Đại Kỷ Nguyên

Bà ‘mẹ kế’ xinh đẹp và hành trình ‘chinh phục’ con chồng quá dễ thương

“Mấy đời sấm có trước mưa/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Đây là điều bạn luôn nghĩ về mối quan hệ đặc biệt “mẹ ghẻ-con chồng”, và bạn luôn thấy một sự hồ nghi về những người mẹ ghẻ lại có thể làm điều mà người đời vẫn cho là khó lòng xảy ra ấy. Vậy hãy cùng đồng hành với cô gái trẻ trong câu chuyện nhỏ dưới đây. Chứng kiến hành trình cô chạm đến trái tim con trai của chồng có thể sẽ khiến tâm hồn bạn lên tiếng.

Câu chuyện này được kể trên trang cá nhân (Facebook) của một phụ nữ trẻ có tên Nhung Đặng, cô kể lại câu chuyện với mong muốn chia sẻ với những người thân và bạn bè của mình niềm hạnh phúc đặc biệt – “chinh phục” được một trái tim bé nhỏ, con trai riêng của chồng cô. Câu chuyện của Nhung Đặng sau đó đã mau chóng được lan truyền trên mạng xã hội và được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới nữ.

Như bao người phụ nữ khác, khi chấp nhận lấy một người chồng đã từng lập gia đình trước đó, cô gái trẻ này cũng cần đối mặt với một thực tế: Cô cần làm quen và sẽ chung sống hòa thuận với con trai chồng – một cậu bé 8 tuổi đã chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần, nhưng cũng rất được nuông chiều. Với Nhung Đặng, đây thực sự là một thử thách.

Chân dung của hai nhân vật chính trong câu chuyện ngọt ngào này.

Cô chia sẻ tâm trạng của mình trên facebook như sau:

Con riêng của chồng là một thứ gì đó rất hạnh phúc!
Ngày quyết định tìm hiểu và tới với anh, cũng là ngày xác định mình sẽ khó khăn khi anh có con riêng, sẽ thiệt thòi, vất vả hơn. Nhưng cứ nghĩ và tin, chỉ cần mình cố gắng thì mình sẽ làm được. Nhưng thực tế không đơn giản như những gì mình nghĩ. Con 8 tuổi, cái tuổi không hẳn lớn để hiểu, nhưng cũng không phải nhỏ để không biết gì. Hơn nữa sau chuyện người lớn của bố mẹ, con xa mẹ, con bị khủng hoảng nên khó gần hơn, bố thì bù đắp cho con bằng cách chiều con hơn, nên con cũng khó bảo hơn.”

Khó khăn là thế, nhưng cô gái trẻ đã chọn cho mình cách làm rất truyền thống, trực tiếp gần gũi con, chủ động tạo nên những cơ hội để cả hai có thể trò chuyện, cởi mở hơn với nhau. Nhưng trái tim của một đứa trẻ đã từng bị tổn thương không phải là một cánh cửa mở rộng. Nhung Đặng hiểu rõ điều đó và cô cũng hiểu nếu muốn thương con, cô sẽ cần học cách chấp nhận nhiều điều.

“Mình thì lại là đứa ít nói, không biết gần gũi con như thế nào, ngoài câu hỏi con ăn gì chưa, con học chưa… có những khi gần con, nói chuyện với con, con chỉ nhìn với ánh mắt hờ hững. Tủi thân và cảm thấy mình bất lực, mình kém cỏi không biết phải làm sao. Chỉ ứa nước mắt, không muốn con nhìn thấy nên vào nhà vệ sinh khóc một mình. Rồi thời gian, tiếp xúc nhiều hơn, gần gũi hơn nhưng vẫn cảm thấy con không có tình cảm, mà chỉ coi mình như một người quen.”

Không nản chí, người phụ nữ trẻ xinh đẹp và có tấm lòng chân thành của chúng ta vẫn tiếp tục công cuộc tìm đường tới với trái tim con. Cô coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng cuộc sống tương lai của cô. Bởi Nhung Đặng chia sẻ với báo Afamily, chính vì thương cảnh hai bố con chăm nhau nên cô mới quyết định tìm hiểu và tiến tới hôn nhân với anh.

