Đại Kỷ Nguyên

‘Trong cuộc đời này, điều duy nhất ta có quyền kiểm soát, chính là bản thân mình’

Tuổi thơ bị ngược đãi là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, trầm cảm cả một thời tuổi trẻ. Điều gì khiến người phụ nữ luôn mang trong mình nỗi oán hận các bậc sinh thành, cuối cùng tìm lại được bình an và sức khỏe khi tuổi đã xế chiều?

“Khi còn rất nhỏ, chừng 3 tuổi, tôi đã có ấn tượng rằng mẹ mình là người không bình thường. Trong trí nhớ của tôi, bà luôn suy nghĩ và hành động thiếu lý trí, những hành vi của bà khó lường và dễ mất kiểm soát. Tôi sợ mẹ, mà không biết giãi bày với ai”.

Barbara Phillips Gay, một phụ nữ người Mỹ trong buổi phỏng vấn với Đài Truyền hình Tân Đường Nhân, bắt đầu bằng chia sẻ nghẹn ngào về tuổi thơ buồn tủi, thiếu thốn tình thương của mình.

“Rất hiếm khi mẹ tôi vui vẻ, tử tế, nhiệt tình. Có chăng cũng chỉ trong chốc lát. Vừa tươi tỉnh, cười nói nấu ăn và ca hát, ngay lập tức, trong chớp mắt bà biến thành một con người khác, dữ tợn và độc ác. Cũng không hiếm khi bà trở nên đờ đẫn, chậm chạp và xa cách ngay cả với tôi.Từ nhỏ tôi đã luôn phải e dè, sợ hãi, phải học cách giữ im lặng để không làm phiền chính người đã sinh ra mình, khi không cần thiết.

Sống cách biệt trong một trang trại nhỏ tại Missouri, chúng tôi ít có khách tới thăm và cũng hiếm khi ra ngoài. Ba tôi bận rộn công việc trang trại và lái xe tải nên mẹ tôi, em trai và tôi thường xuyên ở nhà. Vì tính tình mẹ tôi bất ổn, nên tôi thường ở cùng ba tôi khi ông ở gần. Tuy nhiên, ba tôi đôi lúc cũng khắc nghiệt và vô tâm. Một ngày, khi chúng tôi đang chuẩn bị ra khỏi nhà có việc gì đó, một chú mèo con của tôi cố trèo lên xe tải. Mẹ tôi vô ý đóng cửa xe làm nó bị đập đầu vào cánh cửa, nó chết. Khi tôi khóc, ba tôi bắt mẹ tôi đưa con mèo cho ông, ông ném nó ra ruộng ngô ngay cả khi chiếc xe đang chạy rất nhanh và nói rằng, “Nếu mày còn khóc, tao sẽ ném mày ra luôn!”

Những điều cha mẹ làm theo cách như vậy khiến từ nhỏ tôi tin rằng cuộc đời này rất khắc nghiệt. Từ lúc 3 đến 5 tuổi tôi đã cố tự tử tới 4 lần, mặc dù không ai biết chính xác điều tôi đã làm – trừ mẹ.

Một lần, tôi cố tình đặt mình vào thế nguy hiểm khi đang ngồi trên máy kéo với ba, ông đã cứu tôi trước khi chuyện tồi tệ xảy ra. Lần khác tôi ăn hết một lọ aspirin cho trẻ em. Tôi biết rằng tôi có thể sẽ bị chết vì mẹ tôi đã từng nói như vậy. Khi bà phát hiện ra chiếc lọ trống không và tôi thừa nhận rằng mình đã ăn hết, bà nhìn tôi cười và hỏi tôi tại sao. Tôi làm sao mà có thể nói thật với mẹ tôi, nên tôi chỉ nói rằng vì tôi không biết. Bà trấn an rằng tôi sẽ không sao, và đúng là như vậy.

Một lần khác, mẹ tôi bắt gặp tôi đang nuốt một vài đồng xu, ngay trước khi tôi tôi đang cố nuốt cái to nhất – cái mà chắc chắn sẽ làm tôi ngạt thở. Lần nữa, tôi đi vào cánh đồng ngô và ở đó một ngày vì tôi tin rằng nếu tôi làm vậy, tôi sẽ chết ở đó. Tôi chờ đợi cái chết nhưng chẳng có điều gì xảy ra, nên cuối cùng tôi đã tự quay trở về.

Vì những kế hoạch tự tử không thành công, tôi dần thuyết phục bản thân mình rằng sẽ không có con đường giải thoát nào cho mình – trừ khi tôi lớn lên. Vậy nên tôi đã lấy đó làm mục tiêu và trấn an trong những lúc tuyệt vọng nhất.

Barbara và ba cô năm 1965

Tuổi vị thành viên đầy biến động

Khi tôi sắp lên 6, mẹ tôi ly hôn với ba tôi, không lâu sau khi sinh hai em trai sinh đôi của tôi. Bà thường nói rằng ba đã hành hạ bà, mặc dù tôi không nhớ chính xác điều đó đã xảy ra.

Những năm tiếp theo chúng tôi sống bất ổn, chuyển nhà vài lần và ở nhà bà ngoại thường xuyên. Có khi giữa mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt mà chúng tôi không có điện hay gas để sưởi ấm. Những bữa tiệc ồn ào diễn ra thường xuyên ở nhà tôi khiến tôi không ngủ được tới tận sáng. Tôi nhớ rằng mẹ tôi đã cho rượu mạch nha vào chai sữa của các em để chúng ngủ, rồi mẹ tôi và “những vị khách” của bà có thể chơi bài mà không bị quấy rầy. Tôi thức dậy và thấy một đống những đầu thuốc lá vương vãi khắp nơi, và cũng chẳng còn đồ gì để ăn.

Khi tôi 8 tuổi, mẹ tôi có một người chồng khác – một bác sỹ thú y trẻ phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và cũng là một tay nghiện rượu nặng, sẵn lòng chăm sóc bà và các con của bà. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi sống với ông khá xa nơi chúng tôi sống trước đó, mà chúng tôi cũng không gần gũi với bất kỳ người họ hàng nào.

Tôi dần ý thức được viễn cảnh cuộc sống của mình: những ngày mẹ được trả lương sẽ có xúc xích, khoai tây chiên, bỏng ngô (cả thuốc lá, bia); còn các ngày thứ hai thường sẽ bắt đầu bằng bữa sáng không sữa.

Mùa đông năm đó, những tuần đầu tiên tôi còn chẳng có áo khoác để mặc, mặc dù tôi phải đi bộ một quãng đường dài mới tới được trường. Chúng tôi cũng hiếm khi có đủ đồ ăn, mà tôi cũng thường ăn ít hoặc nhịn ăn, tôi vô thức nghĩ rằng mình có thể chết bằng cách này. Mọi người trong nhà hay bàn tán về việc trông tôi gầy gò ra làm sao.

Mẹ tôi luôn thể hiện rằng bà sẽ kiểm soát tất cả các mối quan hệ của con cái – đặc biệt là các mối quan hệ với người trong gia đình. Bà thường nói những điều không tốt về các thành viên trong gia đình, chê trách họ cho tới khi chúng tôi đồng tình với bà, với mục đích để bất kỳ khi nào tôi ở gần họ, tôi sẽ cảm thấy họ thật xấu xa và tồi tệ. Vì vậy mà, không ai trong chúng tôi cảm thấy có thể chia sẻ về những hành vi xấu của mẹ tôi với những người khác trong gia đình. Bà bắt chúng tôi tin rằng không ai sẽ tin chúng tôi nếu chúng tôi nói ra, vì vậy mà chúng tôi không ai dám mở miệng. Một kế hoạch hoàn hảo để kiểm soát mọi thứ suốt bao nhiêu năm.

