Đại Kỷ Nguyên

Tây Du Ký: Thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh là đại biểu cho sự tu hành của một người

Tranh vẽ Tây Du Ký (ảnh: Wikipedia).

Đọc kỹ Tây Du Ký, chúng ta  sẽ phát hiện quá trình thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, kỳ thực chỉ là sự miêu tả quá trình tu luyện của một người, trong đó 81 nạn trên đường thỉnh kinh cũng như yêu quái gặp phải, tất cả đều là những ma nạn mà một người tu luyện cần phải đối diện. Ở đây có thể thấy rõ một điều: Ngộ được chính đạo là điều không dễ dàng… 

Tu luyện chân chính là hình thức tu luyện thể hiện trong cuộc sống xã hội thường ngày. Với một người bình thường thì những ý niệm vui buồn oán giận trong cuộc sống chỉ là những điều nhỏ bé, nhưng đối với người tu luyện thì ngược lại, tất cả đều là những vấn đề cực kỳ quan trọng, là mấu chốt quyết định thành bại của người chân tu.

Người tu luyện chính là thông qua sự tiếp xúc với mọi người, với xã hội mà “ma luyện” chính mình, mà đề cao tâm tính. Trong đó huyền cơ thì lại chỉ có người tu luyện chân chính mới thấu tỏ, vậy nên trong bài này người viết sẽ không lấy việc thỉnh kinh để so sánh, nó sẽ khiến người thế nhân khó mà tiếp thụ. Ở đây chúng tôi chỉ mượn hình ảnh thầy trò Đường Tăng để liễu giải ẩn ý thâm sâu của người tu luyện giữa đời thường.

Vì sao lại nói năm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh kỳ thực lại là biểu hiện cho quá trình tu hành của một người?

Đường Tăng đại biểu chính niệm của một người tu luyện

Mặc dù trên đường đi thỉnh kinh, ma nạn trùng trùng, nguy hiểm vô số nhưng mỗi lần đối diện với quan nạn, Đường Tăng luôn thể hiện một lòng chính niệm, kiên định cầu được chân kinh, từ đầu đến cuối không hề mê lạc. Đây chính là đại biểu cho sự tín Sư tín Pháp của người tu luyện. Quá trình tu luyện cũng có thể nói là quá trình không ngừng kiên định, thành tín với Phật pháp, với Chân kinh. Cũng chính là để xem trong khi đối diện với khảo nghiệm, với muôn vàn thật giả lẫn lộn, với sự cám dỗ mê hoặc của thế tục muôn màu có thể một lòng kiên định không thay đổi hay không?

Có người tự nhận rằng mình rất tin vào Thần Phật, nhưng khi gặp phải nguy nan họ lại thường kêu lên “Mẹ ơi”. Thay vì nhớ đến Phật, họ sớm đã quên rằng mình là người tín Phật ắt sẽ được Phật bảo hộ chở che. Đây chính là sự thể hiện lòng thành, đức tin của bản thân đã thực sự tín Phật hay chưa? Khi gặp thời khắc mấu chốt, lúc khảo nghiệm lòng thành của họ thì họ lại quên đi mất Phật ở trên cao, họ chỉ nhớ tới mẹ mình. 

Lại có người nói mình tinh tấn thực tu nhưng ngược lại lúc nào cũng bận bịu lo toan cho cuộc sống cá nhân, mong sao cuộc sống được tốt hơn, mong sao gặp được bạn đời như ý, thay vì tinh tấn dụng tâm tu luyện họ lại bận tâm tới rất nhiều thứ khác. Cứ như vậy họ luôn phân vân đứng giữa hai con đường: tu luyện và đời thường, mãi không thể từ nội tâm mà buông bỏ những vui buồn thế tục. 

