Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo để lại 4 tuyệt chiêu dùng người, ai lĩnh hội được chắc chắn thành nghiệp lớn

Tào Tháo để lại 4 tuyệt chiêu dùng người, ai lĩnh hội được chắc chắn thành nghiệp lớn

Tào Tháo không chỉ nổi danh anh hùng cái thế, mưu lược hơn người mà còn có cách nhìn người, dùng người thiên hạ hiếm người sánh kịp.

1. Chỉ cần là người có tài thì sẽ đề bạt, tiến cử, tìm kiếm người tài là chuyện vô cùng khẩn cấp (Duy tài thị cử, cầu tài nhược khát)

Thời kỳ Tam Quốc, trong quá trình xây dựng quyền lực của mình, vì muốn tìm kiếm người tài, Tào Tháo tổng cộng đã ba lần ban “cầu hiền lệnh” (lệnh cầu người tài đức). Cùng thời đại của ông, không có người nào từng làm chuyện này.

Lần đầu tiên là vào năm Kiến An năm thứ 15 (năm 210), trong chiếu cáo viết rằng: “Từ xưa các bậc quân vương chịu mệnh trung hưng, ai chẳng được các bậc hiền nhân quân tử cùng hợp sức để trị thiên hạ! Những bậc hiền tài như vậy, thường không ra khỏi cổng làng, há chẳng thể cùng họ tương ngộ hay sao? Chỉ sợ rằng người trên không tìm được họ thôi. Nay thiên hạ vẫn chưa được bình định, cũng là lúc đặc biệt cần đến hiền tài. Mạnh Công Tước làm gia thần của họ Triệu, họ Ngụy thì dư tài nhưng lại không thể làm đại phu ở những nước nhỏ như Đằng, Tiết.

Nếu như nhất định phải mong chờ kẻ sĩ thanh liêm thì Tề Hoàn Công làm sao có thể xưng bá một phương? Chẳng lẽ không có một ai mặc áo thô vải rách nhưng lại ôm hoài bão lớn trong người giống như Khương Tử Nha ngồi bên Vị Thủy câu cá sao? Chẳng lẽ cũng không có một ai giống như Trần Bình sau khi chịu ô danh tư thông với chị dâu, nhận hối lộ nhưng vẫn có duyên gặp gỡ trở thành mưu thần cho nhà Hán? Các ngươi phải giúp ta tìm được những nhân tài bị mai một giống như vậy trong nhân gian, chỉ cần họ có tài thì phải tiến cử, ta có được họ là trọng dụng“.

Lần thứ hai là vào Kiến An năm thứ 9, trong cáo thị viết rằng: “Người có đức chưa chắc đã có tài, mà người có tài cũng chưa hẳn có đức. Trần Bình trung hậu, thật thà, còn Tô Tần là người thủ tín sao? Trần Bình định Hán nghiệp, Tô Tần tế nhược Yên. Người tài cũng có khiếm khuyết, chỉ cần “ở mức chấp nhận được” vẫn có thể dùng, nếu hiểu ra được đạo lý này thì sẽ làm nên đại nghiệp“. Trong lịch sử, Trần Bình là thần tử của nhà Hán, Tô Tần phò tá nhà Yên, sau lại đến nước Tề làm quan, cả hai vị này đều cống hiến mưu lược, kế sách khiến cho đất nước của họ trở nên mạnh hơn.

Lần thứ ba vào Kiến An năm 22, Tào Tháo viết rằng: “Theo truyền thuyết những vị anh hùng tài năng đều xuất thân bần hàn, Quản Trọng từng là kẻ địch của Tề Hoàn Công nhưng sau được trọng dụng nên mang lại sự hưng thịnh cho đất nước. Tiêu Hà, Tào Sâm cũng bắt đầu từ chức quan nhỏ, Hàn Tín, Trần Bình cũng từng chịu ô danh, bị người đời cười chê nhưng họ cuối cùng đều giúp đỡ hoàng đế hoàn thành đại nghiệp, ghi danh thiên cổ. Ngô Khởi giết vợ để nhận được tín nhiệm, lên làm tướng lĩnh, dùng tiền mua chức quan, mẫu thân qua đời cũng không trở về chôn cất, nhưng khi ông ở nước Ngụy, nước Tần không dám xuất binh về phía đông, khi ông ở nước Sở thì Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy) không dám xuất binh về hướng nam xâm lược. Khi ông nắm quyền ở nước nào đều làm cho nước đó trở nên cường thịnh, mở mang bờ cõi, các nước khác không dám đến xâm lược.

