Đại Kỷ Nguyên

Cách tài xế Nhật Bản đình công: Làm đúng giờ, lái đúng tuyến nhưng không thu tiền của khách

Trái với những gì thường thấy, các tài xế xe bus làm việc cho Ryobi Group ở Okayama (Nhật Bản) đình công theo một cách rất khác thường: họ vẫn tiếp tục thực hiện công việc của mình như thường ngày, lái xe theo các tuyến đường mà họ đảm trách, nhưng… từ chối nhận tiền vé của hành khách.

Vào ngày 27 tháng 4 vừa qua, xe bus mới của hãng Megurin bắt đầu hoạt động trên một số tuyến đường trùng với hành trình của hãng Ryobi với giá vé rẻ hơn. Hơn nữa, xe bus của hãng này cũng có thiết kế bắt mắt hơn so với các xe của Ryobi.

Trước thực trạng này, những người tài xế của hãng Ryobi đã kiến nghị với quản lý công ty cần phải đưa ra các biện pháp cải tiến nhằm đảm bảo công việc trước sức ép của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, dường như các nhà quản lý không để tâm nhiều đến yêu cầu này cũng như lời cảnh báo về một cuộc đình công từ phía nhân viên của họ.

Tài xế phủ một tấm vải trắng lên giá thu tiền vé (Ảnh: Twitter/@mipourako)

Cuộc đình công đã xảy ra cùng với chuyến đi đầu tiên của Megurin. Các tài xế của Ryobi vẫn đến làm đúng giờ, lái xe đúng tuyến, nhưng không thực hiện một phần công việc của mình – thu tiền vé của hành khách! 

Đình công nhưng vẫn bảo vệ hình ảnh công ty về lâu dài

Với cách đình công miễn phí vé xe như vậy, những tài xế Nhật Bản chỉ gây sức ép về vấn đề tài chính chứ không hề làm ảnh hưởng đến thương hiệu và hình ảnh của công ty. Ngược lại, xét về lâu dài, họ còn ghi điểm đối với khách hàng và gia tăng uy tín cho công ty. Đây quả là một cách làm vô cùng hiệu quả và khôn ngoan!

Đình công nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của khách hàng

Thông thường, trong các trường hợp đình công, quản lý công ty có thể áp dụng biện pháp đình chỉ việc của lái xe, kêu gọi công chúng đứng về phía họ bằng cách nói rằng những lái xe này đang đặt nhu cầu của bản thân lên trước lợi ích của khách hàng và cộng đồng.  Vì vậy, để chứng minh rằng trường hợp này không phải như vậy, các tài xế của Ryobi vẫn làm công việc như bình thường, họ không khiến cho mẫu thuẫn với ban quản lý ảnh hưởng đến trách nhiệm của bản thân cũng như quyền lợi khách hàng. 

(Ảnh: anpan_2634)

Để làm được điều này, phải kể đến văn hóa nghĩ cho người khác – một trong những giá trị sống cốt lõi của người Nhật. Theo đó, một cá nhân, bất kể là vì lý do gì cũng không được để người khác phải bận tâm hay cảm thấy phiền phức về những hành vi của mình, kể cả khi đó là một người xa lạ hoặc là chính thành viên trong gia đình. Ở Nhật, các vấn đề về lợi ích cá nhân phải được xếp sau các giá trị cộng đồng. Họ cho rằng, mỗi cá thể chính là hạt nhân cấu thành nên xã hội, vì vậy bất kỳ một hành vi nào của cá nhân, ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến cả xã hội, hoặc một quần thể dân cư nhất định xung quanh phạm vi sống của họ.

Trường hợp trên đây chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày ở Nhật, nhưng qua đó chúng thể hiện rõ nếp văn hóa luôn tôn trọng người khác, luôn nghĩ cho người khác của người Nhật – một đức tính rất đáng quý. Khi bạn nghĩ cho tôi và tôi nghĩ lại cho bạn, cuộc sống thực sự sẽ rất dễ chịu và tốt đẹp, ngay cả khi mâu thuẫn nảy sinh.

Nguồn: Japan Today

Hiểu Minh

Exit mobile version