Đại Kỷ Nguyên

Quan Công treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng: Thử giải dưới góc nhìn tu luyện

Trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, câu chuyện về Quan Công treo ấn gói vàng từ giã Tào Tháo, vượt năm ải chém sáu tướng để trở về bên Lưu Bị là một điển tích hào hùng, thường được coi là biểu tượng của lòng trung nghĩa. Tuy nhiên, “Tam quốc diễn nghĩa” là một trong tứ đại danh tác của 5000 năm văn hóa Thần truyền Trung Hoa, nên nội hàm của một điển tích nổi tiếng như vậy hẳn không chỉ dừng lại ở bề mặt câu chữ. 

 “Treo ấn phong vàng giã tướng Tào
Tìm anh dấn bước dạ xôn xao…
Xông pha nghìn dặm bon chân ngựa
Xung đột năm quan múa lưỡi đao
Trời đất chứa chan lòng tiết nghĩa
Núi non lừng lẫy tiếng anh hào.
Một mình chém tướng ai đương nổi?
Để vịnh xưa nay kể xiết bao!”

Trong tứ đại danh tác, “Tây Du Ký” là tiểu thuyết có nội hàm tu luyện hiển hiện rõ ràng, nói về hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, cũng là hành trình tu luyện, trừ bỏ ma tính của con người. Trong “Hồng Lâu Mộng”, một tăng một đạo luôn giảng về cách thức tu luyện cùng phương thức độ người của Phật và Đạo, mượn Chân Sỹ Ẩn và sự giác ngộ của Giả Bảo Ngọc lúc gia đình xảy ra biến cố mà luận đàm về đời người như giấc mộng”, chỉ có tu luyện mới là ý nghĩa thật sự của kiếp người. Còn 108 vị anh hùng trong “Thuỷ Hử” cũng chính là 108 vị Tinh Túc Thần Quân chuyển thế đầu thai… Vậy thì, đằng sau những ân oán, chiến chinh của “Tam quốc diễn nghĩa” đâu đó có lẽ cũng ẩn chứa nội hàm tu luyện.

Quay trở lại câu chuyện về Quan Công treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng, vì sao có thể liên tưởng tới góc nhìn tu luyện? Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, hồi 27 có điểm hoá về điều này.

Khi Quan Công hộ tống xa trượng đi qua Huỳnh Dương, thái thú Huỳnh Dương là Vương Thực ngầm sai tùng sự Hồ Ban đem một nghìn quân vây kín chỗ nghỉ của Quan Công, đợi đến canh ba nhất tề phóng hoả thiêu chết. Nhưng khi Hồ Ban rón rén dòm qua khe cửa “thấy Quan Công tay trái vuốt râu đương ngồi dựa kỷ, chong đèn xem sách”, thì thất kinh nói: “Thực là người Trời!”. Hai chữ “người Trời” này hé lộ yếu tố phi phàm trong câu chuyện về Quan Công.

Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán

Quan Công mắc mưu quân Tào bị mất thành Hạ Phì, vốn muốn đánh nhau liều chết nhưng nghe lời phân tích của Trương Liêu thì chấp nhận quy hàng để bảo vệ tính mạng của hai chị dâu và chờ ngày đoàn tụ huynh trưởng. Tào Tháo vô cùng kính trọng trung nghĩa của Quan Công nên đặc biệt hậu đãi, “lấy lễ khách đãi Quan Công, mời đến ngồi trên; lại tặng gấm vóc và những đồ vàng bạc”. “Ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn; lại đưa mười người con gái đẹp để hầu”. Thế nhưng, Quan Công không lúc nào nguôi nhớ đến Lưu Bị, chỉ mong ngóng tìm anh.

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Tào Tháo trọng đãi Quan Công, đích thân tặng chiến bào bằng gấm.

Nếu như nói Tào doanh là chốn hồng trần với những mê hoặc của danh – lợi – tình, thì việc Quan Công hướng về Lưu Bị là ẩn dụ cho một người dẫu thân bị vùi chôn nơi thế tục nhưng tâm vẫn khát khao cầu Đạo, hướng về Thiên quốc. 

