Đại Kỷ Nguyên

Trưởng thành là không lấy người khác để đo lường cuộc đời mình

Có khi nào bạn tự hỏi: Mình đã thực sự trưởng thành hay chưa?

17 tuổi, bạn học cách tự mình cạo râu và cho rằng đó là trưởng thành.

20 tuổi, bạn bắt đầu tập tành hút thuốc và cho rằng đó là trưởng thành.

30 tuổi, bạn thành gia lập thất rồi sinh con đẻ cái, và cho rằng đó là trưởng thành.

Kỳ thực tuổi tác chỉ là con số, hết thảy những điều trên không đủ để nói lên tất cả, đó không thực sự là trưởng thành.

Trưởng thành là không sống trong mắt người khác

Có một chàng ngốc dựng nhà ở ven đường, làm được vài hôm thì có người đi ngang qua thuận miệng buông câu: “Không đẹp!”. Chàng ngốc liền vội vàng hỏi không đẹp ở chỗ nào? Người qua đường nói: “Anh nên làm nhà quay về chính đông mới đúng, như vậy sáng ra có thể ngắm mặt trời mọc”. Chàng ngốc cho rằng có lý, liền phá nhà đi làm lại.

Xây được vài hôm lại có khách qua đường buông một câu vu vơ: “Nhà gì mà chẳng có đẳng cấp! Đáng lẽ phải quay mặt về hướng tây, như thế mới có thể ngắm cảnh hoàng hôn, cuộc sống mới đầy thi vị”. Chàng ngốc nghĩ ngợi một lúc thấy cũng đúng, nên lần nữa lại đập đi làm lại.

Cứ như thế, ngày càng có nhiều người góp ý khiến anh chàng cứ đập tới đập lui, làm xong lại phá, phá rồi lại xây, đông nam tây bắc quay tròn tứ phía mãi mà chẳng có nhà để ở.

Trên đây chỉ là câu chuyện vui nói về đạo lý làm người, tuy nhiên trong cuộc sống cũng có không ít kiểu người như vậy: luôn sống trong con mắt thiên hạ. Thấy một chiếc áo, ai đó bảo đẹp họ liền mua, ai đó chê lỗi mốt họ liền bỏ, thậm chí chọn người yêu cũng cần phải trưng cầu ý kiến. Họ tìm được công việc mà bản thân mơ ước, nhưng hễ thấy người khác chê rằng không có tiền đồ thì họ liền ngoan ngoãn nghe theo, cam phận làm công việc cũ cả đời.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trưởng thành là không ngưỡng mộ người khác

Trong cuộc sống có hai kiểu người: một là sống cho thiên hạ xem, hai là sống theo điều mình thích. Người thực sự trưởng thành chỉ sống cho chính mình xem chứ không sống cho người khác nhìn. Mỗi cá nhân sinh ra là một sinh mệnh độc lập, không ai giống ai, hà tất phải ngưỡng mộ kẻ khác? Hãy sống cuộc sống của chính mình!

Bài học thực tế dù nhiều nhưng người lĩnh hội được lại chẳng có bao nhiêu, trên thực tế có rất nhiều người chỉ mong muốn trở thành kẻ khác. Thấy bạn bè tổ chức hôn lễ sang trọng lãng mạn, họ cũng mong muốn bản thân được như vậy. Thấy con cái hàng xóm đàn giỏi hát hay, lễ phép vâng lời, họ cũng thầm ao ước mãi không thôi. Thấy anh bạn kế bên nhà lầu xe hơi, trong lòng họ cũng khởi lên ham muốn. Ngưỡng mộ người khác đâu giúp ích được bản thân mà cũng chẳng mang lại hạnh phúc, chi bằng hãy tận hưởng cuộc sống của chính mình.

Gần đây tôi đọc được câu chuyện về nhà toán học Vương Chương Trình. Năm anh 22 tuổi, bạn bè cùng trang lứa tốt nghiệp đại học, ai ai cũng tìm cơ hội vào làm việc tại các tập đoàn lớn hay các công ty có tầm cỡ, chỉ riêng Vương Chương Trình là một mình vùi đầu vào nghiên cứu đề tài suốt 10 năm không nghỉ. Trong 10 năm đó, bạn bè anh đều tăng lương thăng chức, mua nhà sắm xe, thành gia lập thất, kiêu hãnh tự hào, còn Vương Chương Trình thì nhà không mua được, xe càng không có, ngay cả một cô bạn gái cũng không. Trong con mắt người khác, cuộc sống của anh thật quả là tệ hại. Tuy nhiên anh không hề hâm mộ kẻ khác, chỉ lặng lẽ sống cuộc sống riêng mình, lặng lẽ theo đuổi đam mê của chính mình.

