Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người quân tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng?

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Đời người như mộng, sinh lão bệnh tử cũng lẽ thường. Nhưng khi đứng trước lằn ranh sinh tử, có mấy ai coi chuyện sống chết tựa như lông hồng?

Cái chết là tất yếu của sự vô thường

Vào thế kỷ 11, khi thân mang trọng bệnh, Mãn Giác thiền sư khẽ gọi chúng tăng lại quanh mình. Nhưng không phải như lẽ thường dặn dò chuyện hậu sự, ông chỉ làm một bài kệ thuật lại tâm tưởng của mình. Bài kệ viết: 

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch nghĩa:

Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân đến, trăm hoa nở
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu
Chớ tưởng rằng xuân tàn thì hoa rụng hết
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.

Là một người tu trì có đạo hạnh, Mãn Giác thiền sư, trong những giây phút cuối đời, đã thấu cảm được lẽ vô thường của kiếp nhân sinh. Cho nên ông coi chuyện sinh tử đã nhẹ tựa khói mây. Xuân đến hay đi, hoa tàn hay nở, việc đời nhiều hay ít, tuổi già kéo đến hay bệnh tật hành hạ… ông đều chẳng động tâm. Không những chẳng động tâm, ông còn khẳng khái dặn dò chúng tăng: “Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết!”.

Bài thơ tên là “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) mà tuyệt nhiên ta không thấy thiền sư nhắc đến một chữ “bệnh” nào cả. Từ đầu đến cuối đều là thấu ngộ lẽ huyền của Tạo hoá, rõ đường sinh tử kiếp nhân sinh. “Đêm qua sân trước một nhành mai” là một cái kết đẹp. Hoa mai, biểu tượng của người quân tử, khai nở trong giờ phút tưởng chừng nguy nan nhất, khốn khổ nhất. Chính là sự thấu cảm cho quy luật tương sinh tương khắc của đất trời. Hoa nở thì hoa phải rụng, xuân đến ắt xuân phải đi, ở tận cùng của sự tàn lụi sẽ là khởi nguồn của những mầm sống mới: một cành mai!

Người viết tự thấy, những ngày xuân mà lại bàn đến chuyện sinh lão bệnh tử e rằng có chút gì bất nhẫn. Nhưng phúc hoạ trong đời luôn vô thường, ngay trong những ngày tưởng được hưởng phúc ấm thì tai hoạ đã tiềm ẩn rình rập rồi. Mùa xuân tuổi trẻ, khí chất bừng bừng, nhựa sống thanh xuân đang vào độ phương cương, ấy thế mà biết đâu đấy, ngày mai ngày mốt lá đã rụng vàng ngoài sân. Như một câu thơ rất hay của Tản Đà: “Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi”. Cõi trần ai không gì là vĩnh cửu, xuân đến ngập tràn hương sắc đấy, trăm hoa khai nở đấy nhưng rồi xuân đi vạn vật lại úa tàn. Trên đời, có mấy ai hiểu được sự vô thường ấy đây?

Trang Tử coi cái chết như một trò đùa

Men theo dòng sông lịch sử cuồn cuộn của văn minh phương Đông, ta hãy trở ngược về thời Tiên Tần, nơi ta sẽ bắt gặp một trong những triết gia cá tính nhất của Trung Hoa cổ đại: Trang Tử.

Tạo hình Trang Tử trong tranh vẽ (ảnh ghép tổng hợp).

Trang Tử sống đời ẩn dật, sử sách ghi chép về ông rất kiệm lời. Một trong những bộ sách cổ xưa nhất chép về ông là “Sử Ký” (Tư Mã Thiên) cũng chỉ dành khoảng vài trăm chữ nói rất sơ lược trong “Truyện Trang Tử”. Ở đó dù không biết Trang Tử sinh mất năm nào, quê quán ở đâu, nhưng đại để ta có thể vẽ lại một chút tính cách con người ông thế này: học rộng, hiểu nhiều, viết một bộ sách 10 vạn chữ (Nam Hoa Kinh), gần với đạo Lão Tử mà chê đạo Khổng, cá tính mạnh, ghét cường quyền, thích tiêu diêu tự tại. Trang Tử là một trượng phu đầy hào khí, tính tình phóng khoáng, phiêu dật, có phần cao ngạo. Quan niệm về sự sống – cái chết của ông rất khoáng đạt, nói cách khác ông không coi cái chết ra gì.

Chuyện kể rằng, vợ Trang Tử chết, có người bạn là Huệ Tử đến viếng. Vừa vào nhà, Huệ Tử đã giật nẩy người khi thấy Trang Tử xoạc chân ngồi gõ ình ình vào một cái vò mà hát nghêu ngao. Huệ Tử kinh hãi nói:

– Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho, nay người ta chết, chẳng khóc là bậy rồi, lại còn hát gõ nhịp vào cái vò, chẳng là quá tệ ư?

Trang Tử nghe bạn nói vậy, cứ vừa cười vừa gõ vò mà rằng:

– Không phải! Khi nhà tôi mới mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng rồi nghĩ lại thấy lúc đầu nhà tôi vốn không có sinh mệnh; chẳng những không có sinh mệnh mà còn không có cả hình thể nữa; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng, mập mờ mà biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn đâu. Nay nhà tôi nghỉ yên trong cái Nhà Lớn (tức trời đất) mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sống chết rồi. Vì vậy mà tôi không khóc.

