Đại Kỷ Nguyên

Thay đổi vận mệnh chỉ vì làm việc chính nghĩa

Trước đây, vào năm Quang Tự, có một người đàn ông trung tuổi họ Cổ người Giang Tô, đến Thượng Hải làm thuê cho một cửa hiệu buôn bán đồ Tây. Mọi người thường gọi ông là Cổ tiên sinh. Cổ tiên sinh rất được ông chủ tín nhiệm. Trước tết đoan ngọ, ông chủ phái Cổ tiên sinh tới một vùng của Thành Nam để thu hồi nợ. Cổ tiên sinh nhận trách nhiệm to lớn, liền khoác chiếc túi da bên mình và xuất phát.

Công việc tiến triển tương đối thuận lợi, đến giữa trưa, Cổ tiên sinh thu được hơn 1800 đồng bạc nén. Bởi vì, đi cả ngày, nói cả ngày nên ông đã khát khô cả cổ liền vội vàng tìm đến quán trà 16 uống mấy chén trà. Sau đó ông trở về báo cáo kết quả với ông chủ.

Nhưng không hiểu sao, khi trở về đến cửa hàng rồi, Cổ tiên sinh mới phát hiện mình đã để thất lạc mất chiếc túi tiền. Ông như bị sét đánh trên đỉnh đầu, mồ hôi toát ra đầm đìa, trong lúc bối rối, ông lại càng không nói rõ được đầu đuôi sự tình. Ông chủ nhìn bộ dạng bối rối và lời nói lộn xộn của Cổ tiên sinh liền cho rằng, ông lừa rối mình. Ông chủ cũng lập tức trách mắng Cổ tiên sinh đã phụ bạc sự tín nhiệm của ông, đồng thời cũng nói rằng nếu Cổ tiên sinh không mau chóng trả lại chiếc túi tiền sẽ đưa ông tới báo quan.

Hơn 1800 đồng bạc nén, vào thời đó là một số tiền vô cùng lớn. Nếu không tiêu xài hoang phí, số tiền ấy đủ cho một người chi dùng cả đời. Cổ tiên sinh sao có thể bồi thường nổi, trách nhiệm to lớn lại không thể chối cãi được. Ông cảm thấy cuộc đời mình vậy là chấm dứt nên  tuyệt vọng mà khóc lớn.

Cùng thời gian đó, có một người thanh niên tên là Tính Nghĩa, người Phổ Đông là một thương nhân. Vì không may mắn nên làm ăn thua lỗ, hết sạch cả vốn. Thế là đúng vào hôm Cổ tiên sinh đi đòi nợ, thì Tính Nghĩa cũng mua vé thuyền để trở về quê hương sinh sống. Bởi vì, đến bến thuyền quá sớm, nên anh ta cũng tới quán trà 16 uống trà. Tính Nghĩa đến uống trà là để vừa chờ cho thời gian qua đi, đồng thời suy nghĩ đến công việc làm ăn sau này.

Vừa lúc Cổ tiên sinh rời quán trà thì cũng là lúc Tính Nghĩa tới. Anh ta vừa ngồi xuống thì phát hiện một chiếc túi da đặt trên chiếc ghế bên cạnh mình. Dù vậy, Tính Nghĩa cũng không để ý mà chậm rãi uống trà. Một lúc lâu, Tính Nghĩa thấy không có người nào đến lấy cả, anh ta liền nghi ngờ, đưa tay nhấc thử chiếc túi lên thì thấy nặng nặng. Thế là, anh ta mở ra xem xét, anh kinh hãi khi nhìn thấy bên trong túi tất cả đều là bạc óng ánh.

Tính Nghĩa thầm nghĩ: “Đây thật đúng là một số tiền quá lớn! Nó không chỉ cải biến tình trạng nghèo khó trước mắt của mình, mà chuyện áo cơm quãng đời còn lại cũng không cần phải lo nghĩ!” Vừa nghĩ xong thì lại một ý nghĩ nữa xuất hiện: “Không được! Tiền bạc tất cả đều là có chủ của nó, số tiền này mình không thể nhận. Nếu vì mình lấy số tiền này mà người mất của phải đánh mất danh dự, thậm chí bỏ cả tính mạng thì tội lỗi của mình sẽ vô cùng to lớn!”

Vào thời đó, mọi người đều hiểu đạo lý: “Tiền tài bất nghĩa là không thể nhận”. Tính Nghĩa thầm nghĩ: “Hôm nay mình nhặt được số tiền này, mình nên làm đúng trách nhiệm, trả lại cho chủ của nó.”

Đến bữa trưa hôm đó, khách tại quán trà chỉ còn khoảng 8-9 người, nhưng xem ra không có ai là chủ nhân của số bạc này. Tính Nghĩa đành nhịn đói ngồi chờ đợi. Mãi đến khi trời đã bắt đầu tối, khách trong quán trà đều đã về hết, chỉ còn lại một mình Tính Nghĩa, anh ta vẫn ngồi chờ và chăm chú nhìn những người đi qua đi lại trên đường…

Đột nhiên, Tính Nghĩa phát hiện một người mặt trắng bệch đang loạng choạng chạy tới quán. Người này chính là Cổ tiên sinh, theo sau ông còn có hai người nữa. Vừa vào đến quán trà, Cổ tiên sinh chỉ tay về phía chiếc bàn và nói với hai người kia: “Chính là chỗ đó, ta lúc ấy là ngồi ở chỗ đó.” Nói rồi ba người họ tiến về phía chiếc bàn mà Tính Nghĩa đang ngồi.

