Đại Kỷ Nguyên

Truyền thuyết về bà lão điều chế món canh quên lãng Mạnh Bà

Dân gian kể rằng, trước khi linh hồn được đầu thai làm người đều phải uống bát canh Mạnh Bà để quên hết quá khứ. Vậy bà lão điều chế loại canh này là ai? 

Tương truyền, để đi đến âm phủ, có một con đường tên gọi là Hoàng Tuyền (Suối vàng), có một con sông tên gọi là Vong Xuyên. Trên bờ sông Vong xuyên có một tảng đá gọi là Tam Sinh. Trên sông còn có một cây cầu gọi là Nại Hà. Bên kia cầu là một gò đất gọi là Vọng Hương đài, bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ, bên trong cái đình nhỏ này có một bà lão tên là Mạnh Bà.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, sau khi chết, linh hồn phải chịu qua đủ các hình phạt ở các điện thì sẽ được áp giải đến một điện tiếp theo, cuối cùng sẽ được đưa đến Thập Điện để chuẩn bị chuyển sinh. Trước khi chuyển sinh sẽ phải uống một loại canh để quên hết tất cả do Mạnh Bà điều chế.

Mạnh Bà rốt cuộc là ai?

Sự tích về Mạnh Bà, người thế gian vẫn luôn muốn hình dung hình ảnh Mạnh Bà, bà lão điều chế món canh Mạnh Bà quên lãng ở cửa địa ngục là một người như thế nào? Đọc trong cuốn “Ngọc lịch sao truyện” có ghi chép rằng, Mạnh Bà sinh sống vào thời kỳ Tây Hán. Từ nhỏ bà đã học tập các loại sách của Nho gia. Sau khi lớn lên, bà chuyên tâm niệm tụng kinh Phật. Lúc sinh sống trên đời, bà tuyệt không nhớ về quá khứ mà cũng không nghĩ những chuyện của tương lai mà chỉ toàn tâm toàn ý khuyên bảo mọi người đừng sát sinh, nên ăn chay. Đến năm 81 tuổi, bà vẫn là một “thiếu nữ” trinh trắng. Người đời gọi bà là “Mạnh Bà A Nãi”. Sau đó, bà tiếp tục vào trong núi tu hành và cuối cùng đắc đạo thành Tiên.

Vào thời Đông Hán, trên thế gian có nhiều người biết được chuyện kiếp trước và kiếp sau nên thường xuyên tiết lộ Thiên cơ (điều bí mật không thể tiết lộ). Vì vậy, Thượng thiên đặc mệnh cho Mạnh Bà làm thần ở âm phủ, đồng thời cũng vì bà mà xây dựng “Vọng Hương Đài”.

Vậy món canh Mạnh Bà gồm những gì? Tương truyền rằng, Mạnh Bà dùng những dược liệu của trần gian để điều chế thành một loại canh giống rượu nhưng không phải rượu có tên là canh Mạnh Bà hay còn gọi là cháo lú. Còn có một loại truyền thuyết nữa về thành phần của món canh âm phủ này là, lúc mỗi người sinh sống trên trần gian đều sẽ có đầy đủ mọi cảm xúc như vui, buồn, khổ, hận, đau, yêu, ghét… mà rơi lệ, Mạnh Bà thu thập những giọt nước mắt này lại rồi nấu thành một bát canh cho riêng từng linh hồn. 

Mạnh Bà có chức trách gì?

Truyền thuyết nói rằng, Mạnh Bà thường trú ở bên cầu Nại Hà của âm phủ. Chức trách của bà là bảo đảm chắc chắn rằng tất cả những linh hồn sắp đầu thai đều sẽ không còn nhớ rõ về kiếp trước của mình và hết thảy những gì trải qua ở âm phủ, để tránh cho việc con người thế gian bị vướng bận vào yêu và hận. Những linh hồn này trước khi đi đầu thai sẽ phải uống một chén canh mang tên canh mạnh bà. Vì vậy, con người thế gian sẽ quên lãng hết những kiếp trước của mình và lại sống chìm đắm vào trong mê giữa danh, lợi, tình.

Trong “Ngọc Lịch” nói rằng, nhiều tội nhân lúc sống có niệm kinh chì chú nên khi chết đi Diêm Vương khó tra xét tội tình. Vì vậy, những linh hồn này sẽ được đưa đi uống chén canh Mạnh Bà rồi nhanh chóng chuyển kiếp cho chết yểu, quên hết kinh chú. Sau đó, những linh hồn này sẽ được trị tội khác.

Ảnh Mạnh Bà dưới âm phủ. (hình ảnh minh họa)

Uống canh Mạnh Bà sẽ thế nào?

Những linh hồn sau khi uống canh Mạnh Bà, nếu là người lương thiện thì sau khi uống sẽ thành người thông minh, khỏe mạnh. Những người ác sau khi uống nước canh thì thần trí sẽ không tỉnh táo, cơ thể yếu nhược để họ có cơ hội ăn năn hối hận.

Cầu Nại Hà có phạm vi vài dặm, để qua được sông Vong Xuyên thì phải đi qua cầu Nại Hà. Cầu Nại Hà quanh năm mây mù lượn lờ, khi đi trên cầu phảng phất như đi trong mây. Người đi qua đi lại cầu, gặp nhau nhưng không nhìn rõ mặt. Bờ bên này cầu có tiếng sói gào thét rên rỉ, bờ bên kia lại lặng yên vắng vẻ.

Đứng trên Vọng Hương Đài mỏi mắt chờ mong tìm kiếm cố hương ở phương nào? Nhìn thấy cảnh người thân khóc thương thảm thiết với bao tiếc nuối…

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: Toàn bộ quá trình đi đến âm gian sau khi con người chết đi

Exit mobile version