Đại Kỷ Nguyên

Tướng Quốc Yến Tử: Người tài đức vẹn toàn

Yến Tử là Tướng Quốc của nước Tề, ông cũng là một người tài đức vẹn toàn, thông minh cơ trí, là nhà chính trị nổi tiếng, cống hiến rất nhiều cho sự hùng cường của nước Tề.

Yến Tử chia phần

Một lần Yến Tử đang dùng bữa thì sứ giả của Tề Cảnh Công đến. Yến Tử đứng lên nghênh đón và mời vị Sứ giả cùng dùng bữa. Yến Tử chia ra một nửa phần ăn của mình cho Sứ giả dùng, kết quả là cả hai cùng ăn không đủ no.

Sau khi vị Sứ giả trở về liền mang câu chuyện kể lại cho Tề Cảnh Công. Cảnh Công kinh ngạc nói: “Ôi chao! Không ngờ nhà của Tướng Quốc lại nghèo như thế! Vậy mà xưa nay ta không hề biết, đây là lỗi của ta!

Thế rồi Tề Cảnh Công dùng một ngàn lượng vàng thu được từ tiền thuế chợ phái người đưa cho Yến Tử để Yến Tử tiếp khách. Yến Tử nói không cần dùng đến, cứ thế Tề Cảnh Công ba lần phái người đi đưa tiền vàng cho Yến Tử nhưng cả ba lần Yến Tử đều từ chối.

Yến Tử thưa với Tề Cảnh Công: “Thần không nghèo khổ, thần dựa vào bổng lộc của Quốc quân mà sống đã là ân huệ cho gia tộc, đủ để giao du quan hệ, sao có thể nhận tiền của bách tính nghèo khổ. Bổng lộc mà Quốc quân ban cho đã đủ dùng rồi!

Thần nghe nói, nhận châu báu của Quân chủ ban thưởng rồi mang nó bố thí cho bách tính là thay mặt cho Quân chủ lấy lòng dân. Người trung quân không làm như thế; nhận châu báu của Quân chủ rồi lại không bố thí cho bách tính là ăn trộm ân điển của Quân chủ. Người nhân nghĩa không làm như thế. Trong nhà thần hiện cũng có vải vóc và lương thực đủ dùng. Tại sao thần phải nhận ban thưởng nhiều như thế?

Cảnh Công hỏi lại Yến Tử: “Trước đây tiên phụ Cảnh Công dùng 500 Thư xã (25 nhà là một xã, sổ ghi danh tính của người trong xã gọi là Thư xã) phong cho Tướng quốc Quản Trọng, Tướng quốc Quản Trọng không hề từ chối. Tại sao bây giờ khanh lại từ chối?

Yến Tử hành lễ rồi trịnh trọng nói: “Thần nghe nói: Người thấu đáo đến mấy thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc tính không chu toàn; người cho dù ngu dốt thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc chuẩn xác. Thần nghĩ, Quản Trọng tuy là người thông minh thì cũng có lúc suy tính không chu toàn; thần tuy ngu dốt thì cũng có lúc suy tính đúng đắn. Đại khái, việc Quản Trọng sơ suất thì thần không muốn lặp lại. Vì thế mà thần mới liên tục chối từ.

Cảnh công nghe xong chỉ biết gật đầu lia lịa.

Sở vương tự làm khó mình

Một lần Yến Tử được phái đi sứ nước Sở. Sở vương hay tin liền bàn với quan đại thần: “Yến Tử là người giỏi hùng biện, miệng lưỡi ông ấy rất lợi hại. Hiện nay ông ấy phụng mệnh đi sứ nước ta, ta muốn làm nhục ông ta một phen. Các khanh nghĩ xem có cách gì hay không?

Đại thần hai bên đều cùng thi nhau hiến kế: “Khi ông ấy tới, chúng thần sẽ bắt một người trói lại rồi dẫn tới trước mặt Quốc quân. Sau đó Quốc quân sẽ hỏi: Người này phạm tội gì? Chúng thần sẽ thưa: Ông ta người nước Tề, vì tội ăn cắp nên phải bị trừng phạt. Như thế là đã sỉ nhục ông ta rồi đúng không?

Sở vương vừa nghe xong liền vỗ tay khen hay.

Không lâu sau thì Yến Tử cũng đến nước Sở bái kiến Sở vương. Sở vương tổ chức yến tiệc đãi Yến Tử. Trong lúc hai bên đang uống rượu cao hứng thì có hai sai dịch kéo một người đầu tóc rối bù đi ngang qua. Sở vương cũng nhanh chóng hỏi với vẻ không vui: “Các người trói ai thế?” Hai tên sai dịch vội thưa: “Hắn là người nước Tề, phạm tội ăn cắp.

Sở vương vừa nghe xong thì quay sang nhìn Yến Tử hỏi: “Người nước Tề trời sinh đã thích ăn cắp à?

Yến Tử nhìn lại Sở vương rồi đứng lên rời khỏi chỗ ngồi mới trịnh trọng đáp lại: “Thần nghe nói cây quýt sinh trưởng ở phía nam sông Hoài mới là cây quýt; nếu sinh trưởng ở phía bắc sông Hoài sẽ biến thành cây quất; cây quýt và cây quất có lá rất giống nhau, nhưng mùi vị quả thì hoàn toàn khác nhau.” Nói đến đây Yến Tử mỉm cười hỏi Sở vương: “Đại vương có biết tại sao không?