“Bây giờ trong thiên hạ sao lại không tồn tại những người như vậy đang hoà lẫn trong bách tính chứ? Hoặc những người quyết đoán, dũng cảm, liều mạng chiến đấu với địch, những người có tính cách và thói quen thô tục, nhưng tài năng cực cao, khí chất khác người có thể làm tướng đảm nhiệm vị trí phòng thủ. Những người từng mang ô nhục, từng bị cười chê, từng bất nhân bất hiếu, nhưng có bản lĩnh dụng binh đánh trận hay chính trị, mọi người đều phải tiến cử khi đã hiểu rõ về nhân tài, không thể bỏ lỡ”. 

Muốn tìm kiếm người tài tất nhiên không chỉ dựa vào một tờ cáo thị, nhưng ba đạo “lệnh cầu hiền” này tất nhiên cũng không phải không có tác dụng. Khát vọng có thể tìm được người tài giỏi được Tào Tháo viết trên cáo thị vô cùng sống động, khiến cho người khác không khỏi cảm động. Sự thật cũng là như vậy, chỉ cần có cao nhân đến, Tào Tháo sẽ vô cùng kích động không thể tự khống chế được, sự vui mừng đều thể hiện lên mặt.

Năm 191, Tuân Úc rời khỏi Viên Thiệu đầu quân cho Tào Tháo, được Tào Tháo khen ngợi là “Ngô chi Tử Phòng” (Tử Phòng là Trương Lương, mưu sĩ của Lưu Bang, vì vậy ý của Tào Tháo chính là Tuân Úc là mưu sĩ, quân sư của ngài). Kiến An năm thứ 5, Hứa Du cũng bỏ Viên Thiệu đầu quân cho Tào Tháo khiến cho ngài vui vẻ không ngừng, nghe tin Hứa Du đến ngài đã tự mình ra đón, cười nói: “Tử Viễn, khanh đến, đại sự tất thành“.

2. Nghe ý kiến của thần tử, không chuyên quyền độc đoán (Tập quần sách, dụng quần lực, bất cảo nhất ngôn đường)

Khắp cả Hán Ngụy không một ai có bản lĩnh sử dụng người cao hơn Tào Tháo, trong một xã hội chuyên chế, sợ nhất là hôn quân độc đoán chuyên quyền, không nghe lời can gián của thần tử , không có tác phong dân chủ, hoàn toàn không chừa đường cho quần thần có ý kiến.

Đối với điểm này Tào Tháo vô cùng rõ ràng, vì vậy Kiến An năm 11 mới ban ra “lệnh cầu hiền”, ý muốn mở ra một con đường ngôn luận, khuyến khích mọi người đưa ra ý kiến, hiến ra sách lược. Điều này nó rõ rằng Tào Tháo không phải là một người độc đoán chuyên quyền, cũng kiên quyết phản đối những kẻ bề ngoài thuận theo nhưng trong lòng không tán thành.

Mà sự thật cũng chứng minh, những chiến thắng của Tào Tháo từ trong quần hùng cuối thời Hán tuyệt đối không phải nhờ vào chuyên quyền độc đoán, mà là nhờ vào việc tiếp nhận ý kiến của các mưu thần. Ví dụ như Tuân Úc, Quách Gia, Hứa Du… đều đưa ra ý kiến đúng đắn trong những thời khắc quan trọng, cống hiến sách lược. Mỗi lần thắng trận, lúc luận công ban thưởng, Tào Tháo ban thưởng cho Tuân Úc – người đa mưu túc trí, đã tích cực hiến nhiều kế sách, đồng thời cũng không quên Quách Gia và các mưu thần khác. Cũng nhiều lần nhấn mạnh, đưa ra giải thưởng lớn cho những thần tử có công lao đưa ra mưu lược trong việc “bình định thiên hạ”.

3. Biết cách dùng người, coi trọng đại cục, giữ vững đoàn kết (Dụng nhân trọng đại cục, giảng đoàn kết)

Kiến An nguyên năm (cuối năm 196 – tháng 2 năm 220), Lưu Bị bị Lữ Bố đánh bại cho nên chạy đến muốn đầu quân cho Tào Tháo. Trình Dục, một mưu sĩ của Tào Tháo đã nói rằng: “Lưu Bị vừa có tài lại vừa có đức, là một vị anh hùng được lòng dân chúng, cho nên tuyệt đối không phải là người dưới trướng của người khác, không bằng nên sớm diệt trừ hậu họa“. Nếu đứng trên lập trường chính trị thì kiến nghị của Trình Dục không phải không có đạo lý, nhưng Tào Tháo lại có suy nghĩ khác. Ngài nói: “Vẫn nên thu phục anh hùng, bởi vì nếu giết một người nhưng đánh mất lòng của cả bách tính thì tuyệt đối không được“.

