Đại Kỷ Nguyên

Thật giả khôn lường, lòng người khó đoán, làm sao để đối diện trong đời?

Đôi khi chuyện thắng thua, thành bại không phải là ở phía đối phương, mưu kế hay thời cuộc… mà là ở lòng người.

Kế “Giảm bếp” của Tôn Tẫn

Đời Chiến Quốc, nước Ngụy và nước Tề giao tranh. Tướng Tề là Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ: 

– Quân của Bàng Quyên vốn dũng mãnh mà khinh thường Tề, chi bằng nay ta giả ra thế yếu dụ nó. 

Điền Kỵ hỏi:

– Dụ cách nào?

Tôn Tẫn nói:

– Ngày nay nên làm 10 vạn bếp, ngày hôm sau nên dần dần bớt đi. Bàng Quyên thấy bếp của quân ta bỗng giảm bớt mất, tất cho rằng quân ta nhát sợ nên trốn đi, y sẽ gấp đường tiến đánh. Như thế khí nó tất kiêu và sức nó tất kiệt, ta sẽ dùng kế mà đánh tất thế nào cũng thắng.

Quả nhiên tướng của Ngụy là Bàng Quyên khi thấy quân Tề rút lui để lại địa điểm cũ rộng rãi, cho người đến quan sát, xem chỗ bếp đun thấy 10 vạn bếp. Quân Ngụy về báo cáo, Bàng Quyên lấy làm sợ hãi, cho rằng quân Tề quá nhiều, không thể khinh địch. Hôm sau, đến một chỗ dinh trại bỏ lại thì chỉ thấy có hơn 5 vạn bếp. Lại hôm sau nữa, chỉ còn thấy có 3 vạn bếp. Bàng Quyên mừng rỡ nói với thái tử Thân:

– Tôi vốn biết người nước Tề hèn nhát, nay vào đất Ngụy mới có 3 ngày mà quân lính bỏ trốn quá nửa rồi, còn dám đánh nhau nữa ư!

Đoạn truyền lệnh tấn công.

Bàng Quyên truyền lệnh tấn công… (Ảnh: youtube.com)

Khi đi đến Mã Lăng thì mặt trời đã lặn. Đường Mã Lăng là một nơi hiểm yếu, ở giữa hai quả núi, hang khe sâu hẹp. Bấy giờ vào lúc hạ tuần tháng Mười, trời không trăng… Tiền quân của Bàng Quyên báo cho Quyên hay là có nhiều cây bị chặt chặn ngang đường, khó tiến lên được.

Quyên bảo:

– Đó là quân Tề sợ bị bên ta đuổi theo nên lập ra kế ấy.

Nhưng Quyên vừa ra lệnh cho quân lính dọn gỗ mở đường thì bỗng ngẩng đầu thấy trên một thân cây đẽo trắng thấp thoáng có dấu chữ. Vì đêm tối không nhận rõ được, Quyên mới sai quân lính đánh lửa soi xem, liền đọc thấy hai câu: “Bàng Quyên chết dưới cây này” và “Quân sư Tôn Tẫn bảo”.

Bàng Quyên bấy giờ mới hốt hoảng, biết là mắc mưu, vội vàng hạ lệnh cho quân lui mau. Nhưng chưa kịp rút lui thì hai toán phục binh cung nỏ của Tề trông thấy lửa sáng, liền bắn ra như mưa. Quân Ngụy rối loạn hàng ngũ. Bàng Quyên bị trúng tên nên trọng thương, liệu không thoát được bèn rút kiếm đâm cổ tự tử.

Đó là kế “Giảm bếp” của Tôn Tẫn.

Kế “Tăng bếp” của Khổng Minh

Ngược lại với kế “Giảm bếp” của Tôn Tẫn, Khổng Minh lại dùng kế “Tăng bếp”. Chuyện kể như sau:

Thời Tam quốc, nhà Ngụy và Thục giao tranh. Thừa tướng nhà Thục là Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh nhận lệnh cầm quân phạt Ngụy… Đô đốc nhà Ngụy là Tư Mã Ý cầm quân chống cự. Hậu chúa nhà Thục vì nghe lời gièm pha nên nghi kỵ Khổng Minh làm phản, liền giáng chiếu triệu Khổng Minh rút quân ngay về để tước hết binh quyền. Vì sợ trái lệnh vua mà bị nghi kỵ thêm, nên Khổng Minh phải đành rút quân.