“Ấy vậy mà sau ngày cưới, lần đầu con gọi “mẹ”, cu cậu ngượng miệng, gọi nhỏ và nhanh nhưng vẫn cảm thấy gai hết người vì bất ngờ và hạnh phúc.”

“Thời gian chuẩn bị gần cưới, muốn đả thông tư tưởng cho con. Bảo con không gọi là “cô” nữa mà gọi là “mẹ” nhưng con không chịu, hụt hẫng lắm. Ấy vậy mà sau ngày cưới, lần đầu con gọi “mẹ”, cu cậu ngượng miệng, gọi nhỏ và nhanh nhưng vẫn cảm thấy gai hết người vì bất ngờ và hạnh phúc.”

Có lẽ tiếng gọi “mẹ” của cậu bé đã thực sự tiếp cho trái tim của Nhung Đặng sức mạnh đến từ bản năng yêu thương che chở của một người mẹ.

“Hai tuần sau cưới, con bị xuất huyết tiêu hóa, nằm viện. Đó là khoảng thời gian gần con nhiều nhất, khi đó mình chửa được hơn 2 tháng, bình thường ngồi nửa tiếng là đau mỏi lưng không ngồi nổi rồi. Vậy mà khi ấy ngồi trông con từ 7h sáng tới 11h đêm cũng không thấy gì, con phải xông dạ dày, cắm ống xông từ mũi rất khó chịu. Nằm trên giường bệnh nhưng lúc nào cũng phải mẹ ngồi cạnh, nắm tay, chả rời chút nào.”

Hai “mẹ con” trông ai cũng rạng ngời hạnh phúc, họ đã thực sự trở thành người một nhà. Cậu bé từ nay đã có thêm một người yêu thương em, và cũng có thêm một người để em trao đi sự yêu thương.

Cuộc hành trình theo những chia sẻ của nhân vật chính tới đây dường như đã có thể được coi là thành công. Bởi cậu bé – con trai riêng của chồng cô có lẽ đã hiểu được tấm lòng của người sẽ thay mẹ ruột của cậu mà chăm sóc cho cậu từ nay về sau. Nhung Đặng hiểu điều mà cậu bé thật sự cần – sự có mặt dịu dàng và bàn tay chăm sóc ân cần của người mẹ. Và cô sẵn sàng trao đi điều đó, dù khi ấy thân thể cô đang chịu rất nhiều sự thay đổi khi một sinh linh bé bỏng khác cũng đang thành hình. Với cô, sự thoải mái của bản thân không đáng giá bằng cảm giác được yêu thương mà con riêng của chồng cô có thể cảm nhận.

“Mình tới với chồng mình cũng nhiều áp lực lắm. Mẹ mình buồn nhiều lo mình vất vả. Rồi hàng xóm mọi người nhìn vào. Cháu khá bướng bỉnh, vì có thời gian cháu bị tăng động, lại được bố và bà nội chiều, có người quen nói không tin mình gần được con, rồi sau này lớn lên, mình già chỉ có mà con đuổi mình ra khỏi nhà, không yêu thương đâu. Nhưng mình kệ.”

Cậu bé giờ đây đã có thể vô tư mà bày tỏ tình cảm với mẹ Nhung Đặng – một ngươi thân mới của em.

Hành trình chinh phục con chồng của Nhung Đặng không hề dễ dàng. Nhưng điều gì đã khiến cô có thể thành công? Phải chăng chính từ thái độ sống mà người phụ nữ trẻ này lựa chọn. Trước một hoàn cảnh thật sự khó khăn, cô đã không chọn suy nghĩ cho bản thân mình, mà lựa chọn coi nhẹ những điều thiệt thòi mà mình sẽ trải qua, phủ nhận những lo lắng đến từ gia đình, những rèm pha đến từ bên ngoài, để kiên trì với con đường mình chọn. Cô có thể làm được điều đó vì bên trong người phụ nữ nhỏ nhắn này có một niềm tin chắc chắn vào sức mạnh của “tình yêu thương”.

“Thật sự mình chưa bao giờ nghĩ tới cảnh mẹ ghẻ con chồng. Mình cứ nghĩ mình sẽ yêu thương chăm sóc con như con mình. Với mình thì mình xác định mình phải yêu thương được con thì mình mới tới với chồng mình. Chứ nếu mình ghét con thì mình đã yêu và lấy người khác”.

