Đại Kỷ Nguyên

Thực hư ‘mối tình’ giữa Đường Tăng và nữ vương Tây Lương nữ quốc

Thực hư ‘mối tình' giữa Đường Tăng và nữ vương Tây Lương nữ quốc

Uyên ương cùng đậu bướm cùng bay
Khắp vườn xuân sắc ý người say
Cười nhẹ hỏi thánh tăng:
‘Nhi nữ có đẹp hay không hở chàng?’

(Trích lời bài hát “Tình nhi nữ”)

Những khán giả yêu mến bộ phim “Tây du ký” (1986) hẳn không thể nào quên mối tình tha thiết mà nữ vương xinh đẹp của Tây Lương nữ quốc dành tặng cho Đường Tam Tạng. Vẻ đẹp đằm thắm, đoan trang, mặn mà của diễn viên Chu Lâm (thủ vai nữ vương), cùng giai điệu lời ca dịu dàng da diết của bài hát “Tình nhi nữ” khiến bao người xao xuyến, say mê. Bao người đã tiếc thương cho mối tình dang dở của nàng nữ vương, thậm chí còn ngẩn ngơ hụt hẫng khi yêu quái Tỳ Bà cuốn Đường Tăng đi mất, khiến giấc mộng uyên ương sum vầy của nữ vương tan thành mây khói. 

Đường Tăng trong phim “Tây du ký” (1986) tuy một lòng đi Tây Trúc thỉnh kinh nhưng cũng không khỏi xuyến xao trước tấm chân tình của nhi nữ. Khi nữ vương khẩn khoản mong được cùng Đường Tăng kết tóc se duyên, Đường Tăng động lòng, nói nếu có kiếp sau xin được báo đáp duyên phận này. Câu nói ấy dường như đã đáp lại phần nào tình yêu của nữ vương xinh đẹp, khiến người xem phim bớt đau lòng trước lòng quyết tâm sắt đá của nhà sư Đại Đường.

Kỳ thực, điều mà con người mong mỏi, trăm nghìn năm nay vẫn là như vậy. Bạn thanh mai trúc mã, lứa đôi mặn nồng đến đầu bạc răng long. Chưa cần nói đến vinh hoa phú quý, chỉ cần tìm được người tri kỷ, trai anh hùng, gái thuyền quyên, tưởng như cũng không uổng phí kiếp làm người. Có lẽ đó là lý do vì sao nhà sản xuất phim đã thay đổi nguyên tác, biến câu chuyện “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng, Đứng đắn tu trì chẳng hoại thân” trong Tây du ký* của Ngô Thừa Ân trở thành một thiên tình sử lấy đi bao nước mắt của người đời.

Bản thân người viết cũng rất yêu quý nhân vật nữ vương do diễn viên Chu Lâm thể hiện. So với nhiều phiên bản phim “Tây du ký” sau này càng ngày càng phàm tục hoá, thô tục hoá, thì thứ tình cảm của ‘nữ vương’ Chu Lâm là nhẹ nhàng, nữ tính nhất, vẫn giữ lại phần nào sự nết na, hiền thục của văn hóa Thần truyền. Dẫu vậy, đó chỉ là phía tình cảm, cảm tình của người thường, trong khi nguyên tác Tây du ký lại nói lên điều siêu việt khỏi người thường, nâng cao cảnh giới tinh thần của người đọc nó. Có thể nói, mối tình giữa nữ vương và Đường Tăng trên màn ảnh dẫu đẹp đến đâu, thì người xem chỉ có thể thả hồn mình phiêu đãng chốn nhân gian để cảm nhận; còn đọc nguyên tác Tây du ký lại có thể giúp độc giả vượt thoát khỏi những ràng buộc của ái tình, tâm linh được giải thoát, tự do tự tại mà nhìn thấu hết thảy ảo vọng chốn nhân gian.

Tây du ký, hồi thứ 54 “Tam Tạng sang Tây qua nước gái, Ngộ Không lập mẹo thoát trăng hoa” kể rằng, Tôn Ngộ Không bày kế, sư phụ vờ đồng ý với lời cầu hôn của nữ vương để nàng mau chóng đóng dấu trả điệp văn, rồi thừa cơ lúc Đường Tăng tiễn các đồ đệ lên đường thì Hành Giả sẽ trổ thần thông đưa thầy trốn thoát. Cuộc gặp gỡ giữa nữ vương và Đường Tăng được miêu tả như sau:

“Một lát sau, xa giá đã ra khỏi thành, thẳng đến quán dịch Nghênh Dương. Chợt có người vào báo với thầy trò Tam Tạng:

– Xa giá đã tới.

