Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Bồ Tát an bài cho Đường Tăng con Bạch Long Mã đến Tây Thiên thỉnh kinh?

Tây Du Ký hồi thứ 15: “Núi Xà Bàn các Thần ngầm giúp sức, Khe Ưng Sầu long mã thắng yên cương” có một đoạn kể về long mã. Câu chuyện ấy muốn nói với chúng ta điều gì?

Vào thời Thượng Cổ, trên sông Hoàng Hà nổi lên một con thú đầu rồng mình ngựa, nó mang trên lưng những điểm đen trắng tạo thành bức đồ hình gọi là Hà Đồ, dâng tặng cho Phục Hy đại đế. Phục Hy đại đế ngẩng mặt lên thiên thượng, cúi đầu xuống mặt đất, ngẫm nhìn bức đồ hình mà diễn ra Tiên thiên bát quái, từ đó khai sáng ra nền văn minh Trung Hoa.

Thần thú đầu rồng mình ngựa kể trên được gọi là long mã. Ở vùng đất Thần Châu, long mã là loài thú linh thiêng có phong thái tiêu sái, dũng cảm, anh tuấn, cường tráng, không sợ nguy hiểm, luôn dũng mãnh tiến về phía trước. 

Khe suối sâu gặp được long mã

Tây Du Ký hồi thứ 15: “Núi Xà Bàn các Thần ngầm giúp sức, Khe Ưng Sầu long mã thắng yên cương” có một đoạn kể về long mã:

Đó là lúc tiết trời tháng Chạp, gió bấc thấu xương, băng tuyết lạnh lẽo, đường đi toàn là sườn non dựng đứng chon von, vách núi gập ghềnh hiểm trở, con đường dưới chân cũng gồ ghề đầy sỏi đá. Tôn Ngộ Không dắt ngựa đưa Đường Tăng hướng về phía trước, đi đến khe Ưng Sầu của núi Xà Bàn.

Đường Tăng ngồi trên mình ngựa, nghe văng vẳng tiếng nước chảy ào ào, chỉ thấy “ầm ầm mạch nước luồn mây chảy, lớp lớp sóng xô rực ánh hồng”. Hai thầy trò đang mải mê ngắm cảnh, đột nhiên có một con rồng nổi lên khỏi mặt khe, đạp nước rẽ sóng, bay đến chực vồ lấy Tam Tạng. Ngộ Không nhanh tay nhanh mắt ôm sư phụ bay thẳng lên một gò đất cao. Đường Tăng lúc này vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ nghe thấy Ngộ Không nói con ngựa bạch đã bị rồng trong khe nước ăn thịt mất rồi.

Tam Tạng vẫn đang thất thần chưa dám tin những gì vừa xảy ra, bèn hỏi lại: “Đồ đệ này, con rồng miệng to bao nhiêu mà nuốt nổi con ngựa lẫn yên cương? Hay là nó sợ hãi giật đứt dây cương, nấp vào hốc núi nào chăng? Con tìm kỹ lại xem!”. Đường Tăng cho rằng chuyện này quá vô lý, nên đứng trên gò đất ngó xung quanh, rồi bảo đồ đệ đi xem xét tình hình.

Đôi mắt của Ngộ Không ban ngày có thể nhìn xa đến nghìn dặm, kể cả những thứ nhỏ bé như cánh chuồn chuồn vỗ cánh bay qua Hành Giả đều có thể nhìn thấy. Nhưng đôi mắt này không thể thấy ngựa bạch, há chẳng phải ngựa bạch đã bị rồng ăn thịt mất hay sao?

Đường Tăng nghe nói bạch mã đã mất, liền khóc thút thít như mưa: “Nếu bạch mã bị ăn thịt rồi, ta làm sao mà đi tiếp? Khổ quá, trăm núi nghìn sông đi đứng sao đây?”. Đường Tăng mất ngựa như chim bị chặt cánh, như cá bị cắt vây, lúc thì muốn có ngựa cưỡi, lúc lại sợ yêu quái làm hại thân mình, vậy nên cứ ôm chặt lấy Ngộ Không mãi không buông.