Người phụ nữ trẻ đã dũng cảm quyết định mang đến tình yêu thương cho một gia đình nhỏ đã một lần tan vỡ.

Thái độ sống, và cách hành động của Nhung Đặng dường như không chỉ cho con trai riêng của chồng cô hiểu cô yêu thương và muốn chăm sóc cho em. Tuyệt vời hơn, cách sống của cô đã giúp cậu bé ấy hiểu “yêu thương” là gì, từ đó mà học cách để trao đi những quan tâm và thương yêu vẫn nằm trọn vẹn trong trái tim thiện lương non trẻ. Người mẹ đã không sinh ra em lại chính là người giúp em mở được cánh cửa của trái tim, đón những người khác vào vùng trời ấm áp của riêng mình.

“Mùng 2 Tết, hai mẹ con với bác lấy xe đi lượn, vừa ra 1 đoạn thì xe ô tô đỗ bên cạnh đường mở cửa xe không nhìn, đập vào xe mình đi qua, hất mấy mẹ con ngã ra đường. Vừa đứng dậy việc đầu tiên là cu cậu ra xoa bụng mẹ liên tục hỏi mẹ có làm sao không? Em bé có làm sao không mẹ? Vừa hỏi cu cậu vừa rơm rớm khóc. Ôi lúc đấy chỉ thấy vui và hạnh phúc thôi vì con quan tâm mình, con quan tâm em bé. Trộm vía mấy mẹ con không ai bị sao cả. Hôm qua đi siêu âm về, ảnh siêu âm để trên bàn, cu cậu đi học về thấy cứ tủm tỉm cười, rồi cậu thủ thỉ, “em bé buồn cười thế!”, “em bé đưa 2 tay để lên đầu nhìn buồn cười thế”, rồi cứ tủm tỉm…”

Giờ đây, phần thưởng lớn nhất dành cho tấm lòng chân thành của cô, chính là một gia đình trọn vẹn, nơi mà mỗi thành viên có thể mở rộng trái tim để trao đi và nhận lại những yêu thương.

Để dựng xây một mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ vốn mang nhiều định kiến về sự ích kỉ, phân biệt như quan hệ “mẹ ghẻ-con chồng”, có thể buông bỏ những suy nghĩ về bản thân chính là điều kiện cần. Vậy điều kiện đủ để có thể thật sự xây dựng mối quan hệ ấy là gì? Khi nhắc đến mẹ ghẻ, người ta thường nghĩ ngay tới sự khác biệt về dòng máu, đa số mọi người đều tin chắc rằng chẳng có người phụ nữ nào đủ rộng lượng để mang đến tình thương cho đứa con không phải đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Vì lẽ đó, chỉ có tình thương thật sự, sự quan tâm chân thành mới có vượt qua “hố sâu” huyết thống tồn tại giữa hai người. Nhung Đặng dường như hiểu được điểm mấu chốt này và cô dùng sự quan tâm rất thật của mình dành cho con để bắc một cây cầu, để có thể tới bên con. Tất cả những hồ nghi, e ngại cũng sẽ theo đó mà tự được hóa giải.

“Giờ thì mọi thứ của con mình đều chăm lo hết, ăn uống, đưa đón, học hành. Mình rèn con vào nề nếp, ăn uống học hành đúng giờ hơn. Chứ trước bố cháu chiều, để cháu ăn theo sở thích của cháu, toàn ăn mì tôm, bánh kẹo nên bị xuất huyết tiêu hóa. Trộm vía cháu nghe lời mình hơn cả bố”.

Câu chuyện của Nhung Đặng đã làm cho nhiều bà mẹ khác trong cùng hoàn cảnh với cô, và cả những người đã có may mắn làm mẹ có thêm động lực để yêu thương những đứa trẻ của mình. Bởi thực sự, con người mang trong tim mình một năng lực yêu thương rất lớn, tình thương ấy thậm chí còn có thể vượt lên khỏi ranh giới của máu mủ ruột rà, biến những người xa lạ thành người một nhà. Đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ như Nhung Đặng, họ đã nhận ra được sức mạnh tiềm ẩn này, để rồi họ tới với những đứa trẻ đã từng bị tổn thương vì sự chia tay của cha mẹ một cách chân thành nhất. 

Ly Ly tổng hợp 
Nguồn ảnh: Afamily 

Xem thêm:

Exit mobile version