Vào thời điểm ấy tôi cũng được gặp ba tôi khá thường xuyên, mặc dù ông cũng tái hôn và có một cậu con dượng. Nhìn căn nhà đầy đủ tiện nghi của ba, với những chiếc giường trải khăn sạch sẽ, khăn tắm và đồ lót, tất cũng gọn gàng làm tôi thấy tủi thân vô cùng; những thứ đồ thiết yếu như vậy mà tôi cũng chẳng có. Đồ ăn cũng chẳng khi nào thiếu thốn, và còn có cả đồ chơi.

Vợ mới của ba đối xử với tôi rất tốt, dạy tôi khâu vá và giúp tôi khỏi bệnh tè dầm. Ba tôi dường như cũng đã thay đổi, dường như những hành vi của ông ấy trước đây là tấm gương phản chiếu từ mẹ tôi. Chẳng vậy mà, sau mỗi lần ở đó, tôi chẳng còn thiết tha trở về nhà.

Barbara năm 1971

Chìm sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng

Một hôm tôi hỏi mẹ kế liệu tôi có thể tới sống cùng họ không; dì nói rằng tôi sẽ phải hỏi ý kiến mẹ. Tôi đã lấy hết can đảm, nghĩ rằng cũng sẽ hợp lý thôi, vì dù sao thì mẹ và dượng cũng đang nuôi chúng tôi một cách khó khăn. Vậy mà khi tôi hỏi, tôi cảm thấy một điều gì đó thật đáng sợ toát ra từ mẹ tôi. Tôi biết rằng mình đã tính toán hoàn toàn sai lầm.

Và đó chính là thời điểm mẹ bắt đầu âm mưu huỷ hoại mối quan hệ giữa tôi với gia đình ba. Bà luôn đưa ra một mặt trận cho bất kỳ ai mà bà muốn thao túng. Mẹ tôi không bao giờ để lộ bản chất thật của mình với những người bà nghĩ có thể gây hại cho bà. Bên ngoài mẹ tôi luôn tỏ ra niềm nở với ba và mẹ kế, luôn tỏ vẻ quan tâm đến họ khi họ ở gần.

Không lâu sau lần tôi hỏi mẹ về việc sống chung với ba, cuối tuần đó tôi định sẽ sang nhà ba chơi. Ba thường đến đón tôi, nhưng lần này mẹ tôi quyết định sẽ đưa tôi đi. Khi chúng tôi tới đó mới phát hiện ra ba đã đi đón tôi từ trước rồi, nhưng mẹ tôi không muốn chờ ông ấy quay về. Khi chúng tôi về tới nhà, thì ba tôi cũng đã về rồi. Mẹ tôi nói, “Chắc là con phải đợi lần sau thôi.”

Tôi hiểu được khi nhìn vào những điều mẹ tôi làm, tôi biết đó là sự trừng phạt cho tôi. Những ngày cuối tuần ở cùng ba đã giúp tôi tránh khỏi tột cùng của sự tuyệt vọng. Họ là lối thoát cho tôi khỏi sự điên rồ của mẹ và bà biết điều đó. Bà đã cho tôi thấy ai mới là người giữ quyền kiểm soát. Tôi bắt đầu khóc.

Dượng đã cố dỗ dành tôi, nhưng mẹ tôi dằn mặt rằng tôi chỉ là một đứa trẻ hư hỏng. Vào khoảnh khắc đó tôi biết rằng giữa chúng tôi chỉ còn là sự rạn nứt, cuối cùng tôi đã nhìn thấu mẹ tôi hơn. Sự ghen tuông đã hoàn toàn kiểm soát bà. Mẹ tôi đã quyết rằng tôi không thể có được hạnh phúc, trừ khi là ở bên bà.

Một sớm, bà đột nhiên thức dậy và nói rằng bà vừa gặp ác mộng, rằng chúng tôi phải đi gặp gia đình ba ngay lập tức. Chúng tôi liền lái xe tới đó. Bà đi vào trong nhà, nói chuyện với họ và không để chúng tôi nghe được điều gì. Sau này mẹ tôi nói với tôi rằng bà mơ thấy ba tôi gặp phải một tai nạn xe hơi nguy hiểm.

