Thời xưa, khi Ngô Lục Kỳ lang thang bất đắc chí trong giang hồ, chàng đã nghĩ rằng đời mình sẽ bần cùng đến cuối…
Vào thời nhà Thanh, có một vị Tra hiếu liêm ở Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang (hiếu liêm là nhã xưng của cử nhân thời nhà Thanh). Ông tài hoa xuất chúng, cử chỉ phong nhã. Ông thường nói, những người trước mắt đều tầm thường vô vị, không đáng để giao du, hào kiệt trong nước phải đến tầng lớp thấp hơn để tìm họ. Lúc đó là cuối năm, Tra hiếu liêm ở nhà tự rót rượu cho mình, một lúc sau, mây đen bao phủ, những bông tuyết to như lòng bàn tay lần lượt rơi xuống. Ông chậm rãi bước ra cửa, hy vọng gặp được một vị khách chí đồng đạo hợp để thưởng ngoạn cảnh tuyết và cùng nhau uống rượu.
Lúc này, ông nhìn thấy một người ăn mày đang đứng thẳng người dưới hiên nhà để tránh tuyết. Tra hiếu liêm cẩn thận quan sát một lúc, trong tâm cảm thấy rất kinh ngạc, nên mời người đàn ông đó vào, ngồi xuống và hỏi chàng ta: “Tôi nghe nói ở chợ đường có một người đàn ông, tay không cầm gậy, mồm không biết nói, y phục tả tơi, bụng rỗng tuếch nhưng không tỏ ra đói lạnh, mọi người đều gọi cậu ta là ‘hành khất thép’. Cậu có phải là người đó không?” Người đàn ông trả lời: “Đúng vậy”. Tra hiếu liêm lại hỏi: “Uống rượu được không?” Chàng ta đáp: “Được”, theo đó Tra hiếu liêm bảo người hầu rót phần rượu còn lại trong bình vào một chiếc bát nhỏ để chàng ta uống. Người ăn mày nâng chiếc bát nhỏ lên và uống cạn. Tra hiếu liêm rất vui, đốt lửa than và hâm nóng rượu, thỏa thuận với chàng ta: “Cậu uống trong bát, tôi dùng cốc tạ, uống hết chỗ rượu này mới dừng lại”. Người ăn mày uống hơn 30 bát cũng không say chút nào, nhưng hiếu liêm đã ngà ngà say ngã xuống giường, được người hầu đỡ vào nhà.
Người hành khất ngập ngừng bước ra ngoài, ngủ qua đêm ở hiên nhà. Sáng hôm sau tuyết ngừng rơi, trời quang mây tạnh, Tra hiếu liêm tỉnh dậy nói với gia đình: “Tối qua tôi uống rượu với người ăn mày thép, rất là cao hứng, nhưng thấy cậu ta chỉ mặc quần áo cũ hỏng, làm sao cậu ta có thể chống lại cái rét căm căm thế này? Hãy đi lấy một chiếc áo choàng bông lụa của tôi đưa cho cậu ta”. Người ăn mày mặc chiếc áo choàng bông và rời đi, không thấy cảm ơn Tra hiếu liêm.
Đến mùa xuân năm sau…
Tra hiếu liêm cư ngụ tạm thời ở chùa Trường Minh ở Hàng Châu. Một lần cùng bạn bè mang rượu đi du lãm bên Hồ Tây, tình cờ gặp lại người hành khất thép bên đình Hạc. Chỉ thấy chàng ta khệnh khạng đi một mình với đôi chân trần và đôi tay trần. Tra hiếu liêm đưa chàng ta trở lại chùa, hỏi chàng ta chiếc áo choàng đệm bông ở đâu rồi, chàng ta nói: “Bây giờ là cuối mùa xuân, tại sao phải cần thứ đó? Tôi đã mang chúng đi cầm đồ để lấy tiền mua rượu”.
Tra hiếu liêm thấy chàng ăn mày giọng điệu bất phàm, cảm thấy kinh ngạc, bèn hỏi: “Cậu đã đi học, đã biết chữ chưa?” Người ăn mày nói: “Không đọc sách viết chữ, thì cũng không trở thành ăn mày như ngày hôm nay!” Tra hiếu liêm càng kinh động, liền bảo chàng ta đi tắm rửa, đưa cho quần áo và giày để mặc vào, rồi chậm rãi hỏi tên tuổi và quê quán.
