Đại Kỷ Nguyên

Tha thứ không phải là nhu nhược, mà là đặt mình ở vị thế cao hơn

Trong cuộc sống, phải mặt đối mặt với người mà mình không có thiện cảm luôn là một thử thách không hề dễ dàng. Khi tâm oán hận dâng đầy, đâu mới là cách xử trí thông minh nhất? Câu chuyện nhỏ dưới đây có thể cho bạn một lời gợi ý.

Người ta thường nói: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Có những mối hận thù thực sự ngùn ngụt như lửa cháy Hoả Diệm Sơn, không sao dập nổi.

Nhưng cũng lại có câu: “Oán thù nên giải, không nên kết”. Người quân tử không mang bụng dạ hẹp hòi, có thể bỏ qua thù hận cá nhân để vì đại nghiệp thì mới thực sự là bậc trượng phu.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung có thuật lại một câu chuyện rất hay về cách ứng xử của những bậc anh hùng khi đứng trước mâu thuẫn cá nhân.

Oan gia ngõ hẹp

Tạo hình Cam Ninh trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa” (1994). (Ảnh: fjxinzheng.com)

Nhà Đông Ngô, dưới sự trị vì của Tôn Quyền đã hùng cứ một phương, chia ba thiên hạ, thu gom được rất nhiều nhân tài kiệt xuất. Cam Ninh và Lăng Thống là những dũng tướng thiện chiến dưới trướng Ngô chủ Tôn Quyền.

Cam Ninh tự Hưng Bá, có sức vóc hơn người, lại có lòng nghĩa hiệp. Thuở đầu, Cam Ninh làm tướng cướp, sau mang quân đến theo Hoàng Tổ, lúc ấy đang là thái thú Giang Hạ. Tuy nhiên, Hoàng Tổ lại không nhìn ra tài nghệ của Cam Ninh, suốt 3 năm không hề để mắt trọng dụng.

Khi Hoàng Tổ bị Tôn Quyền đánh cho thua chạy tơi bời, chính Cam Ninh đã dũng cảm chặn hậu và bắn chết Hiệu uý Lăng Tháo, giải vây, cứu Hoàng Tổ một mạng. Dù vậy, sau đó Hoàng Tổ vẫn chỉ coi Cam Ninh là phường tướng cướp, quyết không trao cơ hội lập công.

Cam Ninh chán nản bỏ sang hàng Tôn Quyền và mau chóng được trọng dụng, trở thành mãnh tướng. Nhưng cũng chính từ đây, ông phải đối mặt với một mối mâu thuẫn không thể điều hoà.

Lăng Thống, bộ tướng của Tôn Quyền, vốn là con trai Lăng Tháo (người bị Cam Ninh bắn tên chết năm xưa). Lăng Thống vẫn mang lòng oán hận với mối thù giết cha. Nay Cam Ninh về chung một trướng lại thành ra “oan gia ngõ hẹp”.

Lăng Thống (phim “Tam Quốc diễn nghĩa” 1994) luôn mang lòng oán hận với Cam Ninh. (Ảnh: chnlung.cn)

Biết Lăng Thống vốn mang lòng thù, Cam Ninh cũng rất đề phòng, thường không mấy khi gặp gỡ. Tôn Quyền cũng lệnh cho Lăng Thống phải gạt tình riêng, không được báo thù. Thế nhưng trong lòng Lăng Thống vẫn chẳng thể nguôi.

Trong buổi tiệc ở nhà Lã Mông (một đại tướng Đông Ngô), cả Lăng Thống và Cam Ninh bất ngờ gặp mặt. Giữa tiệc, Lăng Thống ngà ngà say, nghĩ đến thù giết cha, đứng dậy nói: “Trong tiệc không có gì vui, xin được múa gươm giúp vui!”.

Cam Ninh chừng đoán được ý, cũng xô bàn tiệc đứng đậy hét to: “Mời các ngài xem tôi múa kích!”. Sau có người vào báo, Tôn Quyền vội vã tới bàn tiệc.

Hai tướng thấy chúa công đến, vội buông khí giới. Lăng Thống khóc lóc kể chuyện mối thù cha. Tôn Quyền lấy lời lẽ nhẹ nhàng, khuyên bảo mấy lần Thống mới thôi.

