Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Tư Mã Ý không thể học được thuật điều khiển ‘trâu gỗ ngựa máy’ của Gia Cát Lượng?

Mộc ngưu lưu mã: Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng cách làm giống nhau, chỉ thiếu một chút mà không thể đi xa

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Việc nhìn tưởng đơn giản nhưng thật ra rất khó, việc nhìn tưởng khó thật ra lại rất đơn giản. Không cần biết thủ công bề ngoài ra sao, quan trọng nhất vẫn là phần cốt lõi bí mật bên trong,  “chỉ thiếu một li, khác xa ngàn dặm”. Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý là kẻ thù đối đầu trong thời Tam Quốc, dưới đây là hai câu chuyện thú vị về cặp kỳ phùng địch thủ này.

Không thành kế nhìn tưởng đơn giản

Kể rằng, Không thành kế đánh một trận là thắng, mười vạn đại quân của Tư Mã Ý kéo đến dưới thành không ngờ lại bị Gia Cát Lượng đang ngồi trên tường thành gảy đàn dọa cho bỏ chạy. Nếu Tư Mã Ý là một người bình thường, có lẽ chiêu này của Gia Cát Lượng chưa chắc đã có tác dụng. Trùng hợp là Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng lại là kỳ phùng địch thủ, đôi bên đều hiểu rõ tâm tư của nhau, chẳng qua Gia Cát Lượng hơn hẳn một bậc. Vì thế có người cho rằng đây là trận so tài của hai linh hồn.

Có người cho rằng đây giống như chuyện Khổng Tử gảy đàn. Khổng Tử thông qua việc gảy đàn có thể nhìn ra được hình ảnh của tác giả viết ra khúc nhạc đó. Mà tiếng đàn của Gia Cát Lượng lại hơn Khổng Tử một bậc. Hoặc có lẽ thiên quân vạn mã trong tiếng đàn của Gia Cát Lượng đọ sức với Tư Mã Ý mới là nguyên nhân thực sự đẩy lùi đại quân của Tư Mã Ý. Việc Tư Mã Ý bị dọa bỏ chạy nhìn tưởng đơn giản, nhưng thật ra là một cuộc đọ sức nội tâm rất khó lường.

Không thành kế (nguồn ảnh: The State Hermitage Museum).

Liên quan đến tài năng của Gia Cát Lượng, trong Tam Quốc còn có một câu chuyện khác cũng nói lên điều đó. Câu chuyện này lại là “việc nhìn tưởng khó, thật ra rất đơn giản”.

‘Trâu gỗ ngựa máy’ nhìn tưởng phức tạp

Gia Cát Lượng từng làm “trâu gỗ ngựa máy” để vận chuyển lương thực. Tư Mã Ý cảm thấy đồ vật này rất hữu dụng, vì vậy đã đạo nhái “trâu gỗ ngựa máy”. Kết quả phiên bản đạo nhái thất bại trong việc vận chuyển quân lương, trâu ngựa đi đến giữa đường thì khựng lại, không chịu đi tiếp. Thì ra Tư Mã Ý vẫn chưa nắm được huyền cơ bên trong.

Tư Mã Ý đối đầu với Gia Cát Lượng ở sông Vị, cố thủ trong trại không ra. Gia Cát Lượng bèn cho Chu Thương dắt trâu gỗ ngựa máy vận lương cố ý để Tư Mã Ý thấy. Tư Mã Ý sai tướng dẫn ba ngàn quân ra vây, bắt được mấy cặp trâu gỗ ngựa máy về. Ông ra lệnh cho thợ mộc trong doanh trại tháo ra, xem dài ngắn cao thấp, kích thước lớn nhỏ ra sao, rồi dựa theo đó làm ra mấy trăm con, lại kêu người lấy chày gỗ đập một cái thì thấy chỉ đi được mấy bước. Tư Mã Ý nói: “Trâu máy ngựa gỗ của Gia Cát Lượng đập một cái đi được ba trăm bước, tải lương vượt núi vượt đèo sao của ta lại không đi được. Hắn còn có cách nào khác sao?”.