Người ăn mày nói: “Tôi là hậu duệ họ Ngô ở Viêm Lăng (nay là huyện Võ Tiến, tỉnh Giang Tô), từ bé tôi đã tôn bái Khúc Nghịch hầu Trần Bình, sau đó sống ở Quảng Đông, tên là Lục Kỳ. Tôi vì từ sớm đã mất cha và anh, tính cách thích cờ bạc du hí, sống lang thang không chịu gò bó, vì thế cùng khổ lang thang du đãng giang hồ, lưu ly phiêu bạt đến đây. Nghĩ là men theo cửa này khất thực, cổ đại thánh hiền cũng tránh nạn như thế, tôi có điều gì không đúng, sao có thể coi đây là chuyện đáng xấu hổ? Nghĩ không chừng đến một ngày gặp được đại nhân, đại nhân siêu thoát trần tục ban chức cho tôi, cứu tế tôi, tôi tuy không phải là thiếu niên Hàn Tín khốn đốn ở Hoài Âm, nhưng ân tình của một bữa ăn, tôi sẽ cả đời không quên!”
Tra hiếu liêm nhanh chóng nắm lấy cánh tay của người ăn mày và nói: “Ngô tiên sinh là một hào kiệt kỳ tài trong nước, nếu tôi coi cậu thành bạn rượu, thì đã đánh mất một vị anh hùng rồi”. Thế là ông sai hòa thượng mang đến một bình rượu “hoa lê xuân”, cùng Lục Kỳ ngày đêm ăn uống trong một tháng liên tiếp. Cuối cùng, Tra hiếu liêm tặng quần áo và tiền vàng cho Lục Kỳ, để Lục Kỳ có thể trở về Quảng Đông.
Ngô Lục Kỳ đã cư ngụ ở Triều Châu trong nhiều thế hệ, là hậu duệ của đạo phu Ngô Quan Sát trong triều đại Nam Tống. Chàng từng đọc một ít thi ca và thư tịch, nhưng vì trầm mê trong cờ bạc và du hí, đến mức khuynh gia bại sản, sau đó trở thành một người đưa thư. Nhờ đó, chàng nắm rõ các cửa ải, sông ngòi, cầu cống, địa hình hiểm trở như lòng bàn tay. Lúc bấy giờ thiên hạ vừa mới bình định, quân Thanh từ Chiết Giang hành quân đến Quảng Đông, chiến thuyền nối đuôi nhau, cờ quạt nghi lễ khí thế hoành tráng kéo dài trăm dặm. Tại các thành thị và thôn trang mà đại quân đi qua, người dân đều trốn trong thâm sơn dã cốc, trên đường không có người bộ hành. Ngô Lục Kỳ một mình tiến về phía trước, nhưng những binh sĩ tuần tra đã bắt chàng và áp giải về doanh trại.
Ngô Lục Kỳ yêu cầu được gặp chủ soái, nói với chủ soái: “Tình hình ở Quảng Đông chỉ cần phát một công văn là có thể được xoa dịu. Tôi có ba mươi anh em kết nghĩa, họ luôn được gọi là anh hùng. Chỉ vì thiên hạ đại loạn, bốn biển vô chủ, mọi người liền chiếm đất tạo phản. Như nay đức vua anh minh đã nắm quyền, thiên binh tiến về phía nam, chính là đã đến lúc an định bách tính, anh hùng báo đáp quốc gia. Nếu có thể cho tôi ba mươi công hàm, đến các nơi báo cho chư vị anh hùng, nhất định có thể khiến kẻ gần đến đầu hàng, kẻ xa đến hưởng ứng, không quá một tháng, đại quân sẽ có thể thế như chẻ tre tiến vào bình định Quảng Đông”.
Chủ soái tiếp nạp kiến nghị của chàng ăn mày, Quảng Đông quả nhiên rất nhanh chóng bình định xong. Từ đó chủ soái rất tin nghe lời chàng, Ngô Lục Kỳ sẵn có dũng khí của vạn người, đánh trăm trận chiến, bất khả chiến bại. Chàng trước sau đã chinh phạt Phúc Kiến, Ba Thục, kiến lập kỳ công. Trong vòng vài năm, Ngô Lục Kỳ làm quan đến chức đô đốc thủy lục của một tỉnh, là chức quan võ cấp cao thống lĩnh các vấn đề quân sự của một tỉnh vào thời nhà Thanh.