Tính Nghĩa nhìn thấy ba người họ, anh ta nghĩ ngay chắc hẳn đây là ba người mất của. Thế là, anh bèn hướng về phía Cổ tiên sinh và nói: “Các anh thất lạc túi tiền phải không?” Cổ tiên sinh kinh ngạc, không thể tin vào tai mình mà gật đầu.

“Tôi chờ các anh đã lâu rồi!” Vừa nói, Tính Nghĩa vừa lấy ra chiếc túi của Cổ tiên sinh và đặt lên bàn.

Cổ Tiên sinh toàn thân run rẩy, đầy cảm kích và nói: “Ngài chính là đại ân nhân cứu mạng của tôi. Nếu không có ngài, đêm nay tôi phải thắt cổ tự tử rồi!”

Nguyên lai là Cổ tiên sinh khi phát hiện ra để quên tiền, cũng muốn tới lại quán trà để tìm nhưng trong lòng ông nghĩ việc tìm lại được số tiền lớn như vậy là một hy vọng xa vời. Nhưng mà cũng chỉ còn cách này là cách duy nhất. Tuy vậy, chủ nhân lại sợ ông trốn mất, nên không cho ông đi ra ngoài. Mãi đến khi Cổ tiên sinh đã nói hết lời, chủ nhân mới đồng ý cho ông đi và để hai người đi theo canh giữ.

Cổ tiên sinh và Tính Nghĩa trao đổi họ tên cho nhau. Sau đó, Cổ tiên sinh muốn đưa cho Tính Nghĩa 1/5 số tiền để tạ ơn, nhưng Tính Nghĩa không nhận. Cổ tiên sinh lại ngỏ ý gửi anh ta 1/10 số tiền,nhưng Tính Nghĩa vẫn không nhận và cuối cùng Cổ tiên sinh muốn để lại 1% số tiền để Tính Nghĩa đi đường, nhưng Tính Nghĩa nghiêm mặt cự tuyệt.

Cổ tiên sinh không biết phải tạ ơn như thế nào, bèn nói: “Vậy thì tôi mời ngài chén rượu, có được không?” Tính Nghĩa vẫn kiên quyết từ chối.

Cuối cùng Cổ tiên sinh đành nói: “Không cảm ơn ngài trong lòng tôi sao có thể bình an? Sáng sớm ngày mai, tôi sẽ ở quán rượu đợi, xin ân công hãy tới gặp mặt, không gặp không về!” Cổ tiên sinh nói xong, vái chào và ra về.

Sáng sớm ngày hôm sau, Cổ tiên sinh chờ sẵn trong quán rượu và Tính Nghĩa cũng tới. Cổ tiên sinh đang định hành lễ tạ ơn thì Tính Nghĩa lại tranh giành nói lời cảm ơn trước. Anh ta nói: “Hôm qua nhờ có ngài để thất lạc tiền khiến tôi giữ được cái mạng của mình!”

Cổ tiên sinh nghe xong còn chưa hiểu gì thì Tính Nghĩa lại nói tiếp: “Hôm qua, tôi vốn trên đường về quê, đã mua xong vé thuyền, vào giờ ngọ sẽ xuất phát. Nhưng bởi vì đợi ông tới lấy tiền nên tôi đã bị trễ thuyền. Khi trả xong tiền cho ông, tôi mới ra bến hỏi thì biết tin chiếc thuyền đó đi đến giữa đường đã bị sóng lớn lật đổ. 23 người ngồi trên thuyền đều bị chết hết. Nếu như hôm qua tôi lấy số tiền ấy mà lên chiếc thuyền đó thì chẳng phải tôi cũng chết rồi sao? Chính là ông đã cứu tôi một mạng rồi!” Vừa nói dứt lời, Tính Nghĩa lại cúi người bái lạy Cổ tiên sinh, hai người họ tranh giành mà cảm ơn nhau.

Những người khách ngồi uống trà trong quán nghe xong câu chuyện của họ đều thốt lên kỳ lạ, thay nhau đến chúc mừng và nói: “Đúng là một việc thiện của Tính Nghĩa đã cứu được tính mạng của cả hai người.”

Câu chuyện đến đây vẫn chưa kết thúc. Sau khi Cổ tiên sinh trở về nhà, ông liền đem sự việc trên kể lại cho ông chủ nghe. Ông chủ cũng hết sức kinh ngạc, cảm khái mà nói: “Người tốt như vậy thật sự rất khó tìm, không gặp Tính Nghĩa cũng không được.”

Thế là, ông chủ bèn cho người tìm Tính Nghĩa tới gặp mặt. Hai người gặp nhau đàm luận, cuối cùng ông chủ nhận Tính Nghĩa vào làm quản lý với mức lương rất cao. Mấy năm sau, Tính Nghĩa cũng trở thành con rể của ông chủ và được ông chủ trao lại toàn quyền quản lý cửa hàng.

Từ một người mất tất cả, nghèo khó, Tính Nghĩa nhặt được của rơi mà không tham, câu chuyện được người nọ truyền người kia, cứ như thế mà lan rộng ra. Lòng thành tín và nhân nghĩa của anh ta đã chiếm được sự cảm kích của mọi người. Thương nhân lớn nhỏ các nơi đều tìm đến cửa hàng của anh ta hợp tác làm ăn. Vì vậy, việc kinh doanh của Tính Nghĩa càng ngày càng phát đạt, chẳng mấy chốc anh ta đã trở thành một đại phú thương.

Thật là “Thiện ác báo ứng” một điểm cũng không giả, một điểm cũng không sai. Một niệm thiện ác vào thời khắc mấu chốt sẽ quyết định vận mệnh tương lai của một người.

Theo NTDT
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version