Công thức bí mật của trâu gỗ ngựa máy

Nhiều ngày trôi qua, Chu Thương lại dẫn theo ba trăm quân lính đến doanh trại Tư Mã Ý. Chu Thương cầm theo rượu hô lớn tiếng: “Quân sư sai ta mang chiến thư đến thách đánh để phân thắng thua. Không chiến tức là đầu hàng. Ông là danh tướng của Ngụy, tại sao đóng cửa không ra?”. Tư Mã Ý nói: “Hãy mang rượu đến đây!”, sai người hầu lấy rượu uống cùng Chu Thương, uống đến say khướt. Tư Mã Ý nói: “Trâu gỗ ngựa máy của Gia Cát Lượng đập một cái có thể đi hơn ba trăm bước, còn của ta đập một cái chỉ đi vài bước. Có gì khác biệt, ngươi nói cho ta biết. Ta cho người vàng bạc châu báu đủ cho cả nhà giàu sang phú quý!”. Chu Thương cười nói: “Về trâu gỗ ngựa máy của quân sư chúng ta, người cầm chày đều phải niệm thần chú”. Ông nói tiếp: “Người điều khiển trâu gỗ ngựa máy đều do ta quản. Đêm nay về trại ta sẽ viết thần chú đó ra dâng lên nguyên soái”. Tư Mã Ý vui mừng, tặng cho Chu Thương ba mươi xâu vàng, hai con ngựa tốt. Tư Mã Ý nói rằng: “Nếu ngươi viết thần chú cho ta, ta sẽ cho ngươi phú quý không thể đếm hết”.

Mộc Ngưu Lưu Mã (nguồn ảnh: The State Hermitage Museum).

Võ hầu cười nhạo Tư Mã đô đốc

Ba ngày sau, Chu Thương quay lại. Tư Mã Ý vội vàng sai người ra đón lấy thần chú. Chu Thương đi khỏi rồi, Tư Mã vội mở thư ra xem thì vô cùng kinh hoàng. Lá thư do chính tay Gia Cát Võ hầu viết, nói rằng: “Tướng tài xưa nay không có đến năm người biết làm trâu gỗ ngựa máy. Ông là danh tướng nước Ngụy, giờ lại hỏi ta thần chú vận hành trâu gỗ ngựa máy, người đời há chẳng chê cười cho sao!”. Tư Mã xé nát tờ giấy.

Đó là câu chuyện được kể lại trong “Tam Quốc Chí bình thoại”. Đây là một tập hợp các truyện kể dân gian về thời kỳ Tam Quốc, bắt đầu từ khi Quang Vũ đế Lưu Tú nhà Đông Hán lên ngôi và kết thúc khi Lưu Uyên tiêu diệt nhà Tấn, lập ra nhà Hậu Hán.

Thần chú của trâu gỗ ngựa máy là gì?

Trung Quốc cổ đại có một nền kỹ nghệ rất phát triển. Về nghề nghiệp lại đều có quy định rõ ràng, ví dụ như truyền cho nam không truyền cho nữ chẳng hạn. Lại có một số tâm pháp chỉ truyền miệng, ví dụ như “Thái cực quyền tâm pháp” nay đã bị thất truyền. Rất nhiều bậc thầy có kỹ năng cao siêu nhưng vì không tìm được người thừa kế có phẩm hạnh xứng đáng, họ thà đem kỹ năng đó vào trong quan tài cũng không tùy tiện truyền cho người khác.

Từ lá thư cười nhạo của Gia Cát Lượng gửi Tư Mã Ý, đại khái cũng có thể hiểu được là thần chú của trâu gỗ ngựa máy không thể truyền tuỳ tiện. Nó như một loại chú quyết. Khi người tu hành bắt ấn niệm chú thì có thể giao tiếp với quỷ thần. Chuyện này rất thường thấy trong các ghi chép cổ.

Tương truyền, Gia Cát Lượng tinh thông Kỳ Môn Độn Giáp. Như vậy xem ra mọi chuyện không có gì kỳ lạ cả. Người đời sau cho rằng, ý tưởng điều khiển trâu gỗ ngựa máy rất giống với thuật “cản thi” của Tương Tây, tức là điều khiển thi thể của người chết đi về quê bằng thuật loại trong khoa Chúc Do.

Có những điều khoa học hiện đại vốn xem trọng thực chứng chưa thể lý giải được. Nhưng con người đều đã tiếp xúc đến và chứng kiến tận mắt. Nếu cứ đối chiếu sự vật, hiện tượng bằng con mắt vô Thần thì tầm nhìn của con người sẽ mãi bị bó hẹp, không thể mở rộng, chưa nói đến việc khám phá các bí ẩn của thời không.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Exit mobile version