Khi nhận được tin Lưu Bị, Quan Công đã “gói hết cả các đồ vàng bạc của thừa tướng cho ngày trước, để ở trong kho. Mười người mỹ nữ để ở nhà trong, ấn Hán Thọ đình hầu thì treo ở nhà sảnh đường, những kẻ hầu người hạ của thừa tướng cắt đến đều không đem đi, chỉ mang những người tuỳ tùng cũ và hành lý tùy thân đi ra cửa bắc”. Đây phải chăng là nói một người khi đã tìm thấy chính Pháp, chính Đạo thì sẵn sàng buông bỏ mọi quyền lực, danh vọng, tiền bạc và ái tình thế gian để bước đi trên con đường tu luyện?

Quan Công đã quyết chí đi thì Tào Tháo tìm mọi cách giữ đều vô hiệu. Một người khi đã thật lòng quyết tâm tu luyện, thì không một nhân tố nào có thể níu chân được.

Hành trình phản bổn quy chân

Từ khi biết tin Lưu Bị đến lúc được đoàn tụ cùng anh, Quan Công đã trải qua một hành trình biết bao gian nan nguy hiểm. Các tướng Tào chặn đường, người thì trực tiếp lao vào đánh giết, kẻ thì vờ đón tiếp nhưng lại bày mưu gian hãm hại. Nếu như nói hành trình trở về bên anh là con đường phản bổn quy chân, thì con đường ấy quả thực vô vàn gian khó.

Quan Công từng bị thương, từng suýt chết, nhưng cuối cùng đều bình an vô sự, khi lâm nạn đều được quý nhân phù trợ. Lúc ở Nghi Thuỷ thì có lão trượng nhắc nhở nên phát hiện ra âm mưu của Biện Hỷ, kịp thời cảnh giác. Khi ở Vinh Dương thì có tùng sự Hồ Ban cảm phục uy đức của Quan Công mà vạch rõ mưu gian của thái thú Vương Thực, nên mới thoát nạn bị thiêu. Rõ ràng là, con đường tu luyện tuy có khổ có nạn, nhưng người tu luyện chỉ cần giữ tâm cho chính thì sẽ được Thần Phật bảo hộ, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. 

Trên hành trình về với Lưu Bị, tính ra Quan Công đi qua năm cửa quan, giết cả thảy sáu tướng. Trước hết nói về năm cửa quan. Trong giới tu luyện bàn về “không ở trong ngũ hành”. Theo văn hóa Thần truyền Trung Hoa, vạn sự vạn vật trong thế giới này đều cấu thành từ năm nguyên tố cơ bản là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, gọi là ngũ hành. Không ở trong ngũ hành tức là một người trong tu luyện mà đạt được thân thể kim cương bất hoại, không chịu sự chi phối của các quy luật vật chất của tầng không gian này, trường sinh bất tử. Để đạt được cảnh giới “không trong ngũ hành” thì người tu luyện phải không ngừng tu tâm dưỡng tính, trừ bỏ các chủng dục vọng.

Quan Công lần lượt vượt năm cửa quan. Cửa quan đầu tiên, trực diện đối đầu, dùng đao chém Khổng Tú, ấy là “Kim”. 

Cửa quan thứ hai, Hàn Phúc và Mạnh Thản dùng kế lấy chông chà rào kín cửa quan, đợi khi Quan Công đến, Thản ra đánh nhau rồi giả tảng thua chạy, dử cho Quan Công đuổi theo, Phúc đứng núp một nơi, lấy tên mà bắn. Chông chà và tên làm từ gỗ, tương ứng với hành “Mộc”. 

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Qua ải Đông Lĩnh, Quan Công bị trúng tên vào cánh tay.

Cửa quan thứ ba tên là Nghi Thuỷ, lại có tình tiết Phổ Tĩnh mời xơi nước, chính là “Thuỷ”.

Cửa quan thứ tư, thái thú Vương Thực dùng kế phóng hỏa định hãm hại Quan Công, ấy là “Hoả”.

Cửa quan thứ năm cũng là cửa cuối cùng, qua cửa này là sẽ sang đến đất của Viên Thiệu, tương ứng với “Thổ”.

Như vậy, năm cửa quan mà Quan Công vượt qua tương ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Quan Công vượt năm quan ải này, không còn ở trên đất của Tào Tháo là hình tượng hoá của việc người tu luyện đã không còn trong ngũ hành, siêu xuất tam giới vậy.

Tiếp theo nói về chém sáu tướng. Phật gia cũng giảng “thất tình lục dục”, chỉ bảy loại tình cảm và sáu loại dục vọng của con người cần phải tu bỏ. Lại cũng giảng “lục căn thanh tịnh”, chỉ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phải vô tư vô tà. Trong “Tây Du Ký”, sau khi Tôn Ngộ Không theo hộ vệ Đường Tăng thì đầu tiên giết sáu tên cướp (lục tặc), tên của chúng là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). Ngộ Không đánh chết sáu tên cướp này, thực ra là miêu tả hình tượng hóa về cách làm cho lục căn được thanh tịnh.

Tựu trung lại, câu chuyện Quan Công vượt qua năm cửa quan, chém sáu tướng để trở về bên Lưu Bị có một tầng hàm nghĩa chính là: người tu luyện cần xả bỏ hết thất tình lục dục, đạt đến lục căn thanh tịnh, thì cuối cùng mới có thể không còn trong ngũ hành, ra ngoài tam giới, tìm lại được chân ngã, chân tâm.

Một tình tiết đáng nói là Quan Công vượt qua năm cửa ải thì đến bờ sông Hoàng Hà, vượt sông này là sang đến đất của Viên Thiệu rồi. Trong Phật giáo vẫn giảng về bờ bên kia, cảnh giới Niết Bàn, lẽ đâu chỉ là sự trùng hợp?

Quang minh chính đại

“Tam quốc diễn nghĩa”, hồi thứ 26: 

“Quan Công xem xong thư, khóc to nói:

– Tôi không phải không muốn tìm anh, chỉ vì chẳng biết anh ở đấy, chớ đâu dám cầu phú quý mà quên lời thề cũ.

Trần Chấn nói:

– Huyền Đức mong đợi ông lắm. Ông đã không trái ước cũ, nên đi nhanh đến gặp Huyền Đức.

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Quan Công tướng mạo uy nghi, tĩnh tâm đọc sách, khiến Hồ Ban khởi tâm kính phục.

Quan Công nói:

– Làm người sinh trong trời đất, không có thuỷ chung, không phải là quân tử. Ta lúc lại đây phân minh, thì lúc ở đây đi cũng phải phân minh. Nay tôi viết thư, nhờ tiên sinh đem về cho anh tôi biết trước, để tôi từ giã Tào Tháo, sẽ đem cả hai chị về gặp anh tôi sau.

Chấn nói:

– Ngộ Tào Tháo không nghe thì làm thế nào?

Quan Công đáp:

– Ta thà chết, chớ sao chịu ở lại đây!”.

Khi nhận được tin của Lưu Bị, nếu Quan Công lẻn đi ngay trong đêm thì có thể sớm gặp anh, nhưng ông đã chọn cách làm quang minh lỗi lạc. Ông chọn đi đường chính, phân minh, dẫu con đường này sẽ lâu dài và khó khăn hơn con đường tắt. 

Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không chỉ nhảy phắt lên cân đẩu vân là có thể đến Linh Sơn, nhưng vẫn phải đi con đường đất dài dằng dặc, ma nạn trập trùng, trừ yêu diệt quái. Bởi gian nan là bản chất của tu luyện. Trong gian nan mà bồi dưỡng bản thân, trong gian nan mà lập thành uy đức. Dẫu gian nan, nhưng quang minh chính đại mới là con đường dẫn đến công thành viên mãn.

***

Trong lịch sử, Quan Công không phải là người có võ công võ lược đệ nhất, nhưng lại được các hoàng đế nhà Thanh tôn vinh là Võ thánh (sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử). Địa vị của ông trong thế giới tinh thần của người Á Đông có lẽ liên quan tới sứ mệnh mà ông đảm nhận để truyền tải văn hóa Thần truyền, dầu là trong chính sử hay tiểu thuyết. Câu chuyện về Quan Công treo ấn gói vàng, vượt năm quan trảm sáu tướng không chỉ là một thiên anh hùng ca về lòng trung nghĩa, mà còn là tấm thảm trải đường giúp con người hôm nay đến gần hơn với Chính Pháp và tu luyện.

Thanh Ngọc

Exit mobile version