Đại Kỷ Nguyên

Tống Mỹ Linh cả đời tinh tế, không bao giờ để mặt mộc

Tống Mỹ Linh – phu nhân của Tưởng Giới Thạch, cả đời bà luôn giữ cho mình một nguyên tắc sống: “Không bao giờ để mặt mộc”. Có người nói rằng, ngay cả Tưởng Giới Thạch cũng hiếm khi nhìn thấy Tống Mỹ Linh không trang điểm.

Đây có lẽ là sự gợi ý cho tất cả các cô gái: Luôn luôn thể hiện cho cả thế giới sự xinh đẹp quyến rũ nhất của mình, bởi rung động chính bản thân mới có thể làm rung động người khác.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng miêu tả về Tống Mỹ Linh rằng: “Một mỹ nhân thời loạn lạc với sự tinh tế nữ tính phi phàm có thể ảnh hưởng cả thế giới rộng lớn”.

Những người từng tiếp xúc với Tống Mỹ Linh đều dùng từ “tinh tế” để hình dung về người phụ nữ xinh đẹp này, tinh tế trong trang điểm, tinh tế trong ăn mặc, tinh tế trong suốt cả cuộc đời.

Ngày 18 tháng 2 năm 1943, nhận lời mời của Quốc hội Mỹ, Tống Mỹ Linh trở thành người Trung Quốc đầu tiên có bài phát biểu diễn thuyết tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Tờ Newsweek của Mỹ có đăng một bài báo miêu tả khá chi tiết về buổi diễn thuyết của Tống Mỹ Linh: Cô ấy mặc một chiếc áo sườn xám màu đen bó sát thân, xẻ rãnh ở gần đầu gối, tóc chấm ngang vai hơi cuộn thành từng lọn. Cô ấy không đeo quá nhiều đồ trang sức trên tay, chỉ có một viên đá cẩm thạch rất bình thường, móng tay được sơn màu hồng nhạt đỏ thắm, chân đi tất giấy dài và một đôi giày cao gót nhẹ nhàng.

Tống Mỹ Linh trong 1 buổi diễn thuyết .(Ảnh: tinhhoa.net )

Khi Tống Mỹ Linh vừa bước lên sân khấu mọi người liền bị cuốn hút bởi sự xinh đẹp trong cách ăn mặc và trang điểm của bà, kèm theo đó là những tiếng vỗ tay cổ vũ nhiệt tình. Khi bà còn chưa mở lời thì phong thái của bà đã làm rung động tất cả mọi người, lộng lẫy mà không xa xỉ, cao quý mà không khoe khoang, vừa có sự ung dung khoan thai của một vị đệ nhất phu nhân, lại không mất đi sự giản dị mộc mạc trong ăn mặc trang điểm theo kiểu văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Sức hút từ phong thái trang nhã của Tống Mỹ Linh

Trên thế giới có rất nhiều người đẹp nổi tiếng mặc quốc phục Trung Quốc, tuy nhiên chỉ có Tống Mỹ Linh có thể mặc quốc phục tới mức làm rung động lòng người.

Một phóng viên của tạp chí tuần san Weekly từng viết: “Tất cả mọi người trong nghị viện đều bị phong thái, sự quyến rũ và khí chất của phu nhân cuốn hút, mọi người đều không chớp mắt chờ đợi bài diễn thuyết của phu nhân”.

Buổi diễn thuyết này vô cùng thành công khiến toàn nước Mỹ đều xôn xao, và gây ra làn sóng mới trong nhân sĩ các giới Mỹ; các trường đại học, các tổ chức xã hội đều gửi thư mời bà tới diễn thuyết.

Đệ nhất phu nhân Tổng tống Mỹ Eleanor từng xúc động nói: “Khi tôi nhìn thấy Tưởng phu nhân mặc áo sườn xám bước từng bước chậm rãi lên khán đài diễn thuyết, trong lòng không khỏi cảm thấy vô cùng vinh hạnh và xúc động về khí chất của cô ấy. Khi cô ấy diễn thuyết lại trang nghiêm như một chiến binh”.

Ăn mặc, trang điểm luôn là thể hiển vẻ bề ngoài của một con người, dù trên sân khấu diễn thuyết hay tại tiệc hội, càng có thể nói là một vũ khí không lời của một con người. Nó là điểm mấu chốt quyết định một nhân vật có thể trở thành trung tâm trên sân khấu hay không, cũng là toát lên phong cách phẩm chất của người đó.

Không thể không thừa nhận Tống Mỹ Linh là người rất am tường đạo lý này. Cho dù là ở đâu, bà luôn mặc những loại trang phục tinh tế và trang trọng, lại rất tao nhã khéo léo hiển lộ khí chất của bản thân. Bởi vậy, Tống Mỹ Linh luôn biết dựa vào cách ăn mặc trang điểm của mình, để cho dù chưa mở lời cũng có thể trở thành nhân vật tiêu điểm, khiến tất cả ánh mắt của mọi người đều phải chú ý tới. Và từng lời nói cử chỉ của bà cũng đủ gây sức ảnh hưởng lớn tới tất cả mọi người.

Cho dù là ở đâu, bà luôn mặc những loại trang phục tinh tế và trang trọng, lại rất tao nhã khéo léo hiển lộ khí chất của bản thân. (Tống Mỹ Linh bên phải ). (Ảnh : danviet.vn )

Ngoài buổi diễn thuyết tại quốc hội Mỹ, buổi diễn thuyết năm 1943 trong hội nghị tại Cairo có thể nói là đỉnh cao trong cuộc đời chính trị của Tống Mỹ Linh. Tống Mỹ Linh bình thản đi lại giữa những đại biểu đứng đầu, dùng vẻ ôn nhu dịu dàng và tinh tế vốn là đặc quyền của nữ giới làm trung gian hòa giải, không ngừng phá vỡ mọi bế tắc, từng bước thúc đẩy tiến trình của hội nghị.

Bà lấy tư cách phu nhân của Tưởng giới Thạch và thân phận là phiên dịch để tham gia tất cả các buổi tiệc cũng như tiếp xúc riêng với nhân sĩ các giới, thậm chí ngay cả trong hội đàm cá nhân giữa Tưởng Giới Thạch và Tổng thống Roosevelt, Thủ tướng Churchill. Tất cả đều bị chinh phục bởi sức hấp dẫn của Tống Mỹ Linh. Tổng thống Roosevelt hứa sẽ cung cấp 90 sư đoàn và vũ khí, trang thiết bị cho Trung Quốc; Thủ tướng Churchill thì thẳng thắn đồng ý xuất binh tới Myanmar giúp đỡ Trung Quốc mở đường sang Myanmar. Mà tất cả những điều đạt được này, đều khởi điểm từ chiếc áo sườn xám của Tống Mỹ Linh.

Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch.(Ảnh: vi.wikipedia.org)

Khi buổi trò chuyện của Thủ tướng Churchill và Tưởng Giới Thạch rơi vào bế tắc, Tống Mỹ Linh bèn có cuộc gặp mặt riêng với Thủ tướng Churchill và để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Sau này không chỉ một lần, vị thủ tướng Anh này đã công khai bày tỏ: Tống Mỹ Linh là một trong số ít những người phụ nữ được yêu thích nhất trên thế giới, sự thận trọng và quyến rũ của bà đều làm người khác hết sức cảm động.

Sự tô điểm lớn nhất làm nổi bật sức quyến rũ của Tống Mỹ Linh, đó là chiếc áo dài truyền thống của bà. Thủ tướng Anh Churchill đánh giá rất cao cách ăn mặc của Tống Mỹ Linh, ông từng nói: “Phu nhân ăn mặc rất trang nhã phù hợp, vừa đặc biệt lại vừa có sức quyến rũ”. Trong môi trường đặc thù này của phương Tây, ai có thể nhẫn tâm từ chối một người phụ nữ có sức quyến rũ như vậy được đây?

