Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ nhân sinh người xưa: Tĩnh tâm và sợ Trời

Con người sống ở thế gian, không thể muốn gì làm nấy, nên tuân theo “đạo lý” của Trời đất, người không phóng túng dục vọng của bản thân, thuận theo Thiên lý thì nội tâm nhất định yên ổn vui vẻ.

Trong sách “Thân ngâm ngữ” của Lã Khôn – nhà tư tưởng triều Minh có ghi chép lại những tâm đắc trong cuộc đời của ông, có thể có chút gợi mở cho con người hôm nay.

Con người nên tuân theo “đạo lý” của Trời đất

Lã Khôn cho rằng mỗi cá nhân nên “bảo trì một trái tim tự lực tự cường, thông qua thời gian, yêu cầu nó đến mức mãi mãi thuần nhất không thay đổi, quên cả sống chết”, đây mới là phong cách tiết tháo của người quân tử. Con người sống ở thế gian, không thể muốn gì làm nấy, nên tuân theo “đạo lý” của Trời đất, người không phóng túng dục vọng của bản thân, thuận theo Thiên lý thì nội tâm nhất định yên ổn vui vẻ.

Ảnh: picssr.com

“Con người sống giữa Trời đất, mỗi ngày đều đang suy nghĩ, vậy phải có đạo lý suy nghĩ. Mỗi ngày đều đang nói, vậy thì phải có đạo lý nói. Mỗi ngày đều cần giao tiếp với người, vậy phải có đạo lý giao tiếp với người. Mỗi ngày đều xử lý sự vật, vậy phải có đạo lý của xử lý sự vật. Đến nỗi oán nộ hoan ca, bi thương cảm thán, bệnh tật nguy vong; mỗi cái đều có đạo lý của riêng nó”.

“Những điều nhỏ nhặt còn yêu cầu tuân theo những quy luật khách quan, huống chi là vạn vật trong tự nhiên Trời đất? Cho nên từ lúc nhỏ đến lúc mất đi, từ đầu đến cuối bảo trì một ý chí tự lực tự cường, bất kể ngày hay đêm, khiến bản thân đạt đến cảnh giới thuần túy chí thiện quên mình, quên sống chết. Đây chính là con đường con người phản bổn quy chân, đây chính là nguyên tắc làm người đội trời đạp đất”.

“Nếu không như vậy, phóng đãng tùy ý, mỗi người đều muốn thực hiện dục vọng của bản thân, đây là bản năng của động vật. Là người nếu cũng như thế, thì không gọi là anh linh của vạn vật. Có người hỏi: “Có những điểm quan trọng nào không?”. Tôi đáp: “Có, điểm quan trọng đó chỉ ở cái tâm, chính là phải tu tâm dưỡng tính”. “Tâm do đâu mà tồn tại? Và làm thế nào tu thân dưỡng tính?”. Tôi trả lời: “Chỉ ở tĩnh tại, nếu đạt trình độ tĩnh tại vui vẻ, hết thảy đều hợp với đạo lý, mọi việc đều không có sai lầm”.

Tâm bình khí hoà là một loại năng lực

Theo quan điểm của Lã Khôn, “tâm bình khí hoà, bốn chữ đó nếu không tu dưỡng thì không thể làm”. Người có thể khống chế cái “tính tình nóng nảy” của bản thân, áp chế được dục vọng, tạp niệm của mình, rất nhiều việc đều có thể làm tốt. Mang cái tâm nóng nảy ủ rũ thì chỉ có thể sống một cuộc đời mê lạc mà thôi.

“Tâm bình khí hoà, bốn chữ này nếu không có hàm dưỡng thì làm không được, bản lĩnh chỉ là ở chỗ có thể hay không thể ổn định cái tính tình nóng nảy. Có thể làm ổn định tính tình nóng nảy thì tất cả mọi thứ đều sẽ suy nghĩ thấu đáo, tất cả sự tình đều theo lý mà vận hành. Thủy khắc hỏa, tâm có thể yên tĩnh thì như mặt nước phẳng lặng, xao động thì như như ngọn lửa bập bùng, cho nên bệnh nhân hễ phát hỏa thì bốc đồng bất an, đợi sau khi họ bình tĩnh, một chút cũng không nhớ những gì đã phát sinh trước đó. Người thức tỉnh yên định, đặc tính trong sáng của nước đã được đánh thức, tính tình nóng nảy đã tiêu mất rồi.