Lại cũng có người hiểu rõ sự thần thông quảng đại của Thần Phật, tu luyện chính là không nên sợ hãi mà cần phải chính niệm chính hành, nhưng họ lại sợ cái này sợ cái kia làm cho tự mình trói buộc chân tay không thể bước đi tinh tấn trên con đường thực tu, cứu độ chính mình.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Tôn Ngộ Không đại biểu cho siêu năng lực của người tu luyện

Một người chân chính tu luyện, từ khi bước trên con đường tu luyện, thì đã xuất ra rất nhiều công năng, chỉ có điều trong giai đoạn đầu, những công năng này chỉ có tác dụng ước chế tại không gian này mà thôi. Sau này cảnh giới tu luyện cao lên thì những công năng này lại được thay thế bằng Phật Pháp thần thông. Mà Phật Pháp thần thông lại có thể ước chế  các không gian lớn nhỏ trong vũ trụ, uy lực vô tỉ không gì sánh được. 

Một người bước trên con đường tu luyện chính là bước lên con đường siêu thường, đương nhiên sẽ có những năng lực vượt khỏi người bình thường. Công năng và thần thông của họ chính là sự biểu hiện cho thành tựu tu luyện của mình, là khả năng tự bảo hộ bản thân. Vậy nên người tu luyện trong quá trình tu luyện cần phải học cách vận dụng thần thông, pháp lực của mình. Họ cũng cần phải dũng cảm đối diện với tất cả vấn đề như Tôn Ngộ Không, lên trời xuống biển, thiên đàng địa ngục đều đi qua. Họ có thể vận dụng thần thông, pháp lực của mình để giải quyết những ma nạn tự thân gặp phải trong quá trình tu luyện. Trong quá trình vận dụng công năng của mình thì họ ngày càng biến thành cường mạnh, uy lực vô tỉ. 

Trư Ngộ Năng đại biểu cho phần thế tục của người tu luyện

Người tu luyện bất luận là có dũng mãnh tinh tấn thế nào thì vẫn là người đang tu, là người thì ắt có nhân tâm, điều thể hiện ra bên ngoài thường là những tâm chấp mê của người đời. 

Ví như tại hồi thứ 79:

“Tìm hang bắt quái gặp Thọ Tinh; Giữa điện dạy vua mừng nhận trẻ”, nguyên tác kể rằng:

Quốc vương cười nói:

– Trẫm mắc bệnh đã lâu mà chẳng khỏi. May nhờ quốc trượng ban cho một bài thuốc, các vị đã đủ cả, chỉ còn thiếu một vị thuốc dẫn mà thôi. Nay mời trưởng lão vào, xin ngài vị thuốc dẫn ấy. Nếu bệnh trẫm khỏi, trẫm sẽ lập miếu thờ trưởng lão, bốn mùa cúng tế, mãi mãi là hương hỏa truyền quốc của trẫm.

Đường Tăng giả nói:

– Tôi là người xuất gia, trần trụi vác thân người tới đây, không biết quốc trượng cần vị thuốc dẫn nào? Bệ hạ hỏi xem.

Hôn quân nói:

– Muốn cần đến bộ tim gan của trưởng lão.

Đường Tăng giả nói:

– Chẳng giấu gì bệ hạ, tim tôi có mấy loại, không biết bệ hạ cần loại màu gì?

– Hòa thượng kia, ta cần tới quả tim đen của nhà ngươi.

Đường Tăng giả nói:

– Đã như vậy, mau mang dao lại đây mổ bụng tôi ra, nếu có tim đen, xin tuân lệnh dâng lên.

Hôn quân mừng quá cảm ơn rối rít, sai ngay quan Đương giá mang tới mọt con dao tai trâu ngắn, đưa cho Đường Tăng giả.

Đường Tăng giả cầm dao trong tay, cởi luôn quần áo, ưỡn ngực tay trái xoa bụng, tay phải cầm dao xoẹt một tiếng, rạch đứt đôi da bụng, rồi từ ổ bụng một đống tim tuồn tuột chảy ra, làm cho quan văn tái mặt, tướng võ hoảng hồn. Quốc trượng đứng trong điện thấy vậy nói:

– Hòa thượng này sao lắm tim thế!

Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem, thấy toàn là những quả tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim đố kỵ, tim mưu mẹo, tim hiếu thắng, tim hãnh tiến, tim khinh mạn, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ sệt, tim tà vọng, tim vô danh, tim mờ ám… toàn là các loại tim xấu xa, chẳng thấy có một quả tim đen nào. Hôn quân sợ quá như dại như ngây, chẳng nói nên lời, run rẩy lắp bắp nói:

– Hãy cất đi! Hãy cất đi!

Ảnh chụp màn hình từ Youtube.

Kỳ thực những tim này đều là tâm người thường, đều là những tâm người tu luyện cần bỏ, chỉ khi nào trừ sạch những tâm này mới có thể công thành viên mãn. Đương nhiên người thường vẫn là người thường, người thường là dựa vào lý tưởng, vào truy cầu mà sống. Có người truy cầu cả đời vẫn không được thứ gì, có người trong mệnh đã có, vốn dĩ không cần nỗ lực cũng có được những điều mình muốn nhưng họ lại tự làm khó chính mình, tranh tranh đấu đấu cả đời cơ cực. Người thường chính là vậy, người tu luyện thì lại cần nhảy ra ngoài cái lý của người thường, cần phải dựa theo chân lý của Phật pháp mà chỉ đạo bản thân.

Sa Ngộ Tĩnh đại biểu cho phía chính thường của người tu luyện

Xuyên suốt Tây Du, chúng ta luôn thấy một hình ảnh Sa Tăng cần cù chịu khó, vất vả không nản, khó khăn không lùi, điềm đạm, chân thành, trung thực, không bao giờ bị cám dỗ bởi những điều trần tục nơi nhân thế. Bởi vậy mới nói Sa Ngộ Tĩnh chính là đại biểu cho phía chính thường của người tu luyện: Người tu luyện chính là bảo trì tâm thái thanh tỉnh, không có vọng niệm ham muốn những điều thế tục, một lòng lấy Pháp làm thầy, không ngừng tinh tấn tu luyện, trước sau như một. Có như vậy thì khi đối diện với ma nạn khảo nghiệm mới thể hiện được sự thanh tỉnh của người chân tu.

 Bạch Long Mã đại biểu cho sự nhẫn nại và dũng mãnh của người tu luyện

Bạch Long Mã mang vác hành lý và cõng Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, có thể nói đó là công lao không hề nhỏ. Người tu hành cần có tinh thần này: một mực tiến về phía trước bất luận khó khăn ra sao cũng vượt qua, trèo đèo lội suối, lên thác xuống ghềnh đều không quay đầu chùn bước. Chuyện qua đi đã là dĩ vãng, bất luận làm tốt hay không, việc buồn hay vui đều không bận tâm đến nữa, chỉ chuyên tâm một lòng đối đãi với những việc trước mắt. Người tu hành chính là bước trên con đường xả bỏ, không còn vấn vương chuyện cũ đã qua. Nguyên nhân bởi người chân tu hiểu rằng nhanh chóng tu luyện đến viên mãn mới là đích cuối của người tu. 

Giống như Đường Tăng, vạn khó không từ, một lòng thành tâm hướng Phật.

Giống như Ngộ Không, rèn giũa và vận dụng thần thông, pháp lực của bản thân để đối kháng yêu ma can nhiễu.

Giống như Bát giới, cần luôn giới bỏ những tâm người thường.

Giống như Sa Tăng, thanh tỉnh thực tu.

Giống như Bạch Long Mã, tinh thần dũng mãnh luôn luôn kiên nhẫn tiến về phía trước.

Đây chính là đại biểu cho một người tu luyện chân chính giữa đời thường vậy.

Quả đúng là:

Tu luyện như chống thuyền vượt thác
Đừng buông lơi, sóng sẽ cuốn thụt lùi
Nào tinh tấn phăng chèo vươn tới trước
Nơi cuối nguồn Thệ ước, Cố hương mong…

(Vô danh cư sỹ).

Vũ Minh 
Theo Zhengjian

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

Exit mobile version