Trong suốt những năm họ còn là vợ chồng, mẹ tôi thường hay nguyền rủa ba tôi sau mỗi trận cãi vã, những điều như “máy kéo của anh còn lâu mới khởi động được lúc này” hay những mối đe dọa tương tự, cứ như bà là một mụ phù thuỷ hay có thể dự đoán được tương lai. Ba tôi thường gọi mẹ tôi là mụ phù thuỷ nếu những điều đó thực sự xảy ra và bà đã thuyết phục ba tôi tin rằng bà có thể nhìn thấy được tương lai và trừng phạt ông qua những lời nguyền.

Vậy nên khi ba tôi nghe về giấc mơ ấy, ông cứ mãi bị ám ảnh bởi nó. Ba tôi không hề biết rằng tôi đã xin mẹ cho đến ở cùng ông và rằng bà đã rất khó chịu về việc này. Ba tôi còn tin tới mức đã viết một di chúc, trong đó có viết rằng em trai và tôi đừng bao giờ quên ông nếu ông chết.

Tôi cũng không lý giải được vì sao năm đó ông đã thực sự gặp tai nạn xe hơi và qua đời, nhưng tôi biết rằng mẹ tôi là bậc thầy thao túng người khác và có khả năng là vì mẹ tôi đã tỏ ra hết sức thuyết phục khi nói với ông về vụ tai nạn tới mức ông tin rằng nó chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng điều tôi chắc chắn rằng, khi tôi đòi sống với ông, mẹ tôi đã vô cùng nổi giận. Bà đã quyết tâm rằng sẽ không để điều đó xảy ra bằng bất cứ giá nào.

Sau cái chết của ba, tôi mất hết hi vọng. Tôi đã mất đi niềm hi vọng duy nhất có thể giúp tôi tìm được sự bình an, mất đi điều mà tôi mong đợi nhất.

Barbara tuổi vị thành niên năm 1978

Lại một bi kịch dẫn đến việc lạm dụng chất gây nghiện

Sau khi ba mất, lấy cớ là đi “thăm hỏi” người thân, mẹ tôi bắt đầu đưa tôi và các em trai đi cùng, nhưng chúng tôi bị để lại trong xe hàng giờ liền, đôi lúc dưới cái nóng oi bức. Mục đích của những chuyến viếng thăm, và cái cách ứng xử của bà khi đó làm tôi nghi ngờ rằng bà có những hành động mờ ám. lợi dụng tiền bạc. Nghĩ lại thì, tôi tin rằng mẹ tôi đã bị phụ thuộc vào thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần, nhằm giấu đi những biểu hiện của bệnh rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt mà tôi đã nhận thấy ở bà từ khi tôi còn nhỏ.

Vào tuổi dậy thì, tôi bắt đầu trở nên hòa đồng hơn, tuy nhiên mối quan hệ bạn bè của tôi hiếm khi vượt quá con số một. Tôi không thể chơi cùng những người hay đố kỵ do mặc cảm về những ký ức không vui từ sự đố kỵ mạnh mẽ của mẹ, vậy nên đã thành thói quen, thay vì kết thúc một mối quan hệ, tôi mặc kệ dù cho họ đối xử với mình tệ đến mức nào. Lúc này, mẹ tôi lại bắt đầu tâm sự với tôi. Dù biết đây cũng chỉ là một bước nữa của sự thao túng, nhưng khi ấy điều này lại khiến tôi cảm thấy mình đặc biệt.

Chẳng hạn năm tôi 13 tuổi, mẹ nói với tôi rằng bà đang ngoại tình với vị hiệu trưởng trường học của tôi. Tôi cũng đủ lớn để nhận thức rằng việc đó là sai trái, và việc kể chuyện đó với một cô con gái 13 tuổi cũng không hề đúng đắn. Tôi biết mình chẳng thể kể với ai, và mẹ tôi thừa biết điều đó. Vậy là mẹ tôi lại bất tôi trở thành đồng lõa trong vụ ngoại tình của mình. Lúc đó tôi không nhận ra, một cách vô thức, nhưng những bí mật cũng có thể là một công cụ đặc biệt của sự thao túng. Nặng trĩu cảm giác tội lỗi, mối quan hệ với cha dượng, người tôi vốn luôn gần gũi, dần dần rạn nứt.