Thời xưa, khi Ngô Lục Kỳ lang thang bất đắc chí trong giang hồ, chàng đã nghĩ rằng đời mình sẽ bần cùng đến cuối. Nhưng sau khi gặp Tra hiếu liêm, ông ấy đã cho chàng chiếc áo choàng bông dưới mái hiên, và tặng tiền vàng trong ngôi Phật tự, coi Ngô Lục Kỳ như một hào kiệt kỳ tài trong nước, điều này khiến Lục Kỳ vui mừng khôn xiết, phục hồi sự tự tin, dũng mãnh tòng quân, cuối cùng được thăng quan đến chức chủ soái. Ngô Lục Kỳ từng nói rằng, thiên hạ chỉ có một người biết đến mình, đó chính là Tra hiếu liêm.
Vào những năm đầu của Khang Hy, khi Ngô Lục Kỳ làm đô đốc phủ Tuần Châu (nay là huyện Long Xuyên, Quảng Đông), chàng đã cử một võ quan mang ba nghìn lượng vàng đến tặng gia đình Tra hiếu liêm, mang theo phong thư và tiền để mời Tra hiếu liêm đến Quảng Đông. Lều trại, xe thuyền đều được chuẩn bị một cách cực kỳ tinh mỹ, đầy đủ dụng phẩm hàng ngày, tiếng trống và tiếng nhạc của thuyền lầu dập dềnh xuôi dòng Tư Giang về phía nam. Khi đoàn xe của Tra hiếu liêm đi qua Mai Lĩnh, Ngô Lục Kỳ phái con trai mình đến nghênh tiếp ông ở bên trái đại lộ, nghi thức thập phần chu toàn và cung kính. Tất cả văn võ bách quan dưới quyền của Ngô Lục Kỳ đều muốn đích thân gặp tiên sinh Tra hiếu liêm, mọi người tranh nhau hiến lễ, tặng những hộp lụa, những túi châu báu, nhiều vô số kể. Ngô Lục Kỳ đích thân xuất thành để gặp Tra hiếu liêm cách thành Tuần Châu hai mươi dặm. Tám người cưỡi ngựa dọn đường cho Tra hiếu liêm ở phía trước, cả ngàn binh lính hộ tống phía sau, dẫn đầu bởi đội nghi thức, quy cách như vương hầu.
Sau khi đưa Tra hiếu liêm đến dinh đô đốc, Ngô Lục Kỳ quỳ trên mặt đất, cực kỳ khiêm kính nói: “Rất vinh hạnh được tiên sinh đến đây, kẻ ăn mày ti tiện ngày xưa, nếu không gặp được tiên sinh, thì không có ngày hôm nay! Tấm thân bần tiện này có biến thành bột phấn, cũng không đủ để báo đáp ân tình của tiên sinh!”
Tra hiếu liêm sống trong dinh thự của đô đốc trong một năm, và dù Lục Kỳ bận rộn với các công việc quân vụ, nhưng chỉ cần Tra tiên sinh nói một câu, Ngô Lục Kỳ sẽ lập tức đi làm. Số tiền tặng cho Tra tiên sinh đã gần lên tới một vạn lượng vàng. Khi Tra hiếu liêm quay trở về, Ngô Lục Kỳ đã đưa thêm cho ông 3.000 lượng vàng để tiễn biệt, nói: “Tôi không dám nói báo đáp, chỉ là muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình như thiếu niên Hoài Âm năm nào!”
(Nguồn: Cô Thặng)
Ghi chú: Hoài Âm hầu Hàn Tín là người Hoài Âm. Ông từ nhỏ cha mất sớm, nhà nghèo, không được bầu làm quan, không thể buôn bán để duy trì cuộc sống, phải trường kỳ ăn cơm khất tiền của các chủ quán. Một lần, khi Hàn Tín đi câu cá trong thành, mấy bà lão đang giũ lụa bông, có một bà thím (Phiếu mẫu) thấy Hàn Tín đói lả, liền lấy cơm ra cho Hàn Tín ăn, mấy chục ngày đều như thế. Hàn Tín rất mừng rỡ, nói với bà thím: “Lão nhân, tôi nhất định sẽ báo đáp lão”. Bà thím cả giận mắng: “Đại trượng phu như ngươi đến bản thân còn không tự nuôi nổi, ta thương ngươi một vị công tử mới cho ngươi ăn, còn hy vọng ngươi báo đáp sao!” Sau này Hàn Tín hiển quý, đã thưởng cho bà lão một ngàn lượng vàng.
Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch