Đại Kỷ Nguyên

Sự tương đồng giữa Thành Cát Tư Hãn và Alexander Đại Đế trong vai trò truyền bá văn hóa Đông Tây

Alexandre Đại Đế (Ảnh neu.vn)

Trong dòng chảy bao la của lịch sử, hiếm có anh hùng Đông Tây nào có thể xuất chúng sánh ngang Thành Cát Tư Hãn và Alexander Đại Đế.

Alexander Đại Đế (356 TCN-323 TCN) và Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), vị Đại Hãn đệ nhất của đế quốc Mông Cổ, cả hai đều có những kỳ tích chưa từng có tiền lệ trong sự nghiệp chinh phục thế giới. Nhưng ngoài đó ra, họ còn có những giá trị quan tương đồng nhau, tín ngưỡng các vị thần, và sự nhiệt thành đối với tri ​​thức văn hóa mới.

Kể từ chiến thắng đầu tiên ở tuổi 18, Alexander chưa từng thua trận chiến nào. Thông qua chinh chiến, đế chế của ông đã trở thành đế quốc lớn nhất thế giới lúc đương thời, trải dài từ biển Adriatic tới tây bắc Ấn Độ, bao trùm một diện tích hơn hai triệu dặm vuông. Nhưng ông ấy vẫn chưa hài lòng – mục tiêu mà ông muốn đạt tới là “nơi tận cùng của thế giới và biển cả”.

Alexander Đại Đế là một nhà lãnh tụ siêu phàm và đầy dũng khí. Ông luôn dẫn đầu quân sĩ. Ông coi Achilles, chiến binh Hy Lạp vĩ đại nhất mọi thời đại, là tấm gương cho mình. Ông tin rằng Thần Zeus là vua của các vị thần trên đỉnh Olympia và là cha của ông. Trong suốt mười ba năm trị vì của mình, Alexander đã đạt được nhiều danh hiệu đáng ngưỡng mộ – Vua của Macedonia, lãnh chúa của các thành bang Hy Lạp, pha-ra-ông của Ai Cập, Shah của Ba Tư (Shah là danh hiệu của quốc vương Ba Tư cổ đại) và Vương của châu Á.

Alexander coi kinh chủ nghĩa hưởng lạc, sùng thượng vinh dự và tiết chế. Ông không thích mỹ thực (nhưng rất thích mỹ tửu), và thường hào phóng thưởng cho tướng sĩ của mình.

Điều thú vị là đệ nhất đạo sư của Alexander là Aristotle. Aristotle đã rót triết lý vào tư tưởng của vị vua trẻ, và dạy ông tu từ học, hình học và thiên văn học. Ông cũng giới thiệu sử thi và y học của Homer cho Alexander, cả hai thứ đều trở thành niềm hứng thú đồng hành cùng ông trong suốt cuộc đời. Alexander là một học giả nhiệt tình và ham đọc sách. Ông ấy đã thành lập một đội ngũ gồm các nhà thực vật và động vật học. Dù chinh chiến ở đâu, ông ấy cũng thu thập các mẫu vật động vật hoang dã tại địa phương, và luôn mang theo một bản chú thích của “Iliad” (thiên anh hùng ca Hy Lạp của Homer). Không nghi ngờ gì khi nói rằng, một trong những di sản lớn nhất của ông là truyền bá văn hóa Hy Lạp ra khắp thế giới cổ đại.

Về phần Thành Cát Tư Hãn, ông có vẻ như là hóa thân của Alexander Đại Đế. Thành Cát Tư Hãn là người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ. Ngày nay, bức tượng cao 131 foot trên lưng ngựa của ông vẫn nhìn ra Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ. Ông cũng là một vị lãnh đạo siêu phàm và cuốn hút, với tài năng phi thường trên chiến trường. Khi còn trẻ, ông đã bị một người đã từng kết nghĩa huynh đệ phản bội. Nhưng sau trận thua đó, ông không hề thua một trận nào nữa.

Thành Cát Tư Hãn (Ảnh Internet)

Tương truyền, khi Thành Cát Tư Hãn xuất sinh, tay ông nắm chặt một cục máu, báo hiệu khi trưởng thành ông sẽ trở thành một anh hùng trên chiến trường. Khi ông trở thành một vị Khả Hãn, tù trưởng Tát Mãn tuyên bố ông là đại diện của vị thần tối cao của Mông Cổ, cho rằng ông là người được Thần tuyển chọn, an bài để chinh phục thế giới.

Thành Cát Tư Hãn có một đội quân cung thủ tinh nhuệ; ông đã thống nhất các bộ tộc du mục đã chiến đấu nhiều năm trên thảo nguyên Mông Cổ, chinh phục Trung Quốc và phần lớn Trung Á, kiến lập nên đế quốc lớn nhất trong lịch sử. Cuộc chinh phạt của ông đã mở đường cho cháu trai của ông, Hốt Tất Liệt, thành lập nhà Nguyên vào năm 1279.

Thành Cát Tư Hãn là một thiên tài quân sự, cũng là một nhà lãnh tụ tinh minh về phương diện dân chính. Trừ việc bổ nhiệm một số người Mông Cổ làm quan chức chủ chốt, ông cho phép các công dân của các thành bang bị chinh phục tiếp tục sinh sống như bình thường.

Ông đã kiến lập và thúc đẩy các lộ tuyến bưu chính và mậu dịch quốc tế. Ông đã hạ lệnh thiết lập một hệ thống văn tự cho người dân của mình. Ông không ngừng học hỏi, lựa chọn các chuyên gia, học giả, tướng lĩnh và thợ thủ công hàng đầu từ những nơi bị chinh phục; và vì lý do này, ông luôn mang theo quan phiên dịch trong suốt sự nghiệp chinh chiến của mình.

Ông tin rằng tích tụ quá nhiều của cải tài phú là trái đạo đức, và ông chia sẻ chiến lợi phẩm chiến tranh với những thủ hạ của mình. Ông tuyên bố bắt cóc hoặc mua bán phụ nữ là phi pháp. Vào thế kỷ 13, chính sách khoan dung tôn giáo của ông là tiên phong trong thời đại đó; do đó, dưới sự thống trị của ông, nhiều nền văn hóa ở hai lục địa Âu – Á đã được truyền bá và giao dung rộng rãi.

* * *

Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn không phải là hai lãnh tụ duy nhất có sự tương đồng, nhưng từ tín ngưỡng Thần Thánh, đến sự khát khao tri thức, và vai trò truyền bá văn hóa Đông Tây, họ có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Tất nhiên, cuối cùng họ đã không hoàn thành khát vọng hùng tâm tráng chí chinh phục toàn thế giới, nhưng ảnh hưởng của họ đã cải biến sâu sắc thế giới của chúng ta.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version