Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ đối nhân xử thế của người xưa nghìn năm lưu giá trị (P.2)

Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo giáo do Hoài Nam Vương Lưu An và nhóm các nhân sỹ cùng biên soạn. Bộ sách còn có tên gọi là Hoài Nam Hồng Liệt, hay Hồng Liệt, nghĩa là “Đạo lý to lớn và sáng tỏ”.

Hoài Nam Tử có nội dung phong phú, sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, triết lý, thiên văn, địa lý, tự nhiên, dưỡng sinh, quân sự… Bộ sách dung nạp tư tưởng Chư Tử đời Tiên Tần, lấy tư tưởng Đạo gia của Lão Trang làm chủ đạo, đồng thời thu nạp quan điểm của Nho gia và Âm Dương gia.

Dưới đây là những câu trích dẫn nổi tiếng, chứa đựng các giá trị tinh hoa trong Hoài Nam Tử:

7. Phúc do kỷ phát, họa do kỷ sinh

Nguyên tác: “福由己發,禍由己生”.

Giải nghĩa: Phúc phát do chính mình, họa sinh ra cũng do chính mình.

Vào thời nhà Đường có một Nho sinh tên là Bùi Độ, từ nhỏ đã sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, Bùi Độ đi trên đường thì gặp một vị thầy tướng số. Vị này nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng, ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết. Thương tình, ông thầy tướng bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu dưỡng, hành thiện tích đức .

Mấy ngày sau, Bùi Độ leo núi Hương Sơn vãn cảnh chùa, bỗng nhặt được một chiếc đai ngọc quý. Ông chờ trên núi cả đêm, hôm sau thấy cô gái hớt hải chạy đến tìm kiếm, bèn trả lại cho cô, nhờ thế mà cứu được tính mệnh của cha cô gái ấy.

Mấy hôm sau ông gặp lại vị thầy tướng số hôm nọ. Vị này trông thấy Bùi Độ có ánh mắt trong sáng, thần thái đã khác hẳn, liền nói sau này Bùi Độ sẽ làm quan đại thần trong triều. Vị thầy tướng số còn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện: “Tấm thân bảy thước chẳng bằng khuôn mặt bảy tấc. Khuôn mặt bảy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc. Cái mũi ba tấc chẳng bằng một cái tâm”.

Quả nhiên, sau này Bùi Độ làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông và Đường Văn Tông, là danh tướng toàn tài, đương thời đã thành danh “Công cao khắp Trung Nguyên, danh nổi ngoài bốn cõi”. Sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lĩnh hơn người.

Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là Đạo Trời không thiên vị bất kỳ ai, không thân cận với ai, thường chỉ giúp đỡ người thiện.

Kinh Dịch cũng viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”, có nghĩa là nhà tích thiện, hành thiện thì có thừa phúc lành, nhà hành ác, bất thiện thì có đầy tai ương. Cho nên người xưa nói, phúc hay họa đều do tự mình tạo thành.

Phúc phát do chính mình, họa sinh ra cũng do chính mình. (Ảnh : xuehua.us)

8. Đa dục khuy nghĩa, đa ưu hại trí

Nguyên tác: “多慾虧義,多憂害智”.

Giải nghĩa: Nhiều ham dục thì hao tổn nghĩa, ít nhân nghĩa, lo lắng nhiều thì tổn hại đến trí tuệ.

Trụ Vương có sức mạnh địch vạn người, giết gấu đánh hổ, hùng tài cái thế, vốn có thể là một minh quân, vì sao lại trở nên hung tàn, độc ác tuyệt đỉnh cổ kim?

Ấy là vì Trụ Vương phóng túng ma tính, buông thả sắc dục, phỉ báng Thần linh. Ông ta đặt hình phạt nướng chết để chặn lời can gián, giết vợ giết con, diệt nhân luân tông miếu, đặt các bồn bò cạp ăn thịt người trong cung, giết chư hầu, thất tín thiên hạ. Ông ta còn dựng các kho lẫm vơ vét của cải thiên hạ, ức hiếp vợ kẻ bề tôi, không mảy may liêm sỉ; tàn sát bạo ngược sinh mệnh để mua vui, mổ thai phụ moi thai, cắt thận các đồng nam nấu canh ăn, tuyệt diệt dòng dõi của muôn họ.

Quân vương hưởng cực đỉnh phú quý chốn nhân gian không phải để mê đắm trong dục vọng. Họ cần phải giữ đức bậc quân vương, thực hiện luân thường, bảo vệ sinh mệnh bá tính, tránh xa sắc dục, đón nhận lời trung, biết liêm sỉ, tiết dụng của cải, kính Trời yêu dân, thuận theo Thiên ý.

Trụ Vương vốn xuất phát từ người tài năng, trí tuệ và sức mạnh phi thường, nhưng nhiều ham dục đã làm tổn hại đạo nghĩa, mất dần nhân nghĩa, thành kẻ vô đức bất nhân bất nghĩa, cho nên dẫn đến nước mất nhà tan, đốt xác diệt thân chốn đài hoang.

