Đại Kỷ Nguyên

Trong lòng biết rõ thiện ác chưa đủ, cần phải xét ở chỗ hành động

Mặc dù trong lòng biết rõ đó là việc ác không nên làm, nhưng chỉ vì nghe theo lời xúi giục của người khác, không giữ vững được bản thân mình mà vẫn làm, thì trong sâu thẳm người ấy vẫn là có tư tâm, vẫn là vì lợi ích của bản thân mình. Cuối cùng đều phải chịu báo ứng thê thảm!

Diêu Hảo Vấn đời nhà Minh, khi còn làm huyện lệnh, mỗi hành vi của ông đều rất thận trọng và liêm khiết. Nhưng ông lại là người không có ý chí mạnh mẽ, dễ tin lời người khác.

Một lần vào cuối mùa xuân, trời mưa hơn 40 ngày liền, nên Diêu Hảo Vấn đã tự mình đi đến các làng để điều tra thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông phát hiện thấy hàng trăm mẫu ruộng ở làng Tây bị ngập lụt, trong khi đó cánh đồng của những làng bên cạnh vẫn không bị thiệt hại gì. Ông nghĩ rằng cần phải báo cáo ngay rằng khu vực làng Tây đang gặp thiên tai.

Nhưng viên tuỳ tùng đi theo ông lại nói: “Các làng khác trong địa phận chúng ta vẫn bình an vô sự. Dù hiện nay làng Tây có bị ngập úng, nhưng chỉ sau mấy ngày nữa nước rút, họ vẫn có thể gieo cấy một vụ khác. Nếu bây giờ chúng ta làm một báo cáo phân loại thiên tai như vậy trình báo lên cấp trên, chỉ e người ta lại tra vấn truy xét.”

Diêu Hảo Vấn biết rõ rằng viên tuỳ tùng là có ý nghĩ tư tâm nhưng bản thân ông cũng lại không muốn bị phiền toái, nên ông đã giấu nhẹm tình hình thiên tai đi mà không trình báo lên trên. Đến lúc trưng thu thuế vụ, dân làng Tây tuy mất mùa nhưng cũng vẫn phải nộp thuế ngang bằng với những làng lân cận được mùa.

Diêu Hảo Vấn cũng từng muốn xây dựng trường học miễn phí và xây dựng đường xá cho những người nghèo khó, nhưng đều bị người ghi chép sổ sách cho ông ngăn cản.

Ông đã ở tuổi trung niên rồi nhưng vẫn không hiểu sao không có con, mẹ và vợ thường xuyên bị đau ốm, cả gia đình đều sống trong phiền muộn.

Một ngày nọ, mẹ của ông bị bệnh nặng rơi vào hôn mê sâu. Sau khi được cứu sống lại, bà vội vàng nói với con trai: “Mẹ gặp một viên quan ở dưới âm phủ. Ông ấy nói, con là một người liêm khiết thận trọng, vốn được hưởng phúc có con. Nhưng mỗi khi con gặp một việc thiện nên làm và con cũng biết rất rõ là con phải làm, thì con đều thường thường bị lời nói ngăn cản của người khác mà dừng lại. Giống như việc báo cáo thiên tai ngập lụt, sao con lại có thể giấu sự thật mà không báo cáo? Việc con che giấu sự thật khiến những người dân bị nạn vì sự thúc ép nộp thuế mà phải bán con trai con gái đi để lấy tiền nộp, gia đình ly tán tan nát. Tội lỗi của con quá lớn, do đó con phải chịu báo ứng không có con rồi!”

Dừng lại một lát, mẹ của Diêu Hảo Vấn lại kể tiếp: “Vị minh quan còn nói: “Một người ngu dốt bởi vì không hiểu lý lẽ thì còn có thể tạm tha thứ được. Nhưng người biết rõ việc thiện mà chối từ không làm, người có chủ tâm không cầu tiến đức, chính là những người mà ông trời ghét nhất. Bà nên nói với con trai, nếu anh ta muốn có nhiều phúc, anh ta phải làm thật nhiều việc thiện, đừng ngại gian nan, đừng làm hời hợt, đừng muốn làm rồi lại vì một ý nghĩ nào đó mà dừng lại.” Nếu con làm thật nhiều việc thiện, con có thể có phúc báo đủ để bù đắp lại những tội lỗi mà con đã gây ra khi che giấu thiệt hại do trận lụt đó gây ra.”

Mặc dù đã được nghe lời mẹ dạy bảo như vậy, nhưng Diêu Hảo Vấn vẫn bị những lời gièm pha của viên thư kí kia tác động, ông vẫn không tu tỉnh, không thoát ra được khỏi điều đó. Cuối cùng, ông ta bị bãi chức và gia đình cũng bắt đầu bị suy sụp.

Nếu một người biết sửa sai hướng thiện, thì có thể bù đắp được tổn thất, tiêu trừ tội nghiệp mình đã gây ra và gia tăng phúc báo cho bản thân mình. Nếu một người biết việc thiện việc ác nhưng bản thân lại không thể thực sự tự làm chủ được mình, thì sẽ tạo thành nghiệp lực to lớn cho bản thân. Lúc ấy, cho dù bản thân có hối hận đến thế nào đi nữa thì cũng đã quá muộn rồi!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version