Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ Trang Tử: Gặp việc cần lượng sức mà làm

Trí Tuệ Trang Tử: Gặp sự việc cần lượng sức mà làm

Con người không thể soi bóng mình ở trên mặt nước đang không ngừng chảy xiết, chỉ có thể soi bóng mình trên mặt nước tĩnh lặng bất động. Chỉ có sự tĩnh tại của bản thân mới có thể lưu giữ được sự tĩnh tại của mọi người.

Cũng như vậy, sinh tồn ở trên mặt đất, chỉ có tùng bách vô luận mùa đông hay mùa hạ đều có thể bảo đảm được bản sắc xanh thắm lâu dài mãi mãi mà không khô kiệt; Cũng như vậy, sinh tồn ở trong thiên hạ, bởi vì vua Thuấn đã đoan chính được phẩm đức của bản thân, nên mới có thể đoan chính được phẩm đức của mọi người.

Cá ở dưới nước tất sống, con người ở dưới nước tất chết. Trong sự chung sống của mọi người có những điểm khác nhau, sự tốt xấu của họ cũng sẽ không giống nhau. Cho nên các thánh nhân đời xưa chưa bao giờ đòi hỏi sự thống nhất của tài năng, không tìm kiếm sự giống hệt như nhau của sự vật, danh phù hợp với thực, thiết chế của biện pháp không đi ngược lại với bản tính của sự vật thì được gọi là trật tự rõ ràng, hẳn phúc đức sẽ được bảo đảm vĩnh cửu.

Chung sống lâu dài với người hiền tài thì sẽ không thể mãi sai lầm. Ta trong sáng như mặt trăng, rực rỡ mặt trời, ta sẽ tồn tại lâu dài cùng với trời đất. Theo ta mà đến, ta không có phản ứng gì; Chống ta mà đi, ta cũng không có phản ứng gì.

Không quên mất sự sản sinh của muôn loài, cũng không đòi hỏi sự quy tụ của chúng; gặp sự việc gì cũng vui vẻ tiếp nhận, quên hết sinh tử, tự nhiên đến đây và coi cái chết là sự trở về tự nhiên. Điều này được gọi là không dùng tâm trí để làm tổn hại đạo, không dựa vào sức mạnh của con người để thay đổi tự nhiên.

Nếu chúng ta quan sát lũ thỏ trong rừng và chồn hôi sẽ thấy chúng cứ khom thân hình thấp xuống, bò ở chỗ tối, chờ đợi những động vật nhỏ qua lại, như vậy sẽ an toàn; Nhưng chúng lại nhảy nhót ở khắp bốn phương, không kiêng kỵ chỗ cao và chỗ thấp, kết quả là bị sa vào bẫy sập lưới vây của người đi săn.

Con bọ ngựa thì sao? Nó dùng sức nâng cao đôi cánh tay ngăn cản chiếc xe đang đi. Không biết rằng sức lực của mình không đủ, lại cứ cho rằng mình rất ghê gớm. Vậy nên, phải biết lượng sức mình, hãy cẩn thận, luôn luôn khoe khoang sức mạnh của  mình mà ngông cuồng làm những việc sức không thể làm nổi, đó là nguy hiểm!

Thứ dài không coi là thừa, thứ ngắn cũng không coi là thiếu. Chân loài vịt trời tuy rất ngắn, nếu nối thêm cho nó một đoạn, nó liền sẽ bị đau buồn; Chân loài chim hạc tuy rất dài, nếu cắt đứt của nó đi một đoạn, nó bèn sẽ bi ai.

Cho nên, vốn dĩ những thứ dài thì không nên cắt ngắn, vốn dĩ những thứ ngắn cũng không được khiến nó dài thêm. Theo cái tự nhiên của nó, thuận theo cái cố nhiên của nó, không được tùy tiện làm bừa, mới có thể không mất đi cái “tình của tính mạng”, mới là “chí chính”, tức là đạo đức thuần chính nhất.

Nhà văn Dương Thu Ái biên dịch

Đôi lời về tác giả: Nhà văn Dương Thu Ái, tên thật là Dương Văn Thụ, sinh năm 1936 tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Năm 2012, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập các Kỷ lục: Nhà văn – dịch giả dịch sách tiếng Trung được xuất bản nhiều nhất; Người sưu tầm và sáng tác các bài châm răn mình, răn đời nhiều nhất; Nhà văn dịch sách bằng bút nhặt nhiều nhất; Nhà văn – dịch giả dịch sách tiếng Trung được xuất bản nhiều nhất trong vòng 1 năm. Năm 2017, ông được Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới vinh danh và trao tặng Đĩa vàng ở Nội dung kỷ lục có giá trị về đạo đức và nhân văn – Người sưu tầm và sáng tác các bài châm răn mình, răn đời nhiều nhất mang giá trị sưu tầm tư liệu và cống hiến các giá trị nội dung cho xã hội.

Exit mobile version