Mãi đến năm 35 tuổi, Vương Chương Trình giải được hai đề toán khó nhất thế giới và trở nên nổi tiếng trong giới toán học. Sau khi kết quả công bố, hơn chục trường đại học danh tiếng của Mỹ cùng lúc mời anh về giảng dạy. Bao nhiêu năm qua đi, đến nay anh vẫn được mệnh danh là “vua toán học”. Vì không để thành tựu của người khác làm dao động, cũng không để hoàn cảnh bên ngoài chi phối, anh mới có thể làm nên thành tựu to lớn ấy.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trưởng thành là biết chấp nhận cuộc sống không hoàn mỹ

Trước đây có một anh nông dân nuôi được đàn cừu 250 con. Hàng ngày anh ta đều lùa đàn cừu của mình lên đồi ăn cỏ, chiều xuống lại đưa đàn cừu ghé qua con suối ven rừng uống nước trước khi về nhà. Một hôm trong lúc bất cẩn, anh ta đã để lạc mất một con nên cả đàn cừu chỉ còn lại 249 con. Đếm đi đếm lại con số vẫn là 249, khuyết mất một con khiến đàn cừu không còn toàn vẹn. Anh ta đau khổ ngồi ủ rũ ở ven đường, chẳng còn tâm trạng để về nhà. Đến khi quá mệt mỏi, anh ta gục xuống ngủ mất tự lúc nào không hay, tới khi tỉnh dậy mới ngỡ ngàng phát hiện: Gần nửa đàn cừu đã rơi vào miệng sói tự khi nào!

Có rất nhiều người đều không thể lý giải, chỉ vì một con số không tròn mà khiến anh ta đau lòng đến vậy. Thế gian vạn sự vốn chẳng có gì là toàn vẹn, con người ai ai cũng có khiếm khuyết nên mới cần theo đuổi sự hoàn mỹ, nhưng không nên lấy sự hoàn mỹ làm tiêu chuẩn đánh giá mọi việc.

Từ xưa tới nay, người không có người hoàn mỹ, việc không có việc vẹn toàn, cho nên người thực sự trưởng thành sẽ biết cách chấp nhận khiếm khuyết của cuộc sống. Họ không truy cầu sự việc phải hoàn mỹ 100% mà truy cầu làm 100% những điều mình mong muốn.

Trưởng thành là biết khống chế bản thân

Một ngày, nhà vô địch quyền anh huyền thoại Joe Louis cùng bạn bè lái xe dã ngoại. Trên đường vì nhìn thấy phía trước có sự cố nên Joe Louis phải phanh xe gấp, tình huống bất ngờ khiến chiếc ô tô phía sau đâm trúng xe của ông. Người tài xế tức giận bước ra khỏi xe chỉ vào mặt Joe Louis mà hét lớn: “Rốt cuộc anh có biết lái xe không vậy?”, rồi ông ta vừa mắng chửi vừa tung cú đấm vào Joe Louis.

Tuy bị người khác hành hung một cách vô lý nhưng Joe Louis không hề đánh trả. Nhóm bạn cảm thấy vô cùng khó hiểu nên đã hỏi ông rằng: “Hắn ta đã gây sự lại còn ra tay đánh anh, sao anh không dạy cho hắn bài học?”.

Joe Louis trả lời thản nhiên: “Lẽ nào có người dùng lời lẽ khiếm nhã để nhục mạ danh ca opera Pavarotti, vậy thì Pavarotti phải hát cho họ nghe sao?”.

Joe Louis đã dùng thái độ bình thản và khiêm nhường để đối diện với sự cuồng nộ vô cớ, vì vậy mà thể hiện ra tâm thái cao thượng của bản thân.

Chúng ta cũng vậy, mỗi ngày đều phải đối diện với rất nhiều điều vui buồn oán giận. Người không khống chế được bản thân thì sẽ thất bại, chỉ những ai có thể khống chế chính mình mới thực sự trưởng thành.

Biết làm chủ bản thân là một cảnh giới, biết chấp nhận khiếm khuyết cũng là một cảnh giới, mà cảnh giới cao nhất của trưởng thành lại chính là mỉm cười với người mình không thích.

Minh Vũ
Theo Cmoney.tw

Xem thêm:

Exit mobile version