Thanh đô vương Trịnh Tráng (1577 – 1657) là thế hệ cầm quyền thứ ba của họ Trịnh. Suốt những năm cầm quyền, ông đã tạo dựng một mối quan hệ giao thương rất tốt với người phương Tây. Năm 1657, khi Chúa Trịnh Tráng qua đời, giáo sĩ Giovanni Filippo De Marini đang có mặt ở thành Thăng Long. Marini (1608 – 1682), sinh ra ở Taggia (Ý), từng có 14 năm ở Bắc kỳ, ông có những ghi chép rất tỉ mỉ về cuộc sống ở đây, khi đó vẫn còn gọi Đàng Ngoài. Tang lễ của Chúa Trịnh Tráng cũng được thuật lại rất tường tận.
Dưới đây chỉ trích dịch một phần những ghi chép của ông.
Thanh đô vương Trịnh Tráng mất hôm 26 tháng 5 dương lịch năm 1657, thọ 82 tuổi và cầm quyền bính được 37 năm. Được tin phụ vương mất, thế tử là Tạc (Tây vương) và các vương tử em ngài liền thay đồ tang và sang ngay vương phủ.
Trong chính điện ngày thường vẫn cử hành những lễ lớn, thi hài Thanh đô vương đặt trên một cái giá bằng gỗ thơm và quý, giống hình cái ngai bình nhật ngài vẫn ngự, kiểu rất hoa mỹ tráng lệ; giá lót dạ vàng, hai đầu không buông thõng xuống đất nhưng kéo lên che kín cả thi thể ngài. Thế tử và các vương đệ, vương điệt, người thân thích của Trịnh phủ, ăn mặc sô gai, đầu đội một vòng chạc gai, quỳ lễ khóc bên cạnh giá, nhắc lại những công ơn mà lúc sống ngài ban cho mọi người. Vương phi bận áo tang màu trắng và mình phủ một tấm mạng gai; lễ thế phát cử hành theo lệnh của vương phi. Nghi lễ hôm đầu, chỉ có thế.
Sáng hôm 28 mặt giời vừa mọc, thế tử cùng các vương tử và các vương thân, vẫn mặc tang phục ngày hôm trước sang vương phủ để rước linh cữu chúa từ đại điện sang một gian điện khác. Linh cữu đặt trên một chiếc bàn thếp vàng, bàn phủ đầy hoa thơm; hương thơm của hoa lẫn với hương thoi đốt làm sực nức gian phòng đầy ánh sáng của bao nhiêu đèn bạch lạp.
Các hiếu chủ chờ đến đầu giờ thứ hăm ba (giờ Tý) – đã được các nhà chiêm tinh học chọn và cho là tốt – bắt đầu rước linh cữu vào tỉnh Thanh Hóa, nơi nhà chúa phát tích và đã được chọn làm lăng tẩm của Trịnh gia.
Ba vị đại thần cao vào bậc nhất được cử ra để hộ tống linh cữu trong bốn ngày đường; ba quan khâm mạng, trước khi nhận vinh dự mà (tiên) chúa ban cho, hứa trước các triều quan sẽ hết sức làm để tỏ lòng tôn kính tiên chúa, để khỏi phụ lòng hiếu kính của tân chúa và các vương đệ ngài; để cho tang lễ, nếu không xứng được với công nghiệp của tiên chúa thì cũng tỏ rõ được sự tận tâm, lòng kính cẩn và ý tôn trọng của họ đối với một bậc chúa có nhân từ và độ lượng.