Mẹ tôi cũng dùng nhiều những thủ đoạn khác nhau để thao túng chúng tôi. Bà cố tình tạo ra sự thù địch giữa anh chị em chúng tôi để sau này có thể lợi dụng chia rẽ sự gắn bó vốn có – căn bản là tạo ra sự thiếu tin tưởng. Tôi nghi ngờ rằng bằng việc này, mẹ tôi sẽ dễ dàng bảo vệ được mình phòng khi một trong chúng tôi có vấn đề nảy sinh với bà.

Nhưng ít ra thì thời điểm đó tài chính của chúng tôi cũng ổn. Ba dượng có một công việc tốt và biết kiểm soát việc uống rượu tốt hơn; còn mẹ tôi vẫn luôn không thể quản lý được tiền (có lẽ là vì thói quen lạm dụng thuốc), nhưng bà cũng thi thoảng làm việc. Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu đi làm và có thể tự mua được đồng phục hay những thứ nhỏ nhặt mà tôi cần hay yêu thích.

An cư lập nghiệp, mọi thứ cũng trở nên khá hơn. Trong suốt những năm học phổ thông chúng tôi không phải chuyển nhà lần nào, trong khi kể từ khi mẹ tôi ly hôn, 8 năm mà chúng tôi đã sống ở hơn 10 căn nhà tại 6 thành phố khác nhau. Chúng tôi cũng hay đến ăn tối ở nhà bố mẹ ba dượng mỗi chủ nhật, và họ cũng đối xử với chúng tôi như cháu ruột. Vẫn còn những cuộc cãi vã và căng thẳng, nhưng chung quy thì cuộc sống của tôi cũng đã yên bình hơn rất nhiều so với trước đây.

Nhưng bi kịch lại xảy đến. Bạn trai đầu tiên bị bắn chết khi tôi 15 tuổi. Tôi rơi vào trầm cảm cực độ, tự trách bản thân rằng tôi đã gián tiếp gây ra cái chết của cậu ấy. Trước cái chết của ba và bạn trai, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có được tình yêu từ những người đàn ông. Tôi đã lấy đó làm cái cớ để quan hệ tình dục bừa bãi. Tôi bắt đầu dùng thuốc và uống rượu thường xuyên.

Năm cuối phổ thông, tôi thích lui tới nhà thờ ở địa phương, ngừng uống rượu và dùng thuốc; mặc dù vẫn còn quan hệ bừa bãi. Tôi khát khao có được sự gần gũi chia sẻ với một người nào đó, nhưng không thể vượt qua được sự mặc cảm với ý nghĩ mình không xứng đáng có một mối quan hệ thực sự.

Sự trầm cảm cứ lớn dần lên trong tôi, mặc dù bề ngoài tôi vẫn cố gắng tỏ ra lạc quan.

Barbara và con gái Sarah năm 1984

Cuộc sống Hôn nhân và làm mẹ

Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được một công việc tại một căn hộ chung cư ở thị trấn kế bên. Công việc trả lương khá nhưng phải làm những việc rất bẩn, mặt tôi bị mụn nặng và để lại nhiều sẹo trên mặt. Khi nhìn vào gương hàng ngày, nỗi buồn của tôi lại trở nên sâu sắc hơn. Khi có người đưa tôi marijuana (bồ đà, một lại chất kích thích), tôi đã dùng nó. Tôi vẫn còn tiếp tục phóng túng những mối quan hệ không lành mạnh.

