Đại Kỷ Nguyên

Tầm đạo trên núi Võ Đang (P.7): Tinh hoa cung quán, 600 năm triển hiện Thần tích

Đỉnh ngọn Thiên Trụ Phong, hệt như một chú rùa Thần, đang bơi ngược xuôi giữa biển mây nhẹ trôi. Trên đỉnh các ngọn núi, Tiên khí đất trời hòa hợp, nhìn xuống cõi nhân gian, vừa có vẻ tiêu diêu của Thần linh, lại có lòng từ bi của Thiên Đế. Trên lưng rùa, ánh vàng kim lấp lánh lúc ẩn lúc hiện, dường như đang chăm chú nhìn xa xăm mà uy nghiêm, trở thành đỉnh núi cao mà người đời lễ bái.

Tiếp theo: Phần 1Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5Phần 6.

Nguồn gốc ánh vàng kim này, chính là điện vàng (Kim Điện) Thái Hòa Cung – công trình kiến trúc tinh hoa nhất trong quần thể cung quán Võ Đang xây dựng đời Minh. Không biết bắt đầu từ khi nào, trong dân gian lưu truyền lời nói này: Leo đỉnh Thiên Trụ Phong, thăm bái Thái Hòa Cung, mới được coi là đã đến Võ Đang thực sự. Mà đằng sau Kim Điện ẩn chứa huyền cơ, biểu lộ lòng thành kính và lễ ngộ cao nhất của một đời quân vương đối với Huyền Vũ Đại Đế.

Trải qua các triều đại phát triển, ngọn núi lớn này trở thành một bức cuốn họa không ngừng chuyển sang cảnh mới, nối tiếp nhau triển hiện vô số dấu tích tu Tiên, điện Thần. Chúng có sứ mệnh và cơ duyên khác nhau, kết duyên với Võ Đang rồi lại ẩn biến đi, dường như là những nét bút tiếp nối nhau, chỉ để tôn lên vẻ huy hoàng đỉnh cao tột bậc của Võ Đang mà triều đại này xây dựng.

Kim Điện núi Võ Đang. (Ảnh: Epoch Times)

Kim Điện tuyệt đỉnh – Tinh hoa của cung quán Võ Đang

Năm Vĩnh Lạc thứ 14 (năm 1416), một đạo thánh chỉ đặc biệt theo một đoàn quan thuyền, từ Bắc Kinh khởi hành đi về hướng núi Võ Đang. Ý của đạo thánh chỉ này giữa các hàng chữ, tiết lộ sự quan tâm sâu sắc và thận trọng của Minh Thành Tổ: “Thuyền bè dọc đường đi phải hết sức chú ý cẩn thận, gặp ngày nắng ráo sáng sủa, gió nước thuận lợi mới được đi. Trên thuyền phải hết sức gọn gàng sạch sẽ, không được nấu ăn”. Trên thuyền rốt cuộc là hộ tống thánh vật như thế nào, lại khiến một vị hoàng đế khẩn thiết dặn dò, ngày ngày lo lắng như vậy?

Mở khoang thuyền ra, nhóm thợ núi Võ Đang kinh ngạc thích thú bởi ánh hoàng kim chói mắt, đó là trên 3.000 linh kiện xây dựng điện đúc bằng đồng ròng. Sách “Đại Nhạc Thái Hòa sơn chí” chép: “Đại Nhạc Thái Hòa Cung… hoàng thượng đặc biệt coi trọng việc này, luyện đồng làm điện, trang trí bằng vàng”. Thì ra, tâm nguyện lớn nhất của Thành Tổ, chính là theo quy chế hoàng cung, dựng một ngôi điện đồng trên đỉnh ngọn Thiên Trụ Phong. Có người đã thống kê, những linh kiện này, đã dùng 20 tấn đồng ròng và hàng trăm cân vàng, ngôi điện Thần diệu tinh mỹ, xa hoa phú lệ, trước đây chưa từng có và sau này cũng không thể có.

Kim Điện Thái Hòa Cung là công trình vĩ đại nhất, gian nan nhất khi xây dựng các công trình cung quán Võ Đang. Khó khăn bày ra trước mắt nhóm thợ, không chỉ làm thế nào vận chuyển chúng lên vách đá cheo leo dựng đứng, và còn làm thế nào xây dựng đài, nền móng, làm thế nào lắp ghép, hàn nối, làm thế nào nổi bật địa vị “Vạn thừa độc tôn” của điện đồng trong núi. Quá trình từ “3.000” trở thành “1”, đã hội tụ trí tuệ và tay nghề cao siêu nhất của những người thợ thời cổ đại, đồng thời đã sáng tạo ra nhiều kỳ quan kiến trúc chưa từng có trong lịch sử.

