Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người thiếu phụ quê mùa có thể đẩy lui đạo quân hùng mạnh, cứu nước nhà khỏi tai ương?

Trong lịch sử, nước Lỗ có một người phụ nữ nhà quê chỉ vào chữ ‘Nghĩa’ mà có thể đánh lùi đại quân nước Tề. Câu chuyện này về sau đã trở thành truyền kỳ trong thiên hạ.

‘Nghĩa’ – một chữ đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng lại ẩn chứa sức mạnh diệu kỳ mà không phải ai cũng biết. Vào thời nhà Chu, có một phụ nữ nhà quê ở nước Lỗ đã dựa vào chữ ‘Nghĩa’ để đánh lùi đại quân nước Tề, trở thành nhân vật truyền kỳ của hai nước Tề – Lỗ. Câu chuyện này diễn ra như thế nào?

Vào một năm nọ, nước Tề tiến quân công đánh nước Lỗ, đại quân nước Tề đã áp sát đến tận biên giới Tề – Lỗ. Lúc ấy, ngay phía trước tướng lĩnh quân Tề là một người phụ nữ, một tay bế một đứa trẻ, một tay dắt theo một đứa trẻ khác, đang hoang mang trốn chạy.

Người phụ nữ nhìn thấy quân Tề đã áp sát sau lưng, trong lúc cấp bách nàng vội bỏ đứa trẻ đang bế trên tay xuống, rồi lại ôm đứa trẻ đang dắt khi nãy, hoang mang chạy vào trong núi. Đứa trẻ bị bỏ rơi òa khóc nức nở. Quân Tề sau khi đuổi đến nơi liền hỏi đứa trẻ: “Người phụ nữ bỏ chạy kia có phải là mẹ cháu không?”. Đứa trẻ nói: “Dạ phải”.

Quân Tề lại hỏi: “Thế đứa trẻ mẹ cháu đang bế ấy là ai?”. Đứa trẻ nói: “Không biết”. Thế là, tướng sĩ quân Tề nhấc cung kéo tiễn, buộc người phụ nữ đang bỏ chạy kia phải dừng lại. Tướng sĩ quân Tề đuổi đến nơi, hỏi: “Đứa trẻ nhà người đang ẵm là ai? Còn đứa trẻ nhà ngươi bỏ rơi kia lại là ai?”. Người phụ nữ nói: “Đứa trẻ tôi đang ẵm là con của anh trai tôi, còn đứa trẻ mà tôi bỏ rơi kia là con của tôi. Bởi quân Tề tấn công đến nơi, tôi không thể cùng lúc che chở cho cả hai được, vậy nên đành phải bỏ rơi con trai mình vậy”.

Tướng lĩnh nước Tề lấy làm khó hiểu, hỏi: “Nhưng đó là cốt nhục thân sinh của ngươi. Mẫu tử tình thâm, đau đớn tâm can. Hôm nay ngươi lại bỏ rơi con mình, trái lại ôm con của người anh trai trốn chạy, đây rốt cuộc là tại vì sao?”.

Quân địch áp tới trên tay lại hai đứa trẻ, bỏ đứa nào cũng không đành. (Ảnh: Youtube)

Người phụ nữ trả lời: “Che chở cho con cái của chính mình, đó là tình cảm riêng tư ích kỷ của bản thân. Che chở cho con của anh trai, đó là cái nghĩa biết vì người khác. Nếu như tôi làm trái nghĩa chung, mà lựa chọn tình cảm ích kỷ cá nhân. bỏ mặc đứa con của người anh, chỉ biết đến con mình, tuy là có tốt, nhưng đó làm trái cái nghĩa vì người vậy”.

“Nếu như ai ai cũng đều vì bản thân mình trước rồi mới vì người khác, thế thì quân vương nước Lỗ sẽ không chăm lo cho bá tánh, các quan đại phu cũng sẽ không nuôi dưỡng bá tánh của mình nữa. Người trong cả nước nếu đều chỉ biết lo nghĩ cho bản thân, thế thì mọi người đều sẽ không quan tâm đến nhau nữa. Cứ như thế, xương sườn không nâng đỡ được bờ vai, lòng bàn chân không dung nạp được ngón chân, dù cho bàn chân có thịt rách máu chảy cũng không muốn mang giày”.

“Tôi che chở cho con mình, nhưng thế lại mất đi chữ ‘Nghĩa’. Vậy nên, tôi mới nén chịu nỗi đau cắt thịt, thà rằng nguyện bỏ rơi đứa con của mình, cũng phải chở che cho con của anh trai, kiên quyết bảo vệ chữ ‘Nghĩa’ này”.

Tướng lĩnh nước Tề nghe thấy những lời ấy, ai nấy đều cảm động rơi lệ. Họ không ngờ xuất binh chinh phạt lần này lại có thể gặp được một người phụ nữ thôn dã có nghĩa khí ngất trời như vậy. Còn họ, thân là quý tộc lẽ nào lại không biết ‘đại Nghĩa’?

Vị đại tướng nước Tề bèn hạ lệnh án binh bất động, vội vàng cử người báo lại với quân vương, thưa rằng: “Chúng thần không thể thảo phạt nước Lỗ được. Bởi ở biên giới nước Lỗ, chúng thần bắt gặp một phụ nữ nhà quê, tuy thân phận hèn mọn nhưng lại hiểu được đại nghĩa, không vì lợi ích cá nhân mà tổn hại người khác, huống hồ các triều thần đại sĩ phu của nước Lỗ ấy? Vậy nên, chúng thần khẩn thiết xin rút binh!”.

Quân vương nước Tề nghe kể lại chuyện này, cũng cảm khái không thôi. Ông biết rằng, nếu ngay đến cả một người phụ nữ bình dân của nước Lỗ cũng có thể lấy ‘Nghĩa’ làm đầu, thiết nghĩ nước Lỗ là dùng ‘Nghĩa’ trị quốc, người người đều có thể làm được như vậy. Phong thái nước Lỗ người trước ta sau, vì người khác xả thân chứ không nghĩ đến bản thân mình, quân đội nước Tề thật đánh không lại. Thế là, quân vương nước Tề liền hạ lệnh lui binh, thu quân về nước.

Xả thân tinh vì nghĩa, người phụ nữ khiến đại quân nước Tề rút binh tha cho bách tính một con đường sống. (Ảnh: Youtube)

Đại quân nước Tề áp sát biên giới, khiến cho người dân nước Lỗ phập phồng lo sợ. Nhưng ai cũng không ngờ được rằng, một người phụ nữ thôn quê, dựa vào tín niệm sâu sắc đối với chữ ‘Nghĩa’ mà đánh lui cả đội quân cường địch.

Quân vương nước Lỗ còn đang chuẩn bị xuất binh nghênh địch, bỗng phát hiện quân Tề không nói không rằng, đột nhiên rút binh về nước, trong lòng vô cùng kinh ngạc. Mãi đến khi ông nghe nói người phụ nữ nước Lỗ bỏ con cứu cháu, cảm hóa quân Tề, cảm động không thôi, liền ban cho nàng bốn trăm cuộn lụa, tôn xưng nàng là “Nghĩa cô thư” (cô chị nghĩa khí). Một người phụ nữ dựa vào chữ ‘Nghĩa’, cứu cả một đất nước tránh khỏi tai ương, thật đúng là truyền kỳ hiếm có xưa nay vậy!

Theo Secretchina 
Vũ Dương biên dịch 

Exit mobile version