Đại Kỷ Nguyên

Trí huệ người xưa: Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy

Một người nếu muốn được niềm vui, thì phải có trí huệ sống cho những phút giây hiện tại. Quá trình tìm kiếm niềm vui, cũng chính là quá trình không ngừng buông bỏ bản thân mình…

Vương Dương Minh một đời trắc trở chông gai, từng bị hoàng đế phạt bốn mươi trượng ngay giữa triều đình, sau đó lại bị tống giam vào ngục, đày đến Long Trường, công cao bị đố kỵ, lại bị vu oan là mưu phản, có thể nói đã chịu đủ mọi đày đọa của vận mệnh. Nếu là một người thường, hẳn từ sớm đã sầu muộn đến chết, nhưng ông vẫn luôn duy trì thái độ lạc quan mà lặng nhìn cuộc sống.

Khi còn ở Long Trường, những tùy tùng đi theo ông đều lần lượt mắc bệnh rồi qua đời, chỉ còn lại mình ông là vẫn an toàn vô sự. Vương Dương Minh nói: “Đến Long Trường hai năm, cũng bị chướng khí xâm hại, nhưng tôi vẫn bình an vô sự. Đây là bởi bản thân tôi trước sau luôn duy trì tâm thái tích cực, thái độ lạc quan, không có bi thương đau khổ, thiểu não u sầu như những người khác”.

Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng, tâm trạng tích cực sẽ giúp thân thể duy trì sự khỏe mạnh. Người luôn vui vẻ, cơ thể sẽ tiết ra một loại hoóc-môn làm thăng hoa trạng thái của thân thể. Người luôn uất ức sầu não, thì tình trạng sức khỏe sẽ càng ngày càng sa sút.

Thời còn ở Cán Châu, Trần Cửu Xuyên lâm bệnh nặng. Vương Dương Minh nói với Trần Cửu Xuyên rằng: “Chuyện đổ bệnh này, ông có thể dùng tâm thái đúng đắn mà đối diện hay chăng?”.

Trần Cửu Xuyên trả lời: “Bản lĩnh về phương diện này, thật sự thấy rất khó”.

Vương Dương Minh nói: “Thường xuyên bảo trì được tâm thái vui vẻ, chính là một cảnh giới tu dưỡng vậy”.

Trong nhìn nhận của Vương Dương Minh, bảo trì vui vẻ không phải là khả năng bẩm sinh, mà chính là một loại năng lực.

Năng lực ấy phải thông qua trí huệ và tu dưỡng mới có thể đạt đến được. Vương Dương Minh đã thông qua trí huệ của bản thân, trong nghịch cảnh mà bảo trì tâm thái vui vẻ, ở nơi rừng thiêng nước độc đã sống sót, hơn nữa còn tu thân nghiên cứu học tập. Cuối cùng đạo đức sự nghiệp đều thăng tiến, ở Long Trường ông đã ngộ Đạo, truyền dạy tư tưởng học vấn của mình.

Tuy một đời trắc trở chông gai, nhưng vẫn lạc quan yêu đời, đó là liều thuốc chữa bách bệnh tự ở mỗi người. (Ảnh: Read01.com)

1. Sống ở hiện tại mới có thể vui vẻ

Vương Dương Minh từng nói: “Với những chuyện đã qua đi và những sự tình còn chưa xảy đến, nghĩ về chúng nào có chỗ hay gì? Nghĩ ngợi lung tung như vậy, chỉ có thể mất đi bản tâm trong sáng của mình”.

Một người nếu muốn được niềm vui, thì phải có trí huệ sống cho những giây phút hiện tại.

Trước đây, có người thỉnh giáo thiền sư Mã Tổ rằng thế nào là tu hành, thiền sư Mã Tổ đáp: “Những lúc bụng đói, ăn cơm thì cứ một lòng ăn cơm. Những lúc buồn ngủ, ngủ thì cứ một lòng mà ngủ thôi”.

Người này lấy làm kỳ lạ, hỏi: “Những người khác đều làm như vậy cả, lẽ nào họ lại không dụng công giống như ngài hay sao?”.

Mã Tổ trả lời rằng: “Không phải vậy, những lúc họ ăn cơm thì nghĩ đến ngủ, những lúc ngủ lại nghĩ đến ăn cơm. Còn tôi, ăn cơm thì chỉ lo ăn cơm, ngủ thì chỉ lo ngủ, vậy nên không giống nhau”.

Nói một cách đơn giản, chính là sống ở thời khắc hiện tại, chú tâm vào chuyện trước mắt, đừng nghĩ ngợi lung tung.

Người chuyên tâm với hiện tại, không so sánh thiệt hơn với quá khứ, cũng không lo lắng về những chuyện chưa phát sinh trong tương lai, tâm của họ tĩnh lặng mà rõ ràng, vậy nên họ lúc nào cũng vui vẻ an hoà.

Các nhà tâm lý học chứng minh, nếu một người có thể chuyên tâm vào một việc nào đó, thân tâm sẽ ở trong trạng thái vô cùng bình thản, dễ dàng mang đến một loại cảm giác thư thái yên bình.