Con người không có hỏa tính (tính chất của lửa) thì không có cách nào sinh tồn nhưng hỏa tính cũng có thể mang đến tử vong cho người; làm việc mà không có hỏa tính thì không thể thành công, nhưng hỏa tính cũng có thể làm sự việc thất bại. Chỉ có người quân tử giỏi xử lý tính tình nóng nảy trong tâm, cho nên thân tâm mới an ổn, đức cũng tăng thêm”.  

Ảnh: pixabay.com

“Một khi ngữ khí mềm mỏng, tâm thái bình hoà phát ra, như thấy gió xuân phớt qua ngọn liễu mềm, như mưa phùn thấm ướt mạ non, khiến con người thoải mái thản nhiên biết bao nhiêu, cảm động biết bao nhiêu! Mà gió mạnh sấm rền, mưa xối sương lạnh tạo nên tổn hại rất nhiều”.

“Nếu khiến dục vọng, tạp niệm của bản thân trầm tĩnh xuống, thì có đạo lý nào không thể đạt được đây? Nếu khiến chí hướng của bản thân phấn chấn vươn lên, thì có việc gì không thể làm được đây? Học giả bây giờ, ôm giữ một cái tâm nóng nảy để quan sát sự việc, một tâm thái tiêu trầm ủ rũ đối diện với sự tình, vậy chỉ có thể sống một đời trong mê lạc mà thôi”.

Người quân tử không sợ người mà sợ Thiên lý

Lã Khôn cho rằng: “Quân tử sợ Trời không sợ người, sợ lời dạy không sợ hình phạt, sợ bất nghĩa không sợ bất lợi, sợ sinh mệnh sống vô ích chứ không sợ xả bỏ sinh mệnh”. Lại nói thêm: “Vi phạm pháp luật, có thể trốn thoát; vi phạm đạo lý, không chốn dung thân. Khi một mình với lòng thì không bỏ qua, không tha thứ cho mình được. Do đó quân tử sợ đạo lý còn hơn sợ pháp luật”.

“Quân tử sợ xúc phạm Thượng Thiên, mà không sợ xúc phạm người; sợ nguyên tắc danh dự của bản thân bị tổn thất, chứ không sợ hình phạt; sợ trở thành người bất nghĩa, chứ không sợ lợi ích của bản thân bị tổn thất; sợ sống không có mục tiêu chứ không sợ vì đạo nghĩa mà xả thân”.

“Vi phạm pháp luật, có thể trốn thoát; vi phạm Thiên lý, không chỗ an thân; chỉ là nội tâm của mình không thể buông tha mình, cho nên so với vi phạm pháp luật thì người quân tử còn sợ vi phạm Thiên lý hơn”.

Ảnh: sciomorphogenesis.mindfully.be

“Đại trượng phu không sợ người, chỉ sợ làm trái đạo lý; không cậy vào người khác, chỉ dựa vào đạo lý”.

***

Lã Khôn là quan triều Minh, làm đến chức Hình bộ Thị lang, là một nhà tư tưởng; hiệu Bão Độc cư sỹ, Tâm Ngô, Tân Ngô; là người huyện Ninh Lăng tỉnh Hà Nam. “Thân ngâm ngữ” là bút ký ghi lại những điều tâm đắc của ông trong 30 năm, nội dung có “Tồn tâm”, “Đàm đạo”, “Vấn học”, “Tu thân”, “Luân lý”… đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và phát hành trên thế giới.

Theo soundofhope.org
Tác giả: Dũng Thư

Biên dịch: Mạn Vũ

Exit mobile version