Cuối cùng, lưng tôi bị đau và tôi phải nghỉ việc. Cũng khoảng thời gian đó, một người đàn ông tôi gặp trước đây đến thăm và thuyết phục tôi về sống cùng anh ta tại một bang khác. Gia đình anh ấy đồng ý cho tôi ở cùng họ. Chúng tôi đều làm những công việc lao động phổ thông. Cuộc đời tôi liên tiếp chỉ là làm việc, phê thuốc, sex và ngủ. Chứng trầm cảm lại càng tồi tệ hơn theo thời gian, đời tôi như vô nghĩa và mơ hồ. Tôi chịu đựng để tồn tại, vậy thôi.

Cuối cùng thì tôi cũng kết hôn và có thai. Chồng tôi gia nhập không quân và chúng tôi phải di cư tới gần nơi anh ấy làm nhiệm vụ. Tôi tìm thấy được mục đích sống từ con gái, Sarah; tôi sống vì con. Tôi tự hứa với mình và con rằng, sẽ cho con tất cả những điều mình không có khi còn bé: mái ấm, sung sướng và sự yêu thương.

Barbara và con gái Sarah vào giáng sinh năm 1986

Khi con được 2 tuổi tôi trở lại trường học. Tôi làm tốt ở trường nhưng hôn nhân của tôi bắt đầu tan vỡ. Thời gian này chồng tôi càng ngày càng nghiện thuốc nặng, anh thường ra ngoài vào buổi đêm với những người tôi không biết. Tiền không cánh mà bay, chúng tôi cãi nhau thường xuyên, nhiều khi chồng tôi dùng tới vũ lực. Tôi lo sợ cho hạnh phúc của con gái. Cuối cùng chồng tôi bị đuổi khỏi quân đội vì không vượt qua được cuộc kiểm tra chất kích thích. Tôi cũng chuyển ra khỏi nhà không lâu sau đó.

Cuối cùng tôi thuê một căn hộ và quay lại trường học. Tôi cảm thấy một tia hi vọng và mục đích mới; dù tôi vẫn phải đương đầu với sự trầm cảm, dùng cần sa và rượu để xoa dịu nó.

Bệnh tật, trầm cảm và những ý nghĩ tự vẫn

Trong thời gian học ở trường, tôi cũng kiếm một công việc làm thêm nên phải gửi con gái cho hai người trông trẻ hàng ngày. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy lúc nào cũng mệt mỏi. Sau khi bị một vết cháy nắng nhỏ trên ngực, nó lan ra thành một dạng phát ban không thể chữa lành, tôi đi khám bác sĩ gia đình được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ.

Cuối cùng tôi cũng hoàn thành việc học ở trường và có bằng tốt nghiệp. Tôi xin được việc làm ngay sau đó. Tuy nhiên sau 6 tháng làm việc, sức khỏe của tôi giảm sút nghiêm trọng, luôn mệt mỏi và đau đớn. Tôi thậm chí còn nộp đơn nhận trợ cấp xã hội, bệnh trầm cảm có xu hướng nặng hơn.

Bạn trai tôi lúc đó đã hỏi cưới tôi, và tôi đã đồng ý. Anh đã chứng minh cho tôi thấy tình yêu của anh dành cho tôi và con gái trong những thời khắc khó khăn nhất.

Để giải thoát khỏi chứng trầm cảm, tôi đi gặp bác sĩ tâm lý và bắt đầu tham gia một vài lớp học viết. Khi tinh thần tôi có được một chút cải thiện, thì chân tôi lại bắt đầu đau. Bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán tôi bị viêm khớp dạng thấp.

6 năm tiếp theo tôi lại chìm trong nỗi sợ hãi, giận giữ và thường xuyên buồn bã. Tôi nghĩ về việc kết liễu đời mình nhiều hơn mỗi khi cơn đau trở nên không thể chịu đựng nổi.

Nhưng rồi gia đình và con gái là cái neo níu kéo để tôi không làm điều gì xấu. Hơn thế, tôi cũng bắt đầu đọc các sách tâm linh, tìm kiếm sự bình yên từ nội tâm, mặc cho tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu đi.