9. Bách xuyên dị nguyên, nhi giai quy ư hải

Nguyên tác: “百川異源,而皆歸於海”.

Giải nghĩa: Trăm con sông khởi nguồn khắp mọi nơi khác nhau nhưng đều giống nhau là quy tụ về biển.

Cũng như người có đạo đức cao thượng thì mọi người đều quy về thuận theo.

Trăm con sông khởi nguồn khắp mọi nơi khác nhau nhưng đều giống nhau là quy tụ về biển. (Ảnh: conservationtraining.org)

Thời Tây Chu, quốc quân hai nước Ngu và Nhuế nổ ra tranh chấp vì địa giới ruộng đất, thế là họ cùng đến gặp Chu Văn Vương để Văn Vương phán xử. Quốc quân hai nước đến nước Chu, trông thấy “vào nước Chu, người cày nhường bờ, người đi nhường đường”; “vào thành ấp, nam nữ đi đường riêng, người già không phải tay xách nách mang”; “vào đến triều đình, sĩ nhường đại phu, đại phu nhường khanh”. Tất cả mọi người từ quan lại đến thường dân đều hành xử phong thái chính nhân quân tử.

Quốc quân hai nước nhìn nhau, trong lòng lấy làm hổ thẹn lắm, nói với nhau rằng: “Kẻ tiểu nhân như chúng ta, làm sao có mặt mũi nào mà bước vào nhà của người quân tử, mặt mũi nào nhờ bậc quân tử phân xử đây?”

Hai quốc quân còn chưa gặp Chu Văn Vương đã chủ động nhường đất tranh chấp cho người kia, kết quả không ai chịu nhận, mảnh đất đó cuối cùng để không. Người đời sau gọi mảnh đất đó là “nhàn điền” (ruộng để không) hoặc “nhàn nguyên” (cánh đồng để không). Chư hầu các nước lân cận nghe được chuyện này, đều coi Văn Vương là mẫu mực, tấp nập đến quy thuận.

10. Từ phụ chi ái tử, phi vị báo dã

Nguyên tác: “慈父之愛子,非爲報也”.

Giải nghĩa: Người cha nhân từ nuôi dưỡng dạy bảo con không phải vì để sau này được báo đáp.

Người xưa nói: “Phụ tử tình thâm”, tình phụ tử sâu như biển, nặng như núi, nhưng thanh khiết, thanh đạm như nước. Người cha không thể hiện tình cảm đằm thắm, lo lắng, chăm sóc con như người mẹ, mà chú trọng bồi dưỡng chí hướng cao xa, nhân cách cao thượng cho con. Quan trọng nhất là vạch ra con đường nhân sinh chân chính để người con tự khám phá, tự bước đi, tạo ra con đường riêng của mình.

Người cha nhân từ nuôi dưỡng dạy bảo con không phải vì để sau này được báo đáp. (Ảnh theo news.vnay.com )

Sau khi từ quan, Khổng Tử mở lớp dạy học, truyền bá tư tưởng Nho gia Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, khôi phục lại nền đạo đức, lễ nhạc thời Chu Công, Văn Vương. Học trò khắp các nước tìm đến Ngài bái sư, có 3000 học trò. Bá Ngư, con trai của Ngài cũng là một trong số 3000 học trò đó. Câu chuyện Ngài dạy con được ghi lại trong Luận Ngữ như sau:

Trần Cang hỏi Bá Ngư rằng: “Anh có nghe được thầy dạy điều gì khác không?”

Bá Ngư trả lời: “Chưa. Có lần thầy đứng một mình, tôi rảo bước qua sân.  Thầy hỏi: ‘Học Kinh Thi chưa?’. Tôi đáp: ‘Chưa ạ’. Thầy nói: ‘Không học Kinh Thi, thì lấy gì để nói năng’. Tôi lui ra và từ đó bắt đầu chăm chỉ học Kinh Thi.

Một hôm khác, thầy lại đứng một mình, tôi rảo bước qua sân. Thầy hỏi: ‘Đã học Lễ chưa?’  Tôi đáp: ‘Chưa ạ’. Thầy nói: ‘Không học Lễ, lấy gì mà lập thân?’ Tôi lui ra và từ đó bắt đầu chăm chỉ học Lễ. Tôi chỉ nghe được hai lần đó như thế thôi”.

Trần Cang lui ra, vui mừng nói: “Tôi hỏi một mà đắc được 3 điều: biết được Kinh Thi có tác dụng như thế nào, biết được Kinh Lễ có tác dụng như thế nào, lại biết người quân tử giữ khoảng cách với con, coi như học trò bình thường khác”.

Khổng Tử dạy học trò rằng: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn” (Dịch nghĩa: Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn – tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch…)

(Còn tiếp)

Nam Phương

Xem thêm:

Exit mobile version