Đại Kỷ Nguyên

Vì sao nói: Khí tiết của quân tử đến từ nơi tối vắng?

Bậc chính nhân quân tử làm điều tốt không phải vì để phô trương hay để có được chút danh tiếng cho bản thân, mà đơn giản, là để tu dưỡng chính mình…

Thời Xuân Thu, dưới triều vua Vệ Linh Công, ở nước Vệ có một vị đại phu nổi tiếng hiền đức tên là Cừ Bá Ngọc. Có câu chuyện kể về ông như sau:

Một lần, vua Vệ Linh Công nghe thấy tiếng xe ngựa từ xa chạy đến, khi đến trước cung môn (cửa thành) thì dừng lại, sau một lúc tiếng xe lại vang lên rồi đi xa dần, xa dần. Lúc ấy là giữa đêm hôm khuya khoắt, Vệ Linh Công thấy lạ bèn quay sang hỏi phu nhân:

“Nàng có biết đó là ai không?”

“Đó chẳng phải ai khác, chỉ có thể là đại phu Cừ Bá Ngọc”.

Vệ Linh Công lại hỏi: “Làm sao nàng biết được?”

Phu nhân đáp lại: “Thần thiếp nghe nói, phàm là thần tử đi qua trước cung môn đều phải xuống xe cung kính. Chỉ những bậc trung thần, hiếu tử mới thực sự thành tâm làm như vậy, khi không ai nhìn thấy họ vẫn không dám có hành vi cẩu thả. Cừ Bá Ngọc là bậc hiền sĩ nổi tiếng, vừa có nhân lại có trí, rất tuân thủ lễ tiết. Bởi vậy, người ban nãy nhất định là Cừ Bá Ngọc, tuy trong đêm vắng không có ai hay biết, nhưng ông ấy vẫn tuân thủ lễ nghi, đã dừng xe lại để tỏ ý cung kính.”

Vệ Linh Công bèn cho người đi hỏi rõ sự tình, quả nhiên người trên xe ngựa đúng là Cừ Bá Ngọc. Mặc dù vậy vua vẫn cố ý nói rằng: “Phu nhân đoán sai rồi, không phải Cừ đại phu đâu”.

Phu nhân đáp: “Vậy là thần thiếp chỉ biết nước Vệ có một đại hiền nhân là Cừ Bá Ngọc, nhưng xem ra hiện nay còn có một đại phu khác giống như ông ấy. Người hiền càng nhiều thì nước Vệ sẽ càng hưng vượng, vậy nên thần thiếp xin được chúc mừng quân vương!”

Lúc ấy Vệ Linh Công mới gật đầu tâm đắc: “Hoá ra là thế, nàng quả là bậc nữ nhân tài trí!”

(Ảnh minh họa)

Và phu nhân của vua Linh Công đã nói đúng. Cừ Bá Ngọc từng trải qua ba đời vua nước Vệ, chứng kiến biết bao đổi thay của thời thế, nhưng dưới triều vua nào ông cũng thể hiện được khí tiết thanh cao và cương trực của mình. Làm được điều ấy, đó là bởi ông luôn coi trọng việc tu dưỡng đạo đức và gìn giữ tấm lòng ngay thẳng.

Lại nhớ vào thời Đông Hán, khi Dương Chấn đang trên đường đến Đông Lai nhậm chức thái thú, giữa đêm thâu tịch mịch một viên quan địa phương đã mang vàng đến biếu ông. Viên quan này nói: “Đêm khuya không ai biết!”, nhưng Dương Chấn lại thẳng thừng từ chối: “Trời biết, Thần biết, tôi biết, ông biết, sao có thể nói là không ai biết?”

(Ảnh minh họa)

Trong “Cách ngôn liên bích” có câu rằng: “Thanh thiên bạch nhật đích tiết khí, ám thất ốc lậu trung bồi lai”.

Ý là, khí tiết thanh cao giữa đất trời đều được bồi đắp từ trong nơi tối vắng. Ngay cả khi ở nơi kín cổng cao tường, chẳng có ai nhòm ngó, chẳng có ai hay biết, mà vẫn có thể giữ trọn vẹn sự ngay thẳng đoan chính, thì chẳng phải người như thế sẽ luôn giữ được mình trong những hoàn cảnh cám dỗ nhất hay sao? Vậy nên, bậc chính nhân quân tử làm điều tốt không phải vì để phô trương hay để có được chút danh tiếng cho bản thân, mà đơn giản, là để tu dưỡng chính mình.

Con người gốc ở “Chân”, cao ở “Nhẫn”, quý ở “Thiện”, và hơn nhau là ở cái tâm này. Bởi vậy mà, tất cả những bậc thánh hiền lưu danh sử sách thì bên cạnh tài năng nhất thiết còn phải có nội tâm đoan chính, và nội tâm đoan chính này không ai có thể làm giả cho được. Đúng như Mạnh Tử từng viết:

“Tồn tại trong con người, chẳng có gì ngay lành cho bằng con ngươi. Con ngươi không thể che lấp điều xấu của người ta. Tấm lòng ngay thẳng thì con ngươi sáng sủa; tấm lòng không ngay thẳng thì con ngươi lờ đờ. Nghe lời nói của người ta, nhìn con ngươi của người ta, người ta giấu giếm sao được?”

Vậy cũng nói, cái chân chính là toát ra từ nội tâm, chứ không phải chỉ xuất ra khi có người nhìn thấy hay không…

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version