Barbara những năm cuối thập niên 90

Bước ngoặt cuộc đời

Vào cuối những năm 90, tôi bắt đầu có những triệu chứng của việc suy vỡ tĩnh mạch, biểu hiện sớm của chứng nghẽn mạch – theo đó là những cơn đau đột ngột tại vùng ngực, bụng dưới và đầu. Tôi thường cảm thấy khó thở. Bác sĩ cuối cùng chẩn đoán tôi bị viêm mạch và bệnh này còn nguy hiểm hơn cả lupus ban đỏ hay viêm khớp dạng thấp. Tôi dần có suy nghĩ rằng mình sẽ chết sớm thôi.

Tôi khi ấy đột nhiên có những giấc mơ kỳ lạ về người Trung Quốc và các ký tự Trung Quốc. Tôi thường tỉnh dậy với suy nghĩ rằng mình nên vẽ ba chữ cái mà tôi nhìn thấy trong mơ, nhưng khi mở mắt ra, tôi lại không thể nhìn rõ chúng nữa.

Ngày 6/2/2000, tôi tìm thấy một cuốn sách nhỏ tại thư viện địa phương có ba ký tự chữ Trung Quốc ở bìa và tôi biết ngay rằng tôi cần phải nhìn kĩ nó. Cuốn sách không có nhiều thông tin nhưng lại có địa chỉ liên lạc; tôi hồi hộp gọi điện. Người nhấc máy mời tôi tới một nhóm học tại thư viện địa phương, nơi tôi có thể tìm hiểu thêm và môn học có tên gọi Pháp Luân Đại Pháp – môn tu luyện thiền định cổ xưa của Trung Quốc. Tôi đã đến, và từ thời khắc đó, cuộc đời tôi đã bước sang trang mới.

Ngay khi đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp luân đại Pháp, mọi điều vướng mắc trong tôi đều được lý giải. Đám sương mù bao phủ bấy lâu trong tâm trí tôi bỗng chợt tan biến, trái tim tôi ngập tràn xúc cảm bình yên.

Tôi được biết rằng môn học bao gồm 5 bài công pháp đơn giản giúp tịnh hoá và làm thân thể khỏe mạnh. Tôi bắt đầu tập vào mỗi buổi sáng cùng một nhóm nhỏ. Tôi cũng háo hức đọc các kinh văn khác của Pháp luân Đại Pháp trong khi tìm hiểu về môn học. Chỉ trong quãng thời gian 3 tuần ngắn ngủi mà tôi đã cảm nhận được sự khác biệt. Một ngày đột nhiên tôi thấy rất tuyệt vời – không chỉ là tốt hơn hay tốt – mà là tuyệt vời! Tôi tràn đầy năng lượng, cơ thể tôi nhẹ nhàng và thoải mái, tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Tôi cảm thấy tốt hơn bao giờ hết, hơn nhiều so với 10 năm trước đây khi tôi bắt đầu mắc căn bệnh đầu tiên.

Tôi ngừng hút thuốc và cần sa, bỏ cả caffeine và rượu, quẳng đi tất các loại thuốc bệnh. Sau đó tôi gọi tới sở An sinh Xã hội để báo với họ rằng tôi không cần nhận tiền trợ cấp nữa.

Ảnh chụp gần đây của Barbara

Sự hồi phục kì diệu: Tìm kiếm sự bình yên nơi tâm hồn và mục đích sống

Chồng tôi lo lắng liệu có phải bệnh lupus ban đỏ đã di căn tới não không, và sở An sinh xã hội khăng khăng rằng tôi cần đi gặp các bác sĩ tâm thần và bác sĩ chuyên khoa của họ để kiểm tra. Mọi chuyện đều đã diễn ra tốt đẹp. Bệnh viêm khớp dạng thấp, nội tạng và hệ tuần hoàn máu đều hoàn toàn bình thường trong vòng 6 tháng tập luyện bộ môn tuyệt vời này.