Những người thợ đã lợi dụng kết cấu ghép mộng của kiến trúc gỗ, ghép nối từng tý từng tý một, cuối cùng đã đem “nhiều” biến thành “ít” một cách Thần kỳ – Thần Điện đúc đồng dát vàng mái cong hai tầng như kết cấu gỗ. Mỗi chi tiết đều được ghép lại cẩn mật, chính xác, cấu thành môi trường trong phòng tránh gió, giữ khí tuyệt đối. Mà kiệt tác thủ công hoàn toàn nhất thể, không có dấu vết lắp ghép nào, có được nhờ một công nghệ chế tác đã bị thất truyền từ lâu.

Tương truyền, trước khi những người thợ tổ hợp, trước tiên lấy thủy ngân gia nhiệt nóng chảy, lấy vàng dát thành miếng mỏng, cho tan vào thủy ngân nóng thành “bùn vàng”. Khi tổ hợp, lấy bùn vàng trát lên vị trí nối giữa các linh kiện đồng, dùng lửa than đốt để thủy ngân bốc hơi. Như thế này, giữa các linh kiện đồng chỉ còn lại vàng ròng, vừa vặn bít các mối nối của các linh kiện. Những người thợ ở tận trên cao núi Võ Đang, dùng hết các phương thức sức người, sáng tạo ra nghệ thuật kiến trúc gần với tự nhiên, cũng chẳng phải là hợp với cảnh giới chí cao của Đạo gia “Đạo thuận theo tự nhiên”, “Thiên nhân hợp nhất” đó sao?

Tranh “Lửa sét luyện điện” Kim Điện núi Võ Đang. (Ảnh: Epoch Times)

Lửa sét luyện điện, 600 năm Thần tích vô tận

Con người hôm nay leo lên đỉnh Thiên Trụ Phong, liền có thể thấy được thần thái của Kim Điện Thái Hòa Cung tọa lạc phía Tây nhìn ra phía Đông. Trên nóc điện là hai con rồng đối nhau, ngoài điện là đôi hạc đứng thảnh thơi, thụy thú tiên cầm như những vệ sỹ trung thành, hộ vệ tượng Thần Huyền Vũ Đại Đế. Trên đàn Thần ở Kim Điện có thờ pho tượng đồng Huyền Vũ bằng kích thước người thật, ông xõa tóc chân trần, đả tọa trấn trên đỉnh Võ Đang 600 năm.

Hai bên tượng Huyền Vũ có tượng Kim Đồng Ngọc Nữ, hai tướng Thủy – Hỏa và hợp thể quy – xà dưới đàn, tượng nào cũng sinh động xuất thần. Tượng Thần trong điện và đồ thờ, bàn ghế đều là công nghệ đúc đồng dát vàng, cho đến ngày nay vẫn giữ được màu đồng tía tươi sáng, cao quý. Kỹ thuật cao siêu, ắt sẽ là thần thoại viết sách truyền thế. Có rất nhiều cảnh quan thần kỳ có liên quan đến Kim Điện, cho đến nay vẫn là những ẩn đố mà người đời nay khó lòng giải được.

Từ ngày Kim Điện khánh thành, ngày đêm bầu bạn với tượng Thần Huyền Vũ, còn có một ngọn đuốc sáng rực, không lay động, không nghiêng lệch, chiếu sáng bất diệt mãi đến ngày nay. Hãy nghĩ xem trên đỉnh núi cao, gió lớn mưa tuyết và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, yếu tố nào cũng có thể dễ dàng dập tắt ánh đuốc. Nhưng, ngọn đuốc này từ ngày đầu tiên thắp sáng đến nay, vẫn luôn giữ được hình dáng ban đầu. Do trong giếng Tảo Tỉnh trong điện có một viên “Định phong châu”, mọi người nói đó là bí mật ngọn đuốc sáng mãi.

Mà nhìn từ tổng thể công nghệ đúc chế tạo Kim Điện, ba mặt kín gió, cửa điện được thiết kế đặc biệt, cũng có thể ngăn được gió mưa từ bên ngoài, do đó bất kể là từ góc độ nào, các vật bên trong điện đều được bảo vệ tốt nhất. Người cổ xưa quen với việc gắn tuổi thọ của mình với một ngọn đèn dầu, mà ngọn đèn sáng mãi của Kim Điện đúng là tượng trưng cho Huyền Vũ Đại Đế tồn tại vĩnh hằng từ thời cổ đại, nó thắp sáng chính là tâm linh của tất cả những người kính Trời sùng Đạo.

Một ngày nọ đời Minh, Võ Đang đón nhận một đêm mưa to sấm sét. Cùng với những âm thanh kinh thiên động địa, mấy luồng sét xé toạc bầu không, đánh trúng vào Kim Điện, từng quả cầu lửa lớn bỗng chốc lăn tròn trên mái và trên tường điện, toàn bộ đỉnh núi hiện ra cảnh tượng uy nghiêm ánh lửa ngút trời, sáng rực chói mắt. Sau khi trời quang mây tạnh, người Võ Đang kinh ngạc vui mừng phát hiện ra, Kim Điện được thượng Thiên tẩy luyện, các dấu vết gỉ và bụi bẩn đã được thanh tẩy sạch bóng, không những không bị tổn hại tý nào, mà lại càng rực rỡ huy hoàng, Thần quang thánh khiết hơn trước.

Đây chính là lửa sét luyện điện – kỳ quan kinh tâm động phách nhất của Võ Đang. Người ngày nay nghiên cứu phát hiện rằng, do cả tòa điện là vật dẫn điện rất tốt, gặp sét đánh, liền xuất hiện hiện tượng như là lửa điện thiêu đốt. Không cần bất kỳ thiết bị chống sét hiện đại nào, Kim Điện vẫn an nhiên vượt qua mỗi lần mưa dông sét  đánh. Không chỉ có vậy, đây còn là phương thức huyền diệu, tự nhiên nhất tự làm sạch của điện, vĩnh viễn thờ phụng Huyền Vũ Đại Đế bằng hình thái thanh khiết nhất.

Mỗi dịp mưa lớn sắp đến, tòa Kim Điện này sẽ xuất hiện hiện tượng kỳ thú “Hải mã phun mây”, “Tổ Sư đổ mồ hôi”. “Hải mã phun mây” là nói đến tượng hải mã trên nóc điện phun ra khói trắng, đồng thời kèm theo tiếng rống “Ù ù”. “Tổ Sư đổ mồ hôi” là nói đến tượng Thần trong điện đổ mồ hôi ướt hết lưng như con người, khắp thân xuất hiện các hạt nước nhỏ li ti. Nếu có duyên, mọi người có thể tiếp tục được chiêm ngưỡng khí thế trang nghiêm của “Lửa sét luyện điện”

Kiến trúc đúc đồng cao cấp, độc đáo như thế này, trên toàn cõi Trung Hoa không có cái nào sánh nổi. Vị trí đỉnh cao tối thượng của Võ Đang, đang triển hiện Thần lực của Huyền Vũ Đại Đế chí cao vô thượng, và lòng sùng kính không lay chuyển của đế vương và thần dân.

Tử Kim Thành núi Võ Đang. (Ảnh: Epoch Times)

Đại Nhạc Thái Hòa, triều Minh tôn sùng

Sơn chí thống kê, trong mười mấy năm xây dựng cung quán, Thành Tổ đã ban hành hơn 30 chỉ dụ, văn bia cho núi Võ Đang, từ điều động nhân lực đến phê duyệt bản vẽ, từ mua sắm đồ dùng cung quán cho đến xử lý vật liệu dư thừa sau khi xây dựng, bất kể việc to nhỏ, ông đều xem xét định đoạt.

Có lẽ Thần tích của Kim Điện cũng đã đem lại cho quân vương, thần dân triều Minh nhiều chấn động. Năm Vĩnh Lạc thứ 15 (năm 1417), Thành Tổ ban một đạo chỉ dụ đặc biệt, ban tên cho núi Võ Đang là “núi Đại Nhạc Thái Hòa”, đồng thời sắc phong tên mới cho các cung quán lớn. “Đại Nhạc”, là một cái tên có địa vị vượt trên “Ngũ nhạc”, đã nói rõ trong lòng Thành Tổ, Võ Đang đã là đệ nhất Thần sơn độc tôn thiên hạ.