Ba ông ấy còn tuyên thệ là hết sức giữ kín không cho ai biết chỗ họ phải đem an táng tiên chúa. Lễ tuyên thệ vừa xong thì một hồi trống rung để báo hiệu đám tang bắt đầu đi. Đám dài lắm gần một dặm đường từ vương phủ ra đến sông. Cấm binh đi đầu, người nào cũng mặc một chiếc áo chùng bằng vải tốt màu lam sẫm, đầu đội mũ cùng một thứ vải, cùng một thứ màu với áo. Một vạn rưỡi lính, vác súng hoặc cầm kích đứng thành hàng hai, bên dọc đường – đường rất rộng – như hàng rào để giữ trật tự vì dân gian đi xem đông lắm. Một cơ lính mặc áo trắng tay cầm gậy sơn đến đóng các đầu phố không cho người qua lại chỉ trừ những vị có quyền hành thôi.
Trong đám rước trước nhất ta thấy ở trong vương phủ ra, một cái cột đường kính đo được sáu gang và cao sáu mươi gang, trên đỉnh có đặt ba quả cầu. Thân cột phủ một lần lụa quý, có chữ vàng chữ bạc, thuật sự nghiệp của Thanh đô vương.
Sau chiếc cột ấy, có một chiếc xe nữa gần toàn bằng vàng, trên có đắp hình nổi một thành thị có tường xây bốn xung quanh có nhiều đường rộng và pháo đài vây bọc. Rồi đến một cái xe thứ ba trên đặt một chiếc ngai vừa đẹp và sang vừa đắt tiền và lộng lẫy bằng vàng và bằng ngà; trên ngai đặt vương miện của tiên chúa. Các bảo vật trên đây đều để hở cho dân chúng xem. Phường bát âm có nhiều nhạc khí không hát, nhưng hòa theo lời than vãn và tiếng thở dài của tang quyến và những người thương khóc Thanh đô vương. Sau phường bát âm là các quan và các thân vương, mặc áo tang màu trắng thô, cứng, may bằng vỏ và lá cây bọn dân quê nghèo vẫn thường dùng.
Bọn thái giám và các võ quan cao thấp của chúa được đi gần nhà táng phủ trên áo quan và có người khiêng cho đến lúc hạ huyệt. Các quan và các thân vương khác đi liền trước “đòn”. Thế tử và các vương đệ đi sau “đòn” vẫn mặc thứ quần áo tôi đã tả trên kia, đi chân đất, đầu đeo tóc giả và cắm râu giả, màu trắng, tay chống gậy, đi lom khom như các cụ già cao niên, yếu ớt khổ sở và không có người nương tựa, hình như để tỏ rằng tiên chúa mất đi tức là họ mất hết cả hy vọng và họ không nhờ cậy được vào ai nữa.
Số những đàn ông các quan, người nhà của chúa, đi đưa đám không dưới một nghìn; các công chúa, phu nhân trong vương phủ vào số tám chín trăm người. Cuối cùng là bốn nghìn thân binh mang khí giới. Ra đến bờ sông thì mọi người đứng lại nghỉ.
Thuyền rồng của chúa đã bỏ neo sẵn và được trần thiết long trọng hơn mọi ngày; áo quan mang xuống thuyền thì một loạt súng thần công và súng trường bắn. Mui thuyền lợp bằng vải dệt bằng vàng, sàn thuyền phủ thảm Ba Tư đắt tiền và quý giá; bọn phu thuyền mặc những thứ hàng dị kỳ và lộng lẫy. Hai chiếc thuyền khác, từ mũi đến lái, thếp vàng cả bên trong lẫn bên ngoài ghé sát vào bờ để chở chiếc thứ nhất cảnh thành thị đắp nổi; chiếc thứ hai, cái nhà táng.
Sửa soạn xong thì có hiệu cho thuyền nhổ neo. Đợi cho thuyền đi đến chỗ khuỷu sông khuất đi, thế tử và các vương đệ mới trở về phủ.
Dân gian phải để tang chúa 27 bữa, trong thời kỳ này không ai được mở tiệc ăn uống, cưới xin hay kiện tụng. Nhà chúa còn ban lệnh trong hạn ba năm không được vào đám hội hè gì long trọng cấm ngặt đờn ca, múa hát, diễn kịch hoặc cuộc vui tương tự.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
Xem thêm: