Đại Kỷ Nguyên

Thời cổ đại giao thông không thuận tiện nhưng vì sao người ta ít khi bị lạc?

Thời cổ đại, giao thông không thuận tiện nhưng vì sao người ta ít khi bị lạc?

Ảnh minh họa: Epochtimes.

Ngày nay, nếu không có các ứng dụng chỉ đường, không cần nói tới đi một nơi xa, mà chỉ cần đi loanh quanh trong thành phố đã thấy rất khó khăn rồi. Ấy vậy mà vào thời cổ đại, khi giao thông chưa thuận lợi, thiết bị chỉ đường, định vị chưa có, khi đi làm ăn xa hoặc cần đi ngao du đâu đó thì người ta sẽ làm thế nào để tìm được đường?

Điều này cũng rất dễ hiểu vì trí tuệ và khả năng của người xưa luôn nằm ngoài khả năng tưởng tượng của chúng ta. Dưới đây là một vài lý do:

Người xưa có bản đồ

Ngày xưa mặc dù chưa có ứng dụng chỉ đường nhưng bản đồ thì đã có từ rất sớm. Từ xa xưa, con người đã biết dùng các ký hiệu để ghi chép hoặc ghi chú về những thứ xung quanh hay những khu vực họ từng đi qua.

Từ thời đó, con người đã biết vẽ ký hiệu lên trên mặt đất những con sông con suối, sơn động, nơi ở của dã thú… xung quanh nơi ở của mình. Sau đó họ sẽ sinh hoạt, làm việc theo sơ đồ đã vạch ra trong đầu. Khi đó, hoạt động của con người thường được thực hiện trong một phạm vi sống rất nhỏ do họ sợ bị thú dữ ăn thịt nếu đi quá xa.

Nhưng những ký hiệu này dễ bị mưa gió xóa mất. Vì thế, con người đã nghĩ ra một cách để lưu giữ chúng: đó là vẽ bản đồ lên trên tảng đất sét. Ví dụ như tấm bản đồ đất sét về thành Babylon và không gian xung quanh 4500 năm tuổi này. Đây là tấm bản đồ sớm nhất được tìm thấy. Mặc dù “bản đồ” này rất nhỏ và tỷ lệ không chuẩn xác nhưng nó đã hiển thị được thành phố, các con sông và quả núi trên đó.

Bản đồ Babylon cổ khắc trên đất sét

Ở Trung Quốc thì khác, người xưa thích ghi lại những sự việc trọng đại trên những chiếc vạc (Đỉnh), và tại đây đã tìm thấy bản đồ từ rất sớm, chúng cũng được vẽ trên vạc. Những bản đồ vẽ núi, vẽ sông, vẽ đường đi đã có ở Trung Quốc từ 4000 năm trước.

Sau này, khi con người phát minh ra giấy, người ta đã vẽ bản đồ lên giấy để tiện mang đi xa. Khi đi đâu xa, chỉ cần cầm theo 1 tấm bản đồ là được. Mặc dù độ chính xác đến từng chi tiết tỉ mỉ của những tấm bản đồ thời đó chưa cao, nhưng phương hướng thì không bao giờ sai. Muốn tìm đường tới Tràng An thì chắc chắn tấm bản đồ sẽ không đưa bạn tới Khai Phong.

Thời xưa đường xá chật hẹp mà đường đi được lại không nhiều

Đường xá ngày xưa không thể tiện lợi được như ngày nay vì các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị… Ngày nay các con đường cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ, đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng thông với nhau. Còn ngày xưa, cách gọi các con đường cũng rất lạ. Ngày đó, ngã 3, ngã tư thì được gọi là tam đạt, tứ đạt…

Mặc dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng thời đó dù là đường thủy hay đường bộ thì số lượng con đường chính cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, thời đó dù mọi người đi đâu xa cũng không có nhiều lựa chọn và cũng khó có thể đi nhầm đường được. Người xưa khi đi đâu xa, chỉ cần đi theo đúng đường cái quan là tới được nơi cần tới.

Hệ thống biển báo giao thông thời xưa cũng đặc biệt “hoàn chỉnh”

Có bản đồ, có đường to thì không thể thiếu hệ thống biển báo đồng bộ. Mặc dù đường lớn thời xưa không nhiều nhưng đường chia ngả, rẽ nhánh vẫn có, chưa kể tới những con đường mòn do con người đi tắt mà thành.

Đồng thời, cùng với sự phát triển của giao thông, tên đường càng ngày càng nhiều, nếu không may đi nhầm đường e rằng sẽ mất rất nhiều thời gian, không chỉ là vài ngày, vài đêm. Vì thế, con người bắt đầu dùng cách đắp các ụ đất để đánh dấu độ dài con đường và làm dấu bên đường. Những ụ đất này thời xưa gọi là “Hậu” (tức làđồn đất, vọng gác).

Hậu được chia thành hai loại là mốc cây số và mốc ranh giới. Người đi đường khi nhìn thấy mốc cây số là biết mình đã đi được bao nhiêu dặm đường, nhìn thấy mốc ranh giới là biết mình đang ở đâu. Từ đó người ta biết mình có bị đi sai đường không, còn phải đi bao lâu nữa mới tới nơi. Mốc cây số ngày nay cũng được phát triển từ đây mà ra.

Đồng thời, có một số con đường lớn đi về các châu, huyện, phủ… hai bên đường có những trạm dừng chân. Người từ phương xa tới chỉ cần dừng chân tại đây nghe ngóng, phán đoán là có thể đến đích một cách thuận lợi.

Đương nhiên, dù có bản đồ hay thuộc các con đường cái, biển báo thì bạn cũng chỉ đi được tới một số nơi như tỉnh, thành phố nổi tiếng. Còn nếu đến những nơi xa xôi hẻo lánh thì vẫn phải áp dụng theo cách thức truyền thống là hỏi đường. Chỉ cần bạn biết cách hỏi, người xưa thường rất nhiệt tình chỉ đường cho khách phương xa tới.

Những lần lạc đường nổi tiếng lịch sử

Sở hữu những ứng dụng chỉ đường tân tiến nhưng nhiều khi chúng ta vẫn đi sai đường, vậy nói gì tới thời xưa khi mà thông tin còn rất hạn chế. Mặc dù có bản đồ, có đường cái, có biển chỉ dẫn, nhưng người xưa vẫn có những trường hợp đi sai đường. Đôi khi điều này thậm chí còn làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Ví dụ như Tề Hoàn Công bá chủ thời Xuân Thu từng đưa quân đi đánh nước Cô Trúc (tương truyền là hậu duệ của Thần Nông). Khi quay về, quân đội của ông bị mất phương hướng, đi lạc đường. Cuối cùng nhờ có những con ngựa già dẫn đường, ông mới dẫn quân tìm lại được đường về. Đây chính là câu chuyện “Lão mã thức đồ” nổi tiếng trong lịch sử. Ở Việt Nam, người ta có một thành ngữ cũng nổi tiếng không kém để nói về câu chuyên này: Ngựa quen đường cũ.

Tề Hoàn Công bị lạc đường lần này may mắn không gặp nguy hiểm gì. Nhưng trong lịch sử còn có một nhân vật lớn khác vì một lần lạc đường mà phải hối hận cả đời, cuối cùng còn bị mất mạng. Đây chính là một vị danh tướng một thời: Tướng quân Lý Quảng.

Lý Quảng là một tướng lĩnh tài giỏi. Trong thời gian trấn giữ biên ải, ông đã đánh cho quân Hung Nô khiếp sợ, nhiều năm không dám quay lại lấn chiếm đất nhà Hán. Năm 119 TCN, Lý Quảng một lần nữa nghênh chiến quân Hung Nô, trong lúc hành quân bị mất phương hướng. Do đó, ông không thể hội quân với Vệ Thanh đúng thời gian và địa điểm như đã hẹn, khiến thủ lĩnh Hung Nô tháo chạy được khỏi vòng vây. Mặc dù không bị Hán Vũ Đế trừng phạt nhưng với một đời chinh chiến sa trường, tướng quân Lý Quảng đã không chịu đựng nổi nỗi ô nhục này nên đã tự vẫn.

Một trường hợp lạc đường khác thê thảm hơn chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Năm 212 TCN, Hạng Vũ bị Hàn Tín vây khốn ở thành Cai Hạ. Hạng Vũ dẫn tám trăm quân mã mở đường máu giải vây. Nguyên Hạng Vũ đã có thể thoát thân dễ dàng nhưng vì quá hoảng loạn khi tháo chạy mà tới Âm Lăng đã bị mất phương hướng.

Ở nơi có nhiều ngã rẽ, Hạng Vũ đã hỏi một người nông dân đường về Tây Sở, nhưng người nông dân này đã lừa và ông chỉ ra một hướng khác. Kết quả làm Hạng Vũ đi nhầm tới vùng đồng lầy, lỡ mất thời cơ, vì thế bị quân Hán đuổi kịp. Cuối cùng Hạng Vũ vì không còn mặt mũi nào để gặp phụ lão Giang Đông nên đã tự vẫn ở bờ tây Ô Giang. Người đời sau làm thơ về ông:

Sinh đương tác nhân kiệt,
Tử diệc vi quỷ hùng.
Chí kim tư Hạng Vũ,
Bất khẳng quá Giang Đông.

Tạm dịch:

Sống làm tay hào kiệt,
Chết thành ma anh hùng.
Đến nay nhớ Hạng Vũ,
Chẳng chịu về Giang Đông.

Đến nay, những người yêu thích lịch sử vẫn không ngừng tranh luận. Nếu Hạng Vũ không lạc đường, nếu người nông dân không chỉ sai đường cho ông thì có lẽ lịch sử đã ở một trang khác, và có thể cục diện ngày nay cũng ở một dạng khác.

Theo Aboluowang
Quỳnh Chi biên dịch

Exit mobile version