Trong thời đại ngày nay, con người không còn thấy thoả mãn là bởi họ đã không còn chú tâm vào một sự việc nào đó. Một người nếu mỗi ngày đều bị vô số tín tức cám dỗ, lại có nhiều loại hình thức giải trí khác nhau, rất có khả năng sự tập trung của họ đã bị phân tán.

Bởi vậy, chúng ta cần phải cố gắng thoát khỏi cảm giác thất hồn lạc phách này, trong công tác và cuộc sống bảo trì một loại năng lực nắm chắc hiện tại, chuyên tâm với giờ phút trước mắt. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể có được niềm vui xuất phát từ nội tâm.

Sống đời biết đủ mới có niềm vui cho mình. (Ảnh: Thanmayman)

2. Phá trừ chấp ngã mới có thể có được niềm vui

Khoảng thời gian Vương Dương Minh còn ở Long Trường, ông đã từng đóng một cỗ quan tài bằng đá. Nguyên nhân là trong quá trình ngộ Đạo, ông trước sau vẫn không thể buông bỏ tự ngã, buông bỏ sinh tử. Ông phát đại nguyện rằng, nếu bản thân xem ta như đã chết, thế thì còn có gì đáng để ta phải sợ nữa đây?

Ông ở trong quan tài đá tĩnh tọa tu thân, dốc lòng ngộ Đạo, cuối cùng đã liễu ngộ được đạo lý “căn nguyên của sự vật”.

Chướng ngại lớn nhất của đời người là chính mình, nếu không thể phá trừ được chấp ngã, người đó sẽ rất khó có được niềm vui thật sự.

Sở dĩ chúng ta cảm thấy đau khổ, là bởi chúng ta coi mình đang thất bại. Mà điều gọi là thất bại này, chính là sự tình không như ta mong đợi. Sự việc đó đến phút cuối cùng không đúng với kết quả như ta dự đoán, vậy nên chúng ta sẽ thấy đau khổ giày vò.

Bởi vậy, quá trình tìm kiếm niềm vui, cũng chính là quá trình không ngừng buông bỏ tự ngã.

Trong bài “Tiền Xích Bích phú” của Tô Thức có câu rằng: “Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo Hoá mà cũng là cái vui chung của bác với tôi”.

Đứng trước những biến cố to lớn, nỗi buồn khó giải trong sinh mệnh, Tô Thức đã chọn cách quên đi tự ngã, trở về với tự nhiên, dùng sinh mệnh hữu hạn của bản thân mà hòa mình cùng thiên nhiên, lấy đó đổi lấy sự thoải mái và niềm vui trong sinh mệnh.

Vậy nên, niềm vui thật sự là quên đi tự ngã, là một loại cảnh giới hòa cùng một thể với vạn vật, thân tâm không bị câu thúc trói buộc, thật là tự do tự tại vậy.

Buông bỏ tự ngã, bớt ưu lo quên cái tự ngã bản thân, rộng lượng trong nội tâm. (Ảnh: Ydvn.net)

3. Bớt một chút ham muốn mới có được niềm vui thật sự

Vương Dương Minh từng nói: “Đời tôi cố gắng, chỉ cầu ngày một giảm đi chứ không cầu cạnh ngày một tăng thêm. Giảm đi một phần ham muốn cá nhân, chính là ngộ thêm một phần thiên lý, thật là nhẹ nhàng thoải mái, thật là giản dị biết bao!”. Công phu nằm ở giảm chứ không ở tăng, cái gọi là giảm tức là tống khứ đi các loại ham muốn vật chất phong bế tinh thần; chỉ cần giảm thiểu mọi ham muốn dục vọng, sẽ trở về với bản tính thiện lương lúc ban đầu.

Các bậc Thánh nhân thời xưa cũng đều giảng rằng, dục vọng là nguồn gốc của mọi khổ đau. Chúng ta nếu đem niềm vui của bản thân kiến lập trên sự thỏa mãn của ham muốn dục vọng, thì một khi dục vọng không được thỏa mãn, niềm vui cũng sẽ theo đó mà tan biến. Mà dục vọng của con người ta là vô cùng vô tận, thỏa mãn cái dục vọng này rồi, dục vọng kia cũng sẽ khởi lên, từ đó chìm đắm sâu trong bể khổ, vĩnh viễn không thể tự nhảy thoát ra được.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. Con người ta không thể có quá nhiều dục vọng, phải biết đủ mà dừng lại đúng lúc.

Vương Dương Minh từng đưa ra một ví dụ cho học trò: Những vĩ nhân như Trương Lương, Đổng Trọng Thư, Gia Cát Lượng, Hàn Dũ, v.v., đều gặt hái được những thành tựu trác việt. Trong số họ, không ai là không coi nhẹ danh lợi, bởi dục vọng ít, nên họ mới có thể tập trung tinh lực vào sự nghiệp, cuối cùng đạt được thành tựu hơn người.

Chỉ có tiết chế dục vọng của bản thân mới có thể giữ cho tâm hồn thật sự tĩnh tại. Khi bản thân nhảy thoát khỏi mọi ham muốn cám dỗ mà làm những việc có giá trị, chúng ta mới có thể có được niềm vui thật sự.

Theo Soundofhope
Thuận An biên dịch

Exit mobile version