Đại Kỷ Nguyên

Vì sao lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn không hề lộ dấu vết sau suốt 800 năm?

Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Các hoàng đế thời xưa cho xây dựng lăng mộ như một cách để được hậu thế tưởng nhớ đến. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Thập Tam Lăng triều Minh (lăng mộ 13 vua đời Minh), lăng tẩm triều Thanh… đều là những nơi mai táng hoàng đế sau khi chết. Sự rộng lớn quy mô của lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng với rất nhiều vật chôn theo cũng khiến người đời sau kinh ngạc, tán thán không thôi. Tuy vậy, chỉ có lăng mộ của các hoàng đế triều Nguyên trước sau vẫn nằm trong vòng bí ẩn. 

Trong quyển “Thảo Mộc Tử” của Diệp Tử Kỳ sống vào thời nhà Minh có ghi chép lại: Sau khi hoàng đế triều Nguyên băng hà, “lấy một đoạn của thân cây lớn chẻ làm đôi, đục rỗng bên trong, kích cỡ lớn như hình người làm quan tài, đặt di thể vào trong đó, rồi quét sơn. Sau khi mọi việc xong xuôi, lấy vàng đúc thành ba sợi dây, quấn chặt ba vòng (hai đầu và chính giữa)”.

Người ta đào một cái hố sâu, cho quan tài vào đó chôn cất, “điều khiển hàng vạn con ngựa dẫm đạp cho bằng phẳng. Giết chết lạc đà con ở trên nấm mộ, khu mộ được hàng nghìn kỵ binh trông coi. Năm sau cỏ xanh mọc lên, mọi người gỡ bỏ lều vải rời đi. Lúc này mặt đất đã bằng phẳng, người khác nhìn vào cũng khó mà nhận ra được”.

(Ảnh minh họa: theo kienthuc.net.vn)

Năm đó, khi Thành Cát Tư Hãn qua đời chính là đã dùng loại phương thức mai táng này. Theo ghi chép, sau khi Thành Cát Tư Hãn bệnh mất ở Ninh Hạ, di thể của ông được đưa đến nơi nào đó dưới núi Khentii, sa mạc phía Bắc, trên mặt đất có đào một cái hố sâu bí mật chôn cất. Di thể của ông được đặt trong quan tài gỗ được làm từ khúc gỗ lớn mà phần giữa của khúc gỗ đã được nạo sạch.

Chiếc quan tài gỗ được đưa xuống, lấy đất lấp lại, sau đó “vạn con ngựa đạp bằng mặt đất“. Vì không để cho người ngoài nhìn ra dấy vết tích đã từng đào bới, còn phải dùng lều vải bao vây toàn bộ khu vực chung quanh lại, đợi đến khi lớp cỏ trên mặt nơi chôn cất đã mọc xanh rì, không khác gì với cỏ xanh chung quanh, mới dọn lều vải rời khỏi, như vậy địa điểm chôn cất sẽ không bị tiết lộ nữa. Đó chính là lý do vì sao cho đến nay, lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa từng được phát hiện sau gần 800 năm kể từ thời điểm ông qua đời (năm 1227). 

Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, người Mông Cổ sẽ giết chết một con lạc đà con ở trên bề mặt ngôi mộ, lúc này, lạc đà mẹ được dẫn đi cùng với lạc đà con này sẽ vô cùng đau đớn lớn tiếng kêu lên, đồng thời nhớ rõ địa điểm nơi này. Năm sau khi đến tế bái, dắt theo con lạc đà mẹ này đến, ở nơi giết chết con lạc đà con, lạc đà mẹ sẽ đau đớn chảy nước mắt. Như vậy, những người đến tế bái có thể tìm được địa điểm chính xác của mồ mả.

(Ảnh minh họa: theo hinhnendep.vn)

Trước khi nhà Nguyên thành lập, người Mông Cổ vốn có tập tục chôn cất độc đáo của riêng mình, đặc điểm này là giản tiện việc mai táng. Người Mông Cổ vốn là tộc người du mục sống trên thảo nguyên, họ vốn không có nơi ở cố định, lối sống khá đơn giản thực dụng. Đặc biệt là người Mông Cổ trong những năm mở rộng chiến tranh trên quy mô lớn, nghi thức chôn cất lại càng trở nên đơn giản hơn bất cứ lúc nào.

Khi chôn cất, họ để cho người chết ngồi ở chính giữa chiếc lều vải được dùng khi còn sống, chung quanh là những người cúng tế vây quanh tiến hành cầu nguyện, vật chôn theo gồm có ngựa, cung tên và chiếc bàn có bày biện thịt sữa, sau cùng đều cho vào trong nấm đất. Mục đích là để người chết khi đến sinh sống ở một thế giới khác thì có lều vải để ở, có ngựa để cưỡi, có thịt để ăn và có sữa để uống.

Sau khi Hốt Tất Liệt dựng nên nhà Nguyên, thực hành theo luật pháp người Hán, cũng dần dần chịu ảnh hưởng của tập tục chôn cất của người Hán, bắt đầu sử dụng quan tài gỗ trong việc an táng, nhưng quan tài gỗ được dùng cũng không giống như của người Hán. Người chết sau khi được đưa vào quan tài, hai miếng quan tài dính liền với nhau, lại được trở thành một khúc gỗ tròn, sau đó “lấy đinh sắt đóng chặt lại“.

Dù đã vào làm chủ Trung Nguyên, người Mông Cổ nhập liệm vẫn đơn giản, tằn tiện giống như trước, áo liệm phần nhiều vẫn là quần áo thường ngày hay mặc, vật dụng chôn theo cũng vẫn rất ít, phần nhiều là các món vũ khí mà người chết yêu thích lúc còn sống, ví như những thứ cung tên, đao kiếm…

Dù vậy, hoàng đế triều Nguyên sau khi băng hà so với hoàng tộc và giới quý tộc thông thường vẫn có khác biệt đôi chút. Sau khi hoàng đế băng hà trước tiên cần có một nghi thức an táng, vật chôn theo cũng phải nhiều hơn một chút. Chỉ là trong khi chôn cất di thể hoàng đế không cho phép quan viên người Hán tham gia, cũng sẽ không xây dựng những công trình kiến trúc quy mô lớn trên mặt đất, không lập miếu thờ công đức và bia mộ, mọi thứ nhìn vào đều rất đơn giản.

Ngoài ra vì để không lưu lại những manh mối và dấu vết có thể khiến những tên trộm đào mộ phát hiện được, những ghi chép về địa điểm an táng cũng rất ít ỏi, đến nỗi khiến người ta cảm thấy nhà Nguyên vốn không hề tồn tại lăng mộ hoàng đế. Những ghi chép không hoàn chỉnh và biên tạo có mục đích khiến người đời sau rất khó  lý giải chân tướng về phương diện này. Đây có thể chính là nguyên do hoàng đế triều Nguyên không có lăng mộ. Mà nguyên không phải không có, chỉ là không có phát hiện ra mà thôi.

Thiện Sinh 

Xem thêm:

Exit mobile version