Đại Kỷ Nguyên

Ý nghĩa sâu xa của “vợ chồng tương kính như tân”

Vào thời đại nhà Hán, gia đình họ Mạnh (Mạnh gia) sinh được một cô con gái tên là Mạnh Quang. Cô gái từ khi sinh ra đã có tướng mạo xấu xí nhưng lại khỏe mạnh, hiền thục, thông minh và hiểu biết lễ nghĩa.

Gia cảnh nhà Mạnh gia cực kỳ giàu có, số người đến xin cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng mỗi lần có người đến cầu hôn, cô đều không ưng ý. Dung mạo của Mạnh Quang mặc dù xấu xí nhưng cô cũng không vì thế mà cảm thấy tự ti và cũng không vì giàu có mà kiêu căng. Cô không muốn truy cầu một cuộc sống danh lợi phú quý. Trong nội tâm của cô chỉ coi trọng việc tu dưỡng đạo đức. Mặc dù tuổi đã lớn mà vẫn chưa thành thân nhưng cô cũng không vì thế mà lo lắng, hàng ngày đều hiếu kính cha mẹ, an phận với cuộc sống.

Mạnh Quang có tín niệm kiên định như vậy nên cha mẹ cô rất lo lắng, thấy con gái mỗi năm một nhiều tuổi hơn, cha mẹ sốt ruột mà hỏi cô: “Đã nhiều năm như vậy, cũng có nhiều người đến cầu hôn như thế, trong đó người giàu cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, người có địa vị cũng có, người tài hoa cũng có, nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn một người như thế nào?” Mạnh Quang liền trả lời: “Con hy vọng người đó có tiết tháo như Lương Hồng!” (Lương Hồng là một hiền sĩ thời Đông Hán)

Lương Hồng là một vị thư sinh hiếu học, gia cảnh bần hàn, cha mẹ sớm đã qua đời. Lúc ấy, Lương Hồng tuy tuổi còn trẻ nhưng  rất kiên nghị, chăm chỉ học hành và còn được đưa đến trường cao nhất thời đó để học tập. Bởi vì ông thông minh hiếu học, tinh thông kinh sử lại có đức hạnh khiến cho ai trong thời đó cũng đều kính nể ông. 

Sau này khi Lương Hồng trở về quê quán, tiếp tục học tập để tự nâng cao bản thân mình. Ở quê nhiều người gặp Lương Hồng tuấn tú lịch sự, khí chất nho nhã, lại có học vấn cao nên rất ngưỡng mộ thậm chí đều muốn gả con gái cho ông. Người đến xin thành thân cũng rất nhiều, trong đó không thiếu những cô gái con nhà cao quý, giàu có và xinh đẹp, nhưng đều bị Lương Hồng từ chối một cách khéo léo. Trong lòng Lương Hồng, từ trước đến nay chỉ tôn sùng đạo đức chứ không ham danh lợi tài sắc. Ông hy vọng có thể tìm được một người cùng chung chí hướng với mình.

Sau khi Lương Hồng được biết Mạnh Quang là người phẩm đức hiền lương, ông có chút ngạc nhiên nhưng cũng cảm thấy bội phục trong lòng liền mời người đến cầu hôn. Mạnh Quang cũng ưng ý mà chấp thuận.

Đến ngày kết hôn, Mạnh Quang ăn mặc và trang điểm vô cùng xinh đẹp, ai nấy đều vô cùng bất ngờ và vui vẻ, duy chỉ có Lương Hồng là không thèm nhìn ngắm vợ. Nguyên do là vì điều Lương Hồng kỳ vọng chính là một người vợ có thể cùng ông sống một cuộc sống “áo vải” đơn giản. Hôm nay, Mạnh Quang ăn mặc diêm dúa, tô son đánh phấn vẽ lông mày khiến Lương Hồng có chút hồ nghi thất vọng.

Lương Hồng không quan tâm nhìn ngắm vợ bởi vẻ đẹp bề ngoài (Ảnh: internet)

Thế là, Mạnh Quang quay trở lại phòng thay một bộ trang phục vải thô bước ra, Lương Hồng biết rõ vợ có cùng chí hướng với mình nên vui mừng nói: “Đây mới thực sự là vợ của Lương Hồng chứ!” Cũng từ đó ông đặt cho vợ một tên chữ là Đức Diệu.

Về sau, hai người cùng nhau đến núi Bá Lăng sinh sống ẩn cư, sống một cuộc sống đồng ruộng. Lương Hồng hàng ngày ra ruộng cày cấy còn Mạnh Quang ở nhà dệt vải, làm nội trợ, rất chăm chỉ. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại cùng nhau đọc sách, đánh đàn, học tập đạo đức. Cuộc sống của họ tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc.

Mạnh Quang và Lương Hồng “tương kính như tân”, dùng lễ để đối đãi với nhau (Ảnh: internet)

Sau này,  Lương Hồng và Mạnh Quang dọn đến nhà Phụ Bá Thông ở, dựa vào giã gạo thuê cho người khác để kiếm sống.

Mỗi lần Lương Hồng trở về nhà thì Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Hơn nữa mỗi lần đưa cơm canh cho chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi người và cung kính nhận lấy, hai vợ chồng họ tương kính như tân, dùng lễ mà đối đãi với nhau.

Có một lần Cao Bá nhìn thấy cảnh này, ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên nói: “Vị này thật biết “đào tạo” người, có thể khiến cho vợ của mình tôn trọng mình như vậy, nhất định không phải là một người bình thường. Đây nhất định là hai vị quân tử ẩn cư rồi!”

Mạnh Quang và Lương Hồng “tương kính như tân”, dùng lễ để đối đãi với nhau (Ảnh: internet)

Lương Hồng sau này mắc bệnh mà qua đời. Người đời sau nghe được câu chuyện này, cho rằng vợ của Lương Hồng không truy cầu phú quý, có thể sinh sống một cuộc sống nghèo khó, coi trọng nhân nghĩa đạo đức của người phụ nữ, thật là người tài đức sáng suốt. Còn Lương Hồng chú trọng tu dưỡng phẩm đức bản thân, không tham tài sắc, không ham danh lợi, vui với việc học tập nâng cao đạo đức bản thân khiến cho mọi người kính nể. Câu chuyện này chính là nguồn gốc của câu “Cử án tề mi” (tạm dịch: Nâng mâm lên ngang lông mày).

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version