Từ năm Vĩnh Lạc thứ 17, công trình xây dựng núi Võ Đang dần dần đi vào hồi kết, những người thợ đang xây dựng thêm các công trình am miếu, đình đài, tường bao, cầu, v.v… ở chỗ trống giữa các đỉnh núi non hiểm trở, đồng thời điêu khắc hàng loạt tượng Thần để đặt trong các cung quán. Năm đó, Thành Tổ lại ban hành một thánh chỉ cho quan chức chủ trì việc thi công, xây dựng một bức thành bao cho Kim Điện, tên là “Tử Kim Thành”. Thành này và Tử Cấm Thành Bắc Kinh chỉ khác nhau một chữ, có lẽ là một công trình gian nan cuối cùng của Võ Đang.

Thần Huyền Vũ tôn là Thiên Đế, Kim Điện mà ông tọa trấn lại là chế độ của hoàng gia, vậy thì bức tường thành sắp xây dựng này, ắt sẽ là phương thức tiếp tục địa vị chí tôn chốn nhân gian để làm nổi bật lên Thần quyền thiên đình, trở thành công trình kiến trúc hùng vĩ với công nghệ và quy chế sánh với hoàng thành. Thế là những người thợ trên các vách đá dựng đứng bốn phía đỉnh núi, xây dựng 4 tòa thiên môn Đông, Tây, Nam, Bắc, 4 ngôi giác lâu. Vì Đạo giáo cho rằng nam thiên môn là nơi mà người câu thông với Thần, nên bịt kín 3 cửa Đông, Tây, Bắc, chỉ để lại nam thiên môn thông hành. Dưới nam thiên môn có đặt 3 cửa quỷ, Thần, người; quỷ môn không thông, Thần môn đặt làm ngự đạo hoàng gia, chỉ có nhân môn có thể qua lại bình thường, cũng là con đường du khách leo lên đỉnh núi tham quan phải đi qua.

Đến đầu năm Vĩnh Lạc thứ 22 (năm 1424), Tiên cảnh chốn nhân gian triển hiện câu chuyện Huyền Vũ tu chân, cuối cùng cũng đã hoàn thành xây dựng. Trong 5 năm này, công trình Tử Kim Thành xuyên suốt từ đầu đến cuối, mức độ khó khăn xây dựng của nó vượt xa Tử Cấm Thành trên đất bằng. Nó toàn bộ được xây dựng từ những tảng đá lớn, dựa vào thế núi mà xây xếp lên, mỗi tảng đá lớn nặng trên 1 tấn, giữa các tảng đá chỉ có một khe hở nhỏ, công nghệ cao siêu của nó không hề kém với Kim Điện ở chính giữa.

Thời cổ đại xa xưa, những người thợ làm thế nào lại vận chuyển được những tảng đá lớn nặng thế này lên đến đỉnh núi hiểm trở, và làm thế nào xây chúng thành bức tường thành vững chắc dài hơn 300 mét? Những vấn đề này khó mà giải đáp được, chúng ta ngày nay chỉ có thể đứng trên đỉnh núi này, kinh ngạc tán thán kiệt tác kính dâng cho Thần này.

Tháng 2, Thành Tổ ban chỉ dụ, căn dặn các quan chức được điều động, thăng chức rằng: “Nay công trình đã hoàn thành, đặc biệt cảnh báo các khanh thường xuyên tuần tra, thấy cung quán có chỗ thấm, rò, phải lập tức xử lý”. Là đế vương hóa thân của Huyền Vũ, mối quan tâm của Thành Tổ đối với Võ Đang không dừng lại khi công trình đã kết thúc. Sau này, việc lựa chọn Đạo sỹ Võ Đang và thờ cúng, giới luật và quản lý các Đạo phái, đều là sự vụ trọng yếu mà ông đích thân xem xét. Thành Tổ ban chỉ dụ, con cháu đời sau nối ngôi, bắt buộc phải tế lễ báo Thần Huyền Vũ, đưa truyền thống thờ phụng Huyền Vũ, tín phụng Đạo giáo của quốc gia được truyền thừa tiếp nối.

Huyền Nhạc Môn núi Võ Đang. (Ảnh: Epoch Times)

Xây dựng phường đá, Trị Thế Huyền Nhạc vang danh thế gian

Có lẽ đại công trình xây dựng Võ Đang, chấn hưng Đạo giáo là sứ mệnh trọng yếu nhất trong lòng Thành Tổ, tháng 8 vào năm mà cung quán Võ Đang hoàn thành, vị “Vĩnh Lạc đế” này cũng an nhiên khép lại đôi mắt. Nhưng những điều mà ông để lại cho Võ Đang, là sự tôn vinh vô thượng mà cả triều Minh, hầu như tất cả các vị hoàng đế đều kính phụng.