Tôi thực sự biết ơn rằng mình đã được ban cho một cuộc đời mới, một cơ hội sống thứ hai. Mười năm chịu đựng đau đớn khôn nguôi, giờ tôi đã thực sự khỏe mạnh. Sự nhẹ nhõm và niềm vui này thật không lời nào tả xiết.

Điều tuyệt vời nhất không chỉ là tôi đã có đủ sức khỏe thể chất để tìm được việc làm, hay đã có thể ngủ ngon trở lại, hay đã có thể làm được những việc đơn giản như đứng xếp hàng tại hàng tạp hoá mà không bị đau khớp; mà là niềm vui bất tận không thể diễn tả thành lời mà tôi cảm nhận từ sâu trong tâm. Gánh nặng ủy khuất của một thời thơ ấu bị ngược đãi bỗng không cánh mà bay. Tôi hoàn toàn không còn oán hận mẹ, điều mà tôi nghĩ cả đời này, mình sẽ không bao giờ làm được.

Tôi bắt đầu ứng xử với mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống theo một cách hoàn toàn mới. Tôi giữ được tâm thái bình hòa không ngờ ngay cả trong những hoàn cảnh mà trước đây nếu điều đó xảy ra tôi sẽ vô cùng nôn nóng. Tôi nhận thấy sức mạnh từ nội tâm cùng với một cảm giác an nhiên tự tại lớn lên từng ngày trong tôi. Tâm tĩnh lặng là trạng thái không còn mơ hồ với tôi.

Dần dần, tôi đã lý giải vì sao tôi gặp phải nhiều khổ nạn trong cuộc đời, tôi cần làm gì để chuyển hóa những khổ nạn ấy. Mẹ tôi là một trong những người đầu tiên tôi chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp, cũng là người đầu tiên tôi trao bản copy của cuốn sách Pháp luân Công. Tôi đã có thể dễ dàng tha thứ cho mẹ tôi, cho những điều tồi tệ bà đã làm với tôi – và những người khác – và mặc dù chứng nghiện thuốc, căn bệnh tâm thần đã làm chúng tôi từng không thể nào yêu thương bà, tôi cũng không còn giữ những quan niệm đó với bà.

Suốt 18 năm qua, tôi đã phải ứng phó với biết bao loại người với các dạng tình huống. Đường đời của tôi sau khi đắc Pháp cũng có những thăng trầm, nhưng với một lòng quyết tâm tu luyện, tôi không còn bị những vấn đề ngoài tầm kiểm soát gây áp lực và tạo thành gánh nặng cho mình nữa.

Tôi cũng không bao giờ bị rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng, hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tôi có thể xử lý mọi việc một cách hiệu quả – kể cả những tình huống chắc chắn sẽ gây khó khăn trong quá khứ. Tôi biết được mình đến đây để làm gì, cũng như cảm thấy một sự tự tin chưa từng có trong đời, và khái niệm tự tử không còn nằm trong từ điển của tôi.

Hiện nay, ở tuổi 55, một trong những bài học lớn tôi nhận được từ Pháp Luân Đại Pháp và từ quá trình đề cao bản thân, là: trong cuộc đời này, một điều duy nhất mà ta có quyền kiểm soát, chính là bản thân mình. Sự thật giản đơn đến vậy mà phải đi hết hơn nửa cuộc đời tôi mới được nhận ra, để rồi kịp tận hưởng cảm giác bình yên chưa từng nghĩ là có thật.

Ghi chú của Ban biên tập: Pháp Luân Đại Pháp (hay còn được gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện thiền định cổ xưa của Phật gia lấy việc đồng hóa với đặc tính căn bản của vũ trụ Chân – Thiện – Nhẫn làm cơ sở giúp người tu luyện cải thiện sức khỏe, đề cao đạo đức và tăng trưởng trí huệ.

Cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, video các bài giảng Pháp Luân Đại Pháp và các thông tin về môn tu luyện này qua 41 ngôn ngữ được tải xuống hoàn toàn miễn phí tại trang web: www.phapluan.org.

Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo NTD Ấn Độ 

An Nhiên 

Exit mobile version