Sở vương không hiểu liền lắc đầu. Yến Tử nói tiếp: “Nguyên nhân vì đất và nước phía nam khác phía bắc!”, vừa nói Yến Tử chỉ vào người đang bị trói, “Người này khi sống ở nước Tề thì không ăn trộm, nhưng khi đến nước Sở mới lại ăn trộm, đây chẳng phải do thủy thổ của quý quốc dễ khiến bách tính làm ăn trộm hay sao?

Nói xong Yến Tử cười ha hả.

Sở vương nghe xong thì sắc mặt trắng bệnh, miệng cười gượng gạo: “Người hiền lại thông minh, quả không thể đùa cợt được! Ta đúng là tự làm khó mình.

Người thấu đáo đến mấy thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc tính không chu toàn; người cho dù ngu dốt thì trong một ngàn lần suy tính cũng có lúc chuẩn xác. (Ảnh: Internet)

Yến Tử xử bà mo đi đày

Nước Sở có một bà mo được nịnh thần Duệ Khoản của Tề Cảnh Công tiến cử cho gặp Tề Cảnh Công. Sau ba ngày bà mo nói chuyện với Tề Cảnh Công đã làm Tề Cảnh Công vô cùng thích thú rồi hạ lệnh giữ bà mo lại bên cạnh mình. Bà mo nói với Tề Cảnh Công: “Ngài là vị Quốc quân thần thánh, biết nhìn xa trông rộng, có thể hoàn thành nghiệp Đế! Thế nhưng ngài dù đã lên ngôi mười bảy năm mà thành tựu vẫn chưa lớn, nguyên nhân vì thánh đức của ngài chưa hiện ra đầy đủ, kẻ mọn này có thể giúp ngài làm phép cầu Ngũ Đế làm sáng đức của ngài.

Cảnh Công nghe xong thì phấn khích đáp lại: “Nhờ khanh giúp đỡ cho ta.” Bà mo nói: “Vị trí của Ngũ Đế ở phía nam kinh đô, trước tiên phải cúng trâu núi rồi mới đi tới.” Thế rồi Cảnh Công ra lệnh chuẩn bị đồ cúng và cho nịnh thần Duệ Khoản chủ trì buổi lễ.

Sau khi Yến Tử biết chuyện liền vội đi tìm Cảnh Công, ông nói: “Nghe nói Quân chủ cho bà mo nước Sở cúng trâu núi, có chuyện này không?

Cảnh Công nói: “Đúng thế. Ta muốn thỉnh Ngũ Đế chiếu sáng đức hạnh cho ta để thần linh giúp ta.

Yến Tử nói: “Quốc quân nói sai rồi! Bậc Đế vương xưa nay thống nhất thiên hạ bằng lòng khoan hồng độ lượng để ổn định quốc gia, họ có tấm lòng rộng lớn, bao dung, nhờ vậy mà chư hầu mới ủng hộ họ và xem họ là thủ lĩnh; bách tính quy thuận họ, xem họ như cha mẹ. Vì thế mà bốn mùa hài hòa chứ không mất cân đối, nhật nguyệt xoay vần đều đặn mà không rối loạn. Quân chủ nào biết thuận theo ý trời mà sống hợp lòng dân mới là quân chủ sáng suốt. Những bậc minh quân thời xưa không cúng tế nhiều, không tùy tiện tin vào những bà mo. Nay Quân vương lại vứt bỏ người hiền tài mà trọng dụng bà mo, ông trời sẽ không thể ban phúc được. Thật đáng tiếc! Với địa vị của Quân chủ sao có thể làm như thế!

Cảnh Công nghe xong thì xấu hổ, ấp úng nói: “Là Duệ Khoản tiến cử bà mo, ta nghe bà ta nói bùi tai, chút nữa đã hành động ngu ngốc, may có khanh kịp thời can ngăn ta.” Nói xong Cảnh Công lập tức cho đuổi cổ bà mo nước Sở và bắt giữ gian thần Duệ Khoản. Yến Tử nói: “Không nên đuổi bà mo nước Sở ra khỏi nước Tề.

Tề Cảnh Công nghe thấy lạ lùng vội hỏi: “Bà ta là kẻ tồi tệ, tại sao không thể đuổi ra khỏi nước Tề?

Yến Tử thưa: “Vì bà ta như vậy nên mới không được đuổi khỏi nước Tề. Ngài xem, nếu đuổi bà ta ra khỏi nước Tề thì nhất định sẽ có Quốc vương nước khác bị bà ta mê hoặc. Ngay cả ngài cũng đã từng bị bà ta làm cho mê muội, nếu để bà ta tiếp tục đi gây hại cho nước khác, như thế là không có nhân đức.

Cảnh Công nói: “Khanh nói rất đúng! Vậy bây giờ phải làm thế nào?

Yến Tử nói: “Hãy đày bà ta đến vùng hoang vu nhất ở phía đông nước Tề để bà ta không thể đi ra làm loạn được nữa.” Thế là Tề Cảnh Công làm theo lời khuyên của Yến Tử và cho bắt giam gian thần Duệ Khoản.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version