Đại Kỷ Nguyên

Tâm vô tư thì trời đất khoáng đạt, tâm vô cầu thì không lo được mất

Xuân hạ thu đông, bốn mùa luân chuyển. Mây nước gió trăng, cái đẹp sẵn ở đó tự nghìn xưa. Nhưng trên cõi đời người ta thường bận rộn ngược xuôi vì danh lợi, được mất, nên rốt cuộc chẳng mấy ai thưởng thức được cái đẹp của sơn thuỷ hữu tình.

“Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc,

Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”.

(“U song tiểu ký”)

Hai câu thơ phía trên nghĩa là:

Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn,

Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan.

Người có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa phù dung sớm nở tối tàn, thì có thể giữ nội tâm thuần khiết như hoa sen. Người có thể coi danh – lợi – tình – tiền đến rồi đi tựa mây tụ mây tan, thì có thể đạt được cảnh giới vân du thanh thản.

Hướng Mẫn Trung, vị đại thần thời Tống phải chăng là một người như thế?

***

Vào thời Hoàng đế Chân Tông, Hướng Mẫn Trung được bổ nhiệm làm quan Hữu bộc xạ (tương đương với Tể tướng). Ngày hạ chiếu thư bổ nhiệm chức quan cho Hướng Mẫn Trung, Hoàng thượng nói với Hàn lâm học sĩ Lý Tông Ngạc: “Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, chưa từng bổ nhiệm quan Bộc xạ. Ngày hôm nay bổ nhiệm Mẫn Trung nhậm chức quan này, đây không phải là một sự bổ nhiệm tầm thường. Mẫn Trung chắc là rất vui mừng”.

Lý Tông Ngạc trả lời: “Thần từ sáng sớm hôm nay đã vào trong cung rồi, cũng không biết đã tuyên bố chiếu thư, không hiểu giờ này Mẫn Trung như thế nào?”.

Hoàng đế nói: “Trong nhà Mẫn Trung hôm nay khách đến chúc mừng nhất định là rất đông, khanh qua nhà ông ta xem thử, rồi ngày mai trở lại báo cáo cho Trẫm. Không nên nói ấy là chủ ý của Trẫm”.

Tông Ngạc chờ Mẫn Trung về nhà rồi mới tới bái kiến. Trước cửa phủ Tể tướng yên lặng không có một bóng người. Lý Tông Ngạc và Hướng Mẫn Trung vốn là bạn thân, nên Tông Ngạc đi thẳng vào trong phủ gặp Tể tướng, chúc mừng nói: “Hôm nay nghe nói có chiếu thư bổ nhiệm Ngài, các quan sỹ đại phu đều rất vui, cả nước đón mừng”.

Hướng Mẫn Trung chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Tông Ngạc lại nói: “Từ khi đương kim Hoàng thượng lên ngôi tới nay chưa từng bổ nhiệm chức Bộc xạ, đây không phải là sự bổ nhiệm tầm thường. Nếu không có đức cao vọng trọng, Hoàng thượng làm sao tin tưởng như vậy được?”.

Hướng Mẫn Trung vẫn chỉ trả lời lấy lệ, rốt cuộc thực ra là chẳng nói gì.

Tông Ngạc rời khỏi gian nhà chính, phái người đến phòng bếp, hỏi hôm nay trong phủ Tể tướng có yến tiệc chiêu đãi khách khứa bà con gì hay không. Người trong bếp cũng nói trong phủ Tể tướng hôm nay yên tĩnh không người.

Ngày hôm sau Tông Ngạc lên triều, Hoàng thượng hỏi: “Hôm qua có tới gặp Mẫn Trung không?”.

Tông Ngạc trả lời: “Bẩm đã gặp ông ấy rồi”.

Hoàng thượng lại hỏi: “Tâm ý của Mẫn Trung ra sao?”.

Tông Ngạc đem những gì mình thấy báo cáo cả lại.

Vua cười nói: “Hướng Mẫn Trung thật sự là không quan tâm đến chuyện được mất, trong tâm không nghĩ gì đến quan tước”.

Từ cổ chí kim, phần lớn những chuyện thăng quan phát tài đều khiến người ta mừng vui chúc tụng, còn Hướng Mẫn Trung đối diện với quan cao lộc hậu thì hoàn toàn bình thản. Phải chăng đây chính là cảnh giới của:

“Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn,

Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan” ?

***

Tôi thích tĩnh tâm và quan sát mặt biển yên bình sau giông bão, thích ngưng thần mà ngắm nhìn thiên không trong sạch sau cơn mưa. Mặt biển sau cơn bão thì gió lặng sóng tĩnh, khiến nhân tâm khoáng đạt và hạnh phúc; thiên không trong sạch sau trận mưa lớn thì như tẩy thành khiết tịnh, khiến người cảm nhận vạn vật được thanh tân.

Tâm vô tư thì trời đất khoáng đạt, tâm vô cầu thì không lo được mất. Kiên trì giữ vững tâm linh cao quý, nhưng không có cái nhìn phân biệt khinh khỉnh với người đời. Trên hành trình cuộc sống, thì chỉ là bản thân tự hỏi lòng không thẹn, chiểu theo con đường chính Đạo mà đi, không cần quan tâm việc bình thuyết với người khác.

Thanh Ngọc

Tham khảo Chánh Kiến, Minh Huệ

Exit mobile version