Tướng dưới trướng của Khổng Minh là Khương Duy hỏi:

– Đại quân rút lui. Tư Mã Ý thừa thế đuổi đánh thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

– Nay ta lui quân, phải chia làm 5 tốp mà rút dần. Như hôm nay rút khỏi một trại, nếu trong trại còn lại một ngàn quân thì phải đào hai ngàn cái bếp. Ngày hôm trước đào 3 ngàn bếp thì hôm sau đào thêm 4 ngàn. Cứ ngày ngày rút bớt quân, đào thêm bếp mà về.

Đoạn Khổng Minh ra lệnh nhổ trại lui quân.

Tư Mã Ý nghe tin sợ Khổng Minh đa mưu, chưa dám khinh tiến. (Ảnh: youtube.com)

Tư Mã Ý nghe tin sợ Khổng Minh đa mưu, chưa dám khinh tiến. Trước hết đem hơn trăm kỵ binh đến trại Thục quan sát. Đến nơi, sai quân sĩ đếm số bếp, rồi quay về trại nghỉ. Hôm sau, lại sai quân đến chỗ nền trại mới mà đếm. Quân về báo: “Số bếp trại này nhiều hơn số bếp trại hôm qua một phần ba”. Mã Ý bảo các tướng:

– Ta đoán Gia Cát Lượng lập mẹo giả lui dụ địch, nay quả nhiên hắn vừa lui vừa gọi thêm quân! Nếu ta đuổi đánh, ắt đã mắc mẹo phục binh.

Thôi, giờ ta hãy rút về, rồi hãy hay.

Đoạn rút quân về.

Thế là Khổng Minh không hề hao tổn một tên lính nào, vẫn yên ổn kéo quân về Thành Đô.

Về sau, có người ở cửa ngõ Tây Xuyên đến báo cho Tư Mã Ý hay việc ấy. Ý ngửa mặt than:

– Thì ra Lượng dùng phép của Ngu Hủ mà đánh lừa được ta.

Lời bàn:

Thuật dùng binh xưa nay thật thật giả giả, biến ảo khôn lường, duy chỉ có tâm tính con người là chế định được. Ví như Bàng Quyên, vì cái “Tôi” của bản thân quá lớn dẫn đến kiêu căng tự phụ, chủ quan khinh địch mà phải vong mạng trước mưu kế “Giảm bếp” của Tôn Tẫn, quân Ngụy binh hùng tướng mạnh cũng theo đó mà chịu thất thủ bại vong. Là kế dụng binh của Tôn Tẫn hay, hay là do tâm tính của Bàng Quyên dở? Việc này tùy mỗi người suy ngẫm.

Lại như Tư Mã Ý cũng là bậc đại danh tướng dưới thời Tam Quốc, từng vào sinh ra tử, kinh qua biết bao trận mạc nhưng vì quá cẩn trọng tính toán mà sinh tâm do dự, thiếu quyết đoán dẫn đến mắc mưu “Tăng bếp” của Gia Cát Lượng, khiến cho quân Ngụy bị lỡ mất thời cơ truy kích và đánh tan quân Thục. Là Tư Mã Ý suy tính dở hay là do Khổng Minh bày kế hay? Việc này cũng tùy mỗi người suy xét.

Đôi khi chuyện thắng thua, thành bại không phải là ở phía đối phương, mưu kế hay thời cuộc… mà là ở lòng người. (Ảnh: tomclip.com) 

Mới hay: Tôn Tẫn bày kế “Giảm bếp” thì có kẻ mắc mưu; Ngược lại, Khổng Minh bày kế “Tăng bếp” thì vẫn có người sa bẫy. Đôi khi chuyện thắng thua, thành bại không phải là ở phía đối phương, mưu kế hay thời cuộc… mà là ở lòng người. Luôn giữ tâm cho chính, thủ đức cho hay thì tinh thần khắc tỉnh táo minh bạch, tránh được hành động cực đoan hồ đồ. Lại biết nhìn người xét ta, gặp dễ không tự phụ, chủ quan, kiêu ngạo; gặp khó không do dự, bi quan nản chí… thì mới mong thành đại sự. 

Đường Minh 

Exit mobile version