Không chỉ thủ tướng Anh, các quan chức khác cũng đều phải trầm trồ trước vẻ đẹp rạng ngời của Tống Mỹ Linh.

Tướng quân Stilwell đã viết: “Trong hội nghị Cairo, Tống Mỹ Linh đã mặc một chiếc sườn xám màu đen thêu hoa cúc vàng ôm sát cơ thể. Hành động cử chỉ tao nhã của bà rất hợp với chiếc váy mà bà mặc, từ đó tỏa ra sức thu hút tới tất cả mọi người”. Tất cả các sĩ quan tham gia hội nghị đều bị thu hút bởi phong cách của Tống Mỹ Linh.

Trong cả cuộc đời Tống Mỹ Linh, đến Tưởng giới Thạch cũng từng cảm thán rằng: “Sức mạnh của phu nhân có thể tương đương với 20 sư đoàn bộ binh”.

Áo dài Thượng Hải là loại trang phục có thể làm tôn lên đường cong quyến rũ ở phần eo của người phụ nữ, tuy nhiên nó cũng có yêu cầu rất cao về hình dáng người mặc.

Tống Mỹ Linh là nhân vật không thể thiếu trong lịch sử Trung Quốc cận đại, đồng thời cũng là hình tượng không thể thiếu trên màn bạc Hoa ngữ. (Ảnh: tintm.com )

Để có thể mặc được áo dài Thượng Hải thực sự thu hút rung động người khác, Tống Mỹ Linh đã có yêu cầu rất nghiêm khắc đối với vóc dáng của mình. Bà kiểm soát việc ăn uống một cách thanh đạm, còn đặt một cái cân nhỏ trong dinh thự của mình, mỗi ngày đều kiểm tra xem cân nặng có tăng không, nếu vượt quá tiêu chuẩn dự định cần lập tức điều chỉnh ăn uống, ăn các loại rau xanh cho tới khi cân nặng về trạng thái như ý mới ăn thịt và thực phẩm khác.

Cũng bởi nghị lực kiểm soát vóc dáng của mình, Tống Mỹ Linh mới có thể mặc áo dài Thượng Hải cuốn hút lòng người tới vậy. Khả năng tự kiềm chế và nghiêm túc kiên trì như vậy, trên thế giới này hỏi có được mấy người làm được như bà?

Tống Mỹ Linh tốt nghiệp trường nữ sinh Wellesley College nổi tiếng của Mỹ, bà cũng từng nỗ lực nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc. Bà có kiến thức uyên thâm, tinh thông Đông Tây kim cổ lại đọc hiểu sáu ngoại ngữ, biết chơi đàn piano, lại có sở trường về diễn thuyết, có thành tựu khá xuất sắc trong lĩnh vực hội họa và thư pháp Trung Hoa.

Những kiến thức tích lũy trong cả cuộc đời đã dung hợp nên sự thông minh sáng suốt kết hợp Đông Tây kim cổ, và chính từ sự tích lũy văn hóa này mới có thể giúp bà khi mặc chiếc áo dài truyền thống Thượng Hải, bước trên sân khấu với ánh mắt dõi theo của tất cả mọi người.

Những điều bạn nhìn thấy, có lẽ là thành tựu rực rỡ của Tống Mỹ Linh trên vũ đài quốc tế và trong các bữa tiệc ngoại giao quan trọng. Còn những điều bạn không nhìn thấy, đó chính là yêu cầu tỉ mỉ của bà trong trang điểm và cách ăn mặc, nghiêm khắc trong việc giữ gìn vóc dáng. Đặc biệt là năng lực tự chủ, kiên trì và tu dưỡng văn hóa sâu sắc đã giúp bà trở thành trung tâm thu hút đối phương trong mọi thời đại. Và đây cũng là hàm nghĩa chân chính khi nói Tống Mỹ Linh “cả đời không bao giờ để mặt mộc”.

Theo soundofhope.org
Bình Nhi

Exit mobile version