Tình thân quyến thật nặng, ấy vậy mà Trang Tử chỉ coi như cơn gió thoảng qua. Vợ chết rồi vẫn ung dung ngồi nói được những lời kia. Thật là một tư tưởng kỳ lạ! Bạn đừng quên Trang Tử sống ở thời Chiến Quốc, cách đây ít nhất cũng phải 2300 năm…

Trang Tử thật cổ quái, vợ chết còn hát nghêu ngao, cho đến khi chính mình đang lâm cơn hấp hối vẫn giữ một thái độ thản nhiên! Chuyện kể rằng, lúc Trang Tử sắp lâm chung, các đệ tử vây quanh ông khóc lóc. Có người nói rằng phải làm tang cho thầy thật hậu để tỏ rõ uy đức của Trang Tử. Ông nghe được, bèn gạt đi, nói:

– Chớ làm vậy! Ta chết đi đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa?

Các học trò lại thưa:

– Chúng con sợ diều quạ sẽ rỉa xác thầy.

Trang Tử thản nhiên đáp:

– Ta trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục, đằng nào cũng vậy. Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới?

Hàng nghìn năm qua, câu chuyện này đã trở thành đề tài bàn luận của biết bao nhiêu nhân sĩ. Có người chê Trang Tử bỡn cợt, trào phúng quá. Có người nói Trang Tử có lẽ không muốn học trò tốn công tốn của hậu táng mình mà nói thế. Lại có người cho đây chỉ là câu chuyện đời sau thêu dệt… Ta chưa có bằng cứ nào nói rằng ai đúng ai sai. Nhưng với tính cách phiêu dật của mình, Trang Tử có thể làm ra những điều đó lắm chứ! Trang Tử cả đời theo đuổi triết thuyết vô vi, thuận theo tự nhiên của mình, hẳn có lẽ cũng thấu hiểu được sự vô thường của nhân sinh.

Người ta chết rồi chính là trở về với tự nhiên. Nào công hầu, nào danh tướng, nào mỹ nhân, nào già nào trẻ, nào ngu nào hiền, chết đi rồi cũng chỉ vỏn vẹn một nấm mồ xanh mà thôi. Có gì là quan trọng đây?

Socrates lấy cái chết ra để bảo vệ chân lý

Gần như cùng thời với Trang Tử, ở phương Tây cũng có một người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, ấy là Socrates. Là một triết gia nhưng Socrates mạnh mẽ chẳng kém gì những dũng tướng đương thời. Bởi những nỗ lực truyền bá tri thức của mình, ông bị toà án Athens kết án vì một lý do rất quen thuộc mà giới cầm quyền thường đưa ra: “gieo rắc nghi ngờ các thần linh mà chính thể Athens thời đó tôn thờ, kêu gọi nhân dân tôn thờ các thần linh ngoại lai và làm hư hỏng thanh thiếu niên”. “Tội” của Socrates quá lớn. Chính thể Athens không thể để con người “nguy hiểm” và “nổi loạn” ấy ở lại được nữa. Họ ép ông phải tự tử bằng một chén thuốc độc.

Cái chết của Socrate (La Mort de Socrate, 1787), họa phẩm của Jacques-Louis David, hiện được trưng bày ở Metropolitan Museum of Art (Ảnh: Wikimedia Commons).

Nhưng Socrates đã không hề run sợ. Trong bức tranh nổi tiếng “Cái chết của Socrates” của danh hoạ người Pháp thuộc trường phái Tân Cổ điển Jacques-Louis David vẽ năm 1787, Socrates hiện lên như một vị Thần, xung quanh là những môn đệ đau đớn, gục ngã khi phải chứng kiến bi kịch của thầy. Trong bức tranh, Socrates vừa nói vừa giơ tay trái lên trời, phong thái hùng hồn, tự tin. Tay phải ông dửng dưng với lấy chén thuốc độc không hề run sợ. Trước cái chết, Socrates vẫn điềm tĩnh lạ thường! Bức tranh của David đâu chỉ là một tác phẩm hội hoạ kiệt xuất, ấy là sự ca tụng dành cho những người kiên trì chân lý, thậm chí có thể lấy cái chết ra để bảo vệ đức tin của mình.

Cái chết không đáng sợ như người ta nghĩ. Điều đáng sợ lớn nhất lại chính là người ta luôn… sợ chết! Hiểu được nhân sinh là ngắn ngủi, trần gian là cõi tạm không phải là cái khí khái liều mình không sợ chết đến mức sẵn sàng phung phí sinh mệnh của mình. Đó là cái hiểu của bậc trí giả, của người có hàm dưỡng. Có một điều cần phải nói là người xưa… ít sợ chết hơn người thời nay, dù y tế và các phương pháp kéo dài tuổi thọ ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Người xưa không sợ cái chết bởi họ tin rằng cái chết không phải là kết thúc cuối cùng. Nó giống như mở ra một cánh cửa khác, bước vào một không gian khác vậy thôi. Lòng thành kính vô hạn với Thần Phật cho phép họ có được đức tin ấy. Với họ, điều đáng sợ nhất lại chính là sự sống sau cái chết vậy, là sự trừng phạt dưới âm gian, là cái giá phải trả ở “Ngày phán xét” cuối cùng! 

Cái chết, quả thực, không doạ được người quân tử. 

Video: Lời giải cho cuộc sống

Exit mobile version