yale chỉ ra rằng, thậm chí chỉ hành động lịch sự đơn thuần cũng giúp con người giảm mức độ căng thẳng. Những người tham gia được yêu cầu theo dõi tần suất họ thực hiện các hành vi xã hội mỗi ngày trong khoảng thời gian hai tuần. Việc thực hiện những hành vi đơn giản như hỏi ai đó có cần giúp không, hay mở cửa cho người khác, cũng giúp người này có cảm xúc tích cực hơn nhiều so với những ngày họ không thực hiện việc hữu ích. Tác giả nghiên cứu tuyên bố: “Những kết quả này gợi ý rằng, thậm chí giúp đỡ hay hỗ trợ người khác trong một thời gian ngắn cũng có thể giúp người ta giảm bớt những cảm xúc tiêu cực do tác động của stress mỗi ngày”.

Làm tình nguyện – cách tốt để giúp đỡ người khác 

Còn cách nào để giúp đỡ người khác tốt hơn là làm những công việc tình nguyện? Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người làm việc tình nguyện đạt được nhiều lợi ích như những người được họ giúp đỡ. 

Nhưng khi giúp đỡ người khác, cần lưu ý vấn đề về động cơ. Một nghiên cứu do Khoa Sức khỏe tâm lý thực hiện nhận thấy những người làm tình nguyện thường xuyên sống lâu hơn, nhưng lợi ích chỉ có thể đạt được nếu họ tình nguyện giúp đỡ người khác một cách chân thành, vô tư, chứ không phải thực hiện điều đó với mục đích để cho mình cảm thấy tốt hơn hay tuyệt vời hơn người khác. 

Sự tử tế có thể học được

 Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thấy thật khó để thể hiện sự tử tế? Đừng thất vọng: sự tử tế có thể học được.

“Nó giống như một dạng tập tạ; chúng tôi thấy rằng mọi người có thể bồi đắp lòng trắc ẩn của mình và quan tâm tới những đau khổ của người khác với sự chân thành và mong muốn giúp đỡ”, Helen Weng, một sinh viên đã ra trường của khoa tâm lý học và là tác giả nghiên cứu, cho biết như vậy.

Và một điều tuyệt vời nữa là, lòng tốt có thể lan toả. Trong một đám đông, sự tử tế có thể lan truyền giống như một làn sóng trên mặt hồ.

Vậy tại sao bạn không cố gắng làm điều tử tế? Chỉ làm một việc tốt thôi có thể tạo nên sự khác biệt giữa một ngày tốt và một ngày tồi tệ. Cho nên, khiến một ngày trở thành ngày tốt, không chỉ cho bản thân bạn, mà còn cho những người được bạn giúp đỡ và thậm chí cả những người được chứng kiến việc làm tốt của bạn.

Triết học gia Hy Lạp cổ đại Aristotle đã để lại câu nói nổi tiếng, rằng mục tiêu của cuộc sống là “để phục vụ người khác và làm điều tốt”. Và kết quả từ các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, hành động tử tế và phục vụ người khác có lẽ cũng là cách tuyệt vời để chống lại stress và duy trì thân thể khỏe mạnh.

Vy Huy

Theo The Epoch Times

Exit mobile version