Đại Kỷ Nguyên

Cảm thương số phận anh bán vé số cụt tay và những tô bún của ‘má Cúc’ giữa phố thị Sài Gòn

Người phụ nữ đã ngoài 60 với mái tóc điểm bạc bón từng đũa bún vào miệng thanh niên trẻ, dáng người vạm vỡ, nhưng không có tay, nách kẹp tập vé số, là hình ảnh rất thân quen đối với người dân quanh khu chợ Bàn Cờ của Sài Gòn tấp nập.

Trong cái hối hả của dòng người ngược xuôi, trong những tiếng trả giá và mua bán sôi nổi của chợ Bàn Cờ, trong góc nhỏ của quán bún bò, anh Thanh – người trai trẻ không may mắn đã mất đi đôi tay ấy đang được ăn tô bún bò có lẽ là ngon nhất ở Sài Thành. Đã từ 4 năm nay, má Cúc vẫn bón cho anh ăn tô bún thơm đượm ấy, mỗi lần anh ghé quán, sau một buổi vất vả ngược xuôi bán vé số.

Anh Thanh không phải là người tật nguyền bẩm sinh. Anh mất đi đôi ta của mình trong một tai nạn lao động cách đây nhiều năm. Khi ấy, anh đang là phụ hồ. Trong một lần vận chuyển vật liệu trong công trường, những thanh sắt anh mang chạm phải đường điện cao thế khiến anh bị giật và phải đi cấp cứu. Lần ấy, Trời thương giúp anh giữ được mạng sống, nhưng lại thử thách khi lấy đi của anh cả hai cánh tay lành lặn.

Mất mát này tưởng như có thể quật ngã được bất kỳ ai, nhất là những người trẻ tuổi còn cả tương lai ở phía trước. Tuy nhiên, quãng thời gian chăm chỉ lao động, nhất là bản tính vốn biết nghĩ, biết thương cha mẹ đã giúp anh Thanh đứng vững. Anh quyết định mình phải làm một điều gì đó để không trở thành gánh nặng của mẹ cha. Nghe theo lời khuyên của một số người thân, anh khăn gói lên Sài Gòn, thuê nhà trọ rồi hằng ngày rong ruổi khắp nơi bán vé số.

Công việc bán vé số giúp anh nuôi sống mình. (Ảnh dẫn qua: doisongvietnam)

Công việc tuy không mang lại nhiều thu nhập nhưng đủ để anh có thể nuôi sống bản thân mà không phải phiền tới bố mẹ già dưới quê. Hơn thế nữa, việc đi lại, gặp gỡ mọi người giúp anh tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.

Tuy vậy, anh Thanh vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với đôi tay bị cắt cụt gần tới nách, anh không thể tự mình làm được rất nhiều công việc. Khi đi bán vé số, anh có thể nhờ khách hàng lấy vé, rồi trả tiền vào túi áo. Nhưng tới giờ cơm, khi bụng đã đói sau một ngày rong ruổi, nhiều hôm anh không nhờ được ai bón giúp đồ ăn nên lại đành nhịn đói.

Anh kể, anh thường tìm những người lớn tuổi nhờ giúp, nhưng không phải lúc nào cũng gặp được người thương và thông cảm với hoàn cảnh của mình. Có lẽ cũng giống như người thương trước đây của anh, cô cũng không thông cảm được với mất mát mà anh Thanh phải chịu nên cũng không thể đồng hành cùng anh. Trước hoàn cảnh đó, anh chỉ mỉm cười, anh cũng không muốn làm người ta khổ và cũng không muốn làm phiền ai.

Nhưng ông Trời cũng không lấy đi của ai tất cả, trong những năm tháng đi khắp Sài Thành kiếm sống, anh Thanh lại có dịp gặp được nhiều những con người có tấm lòng và tình thương thật chân thành. Má Cúc có lẽ là “người thân” không phải ruột thịt mà anh đã may mắn tìm được giữa chốn thị thành như thế.

Đã từ bốn năm nay, má Cúc luôn dành thời gian để bón cho anh Thanh, mỗi lần anh ghé quán. (Ảnh dẫn qua: Zing.vn)

Lần đó, trong một lần bán vé số ở chợ Bàn Cờ, anh gặp má Cúc. Thấy anh mất đi đôi cánh tay, má ái ngại hỏi rằng ta anh vậy ăn uống làm sao? Anh cũng thành thật kể cho má nghe những ngày kiếm sống xa quê, đủ ăn nhưng cũng nhiều lúc nhọc nhằn. Nghe xong má hỏi, thế lúc bấy giờ anh có đói không, có muốn ăn bún bò không, má đút giúp. Anh Thanh đồng ý liền. Và đó là lần đầu tiên “má Cúc” đút bún cho người thanh niên vui vẻ và nghị lực ấy.

Má kể, lần đầu tiên đút cho anh ăn mà má thấy tội lắm, nhìn cách anh ăn ngon lành, má hiểu anh đói như thế nào. Hình ảnh của anh Thanh có lẽ gợi cho má Cúc, người chủ quán bún bò nơi chợ Bàn Cờ khi đó hình ảnh của những đứa con của má. Phải chăng đó là lý do má dặn anh, từ nay, khi nào đói lại qua quán của má, má sẽ bón cho anh. Tình thương và sự dịu dàng của người phụ nữ nhân hậu ấy đã chạm tới trái tim của người trai trẻ. Anh hạnh phúc tới quán của má để được ăn một tô bún. Hạnh phúc ấy hẳn cũng giống thứ hạnh phúc của một người được trở về nhà, sau một ngày dài miệt mài làm việc, để rồi được an ổn ăn một bữa cơm với gia đình.

Đến bây giờ “má” vẫn chăm sóc cho anh, và “má” giống như một người thân của anh ở vùng đất có phần xa lạ này. (Ảnh dẫn qua: doctinnhanh)

Xa nhà, xa quê dù có nghị lực đến đâu, người ta cũng luôn mong ngóng có  một nơi để đi về, để được cảm nhận tình thương không điều kiện, để được nhận sự ấm áp và quan tâm chân thành. Anh Thanh đã may mắn tìm thấy điều quý giá này ở quán bún của “má Cúc”, để rồi sau nhiều lần đến quán, anh bắt đầu gọi cô chủ quán bằng tiếng gọi thân thương “má Cúc”. Giây phút được má bón cho ăn cũng giống như giây phút anh được gần người má ở quê của mình. Anh tâm sự, được gọi người chăm sóc cho mình nơi phố thị này là “má”, anh cũng vơi bớt đi rất nhiều nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Cái vất vả của cuộc đời dường như cũng được xoa bớt đi rất nhiều.

Sự quan tâm và chăm sóc chân thành có khả năng xoa dịu những nỗi nhọc nhằn. (Ảnh dẫn qua:tv.plo)

Sài Gòn vốn là như thế, thành phố đông đúc, chật hẹp, nhưng lòng người lại luôn rộng mở, ấm nồng. Chúng ta thường nhầm tưởng rằng chỉ có kiếm được nhiều tiền, có được nhiều điều kiện mới có thể khiến người khác hạnh phúc. Nhưng câu chuyện của “má Cúc” ở chợ Bàn Cờ và anh Thanh đang nhắc với mỗi người: Đôi khi, chỉ cần một hành động thật đơn giản nhưng xuất phát từ một sự quan tâm chân thành, một mong muốn giúp người khác bớt đi những khó khăn là đủ để chúng ta có thể khiến một người cảm thấy hạnh phúc ngập tràn.

Hy Văn

Exit mobile version