Tranh vẽ trong Thanh Thái Hội Toàn Bản Tây Du Ký

Vị thánh tăng Đại Đường này “thiên kinh vạn điển, không gì là không thông, Phật hiệu tiên âm, không gì là không biết”, nhưng khi đối mặt với khó khăn, thì phải tự mình soi bản thân mình xuống mặt nước mới có thể tìm ra đáp án.

Trong truyện viết: Khe Ưng Sầu này xưa nay vốn không có tà ma nào cả, chỉ là một khe sâu thẳm mênh mông nước trong thấu đáy, tương thông với hàng ngàn khổng khiếu, vì thế sóng nước sâu và rộng, chim chóc không dám bay qua. Nước trong đến nỗi soi rõ hình bóng, lũ chim tưởng là bầy của mình, thường bay sà xuống nước, cho nên mới gọi là khe “Ưng Sầu”.

Tinh thần long mã

Con người muốn thành công thì cần phải có lòng can đảm không sợ hiểm nguy, có ý chí dũng mãnh tiến về phía trước. Đường đến Tây Thiên xa xôi vạn dặm, gian nan gập ghềnh, khó khăn trùng trùng điệp điệp, ngựa bình thường không thể chịu đựng được, vì thế nên mới cần phải có một con long mã theo suốt hành trình. Đúng như Bồ Tát nói: “Nhà ngươi nghĩ xem, con ngựa xoàng ở phương Đông làm sao có thể vượt qua muôn núi ngàn sông được? Làm sao có thể đến Linh Sơn đất Phật được? Cần phải có con long mã này mới có thể đi lấy kinh”.

Như vậy, muốn làm chủ tinh thần long mã thì cần phải trói buộc được con ngựa đang phi nước đại, trong tâm không có tà ác mới có thể làm cho trái tim trở nên thuần khiết, cũng chỉ có trái tim thuần khiết mới có thể khiến cho ngàn vạn khổng khiếu trong cơ thể tương thông, tạo thành một làn sóng sâu và thúc đẩy sự can đảm không ngừng tiến về phía trước.

Điều này cũng thức tỉnh Đường Tăng rằng: Con ngựa bình thường sẽ chỉ cản bước chân, muốn đến được Tây Thiên thì nhất định phải có long mã mới có thể dũng mãnh tiến về phía trước.

Sơn thần núi Lạc Già theo lệnh của Bồ Tát biến thành một ông lão, tặng cho Đường Tăng chiếc yên ngựa mới. Ông lão nói: “Tôi đây vẫn còn một bộ yên cương là vật quý nhất đời, dù nghèo đói tôi cũng không dám bán. Vừa rồi nghe sư phụ nói Bồ Tát cứu mạng con rồng thần, biến nó thành ngựa để ngài cưỡi, tôi già rồi nhưng lại không giúp đỡ ngài được chút ít sao? Ngày mai tôi xin dâng ngài bộ yên cương để ngài dùng, mong ngài vui lòng nhận cho”. 

Chiếc yên ngựa nhìn có vẻ bình thường nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa lớn lao. Qua đó, Sơn thần núi Lạc Già muốn nhắn nhủ với thầy trò Đường Tăng rằng: Phải biết kiềm chế bản thân, không nên lười biếng buông thả, luôn gìn giữ trái tim từ bi thuần khiết, cho dù nghèo khổ, khó khăn như thế nào cũng không được “bán đi”. Ông tiếp tục căn dặn: Chỉ có kiềm chế bản thân mới có thể chế ngự được ngựa phi nước đại, mới có được tinh thần của long mã, đạt được mục đích cuối cùng.

Trong truyện kể rằng, từ khi tìm được long mã, Đường Tăng không còn lo sợ gì nữa, can đảm bước đi trên đường. Ngô Thừa Ân cũng có thơ rằng:

“Nghiễm đại chân như đăng bỉ ngạn,
Thành tâm liễu tính thượng Linh San”

(Quảng đại thực sự giống như tiến đến bờ bên kia,
Tấm lòng chân thành đi đến núi Linh Sơn)

Khi có ý chí của long mã, tâm trí sẽ trở nên rộng mở, vững bước tiến đến bờ bên kia, tấm lòng chân thành như mang ta đến đỉnh núi linh thiêng. 

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc

Exit mobile version