Triều Minh là thời đại rất cẩn trọng tuân theo di huấn của tổ tiên, từ sau đời Thành Tổ, mỗi vị hoàng đế lên ngôi qua các đời, quả nhiên đều phái sứ giả đến núi Võ Đang tế lễ. Do Thành Tổ đặt định ra địa vị đặc biệt của Đại Nhạc Võ Đang trong đế quốc, hầu như mỗi vị hoàng đế đều ban sắc lệnh tu sửa cung quán Võ Đang, ngôn từ các sắc lệnh này lại nhất trí đến kinh ngạc: “Chỉ cần thấy cung quán có chỗ thấm, rò, hư tổn, thì lập tức sửa chữa; hào, rãnh, đường đi có chỗ ứ tắc không thông, thì lập tức chỉnh sửa”.  Vì vậy cung quán Võ Đang trong hơn 200 năm triều Minh, cung quán Võ Đang vẫn hoàn mỹ như ban đầu, đây là thời toàn thịnh mà chưa từng có trong bất kỳ triều đại nào.

Sau 80 năm, quốc tộ truyền đến hoàng đế thứ 11 là Chu Hậu Thông, lịch sử vẫn quen gọi ông là “Thế Tông” hoặc “Gia Tĩnh đế”. Tại vị vào năm thứ 31 (năm 1552), ông giải ngân gần 10 vạn lạng bạc, ban sắc lệnh trùng tu các Thần cung Tiên quán núi Võ Đang, đồng thời ở cửa núi đầu tiên vào núi chầu bái, cho xây dựng một phường đá, ban cho tấm biển “Trị thế Huyền Nhạc”. Kiến trúc kiểu môn động Đạo giáo này, là một sáng tạo lớn sau thời Thành Tổ xây dựng Võ Đang, nó có ý nghĩa tín ngưỡng Đạo giáo của Võ Đang, có sức mạnh hưng quốc an dân.

Giống như Kim Điện, mỗi cấu kiện của phường đá đều được đúc tạc bằng đá xanh, dùng theo kết cấu ghép mộng của kiến trúc gỗ ghép nối tạo thành, cực kỳ kiên cố chặt chẽ. Trên các cấu kiện đúc dùng các kỹ thuật truyền thống như điêu khắc tròn, xuyên thành thục khắc ra các hình tường vân, Thần long, Tiên hạc, Thần Tiên v.v…, khiến phường đá không chỉ có khí thế hồn hậu cổ phác, còn có phong vận Tiên bay lượn phiêu diêu. Người đời sau coi phường đá là phân giới giữa Tiên giới và phàm giới. Các hương khách, tín sỹ, nếu vào núi dâng hương, bất kể giàu sang nghèo hèn, đến đây đều phải xuống kiệu xuống ngựa, tẩy tâm nhập tĩnh thành kính lễ Thần.

Vậy sức mạnh nào đã thúc đẩy Thế Tông tu sửa Võ Đang quy mô lớn, và lập nên một phường đá trang nghiêm như thế? Thế Tông vốn là một vị phiên vương nhỏ ở châu An Lục Hồ Bắc, ngôi vua đối với ông đúng là ảo tưởng xa lắc chẳng dám mơ tưởng đến. Nhưng một cơ duyên ngẫu nhiên, anh họ của ông là Minh Võ Tông đột nhiên băng hà ở tuổi cường thịnh, mà chưa có con nối dõi, nên ông với thân phận phiên vương ngoại tịch tất bật lên ngôi. Người Minh chuộng huyền, đất phiên cách đạo trường của Huyền Vũ trong gang tấc, Thế Tông từ nhỏ hàng năm đều theo cha vào Võ Đang lễ bái. Huyền Vũ Đại Đế trong lòng ông, có tình cảm thân thuộc như liền huyết mạch vậy.

Tại vị 45 năm, Thế Tông nhiều lần ban bố chiếu thư, dụ lệnh cho Võ Đang, quan tâm đến tất cả các sự vụ của Võ Đang, trở thành vị hoàng đế ban thánh chỉ cho Võ Đang nhiều nhất trong các hoàng đế đời Minh. Ông kế thừa di phong Thành Tổ, tôn sùng Đạo giáo, thờ phụng Huyền Vũ tột bậc, không chỉ khai sáng thịnh thế trung hưng cho triều Minh, còn đem lại cho vận mệnh Võ Đang vẻ huy hoàng của sử sách chạm khắc .

(còn tiếp)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch

Exit mobile version