Quên thù riêng, một lòng vì đại nghiệp

Lăng Thống suýt bỏ mạng giữa trận tiền vì trúng kế gian của quân địch. (Ảnh: qulishi.com)

Năm 217, Ngô và Nguỵ giao chiến ở Hợp Phì. Tôn Quyền thân chinh dẫn quân ra trận. Bên phía nhà Nguỵ, Tào Tháo cử Trương Liêu làm tiên phong. Trong trận chiến ở cửa Nhu Tu, Lăng Thống vác đao ra giữa trận tiền đấu với Nhạc Tiến. Hai bên đánh nhau giằng co suốt 50 hiệp chưa phân thắng bại.

Quân Nguỵ có người lén bắn tên vào ngựa của Lăng Thống làm Thống ngã xuống đất ngay khi đang giao chiến. Nhạc Tiến thừa cơ xông tới đâm. Nhưng bỗng phía sau có tiếng dây cung tách một tiếng, một mũi tên găm thẳng giữa mặt Nhạc Tiến. Lăng Thống nhờ thế mà thoát chết.

Lăng Thống quỳ xuống tạ ơn Cam Ninh cứu mạng. (Ảnh: wxhaowen.com)

Về đến trại, Lăng Thống quỳ xuống tạ ơn Tôn Quyền. Quyền nói: “Bắn tên cứu ngươi chính là Cam Ninh đó!”. Thống nghe ra sửng sốt vô cùng, cúi đầu lạy Cam Ninh mà rằng: “Thật chẳng ngờ tướng quân lại bỏ oán mà làm ơn với tôi như thế. Tôi đã mạo phạm tướng quân nhiều lần, thật xấu hổ không dám nhìn mặt ai nữa!”.

Cam Ninh vội vực Lăng Thống đứng dậy, nguyện kết làm huynh đệ sống chết có nhau.

Oán thù nên cởi, không nên buộc

Cam Ninh và Lăng Thống nguyện giải bỏ oán thù, kết thành huynh đệ. (Ảnh: ilishi.com)

Thù hận có thể khiến con người mờ mắt. Có người vì lời thề trả thù mà bất chấp cả sinh mệnh, phải trái, đúng sai. Nhưng điều đó chỉ khiến “oan oan tương báo” chẳng bao giờ dứt, hận thù sẽ chỉ nối dài bằng thù hận.

Có thù không trả không đáng mặt anh hùng” vốn chỉ là một lý luận cực đoan, hết sức cực đoan. Kẻ anh hùng thực sự thì lấy đức báo oán, vị tha, bao dung, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng ân huệ để cởi bỏ thù hận.

Nếu trong tâm mãi ôm giữ mối hận, bạn chẳng thể nào mong cầu một phút bình an, hạnh phúc. Dẫu kết liễu kẻ thù, rửa nhục báo oán được chăng nữa, liệu người ta có cảm thấy thoải mái hay lại chuốc thêm một nỗi sợ hãi khác: Sợ mình sẽ lại bị trả thù? Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu?

Chỉ có tha thứ, bao dung mới là cách hoá giải những mối hận. Bao dung, tha thứ kẻ thù, trước hết là tự cứu vớt chính mình. Tâm oán hận là một con quái vật. Càng nuôi dưỡng nó nhiều, rồi sẽ có một ngày nó quay lại làm hại chính chúng ta. Lòng bao dung có thể giải trừ nó, tưới mát những mảnh hồn trước đó đã khô cằn vì thù hận, và giúp bạn thăng hoa.

Bởi vậy, bạn hãy luôn nhớ:

Sự tha thứ như dòng nước mát, tưới nguội đi ngọn lửa hận đang ngùn ngụt cháy thiêu. Tha thứ không phải là nhu nhược, khiếp sợ. Tha thứ là tự đặt mình ở một vị thế cao hơn.

Từ bi là dùng thiện lương để bao dung lấy tất cả, trước nhất là bao dung chính mình.

Thiện lương là phương thuốc thần hoá giải mọi oán hờn, thù hận. Một lời thiện lương có thể khiến lòng người chấn động, trời xanh phải đổ lệ.

Và cuối cùng, người biết tha thứ, bao dung, biết dùng thiện tâm để đối đãi với ngay cả chính kẻ thù của mình chính là người hạnh phúc nhất!

Văn Nhược

Exit mobile version