Tam Tạng nghe báo, vội vàng cùng ba đồ đệ, quần áo chỉnh tề ra cổng đón xa giá.

Nữ vương cuốn rèm bước xuống xe hỏi:

– Vị nào là ngự đệ Đường Tăng?

Thái sư chỉ tay thưa:

– Người mặc chiếc áo dài đứng trước hương án ngoài cửa kia đấy ạ.

Nữ vương chớp chớp đôi mắt phượng, nhíu cặp mày ngài nhìn ngắm kỹ càng, thấy quả là một bậc khác phàm:

Dáng người anh vĩ, Vẻ mặt hiên ngang.
Răng trắng bạc dát, Miệng rộng môi son.
Đầu tròn trán phẳng thái dương nở, Mắt sáng mày thanh địa các trường.
Vành tai đầy đặn dường kiệt sĩ, Tấm thân thanh tú bậc hiền lương.
Một đấng phong lưu và tuấn tú, Lấy vua xinh đẹp nước Tây Lương.

Nữ vương ngắm nghía đến nỗi lòng dạ mê mẩn, sóng tình lai láng, lửa dục bừng bừng, miệng anh đào xinh xắn hé mở, cất tiếng gọi:

– Ngự đệ Đại Đường ơi, sao mãi chàng chưa tới cưỡi phượng đè loan?

Tam Tạng nghe nói, đỏ mặt tía tai, xấu hổ ngượng ngập, chẳng dám ngẩng đầu.

Trư Bát Giới đứng cạnh dẩu mõm, giương mắt ngắm nhìn nữ vương, thấy nữ vương cực kỳ xinh đẹp. Thật là:

Mày cong như lá liễu, Da trắng mịn tựa ngà.
Má hoa đào đỏ thắm, Mịn màng làn tóc tơ.
Mắt sóng thu tình tứ, Tay búp măng nõn nà.
Áo giải hồng lộng lẫy, Trâm ngọc thúy sáng lòa.
Chiêu Quân đâu dám sánh, Tây Thi còn kém xa.
Trở gót vàng kêu rộn, Quay bước ngọc ngân nga.
Chị Hằng khôn đuổi kịp, Tiên nữ phải thua xa!
Điểm trang đẹp khác phàm ta,
Hệt như Vương Mẫu khi ra Dao Trì.

Chú ngốc nhìn ngắm hồi lâu, miệng thèm rỏ dãi, bụng muốn cồn cào, gân cốt mềm nhũn, nhưng một lát sau lại chẳng khác nào sư tử tuyết gặp lửa, phút chốc tan thành nước hết.

Nữ vương bước lại gần, níu lấy Tam Tạng, nũng nịu cất tiếng thỏ thẻ:

– Ngự đệ chàng ơi, xin mời lên xe rồng, cùng thiếp về điện Kim Loan kết đôi vợ chồng nào!

Tam Tạng run rẩy đứng không vững, như ngây như dại. Hành Giả đứng bên cạnh nói:

– Sư phụ bất tất khiêm tốn quá, xin mời lên xe ngồi cùng nữ vương, để sơm sớm đổi điệp văn, cho chúng con còn đi lấy kinh.

Tam Tạng không dám nói lại, chỉ vuốt ve Hành Giả, đoạn cầm lòng không đặng, nước mắt trào ra. Hành Giả nói:

– Sư phụ không nên buồn rầu, giàu sang nhường ấy không hưởng thụ, còn đợi đến bao giờ?

Tam Tạng không biết làm thế nào, đành nghe theo, gạt nước mắt, miễn cưỡng tươi tỉnh rời gót lại gần, cùng nữ vương:

Hai tay ngà cùng dắt,
Cùng ngồi trong xe rồng.
Nữ chúa lòng rộn ràng muốn kết vợ chồng,
Tam Tạng bụng ngay ngáy chỉ mong bái Phật.
Một người muốn động phòng ái ân trăng mật,
Một người mong tới Linh Sơn để yết kiến Thế Tôn.
Nữ vương thì thật lòng,
Thánh tăng tìm cách dối.
Nữ vương thật lòng, mong tình nồng nàn duyên thắm mãi,
Thánh tăng tìm cách dối, giấu êm, tình ý giữ nguyên thần.
Một người khấp khởi thấy đàn ông, giận chẳng được giữa ban ngày vui tình chồng vợ,
Một người phấp phỏng gặp nữ sắc, mong tức thời thoát lưới tình đến được Lôi Âm.
Hai người vui vẻ lên xe rồng,
Ai biết Đường Tăng ý khác”.

Có thể thấy, trước sau Đường Tăng không hề động lòng trước nữ vương xinh đẹp kiều diễm, chỉ phấp phỏng lo âu sớm ngày đến Tây Thiên. Khi trước, khi Tôn Ngộ Không xông xáo nhận lời quan Thái sư, Đường Tăng đã quát mắng: “Con khỉ này làm chết ta rồi! Tại sao lại bảo ta ở đây làm rể, còn các ngươi sang phương Tây bái Phật? Ta chết cũng không dám làm như thế!”. Còn lúc này, dẫu kề vai áp má người đẹp, vị Thánh tăng vẫn lòng son dạ sắt, không bị ái dục khiến mê mờ.

Kỳ thực, Đường Tăng là vị hoà thượng đạo cao đức trọng, sớm đã nhìn thấu sự vô thường của đời người, nên mới dứt bỏ mọi quyến luyến, vượt qua bao trở ngại, đến được địa giới nước Tây Lương. Trước kia, khi vừa thu phục xong Sa Ngộ Tĩnh, Đường Tăng từng được bốn mẹ con thiếu phụ xinh đẹp, giàu có mời ở rể, nhưng ngài đã trả lời rằng:

“Thưa bà, người tại gia hưởng vinh hoa phú quý, ăn sung mặc sướng, con trai con gái đầy nhà. Sướng thật. Nhưng bà không biết người xuất gia cũng có chỗ sướng. Bà không biết sao? Có bài thơ làm chứng rằng:

Xuất gia lập chí phi thường,
Ái ân rũ sạch mọi đường xưa nay.
Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay
Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta.
Công quả viên mãn chan hòa,
Sáng lòng thấy tính trở về cố hương.
Gấp trăm tham dục người phàm,
Những túi da thối, ai màng chi đâu!”

Đường Tăng gọi người phàm là “những túi da thối”, là bởi vì cái thân xác con người ấy, dẫu tuổi trẻ xinh đẹp đến đâu thì thoáng chốc trăm năm, chết đi rồi thì thối nát mục rữa, bao nhiêu hoan ái mà người thường mê mệt lúc này còn ý nghĩa gì đâu! Trong nguyên tác Tây du ký, ngay cả Trư Bát Giới về sau cũng quát lên với nữ vương rằng: “Chúng ông là hòa thượng kết vợ chồng gì với những hạng đầu lâu bôi phấn nhà chúng bay! Buông ra để sư phụ ta lên đường!”. Lạnh lùng thì có lạnh lùng thật đấy, nhưng trước cám dỗ của dục vọng, nếu không thể giữ tâm bất động thì sẽ rơi xuống đáy, biết ngày nào mới thoát khỏi trầm luân?

Mối tình của nàng nữ vương kiều diễm với nhà sư anh tuấn nước Đại Đường là câu chuyện đẹp không thể nào quên trong lòng khán giả, âu cũng là chút ngọt ngào của thế gian mà những nhà làm phim gửi tặng người hâm mộ. Còn sự đứng đắn, đoan chính của Đường Tăng thực sự trong nguyên tác Tây du ký lại là viên ngọc như ý sáng lung linh mà văn hóa Thần truyền lưu lại cho muôn đời sau, để những ai mang tâm cầu Đạo có thể nhận ra sự ngắn ngủi của ái tình, hiểu được mục đích chân chính của đời người – chính là để tu luyện, quay trở về Thiên quốc. Thế mới là:

Mắt chẳng nhìn nữ sắc,
Tai chẳng nghe dâm thanh.
Coi châu báu, mặt đẹp như vại sành,
Coi nhung lụa, dung nhan như đất sét
Đất Phật đường dài chân bước miết,
Cả đời tâm chỉ biết tham Thiền.
Còn đâu nghĩ tiếc ngọc thương duyên,
Chỉ một niềm tu tâm dưỡng tính.

Ảnh minh họa: Phim “Tây Du Ký” 1986

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Video: Nghệ sĩ múa Lê Vi: Tôi may mắn khi tìm thấy ánh sáng chân lý của cuộc đời

Exit mobile version