Đại Kỷ Nguyên

6 cách giúp bạn hóa giải stress trong cuộc sống

Môi trường làm việc giống như “ngôi nhà” thứ 2 của người trưởng thành, đây cũng là nơi phát sinh nhiều căng thẳng cho con người. Các chuyên gia có thâm niên nghiên cứu về stress đã chia sẻ một số cách để quản lý căng thẳng tốt hơn tại nơi làm việc.

Tập trung vào mục tiêu

Elaine Sanders, một huấn luyện viên kỹ năng sống đã chia sẻ “Khi bạn chủ động điều hướng cảm xúc tích cực thay vì tập trung vào điều tiêu cực, trạng thái của bạn cũng thay đổi theo”.

Hãy vận dụng trí tưởng tượng trong mọi trường hợp để giúp cuộc sống dễ thở hơn. Sanders khuyên bạn hãy nghĩ đến viễn cảnh mình hoàn thành công việc, đạt kết quả tốt ra sao. Khi bạn chọn cảm xúc tích cực để nghĩ, cảm giác căng thẳng sẽ tự nhiên được giảm bớt.

Đặt mục tiêu thực tế

Con người hiện nay luôn không ngừng đặt ra những mục tiêu to lớn trong cuộc sống, và khi năng lực có hạn, gặp phải thất bại, sự căng thẳng và mỏi mệt của họ tăng gấp nhiều lần.

Lên kế hoạch thực tế sẽ tăng xác suất mục tiêu thành hiện thực. (Ảnh: Dr.job)

Thay vì nghĩ mình sẽ ít căng thẳng nếu có một công việc tốt hơn hay một người yêu tuyệt vời hơn, mọi người nên tập thói quen biết ơn, trân trọng những điều mình đang có.

Đừng o ép bản thân thực hiện quá nhiều điều cao xa, đặt mục tiêu vừa sức, kết quả tốt trong nhiều mục tiêu nhỏ sẽ giúp gặt hái được thành công lớn mà không quá áp lực.

Tìm một người bạn tâm sự

Chia sẻ và dựa dẫm khi mỏi mệt là nhu cầu cơ bản của con người. Được an ủi, xoa dịu về cảm xúc sẽ giúp cảm giác căng thẳng giải tỏa nhanh chóng.

Viết ra

Nếu khó để mở lời với người khác, bạn có thể chọn cách viết ra cảm xúc, suy nghĩ. Luyện thói quen viết nhật ký tối thiểu 1 lần/tháng, sau đó đọc lại để phân tích mức độ hạnh phúc. Khi cảm xúc đã cân bằng, bạn sẽ tỉnh táo đong đếm được các giá trị sống của mình, tìm ra được các lý do khách quan dẫn tới cơn stress để chủ động giải quyết.

Luyện tập tự chăm sóc

“S.E.L.F. Care ” là viết tắt của Serenity – sự thanh thản, Exercise – thể thao, Love – tình yêu và Food – thực phẩm. Đó là 4 yếu tố quan trọng con người cần tự chăm sóc cho mình để giảm căng thẳng.

Nghiên cứu năm 2006 được công bố trên Tạp chí American Journal of Psychiatry đã khẳng định: “Thiền định có thể làm giảm cảm giác lo lắng và căng thẳng”. Chỉ cần 5 phút/ngày thiền định cũng đủ để tâm hồn bạn thanh thản hơn. Đó có thể chỉ đơn giản là nghe nhạc hay chọn một nơi yên tĩnh để hít thở sâu.

Thiền là khoảnh khắc để khởi động lại tâm trí và cơ thể. (Ảnh: Tonghoiyhoc)

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, tập thể dục là loại thuốc giảm stress hữu hiệu. Chỉ 10 phút đi bộ mỗi ngày có thể tạo nên sự khác biệt về trạng thái tinh thần và cảm xúc.

Tình yêu cũng là thành phần quan trọng trong tổng thể hạnh phúc, bao gồm tình cảm với gia đình, người thân, bè bạn, thậm chí là cả động vật cưng. Nếu có thể, bạn nên trang trí lại không gian làm việc với cây cối và màu sắc ưa thích để cải thiện tâm trạng và bớt cảm giác cô đơn.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí American Journal of Public Health đã chỉ ra, hạnh phúc tăng lên khi mọi người sử dụng thực phẩm lành mạnh. Thức ăn là liều thuốc thay đổi tâm trạng, kết hợp các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống sẽ giữ cho bạn cảm giác khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực.

Thay đổi suy nghĩ

“Stress là thứ chúng ta cần đánh bại” là suy nghĩ sai lầm của nhiều người. Quan điểm ấy khiến chúng ta coi stress là kẻ thù, gia tăng căng thẳng cho bản thân.

Cảm giác căng thẳng phát sinh từ những cảm xúc tiêu cực không được kiểm soát. Hãy chủ động kích hoạt cảm xúc tích cực từ sự chăm sóc, trân trọng cuộc sống, sự từ bi… để giúp cảm xúc được cân bằng.

Minh Lan (Tổng hợp)

Exit mobile version