Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ người xưa: Tâm đố kỵ hại mình hại người, lòng quảng đại mới tích phúc báo

Làm người thì không nên đố kỵ, vì đố kỵ sẽ mang đến rất nhiều hậu quả, không chỉ hại người mà còn hại chính mình.

Trong cuộc sống có những người thường hay ghen ghét, đố kỵ với người khác. Thấy ai đó đạt được thành quả thì họ bất mãn, giống như bản thân vừa mất đi một thứ gì đó. Thấy ai đó mất mát thì họ lại hả hê vui mừng, như thể bản thân vừa trúng số. Trên thực tế, con người không nên có tính đố kỵ, vì đố kỵ sẽ mang đến rất nhiều hậu quả, không chỉ hại người mà còn hại chính mình.

Người xưa dạy: “Gặp người đắc ý như mình đắc ý, gặp người mất mát như mình mất mát, có lòng tốt Trời cao sẽ ban phước lành”. Nếu nhìn thấy người khác đạt được những điều tốt đẹp thì bản thân nên vui mừng cho họ, nhìn thấy người khác gặp phải những điều không may mắn thì bản thân cũng nên buồn thương cho họ. Người có tấm lòng quảng đại như vậy nhất định sẽ được ban phước lành.

Trong cuốn Đình Huấn Cách Ngôn, Hoàng đế Khang Hy viết: “Người phàm sống trên đời, không nên giữ sự ghen ghét đố kỵ trong tim. Nhìn thấy người khác đắc ý, bản thân cũng nên vui vẻ, hoan hỉ theo. Nhìn thấy người khác mất mát, bản thân cũng như bị mất mát”.

Cổ nhân luôn căn dặn cháu con rằng làm người thì cần có tấm lòng quảng đại: Khi nhìn thấy người khác vui mừng thì cũng nên vui mừng cùng họ, khi nhìn thấy người khác đau buồn hoặc thất vọng thì nên dành cho họ sự cảm thông và động viên an ủi, như thế mới mang lại những lợi ích lớn cho cuộc đời.

Mỗi người đều có ưu điểm riêng và những điểm khác biệt với người khác. Cổ nhân nói: Trong sinh mệnh có thì cuối cùng tất sẽ có, không có thì cưỡng cầu cũng không được. Nghĩa là trong đời bạn có thứ gì thì chắc chắn sẽ đạt được thứ đó, thứ gì không thuộc về bạn thì cưỡng ép cũng không có được.

Tu thân dưỡng tính, làm việc thiện và tu dưỡng đạo đức tất sẽ gặp được những điều tốt đẹp. Chỉ vì ghen ghét, đố kỵ với người khác mà sinh tâm oán giận, liệu có đáng hay không?

Trong lịch sử có rất nhiều bài học cho thấy: Đố kỵ khiến người ta gặp phải rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thời nhà Đường, Hán vương Lý Nguyên Xương từng làm thống đốc Lương Châu, cậy mình mang thân phận hoàng tử mà nhiều lần ngang nhiên vi phạm luật triều đình.

Sau khi biết được chuyện này, Đường Thái Tông đã nhiều lần viết thư nhắc nhở em trai nhưng Lý Nguyên Xương không hề tiếp thu, ngược lại còn đem lòng căm ghét Đường Thái Tông.

Lý Nguyên Xương biết rằng thái tử Lý Thừa Càn rất ghen ghét và đố kỵ với em trai là Lý Thái, vì thế Lý Nguyên Xương đã hợp tác với Lý Thừa Càn nhằm giết hại Lý Thái, Khi kế hoạch thất bại, cả hai đã âm mưu tạo phản.

Năm Trịnh Quán thứ 17, trước những hành động tạo phản của Lý Nguyên Xương và Lý Thừa Càn, Đường Thái Tông vô cùng tức giận đã hạ lệnh trừng phạt. Sau đó, Lý Nguyên Xương bị buộc phải tự sát tại nhà riêng, còn danh phận thái tử của Lý Thừa Càn cũng bị bãi bỏ.

Đố kỵ không chỉ khiến tâm trí trở nên hạn hẹp mà còn khiến người ta mất đi sự sáng suốt, trở nên mù quáng, không phân biệt được đúng sai, cuối cùng sẽ đẩy chính mình rơi vào vực thẳm.

Ngọc Linh
Theo Hoa Nhân

Exit mobile version