Trong nhóm quần hùng ở thời kỳ đầu, tài năng của Tào Tháo rõ ràng cao hơn những cao nhân khác một bậc, biết cách dùng người lại coi trọng đại cục, cũng biết được trong thời kỳ chiến loạn cần nhất là sự đoàn kết. Trở thành cốt lõi của tập đoàn chính trị, Tào Tháo có thể dùng tâm tư của mình đi suy đoán tâm tư của người khác, thưởng phạt vô cùng nghiêm minh. Điều này có thể ổn định lòng quân và củng cố hàng ngũ nội bộ, đây là một đạo lý hết sức hiển nhiên.

Giống như sau trận chiến Quan Độ, Tào Tháo phát hiện ra một số lớn thư từ qua lại của thủ hạ dưới trướng Tào Doanh và Viên Thiệu, phát hiện này đương nhiên khiến cho Tào Tháo chấn động. Nhưng nếu như xử lý không thích hợp, thì sẽ gieo xuống hạt giống nội loạn.

Nhưng ngay sau đó, Tào Tháo vô cùng bình tĩnh và quả đoán quyết định “đốt bỏ”. Ngài chỉ nói: “Lúc Viên Thiệu lớn mạnh ta còn không bảo vệ được cho chính mình thì huống chi mọi người?” Câu nói này khiến cho những kẻ có vấn đề an tâm, cũng loại bỏ vấn đề nội loạn, củng cố đoàn kết trong lòng quân.

4. Dùng người không chỉ có một cách, cho dù thân hay thù đều có thể dùng (Dụng nhân bất câu nhất cách, thân thù bất tị) 

Nếu như dùng người thân tín thì không có gì đáng nói, nhưng nếu trọng dụng kẻ thù, và những kẻ đầu hàng thì vô cùng đáng giá để bàn luận. Ví dụ như trường hợp của Trương Tú. Trương Tú hàng Tào vào Kiến An năm thứ 2, cuối cùng hối hận nên giở trò phản phúc, quay đầu đánh bại Tào quân. Bản thân Tào Tháo phải chịu tai vạ, ngay cả con trai lớn Tào Ngang và cháu trai Tào An đều bỏ mạng trong trận chiến này.

Đây rõ ràng là huyết hải thâm thù, cho dù là ai cũng không thể bỏ qua. Nhưng đến Kiến An năm thứ 4, Viên Thiệu không nghe lời khuyên của mưu sĩ Điền Phong, lãnh hàng chục vạn quân binh tiến về phía nam muốn tiêu diệt Tào quân. Trương Tú vốn dĩ là người vì Viên Thiệu bán mạng nhưng trước khi trận chiến Quan Độ diễn ra lại chạy đến quy hàng Tào. Tào Thào làm như không có chuyện gì, chấp nhận Trương Tú quy hàng, còn thăng quan tiến chức cho hắn, phong làm Liệt Hầu. Cách dùng người này quả thật hiếm có, phản ánh được khí độ phi phàm của một nhà chính trị gia.

Cũng giống như Kiến An năm thứ 9, sau khi Tào Tháo công phá thành công đại bản doanh của Viên Thiệu, “Tào Tháo đến khóc trước phần mộ của Viên Thiệu, an ủi sự vất vả của vợ Viên Thiệu, đem báu vật trả lại cho những người khác, ban cho tơ lụa vải vóc, lương thực“. Rất nhiều nhà sử học cổ cho rằng đây chỉ là một mưu lược của Tào Tháo vì con đường chính trị sau này của mình.

Đứng trên góc độ đạo đức Nho gia, cách đánh giá này không phải không có đạo lý, nhưng Tào Tháo là một chính trị gia, chứ không phải là nhà đạo đức. Cho nên Tào Tháo chỉ thông qua hình thức này để chứng minh cho người đương thời biết được sau khi ngài đánh bại đối thủ thì vẫn còn lại lòng từ bi trắc ẩn của một anh hùng.

Điều này có tác dụng cảm hóa tâm linh và uy nhiếp đối với những đối thủ của Tào Tháo. Đồng thời cũng làm nổi bật khí độ chính trị gia của ngài. Cũng cho thấy tài năng tuyển dụng nhân tài của Tào Tháo phi phàm, hơn hẳn thế tục.

Nguồn ảnh: Phim “Tân Tam Quốc” 2010.

Theo read01.com 
Khải Phong biên dịch 

Exit mobile version